Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Khám phá Sri Lanka - hòn ngọc Ấn Độ Dương: Bài 2: Vùng đất của những kho báu bí ẩn

Thứ Tư 31/05/2023 | 18:22 GMT+7

VHO- Sở hữu tới tám di sản thế giới được UNESCO công nhận, phần lớn trong số đó là những di sản của nhân loại được gìn giữ suốt hàng nghìn năm qua, Sri Lanka hội tụ những kỳ quan tuyệt đẹp mà bất kỳ người dân nào trên quốc đảo này cũng tự hào.

Sigiriya có nghĩa là tảng đá sư tử, là một pháo đài đá cổ nằm ở thị trấn Dambulla, phía Bắc quận Matale, tỉnh miền Trung Sri Lanka

Choáng ngợp ở Sigiriya- kỳ quan thế giới thứ 8

Hướng dẫn viên Dilly Rasika Batugahage, người dẫn đoàn nói với chúng tôi: “Sigiriya là địa điểm khảo cổ học ấn tượng nhất Sri Lanka với pháo đài bằng đá nằm giữa rừng xanh vô cùng kỳ vĩ. Pháo đài này được bao phủ bên ngoài với những bức bích họa khổng lồ là hình ảnh các tiên nữ. Người ta mô tả chúng là những bức họa lớn nhất hành tinh”.

Sigiriya có nghĩa là tảng đá sư tử, là một pháo đài đá cổ nằm ở thị trấn Dambulla, phía bắc quận Matale, tỉnh miền Trung Sri Lanka. Trong thời kỳ đầu của vương triều Anuradhapura, vua Dhatusena có hai người con trai là Kasyapa và Moggallana. Theo biên niên sử Sri Lanka cổ đại Culavamsa, Sigiriya đã được vua Kasyapa (477 - 495 CN) chọn làm kinh đô mới của mình. Địa điểm này cũng đã từng được các vị vua và các vị thiền sư dùng để làm nơi tu tập.

Sigiriya nằm toàn trên một cột đá khổng lồ cao gần 200 mét, đường lên dựng đứng, bám vào vách núi. Vua Kasyapa đã xây dựng cung điện hoàng gia trên đỉnh của tảng đá này và trang trí các mặt của nó bằng những bức bích họa đầy màu sắc. Ông xây dựng một cung điện hai tầng, bể bơi và hồ tròn chứa nước bằng đá granit. Truyền thuyết kể lại, đây là một trong số những lâu đài tráng lệ nhất thế giới. Người ta cũng không biết làm thế nào mà thời đó có thể xây dựng được cung điện hoành tráng như thế ở đây. Cũng có người cho rằng, công trình kỳ vĩ này được xây bởi 1 vị thần Hindu cổ đại tên là Ravana từ hàng nghìn năm trước đó. Những dấu tích Sigiriya còn đến tận ngày nay và nhiều du khách đến Sri Lanka chỉ vì mong muốn được chèo lên đỉnh tảng đá sư tử, ngắm nhìn những tàn tích từ ngàn năm trước.

Những bức bích họa khổng lồ là hình ảnh các tiên nữ ở pháo đài Sigiriya

Trên một cao nguyên nhỏ ở lưng chừng của tảng đá, vua Kasyapa đã xây dựng một cánh cổng có hình một con sư tử khổng lồ. Tên của nơi này bắt nguồn từ Sīnhāgiri, the Lion Rock (một từ nguyên tương tự như Sinhapura, tên tiếng Phạn của Singapore, thành phố Sư tử). Trước khi vua Kasyapa xây dựng kinh đô ở đây, có nhiều cách để leo lên đỉnh núi. Tuy nhiên, để đảm bảo sự an toàn của mình và sự an nguy của vương triều, ông đã cho đóng tất cả các lối vào, chỉ để lại một lối vào, có hào sâu bao quanh, dưới đó thả nhiều cá sấu. Lối vào chính hình dáng tảng đá sư tử với nghĩa là "Sinh ra để trường thọ".

