Phát huy di sản Thành An Thổ

VHO- Thành An Thổ từng là trung tâm hành chính của chính quyền phong kiến tỉnh Phú Yên và là nơi sinh của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta. Hiện nay, ngành Văn hóa tỉnh Phú Yên cùng các cơ quan chức năng đang nỗ lực tập trung bảo tồn và thực hiện các giải pháp nhằm phát huy giá trị văn hóa, lịch sử cũng như thúc đẩy phát triển du lịch tại di tích này.

Phát huy di sản Thành An Thổ - Anh 1

 Nhà trưng bày bổ sung di tích Thành An Thổ, nơi sinh đồng chí Trần Phú

 Thành xưa, tích cũ…
Theo hồ sơ di tích, Thành An Thổ (thuộc thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) nằm ở khu vực hạ lưu Sông Cái (Sông Ngân Sơn), có chu vi khoảng 1.360m. Thành có 4 cổng Tiền, Hậu, Hữu, Tả mở theo 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc; cổng chính nhìn ra hướng Đông. Thành An Thổ được xếp hạng là Di tích khảo cổ quốc gia vào 2005. Vào năm 2011, khu di tích này được UBND tỉnh Phú Yên đầu tư xây dựng trên khuôn viên gần 1.200m2. 
Dấu tích dễ nhận thấy nhất của Thành An Thổ là hào nước xung quanh thành với độ rộng hẹp nhiều chỗ khác nhau. Phần hào nước ở bờ thành phía Đông và phía Tây nay biến thành ruộng lúa. Hào phía Nam và phía Bắc độ sâu từ 2-3m, một số chỗ sâu đến 4m. Theo lời kể của một số cụ cao niên ở thôn An Thổ, trước đây hào nước quanh thành sâu hơn hiện nay rất nhiều. Dưới đáy hào là một lớp bùn dày, nơi đó đặt hệ thống chông tre hoặc chông sắt. Phía ngoài hào trồng tre thành lũy dày, tạo nên hệ thống phòng thủ hữu hiệu trong thành.
Ngoài ra, cửa Tiền, cửa Tả, cửa Hữu hiện còn sử dụng. Đó là các con đường liên thôn đi từ Bình Hòa qua cửa Hữu và Tả đến thôn Bình Chánh; một con đường khác nối từ Thành An Thổ đi qua cửa Tiền để đến thôn Long Uyên. Cửa Hậu chỉ còn một lối mòn vừa đủ một người qua. Những công trình phụ trợ xung quanh khu vực thành An Thổ như: Gò Tượng, Xóm ngựa... còn tồn tại dưới dạng phế tích. Chỉ có chợ Thành hiện nay còn hoạt động.

Phát huy di sản Thành An Thổ - Anh 2

 Hình ảnh, tư liệu về đồng chí Trần Phú được trưng bày tại khu di tích Thành An Thổ

Những hiện vật được phát hiện sau khi khai quật khảo cổ vào năm 2008 cũng được trưng bày tại Nhà trưng bày của khu di tích Thành An Thổ. Trong đó có các hiện vật như chén bát bằng chất liệu gốm Bát Tràng, gốm Quảng Đức có niên đại từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Đồng thời còn có một số vật dụng khác được làm từ đất nung và các chất liệu cổ xưa được phát hiện tại khu di tích này. 
Di tích Thành An Thổ cũng là nơi sinh của đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta. Những hình ảnh, hiện vật về gia đình và sự nghiệp của đồng chí Trần Phú được trưng bày tại tầng 2 Nhà trưng bày của khu di tích Thành An Thổ. Trong đó có sơ đồ phả hệ tiểu chi họ Trần từ đời 15 đến đời 18 dòng trực tiếp của đồng chí Trần Phú; một số bài thơ của bạn tù chính trị khi biết đồng chí Trần Phú hy sinh; các tờ báo, văn bản ghi lại quá trình học tập, hoạt động cách mạng và tù đày của đồng chí Trần Phú… Còn lại là khu vực trưng bày còn có hình ảnh về những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của huyện Tuy An và tỉnh Phú Yên.
Bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch
Hiện nay, vùng đất của Thành An Thổ xưa đang trên đà phát triển, cuộc sống đổi thay từng ngày. Xã An Dân cùng với 13 xã trên địa bàn huyện Tuy An đã được UBND tỉnh Phú Yên công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. 
Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, di tích Thành An Thổ có giá trị văn hóa, lịch sử rất to lớn và ý nghĩa. Hằng năm, nhân ngày sinh của đồng chí Trần Phú, UBND huyện Tuy An và UBND tỉnh Phú Yên tổ chức lễ kỷ niệm tại khu di tích, thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân trong và ngoài tỉnh về tham dự. Địa phương cũng thường xuyên tổ chức cho các trường học đưa học sinh đến đây tham quan, tìm hiểu văn hóa lịch sử. 

Phát huy di sản Thành An Thổ - Anh 3

 Dấu tích nền móng tòa nhà chính (tòa công đường) của Thành An Thổ

Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở VHTTDL Phú Yên cho biết: Thành An Thổ là trung tâm chính trị của tỉnh Phú Yên trong thế kỷ XIX. Đây là nơi sinh của đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta, cũng là nơi gắn liền với cuộc khởi nghĩa Cần Vương của Lê Thành Phương chống Pháp trên đất Phú Yên. Vào năm 2011, di tích Thành An Thổ được tu bổ, tôn tạo thành nơi lưu giữ những dấu tích của Thành An Thổ, trưng bày các hiện vật phát hiện sau khai quật khảo cổ di tích vào năm 2008 và trưng bày hình ảnh, hiện vật về gia đình, sự nghiệp của đồng chí Trần Phú.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái, trong những năm qua, Ban Quản lý di tích tỉnh Phú Yên thường xuyên duy tu, bảo dưỡng di tích bằng nguồn thu phí tham quan của các di tích khác. Hiện nay, Sở VHTTDL đang triển khai thực hiện dự án bảo dưỡng, sửa chữa di tích khảo cổ Thành An Thổ với kinh phí hơn 1,5 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Dự án này dự kiến hoàn thành trong năm 2023 để phục vụ Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú (1.5.1904 - 1.5.2024).
“Từ khi di tích Thành An Thổ được tu bổ, tôn tạo đã thu hút được khách tham quan, dâng hương, về nguồn, giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ. Theo thống kê, từ năm 2020 - 2022, Ban Quản lý di tích tỉnh ghi nhận có hơn 22.000 lượt khách tham quan di tích Thành An Thổ”, bà Thái nói và cho biết thêm, thời gian tới, Thành An Thổ sẽ được UBND huyện Tuy An tiếp nhận quản lý, Sở VHTTDL sẽ tiếp tục phối hợp, đồng hành cùng UBND huyện phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của di tích Thành An Thổ. Đồng thời, phối hợp với UBND huyện này kết nối khu di tích Thành An Thổ với các địa điểm khác như danh thắng Gành Đá Đĩa, Hòn Yến, nhà thờ Mằng Lăng, chùa Đá Trắng, địa đạo Gò Thì Thùng… để tạo thành chuỗi du lịch văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. 

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc