Cuộc thi cầu vượt Hộ Thành Hào nối Thượng thành, Kinh thành Huế: Không còn là “cuộc thi ý tưởng”!

VHO- Cuộc thi về ý tưởng thiết kế cầu đi bộ vượt Hộ Thành Hào nối Thượng thành (Kinh thành Huế) đã nhận được sự quan tâm lớn của các nhà chuyên môn và cộng đồng dư luận. Ban Tổ chức cũng khẳng định rằng đây chỉ là ý tưởng, và để được thực hiện là một hành trình rất dài.

Cuộc thi cầu vượt Hộ Thành Hào nối Thượng thành, Kinh thành Huế: Không còn là “cuộc thi ý tưởng”! - Anh 1

 Các nhà chuyên môn tìm hiểu các phương án dự thi Ý tưởng thiết kế cầu đi bộ vượt Hộ Thành Hào nối Thượng thành

Kinh thành Huế là di tích quốc gia đặc biệt, là di sản văn hóa thế giới được UNESCO vinh danh từ năm 1993, chính vì thế, khi tỉnh Thừa Thiên Huế đưa ra đề xuất xem xét, nghiên cứu xây dựng cầu từ đường Trần Huy Liệu vượt qua Hộ Thành Hào để nối Thượng thành, ngay lập tức nhận được sự quan tâm và nhiều luồng ý kiến khác nhau của giới chuyên môn và dư luận.

Nên có Hội đồng chuyên môn

Đặc biệt, mới đây khi Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và UBND TP Huế tổ chức và trao giải cho cuộc thi ý tưởng thiết kế cầu đi bộ vượt Hộ Thành Hào nối Thượng thành, vấn đề này càng được “hâm nóng” hơn.

Nhắc lại giá trị lịch sử và chức năng vốn có của Kinh thành Huế, TS Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, rút kinh nghiệm từ các vụ việc ở di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà (Bắc Giang) và di tích quốc gia Đền Và (Sơn Tây, Hà Nội) đã bị dư luận phản ứng dữ dội, địa phương cần phải rất thận trọng khi tính đến phương án xây dựng cầu vượt đi bộ. Và quan trọng hơn là di tích Kinh thành Huế đang bị chi phối bởi Công ước Di sản thế giới. Nếu những dự án phục vụ cho đô thị, đi lại do cá nhân hoặc cộng đồng tổ chức xây dựng mà ảnh hưởng đến di sản thì Ủy ban Di sản thế giới sẽ xem xét đưa ra khỏi danh sách. Bởi vậy, nếu như ý tưởng, phương án xây cầu vượt được Chính phủ thông qua và đệ trình xin ý kiến UNESCO thì sẽ dễ hơn, nhưng để triển khai được thì sẽ mất rất nhiều thời gian.

Cuộc thi cầu vượt Hộ Thành Hào nối Thượng thành, Kinh thành Huế: Không còn là “cuộc thi ý tưởng”! - Anh 2

 Phương án MA179 của tác giả Nguyễn Minh Anh đến từ Hà Nội được Ban Tổ chức trao giải Nhất

Cũng theo TS Phan Tiến Dũng, cổng thành đi vào Kinh thành Huế được kết hợp cả ba yếu tố: Tường thành, hệ thống lan can cùng các vọng lâu, và những cầu đá bắc qua Hộ Thành Hào. Đây là những điểm nhấn hội tụ tất cả cảnh quan của kiến trúc và cây xanh, có quy mô khá đồ sộ. Đồng thời, điều kiện thời tiết mưa nắng ở Huế rất khắc nghiệt, nên đơn vị chuyên môn cần tính toán và cân nhắc kỹ khi xây dựng phương án. “Tôi kiến nghị, tỉnh Thừa Thiên Huế cần thành lập hội đồng chuyên môn mang tầm quốc gia với sự tham gia của đại diện Bộ VHTTDL, Bộ Xây dựng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam… Những thành viên của hội đồng sẽ tư vấn cho chúng ta biết nội dung nào được, vấn đề nào chưa được để có cơ sở đặt ra những tiêu chí cho phương án thiết kế cầu vượt Hộ Thành Hào nối Thượng thành. Đây là vấn đề từng được đưa ra bàn thảo nhiều năm rồi, nên việc có hội đồng chuyên môn của cấp Bộ, ngành Trung ương xem xét, tư vấn thì sẽ thuận lợi khi trình phương án trước Chính phủ và xa hơn nữa là UNESCO”, ông Dũng nói.

Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề cập, cuộc thi mà Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và UBND TP Huế vừa tổ chức chỉ mới là ý tưởng, và những tiêu chí chỉ dừng lại ý tưởng chung chung, chưa phải là tiêu chí cụ thể để thiết kế và hiến kế cho phương án xây dựng cầu vượt đi bộ trong thực tiễn nên khó thực hiện.

 Tôi kiến nghị, tỉnh Thừa Thiên Huế cần thành lập hội đồng chuyên môn mang tầm quốc gia với sự tham gia của đại diện Bộ VHTTDL, Bộ Xây dựng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam… Những thành viên của hội đồng sẽ tư vấn cho chúng ta biết nội dung nào được, vấn đề nào chưa được để có cơ sở đặt ra những tiêu chí cho phương án thiết kế cầu vượt Hộ Thành Hào nối Thượng thành.

Đây là vấn đề từng được đưa ra bàn thảo nhiều năm rồi, nên việc có hội đồng chuyên môn của cấp Bộ, ngành Trung ương xem xét, tư vấn thì sẽ thuận lợi khi trình phương án trước Chính phủ và xa hơn nữa là UNESCO.

(TS PHAN TIẾN DŨNG, Chủ tịch Hội KH lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế)

Còn cả hành trình dài

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, sau cuộc thi này, Trung tâm sẽ tổng hợp các nội dung phương án, những đóng góp của các thành viên Hội đồng giám khảo cũng như các chuyên gia văn hóa, kiến trúc sư…, có báo cáo tổng thể gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế để tỉnh có những định hướng chỉ đạo tiếp theo.

Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng khẳng định rằng, đây chỉ là cuộc thi về ý tưởng thiết kế, còn việc để triển khai được hay không còn là một hành trình dài. Ý tưởng đoạt giải Nhất của cuộc thi không phải nhất định sẽ là phương án được chọn để báo cáo các cấp có thẩm quyền, mà còn phải lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, sự đồng thuận của cộng đồng dân cư địa phương. Sau khi UBND tỉnh thông qua phương án tối ưu, còn phải xin ý kiến Bộ VHTTDL thẩm định, sau đó báo cáo, trình Chính phủ và UNESCO.

Trong tổng số 64 phương án dự thi, các tác giả đã có những góc nhìn đa dạng, có sự sáng tạo độc đáo nhưng cũng không ít những tác phẩm sáng tạo lại không tương thích với không gian di sản, không có tính khả thi. Có 7 tiêu chí mà Ban Tổ chức đưa ra thì vấn đề cốt lõi và quan trọng nhất chính là phải hài hòa trong không gian di sản và phải mang tính khả thi cao. Nhưng theo nhận định của nhiều nhà chuyên môn, điều này vẫn chưa đạt được “độ chín” của nó. Theo ông Nguyễn Văn Cao, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Hội Xây dựng tỉnh, cũng là một trong 8 thành viên Ban Giám khảo cuộc thi: Tính khả thi ở đây không chỉ về kết cấu, vật liệu mà khả thi là dễ được sự chấp thuận của UNESCO, chính vì thế phải hạn chế tối đa tác động vào di sản. Có thể, những ý tưởng sáng tạo đó khi đặt tách rời khỏi di tích thì sẽ là phương án được chọn.

