Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Bạn trẻ tìm về “Thanh âm nguồn cội”

Thứ Hai 22/05/2023 | 16:00 GMT+7

VHO- Để tạo sân chơi cho các bạn trẻ yêu thích âm nhạc dân tộc, vừa qua, Nhà Văn hoá Sinh viên TP.HCM phối hợp cùng Trường Đại học Sư phạm TP.HCM đã tổ chức Liên hoan vọng cổ và các ca khúc mang âm hưởng dân ca 2023 với chủ đề “Thanh âm nguồn cội”. Liên hoan đã thu hút sự quan tâm, tham gia của hơn 200 học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố.

Các thí sinh đầu tư kỹ lưỡng trong từng tiết mục dự thi

Sức trẻ nhiều kỳ vọng

Liên hoan vọng cổ và các ca khúc mang âm hưởng dân ca 2023 với chủ đề “Thanh âm nguồn cội” nhằm chào mừng Đại hội, Hội nghị Hội sinh viên Việt Nam các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM lần VII và Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần XI (nhiệm kỳ 2023 – 2028). Đây cũng là hoạt động nhằm thực hiện chương trình “Âm nhạc dân tộc học đường” trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM lần VI (nhiệm kỳ 2020 – 2023). Bên cạnh đó, với mục đích tạo điều kiện cho sinh viên nâng cao văn hóa thưởng thức, tiếp cận với các thể loại âm nhạc dân tộc, duy trì các hoạt động âm nhạc dân tộc trong mỗi trường học. Liên hoan năm nay đã thu hút hơn 100 tiết mục dự thi đến từ 30 trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tại thành phố và được chia làm 2 bảng dự thi (bảng A: vọng cổ, tân cổ giao duyên; bảng B: các ca khúc mang âm hưởng dân ca).

Trải qua vòng sơ khảo, Ban tổ chức đã chọn ra 25 tiết mục xuất sắc nhất tranh tài vòng chung kết trong đêm 19.5 vừa qua. Trưởng phòng văn hóa nghệ thuật, Nhà Văn hóa Sinh viên TP.HCM, anh Vòng Trong Minh cho biết: “Liên hoan giúp học sinh, sinh viên tìm hiểu về vọng cổ, trích đoạn cải lương và các ca khúc mang âm hưởng dân ca, góp phần khuyến khích niềm đam mê và là cơ sở để hình thành các câu lạc bộ, đội, nhóm, tạo ra những sân chơi về âm nhạc dân tộc trong môi trường sư phạm. Theo đó, ở mỗi bảng, ban tổ chức đã trao giải Vàng, Bạc, Đồng và triển vọng cho các thí sinh có tiết mục xuất sắc”.

Tiết mục Sa mưa giông của thí sinh Nguyễn Mỹ Duyên giành giải Vàng thuyết phục

Trải qua gần 4 tiếng tranh tài, với sự công tâm của hội đồng ban giám khảo, liên hoan đã tìm ra những gương mặt đầy triển vọng và xuất sắc nhất. Cụ thể, ở bảng A vọng cổ, tân cổ giao duyên: Giải vàng thuộc về Nguyễn Mỹ Duyên (Trường Đại học Văn hoá TP.HCM); Giải bạc thuộc về Nguyễn Hồng Bảo Ngọc (Nhạc viện TP.HCM); Giải đồng thuộc về Phạm Nguyên Chương (Trường Đại học Sư phạm TP. HCM). Ở bảng B ca khúc mang âm hưởng dân ca: Giải vàng thuộc về Nguyễn Thị Truân (Trường Đại học Sư phạm TP.HCM); Giải bạc thuộc về Nguyễn Thị Huyền Trang (Trường Đại học Văn hoá TP.HCM); Giải đồng thuộc về Hà Mai Thảo (Trường THPT Nguyễn Hiền).

Với tiết mục Sa mưa giông và giành chiến thắng đầy thuyết phục, bạn Nguyễn Mỹ Duyên hào hứng chia sẻ: “Em rất vui và tự hào khi có được thành tích không chỉ cho bản thân mà còn cho ngôi trường Đại học Văn hóa. Đối với em, Liên hoan vọng cổ và các ca khúc mang âm hưởng dân ca là một sân chơi rất bổ ích dành cho các bạn sinh viên, nhất là khi dòng nhạc này đang được ít người trẻ hướng đến. Qua đây, chúng em không chỉ được giao lưu, học hỏi mà còn lan tỏa được những giá trị của âm nhạc truyền thống đến với nhiều bạn trẻ hơn nữa. Vì thế, ngoài việc học chuyên ngành, thì  em cũng đang học hỏi thêm về nghệ thuật cải lương và đờn ca tài tử, em mong muốn mình sẽ là một trong những hạt nhân của thế hệ trẻ nối tiếp và duy trì bảo tồn nền âm nhạc dân tộc nước nhà”. Dù không được thành tích cao, nhưng thí sinh nhỏ tuổi nhất Nguyễn Gia Cát Long (THPT Nguyễn Hữu Huân) vẫn tràn đầy niềm vui, em chia sẻ: “Em say mê cải lương từ khi còn bé qua những lần đến nhà ông bà chơi. Từ đó em tự mày mò và hát theo các cô chú nghệ sĩ, dù không qua trường lớp đào tạo nào. Em đến đây để chứng mình với các bạn cùng trang lứa, chỉ cần mình đủ đam mê thì sẽ làm được, làm được ở đây không phải là đạt được thứ bậc cao mà là chiến thắng được bản thân mình. Và chắc chắn sau cuộc thi này, em sẽ cố gắng trau dồi kỹ năng nhiều hơn và sẽ tiếp tục quay trở lại vào lần gần nhất”.

Lan tỏa tình yêu với âm nhạc truyền thống

Có thể thấy, xã hội phát triển cùng với hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc nhiều loại hình âm nhạc hiện đại du nhập vào nước ta khiến giới trẻ bị cuốn theo, âm nhạc truyền thống bị lép vế là điều đang hiện hữu. Tuy nhiên, khi phần đông giới trẻ đang chạy đua theo những xu hướng âm nhạc hiện đại thì đâu đó vẫn còn những người trẻ khác lặng lẽ tìm về với những tình khúc, giai điệu xưa cũ. Bởi lẽ mỗi dòng nhạc đều có cái hay riêng. Họ vẫn đang say mê tiếp nối gìn giữ và phát triển âm nhạc truyền thống của dân tộc, cụ thể qua nhiều lần tổ chức Liên hoan vọng cổ và các ca khúc mang âm hưởng dân ca vẫn được “nối dài sức sống” và ngày càng thu hút nhiều thí sinh hơn. Việc “đánh thức” tình yêu âm nhạc truyền thống cho người trẻ là điều cần thiết và sẽ dễ dàng hơn khi chính người trẻ làm điều ấy. Bởi, thay vì sử dụng các từ chuyên ngành còn quá mới mẻ, xa lạ thì người trẻ sẽ ách truyền tải dễ hiểu nhất, có lẽ vì thế mà các buổi biểu diễn của họ đều diễn ra trong không khí sôi nổi, hào hứng.

2 thí sinh giảnh giải Vàng của  Liên hoan vọng cổ và các ca khúc mang âm hưởng dân ca 2023

Soi chiếu vào Liên hoan vọng cổ và các ca khúc mang âm hưởng dân ca năm nay, có thể thấy các thí sinh đã mạnh dạn hơn trong việc chọn tác phẩm dự thi của mình, đặc biệt là đầu tư về phần biểu diễn. Càng vui mừng hơn khi độ tuổi đăng ký dự thi ngày càng được trẻ hóa, có nhiều thí sinh đến từ các trường cấp ba trên địa bàn thành phố, còn với sinh viên đa phần các bạn đều là năm nhất. Trưởng ban giám khảo cuộc thi, NSƯT Huỳnh Khải đánh giá cao về dàn thí sinh năm nay, ông cho biết: “Được vào vòng chung kết, 24 bạn có mặt trong đêm nay đã nỗ lực hết mình để vượt qua hơn 200 bạn thí sinh từ vòng loại. Các bạn đã rất chăm chút và vô cùng tâm huyết với từng phần dự thi, điều đó thể hiện ở việc chọn bài ca rất phong phú, với nội dung đa dạng như yêu quê hương Tổ quốc, yêu gia đình, bạn bè, đồng đội nhắc nhở truyền thống của người Việt Nam qua bao năm dựng nước và giữ nước. Qua đó, nêu cao tinh thần bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam để có được ngày hôm nay. Về mặt nghệ thuật, mặc dù các bạn chưa được học hoặc học ít về các kỹ thuật biểu diễn sân khấu, nhưng chính vì các bạn rất yêu thích dòng nhạc truyền thống nên phần biểu diễn rất tự tin và có những bài thể hiện cảm xúc rất tốt. Hy vọng những năm sau các bạn sẽ tiếp tục phát huy để hội thi hay hơn nữa, gắn liền với thế hệ thanh niên trẻ nhưng vẫn phát huy được truyền thống, nhớ về cội nguồn”.

Rõ ràng, dòng chảy âm nhạc không ngừng chuyển động theo cuộc sống, xu hướng thời đại. Nhưng dòng chảy âm nhạc dân tộc vẫn luôn ghi dấu, chạm đến trái tim người nghe. Và chính thế hệ trẻ là yếu tố then chốt trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc nói riêng và các giá trị truyền thống của đất nước nói chung. Vì vậy, ngay từ bây giờ, việc “đánh thức” tình yêu âm nhạc truyền thống là điều cần thiết, từ các sân chơi, các cuộc thi, các buổi biểu diễn… sẽ góp phần ươm mầm cảm thụ cho người trẻ.

Bài, ảnh: HỒNG HẠNH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top