Thậm chí, có những quy hoạch chuyên sâu và kỹ thuật xây dựng tiên tiến ở đây. Các nhà khảo cổ đã hết sức ngạc nhiên và bối rối vì những gì tìm thấy. Một số hệ thống thuỷ lực từ thời đó hiện vẫn cung cấp nước cho khu vực. Những khối đá cẩm thạch trắng nặng hàng tấn trên con đường dẫn lên cung điện, bể chứa nước khổng lồ trên đỉnh Sigiriya được đục từ đá granit cũng khiến nhiều người kinh ngạc.

Nhiều cấu trúc được tìm thấy trên đỉnh của Sigiriya được làm từ gạch đất sét. Có khoảng 3 triệu viên gạch được mang từ mặt đất lên đỉnh tảng đá nhưng lại không ở đâu có dấu hiệu có cầu thang. Hoàn toàn chỉ là một tảng đá trơ trọi cao 200 mét. Cầu thang bằng kim loại hiện đang có mới được xây dựng thêm từ thế kỷ trước để người dân và du khách có thể lên đỉnh chiêm ngưỡng kỳ quan này và không gian như không có thật xung quanh.

Bể chứa nước khổng lồ trên đỉnh Sigiriya được đục từ đá granit cũng khiến nhiều người kinh ngạc

Sau đó, thủ đô và cung điện hoàng gia đã bị bỏ hoang sau cái chết của nhà vua. Nó được sử dụng như một tu viện Phật giáo cho đến thế kỷ XIV. Điều đặc biệt, Sigiriya là một trong những ví dụ tiêu biểu, gìn giữ tốt nhất về quy hoạch đô thị cổ đại.

Câu chuyện mà hướng dẫn viên Dilly kể cuốn hút chúng tôi, những vị khách phương xa tới Sri Lanka. Trở thành di sản thế giới của UNESCO từ năm 1982. Mỗi ngày, Sigiriya thu hút hàng nghìn du khách từ khắp nơi trên thế giới.

Trên đường lên đỉnh Sigiriya, tôi quan sát một du khách người Australia ngồi lặng lẽ hàng giờ đọc sách bên một tàn tích cũ của hoàng cung xưa. Thỉnh thoảng, cô ngẩng lên nhìn ra phía cánh rừng bao la trước mặt, vẻ rất hài lòng với những giờ phút thư thái ở đây. Nữ du khách này nói với tôi: "Sigiriya chính là lý do để tôi tới Sri Lanka lần này". Arthur Solheil- du khách người Bỉ dẫn tôi qua những ngóc ngách trên đỉnh Sigiriya và nói đã tìm hiểu rất nhiều trước khi tới Sri Lanka. Thiên nhiên ở đây quá tuyệt vời, văn hoá thì rất độc đáo và khác biệt so với châu Âu. Trong khi đó, Juliette Rockx khách du lịch đến từ Đức lại bị cuốn hút bởi Sri Lanka vì nơi đây có lịch sử lâu đời và nhiều di tích cổ đại. “Người dân Sri Lanka có cuộc sống giản đơn, nhân hậu. Tôi muốn tìm hiểu mọi thứ vô cùng thú vị ở đất nước này và chia sẻ điều đó với những người khác”, Juliette Rockx nói.

Sigiriya chính là lý do để nữ du khách người Úc này quyết định tới Sri Lanka

Tiếng vọng ngàn xưa ở Sri Lanka

Với lịch sử kéo dài hơn 3000 năm, Sri Lanka có những thành phố cổ nổi tiếng trên thế giới như: Anuradhapura, Polonnaruwa, Kandy và Digamadulla. Bên cạnh đó là những thị trấn, cung điện, đền thờ, tu viện, bệnh viện và nhà hát huy hoàng một thời của đất nước này. Tất cả những công trình này được chạm khắc và tạo hình phức tạp từ đá, có những nơi vẫn đang còn uy nghi, sừng sững đến tận ngày nay; có những địa điểm bị bỏ hoang và lãng quên theo thời gian giữa những khu rừng rậm, cây cối cao vút. Hướng dẫn viên Dilly Rasika Batugahage nói rằng đã giới thiệu với khách về những điều này rất nhiều lần nhưng mỗi lúc có một cảm xúc khác nhau, lần nào cũng chất chứa tình yêu nước.

Nổi tiếng nhất ở Sri Lanka là tam giác văn hóa 3 thành phố Anuradhapura, Polonnaruwa và Kandy- nơi tập trung nhiều thành phố cổ, tượng đài và những cổ vật, minh chứng cho nền văn hóa cổ xưa của Sri Lanka.

Anuradhapura đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1982

Trong số tất cả các thành phố cổ của Sri Lanka, nổi tiếng nhất và tráng lệ nhất là kinh đô của Vương quốc Anuradhapura- thủ đô thứ ba và là thủ đô lâu đời nhất của Sri Lanka. Anuradhapura cách thủ đô Colombo hơn 200km do vua Pandukabhaya xây dựng năm 500 - 250 trước Công nguyên. Đây là một trong những thành phố liên tục có người ở lâu đời nhất trên thế giới; là một trong những thành phố linh thiêng nhất của Phật tử thế giới. Là thủ đô của Sri Lanka từ thế kỷ thứ IV trước Công nguyên cho đến đầu thế kỷ thứ XI, Anuradhapura nổi tiếng là một trong những trung tâm quyền lực chính trị và đời sống đô thị ổn định, sầm uất, lâu bền nhất ở châu Á.

Anuradhapura đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1982. Ngày nay, Anuradhapura vẫn còn những di tích minh chứng cho một thời Phật giáo phát triển rực rỡ ở mảnh đất này: Bảo tháp Ruwanwelisaya; cây bồ đề Sri Maha hơn 2.000 năm tuổi được chiết cành từ cây bồ đề nơi đức Phật đã đắc đạo; đền cổ Thuparama; đại bảo tháp Jetavanaramaya và đồi Mihintale- nơi khởi nguồn của Phật giáo ở Sri Lanka.

Nằm cách Anuradhapura 104km, cố đô Polonnaruwa nổi tiếng bởi cảnh quan yên lành và những dấu ấn lịch sử Phật giáo quan trọng. Gal Vihara là ngôi chùa cổ được đức vua Parakramabahu đệ nhất xây dựng vào thế kỷ thứ XII với bốn bức tượng được gọt đẽo từ một tảng đá lớn miêu tả những thời điểm ý nghĩa trong cuộc đời của đức Phật, thần thái sinh động, toát lên vẻ từ bi và thanh thản của Ngài. Nhà thánh tích hình tròn (The Vatadage) ở đây được bao bọc bởi một bức tường hình tròn với đường kính 18m, bốn cổng vào đều được trang trí những thần giữ cổng và một tảng đá mặt trăng hình bán nguyệt.

Polonnaruwa- Vương quốc cổ đại thứ hai của đất nước Sri Lanka

Polonnaruwa- Vương quốc cổ đại thứ hai của đất nước Sri Lanka tự hào về hệ thống thủy lợi vượt trội hơn nhiều so với Vương quốc Anh. Thậm chí, Polonnaruwa vẫn cung cấp nước tưới tiêu cho nông dân vùng xung quanh. Digamamadulla, vương quốc phía Đông của Sri Lanka lại là thủ đô nông nghiệp, và tinh thần của đất nước trong thời Vương quốc Anuradhapura.

Thành phố linh thiêng Kandy là kinh đô cuối cùng của các vị vua vương quốc Tích Lan. Kandy có rất nhiều di sản văn hóa Phật giáo và là thành phố quan trọng về mặt tâm linh của người dân Sri Lanka. Nổi bật nhất ở Kandy là chùa Sri Dalada Maligawa (chùa Răng Phật), nơi linh thiêng và đáng kính nhất của cộng đồng Phật giáo Sri Lanka và thế giới, được cho là đang cất giữ xá lợi răng của đức Phật. Ngôi chùa được xây dựng năm 1595 và được trang trí bằng những chạm khắc tinh xảo từ vàng, bạc, đồng, ngà voi. Nằm trong khu phức hợp cung điện hoàng gia của cựu Vương quốc Kandy, từ xa xưa, Sri Dalada Maligawa đã đóng vai trò quan trọng trong nền chính trị địa phương vì người ta tin rằng, bất cứ ai nắm giữ di tích này cũng giữ được quyền cai trị đất nước. Cho đến nay, mỗi ngày có tới hàng nghìn tín đồ trong và ngoài nước cũng như khách du lịch tới đây chiêm bái. Chùa Sri Dalada Maligawa đã được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1988.

Vương quốc cuối cùng Kandy cũng là một minh chứng cho khả năng vực dậy và vươn lên từ đống tro tàn của người Sri Lanka. Sau khi bị đốt cháy và tàn phá hơn ba lần bởi quân xâm lược Bồ Đào Nha, Vương quốc Kandyan vẫn còn giữ những ngôi nhà, cung điện và đền thờ được chạm khắc và xây dựng đẹp mắt được bảo tồn trong gần 500 năm.

Thành phố linh thiêng Kandy là kinh đô cuối cùng của các vị vua vương quốc Tích Lan

Văn hóa Sri Lanka bao gồm rất nhiều phong tục và nghi lễ, có niên đại được lưu truyền hơn 2.000 năm. Đảo quốc này có rất nhiều lễ hội, phản ánh các giá trị văn hóa của người dân Sri Lanka. Bắt đầu từ tháng Giêng có lễ hội trăng tròn (poya), ngày lễ của người theo đạo Phật. Lễ hội năm mới Sinhala- Tamil vào tháng 4 là lễ hội văn hóa quan trọng nhất, đánh dấu sự bắt đầu của năm mới và kết thúc mùa thu hoạch. Sri Lanka cũng tổ chức lễ Phật đản vào rằm tháng 5.

Lễ hội hướng tới khách du lịch nhiều nhất là Kandy Esala Perahera vào tháng 7- 8. Kala Pola và lễ hội văn học Galle là 2 sự kiện rất phổ biến trong lịch của người dân Sri Lanka. Ở đó, chào đón tất cả những độc giả và nhà văn tầm cỡ thế giới đến từ khắp nơi tụ hội về. 

“Ở Sri Lanka, 85% người dân theo Phật giáo. Vì thế, tôn giáo này có ảnh hưởng sâu sắc đến chính trị, xã hội và văn hóa của Sri Lanka trong hàng nghìn năm lịch sử. Sri Lanka có nền văn hóa phong phú và độc đáo, được hình thành từ sự tương tác giữa các nền văn hóa truyền thống là văn hóa của người Sinhala và Tamil với các nền văn hóa, tôn giáo của Ấn Độ, các nước phương Tây”, Dilly Rasika Batugahage tự hào nói với chúng tôi.

Buổi chiều ở thành phố Kandy thanh bình du khách và người dân Sri Lanka đi chân trần vào chùa Sri Dalada Maligawa để hành lễ

Sri Lanka là đất nước có lịch sử Phật giáo duy trì lâu dài nhất, hơn bất kỳ một đất nước Phật giáo nào. Những ngôi đền cổ hàng thế kỷ rải rác khắp đất nước, nắm giữ một phần lịch sử Sri Lanka và thường có kiến ​​trúc đầy cảm hứng vượt xa thời đại của họ. Đáng chú ý hơn cả là chùa Răng Phật, chùa Gangaramaya, đền Dambulla, đền Pidurangala,…

Phật giáo và những triết lý Phật giáo đã thấm đẫm trong đời sống, cách nghĩ và tính cách của con người ở Sri Lanka. Trong muôn vàn những biến động của đất nước, người Sri Lanka vẫn giữ được sự điềm tĩnh, nhẫn nhịn và đương đầu với khó khăn. Họ thuần hậu, hiền hòa, yêu thiên nhiên.

Buổi chiều ở thành phố Kandy thanh bình, chúng tôi hòa vào dòng người mặc váy áo trắng, đi chân trần vào chùa Sri Dalada Maligawa để hành lễ. Từng đoàn học sinh ngoan ngoãn cùng thầy cô chắp tay, mỗi người thành kính cầm trên tay mình bông hoa súng, tràng hoa nhài hay những búp sen trắng muốt để dâng lên đức Phật.

Tôi thấy vô cùng hạnh phúc và mãn nguyện vì chuyến đi giá trị của mình. Chuyến đi mà nơi nào tôi đến cũng ăm ắp tri thức, thanh tịnh trong tâm hồn và đậm đặc màu sắc văn hoá địa phương.

Ghi chép của THÚY

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top