Cuộc thi cầu vượt Hộ Thành Hào nối Thượng thành, Kinh thành Huế: Không còn là “cuộc thi ý tưởng”! - Anh 3

 Sơ đồ hướng tuyến cầu đi bộ vượt Hộ Thành Hào nối Thượng thành Ảnh: BAN TỔ CHỨC

Tác giả Nguyễn Minh Anh, đến từ Hà Nội với phương án MA179 đã nhận được giải Nhất của cuộc thi. Tác giả đã chia sẻ rằng, với định hướng thiết kế kiến trúc vô hình, và lắp ráp theo module nên qua thời gian dài vẫn rất dễ dàng tháo lắp. Cây cầu đơn giản, hòa mình vào thiên nhiên và điểm giáp với mặt tường thành là một lồng kính, lấy ý tưởng từ kiến trúc của các cửa thành. Trong lồng kính này là các lối bậc thang lên xuống Thượng thành. Trên các vách kính sẽ khắc những câu thơ của các bậc tiền nhân. “Ý tưởng của chúng tôi hạn chế tối đa sự tác động vào di sản. Thực tế là khi nhận đề tài, tôi đã dành nhiều thời gian để bàn thảo so với việc bắt tay vào vẽ. Bởi lẽ, ý tưởng dự thi không còn đơn thuần là đề xuất phương án về kiến trúc, mà còn là giải pháp quy hoạch giao thông và quan trọng nhất là gắn với hệ thống di sản Kinh thành Huế”, tác giả Nguyễn Minh Anh kể.

Theo đại diện Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, trước khi tổ chức cuộc thi này, đơn vị cũng đã tham khảo và nghiên cứu những thông tin liên quan về việc các khu di tích, di sản thế giới của một số quốc gia đã xây dựng cầu đi bộ phục vụ du khách. Chẳng hạn như cầu nổi qua sông ở di tích Ăngkok (Campuchia); cầu đi bộ băng qua một khu phố cổ Katong, Singapore; cầu vượt đi bộ dẫn vào chùa Sule ở TP Yangoon (Myanmar); cầu vượt kênh đi vào ngôi đền Wat Benchamabophit ở Bangkok (Thái Lan); cầu dân sinh phục vụ du lịch băng qua khu di tích của người Choang ở Tam Giang, Quảng Tây (Trung Quốc); đường đi bộ trên bức tường của cổng Wumen Maridan ở Tử Cấm Thành, Bắc Kinh (Trung Quốc)… Tuy nhiên, để thực hiện đều phải tuân theo trình tự, có sự đồng thuận của nhân dân và các cấp thẩm quyền. Cuộc thi lần này của Trung tâm cũng là một bước để xem xét, đón nhận những ý kiến của cộng đồng. 

 Từng bị bác đề xuất mở rộng cầu qua Ngự Hà

Ông Nguyễn Văn Cao, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, cách đây khoảng 7 năm, tỉnh đã từng họp bàn về vấn đề giải quyết áp lực giao thông ở khu vực Cửa Ngăn. Tại thời điểm ấy có nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó cũng đưa ra ý tưởng làm cây cầu vượt đi bộ vừa thuận lợi cho du khách, phục vụ cộng đồng nhân dân địa phương nhưng cũng đảm bảo bảo vệ, phát huy di sản Huế. Thậm chí có đề xuất rất táo bạo là đục xuyên thành, mở lối đi song song với đường Cửa Ngăn hiện tại. Nhưng vì luật không cho phép nên chúng tôi dừng lại.

Nhiều năm trước đã xảy ra tình trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng ở khu vực cầu Vĩnh Lợi và cầu Kho (2 cầu bắc qua Ngự Hà, Kinh thành Huế). Tỉnh đã nghiên cứu mở rộng cầu bằng một con đường giống với kiểu dáng kiến trúc như vốn có của công trình, và đã được bố trí nguồn vốn. Tuy nhiên khi đưa ra phương án thì bị Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam bác ngay lập tức, bởi các cầu cổ đó được xem là nghệ thuật đỉnh cao làm cầu cống thời Nguyễn.

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc