Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Sống mòn trong nhũng biệt thự cũ ở Hà Nội (Bài 3): Phải thấm tư duy văn hóa trong quản trị đô thị

Thứ Sáu 12/05/2023 | 10:37 GMT+7

VHO-  Nhận thức giá trị của những biệt thự cũ trong quỹ di sản kiến trúc đô thị, gần 30 năm qua, Hà Nội đã đưa ra nhiều phương án bảo tồn, phát huy giá trị của hệ thống đồ sộ những công trình kiến trúc này.

 Nghịch lý ở nhà biệt thự 65 Nguyễn Thái Học (quận Ba Đình) khi người dân tầng 2,3 không được phép sửa chữa thì tầng 1 lại được cải tạo mới hoàn toà

Tuy nhiên, trong số 1.216 biệt thự hiện có, chỉ mới duy nhất một biệt thự ở 49 Trần Hưng Đạo được đầu tư trùng tu một cách bài bản. Số còn lại sẽ là bài toán nan giải, nếu như Hà Nội không có những quyết sách và chiến lược tổng thể.

Luôn có những "bí mật"...

Trải qua nhiều lần rà soát, thống kê, lập danh mục nhà biệt thự xây dựng trước năm 1954, số biệt thự được Hà Nội đưa vào danh sách giảm dần từ 1.540 biệt thự năm 2011 xuống còn 1.253 biệt thự năm 2013, và đến năm 2022, số biệt thự trong danh mục là 1.216. Hà Nội cũng ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ. Thế nhưng, hầu như việc trùng tu, cải tạo các nhà biệt thự thời gian qua đã không được thực hiện, sự xuống cấp ngày càng nặng nề, người dân luôn thấp thỏm lo âu, chản nản và dần mất niềm tin, sự trông đợi vào những động thái quyết liệt hơn từ thành phố.

Mỗi lần đi qua số nhà 13 Ter (tiếng Pháp: cuối cùng - P.V) Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm), nhà văn Đỗ Phấn lại ngậm ngùi thấy ngôi nhà kiến trúc Pháp mà mình từng sống gần 30 năm ngày càng hư hỏng nhưng không được sửa chữa, người chủ mới chỉ được phép sơn quét và chỉnh trang những phần vôi vữa hỏng bề ngoài. Năm 1984, ông rời căn nhà mà ít nhiều là niềm tự hào của người Hà Nội. “Ngôi nhà cũng chưa thể gọi là một căn biệt thự bởi vì khoảnh sân trước nhà rất nhỏ hẹp. Đó là căn nhà hai tầng mái ngói thẻ có kết cấu gỗ và sắt thép. Thực ra thì nó mang dáng dấp của một ngôi nhà tỉnh lẻ ở Pháp. Ngôi nhà mang dáng vẻ êm đềm, cũ kỹ và xinh xắn”, nhà văn Đỗ Phấn nhớ lại. Khi ông rời đi, ngôi nhà đã xuống cấp thảm hại, tường gạch nứt nẻ bong tróc, trần vôi rơm sụt từng mảng lớn. Suốt những năm tháng ông sống ở ngôi nhà Pháp và gần 40 năm sau, chính quyền Hà Nội không tu sửa gì. “Giá trị về mặt kiến trúc và cảnh quan không nhiều, diện tích không rộng. Tôi cũng không nghĩ nó được cải tạo, phục hồi nay mai đâu. Chỉ có một điều khó hiểu là Nhà nước không tu sửa nhưng lại cấm không cho người dân tự sửa. Hà Nội luôn có những “bí mật” như thế”, nhà văn nói.

“Nhưng điều lớn nhất mà căn nhà mất đi không phải là chính nó. Đó là môi trường xung quanh đã được xây cất, biến cải khá nhiều, cư dân cũng đã có nhiều thay đổi về thành phần. Ngôi nhà và cả quãng phố ấy đã không còn giữ được vẻ thâm nghiêm trầm mặc nữa mà trở nên hơi lạc lõng so với nhịp sống quanh đấy…”, nhà văn Đỗ Phấn trải lòng. Điều khó hiểu là, trong khi người dân không được phép sửa sang ngôi nhà của mình thì cũng có nơi lại tự ý sửa chữa, thay đổi kết cấu, điển hình như hiện trạng của biệt thự 65 Nguyễn Thái Học mà Văn Hóa đã đề cập. Theo nhà văn Đỗ Phấn, ngoài một số công trình có quy mô lớn thì Hà Nội còn rất nhiều ngôi nhà Pháp cũ không có nhiều giá trị về mặt di sản. “Mỗi ngôi nhà buộc phải nằm trong một cảnh quan nào đó. Khi cảnh quan xung quanh đã hoàn toàn thay đổi thì việc giữ lại, hoặc tu sửa riêng ngôi nhà đó sẽ trở nên… buồn cười. Bảo tồn một ngôi nhà thì dễ, nhưng bảo tồn cảnh quan của nó lại không. Tất nhiên, Hà Nội có nhiều biệt thự xứng đáng là những di sản cần bảo tồn…”, nhà văn Đỗ Phấn bày tỏ.

Thực tế nhiều năm qua đã khiến ông cũng không đặt nhiều niềm tin vào sự tự giác giữ gìn di sản chung của người dân sống trong ngôi nhà biệt thự cũ. Trong khi đó, về tổng thể, dù đã thể hiện sự quyết tâm nhưng những bước đi của Hà Nội vẫn còn quá chậm rãi. Từ hiện trạng về quản lý quỹ nhà biệt thự cổ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND quận Phạm Tuấn Long nhìn nhận, đối với hai loại nhà biệt thự thuộc sở hữu hỗn hợp và sở hữu tư nhân, việc tu bổ, bảo tồn là rất khó. Điều kiện kinh tế, hoàn cảnh các hộ gia đình sống trong cùng một biệt thự rất khác nhau, vì vậy cũng chẳng dễ dàng để tìm được tiếng nói chung để sửa chữa, bảo tồn.

 Những người chủ bất lực trước sự xuống cấp của nhà biệt thự 32 Hạ Hồi (quận Hoàn Kiếm) - nằm trong nhóm 1 có giá trị di sản, văn hóa Hà Nội

Coi đô thị như một mái nhà chung

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nói, muốn những chủ trương không chỉ dừng là kế hoạch, hãy coi đô thị như một mái nhà chung mà ở đó, chính quyền thành phố chính là chủ nhà, phải có trách nhiệm giữ gìn, không lãng phí tài sản bên trong. Chính quyền đô thị cần phải dẫn dắt văn hóa đô thị, thấm tư duy văn hóa trong quản trị đô thị. Ở đó, những di sản đô thị là những căn biệt thự cũ chính là tài sản, là ký ức không được lãng quên.

“Một biệt thự trong số hơn 1.200 công trình được trùng tu, vậy để giải quyết bài toán đặt ra với số biệt thự còn lại sẽ cần một khoản tiền khổng lồ, là điều bất khả thi nếu không triển khai theo phân loại, ưu tiên. Bên cạnh đó, phải nhận thức rõ ràng rằng quỹ biệt thự cũ tại Hà Nội vẫn đang hiện diện như một thành tố không thể thiếu trong cuộc sống của Thủ đô, sứ mệnh của nó là phải làm đẹp cho cảnh quan đô thị chứ không phải ngày một xuống cấp, tồi tàn”, KTS Phạm Thanh Tùng nói. Cũng theo ông Tùng, từ khoảng 30 năm nay, Hà Nội đã rất quan tâm đến bảo tồn các căn biệt thự cũ được xây dựng từ những năm 20 của thế kỷ XX. Nhưng vì sao đến hiện tại, những chuyển động dường như không có, hoặc rất lẻ tẻ, rời rạc. “Do nguồn lực, khả năng và nhiều vấn đề khác nên công tác bảo tồn những biệt thự này vẫn bế tắc, lúng túng. Đến bây giờ, Hà Nội vẫn chỉ dừng ở việc kiểm kê lại các biệt thự để trả lại đúng giá trị của chúng…”, KTS nhấn mạnh.

Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn, đáp ứng mục tiêu của Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội: giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành chỉnh trang 20 nhà biệt thự và 10 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954, UBND TP cũng đã ban hành liên tiếp các kế hoạch cụ thể. Theo đó, ban hành kế hoạch tiến hành khảo sát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ 1.216 biệt thự và một số công trình kiến trúc khác. Trong đó, ưu tiên kiểm định, đánh giá chất lượng chi tiết 24 biệt thự và 8 công trình kiến trúc thuộc sở hữu Nhà nước do TP quản lý; là những công trình nằm trong danh mục biệt thự không được bán và là những công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc đang làm trụ sở, các ĐSQ. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã ban hành kế hoạch từ nay đến tháng 6.2025 sẽ hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu, quét scan các tài liệu, hồ sơ và lập phần mềm quản lý đối với 1216 biệt thự; số hóa 3D đối với 222 biệt thự thuộc nhóm 1.

KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, những việc làm này là cần thiết, vì chỉ khi đánh giá đúng thực trạng, hiểu sâu sắc bản chất mới có thể bảo tồn nguyên vẹn. Qua đợt khảo sát toàn diện này, Hà Nội cần xem xét, lựa chọn những biệt thự tiêu biểu, có giá trị về nghệ thuật kiến trúc để tu bổ, tôn tạo và bảo tồn. Khi các biệt thự đã được phục hồi nguyên trạng hình thức kiến trúc ban đầu, sẽ giao cho các đơn vị Nhà nước hoặc tư nhân sử dụng vào kinh doanh, du lịch. “Biệt thự 49 Trần Hưng Đạo đã cơ bản được hoàn thành trùng tu dưới sự tài trợ của Chính phủ Pháp. Chúng ta cần có nhiều công trình được bảo tồn, trùng tu hơn nữa. Nhưng điều cần lưu ý là, việc trả lại vẻ đẹp và công năng sử dụng của mỗi căn biệt thự phải được đặt trong tổng thể cuộc sống hôm nay, và cũng không được khiến người dân thấy lạ lẫm. Nếu chúng ta đi đến những con phố Phan Đình Phùng, Lê Hồng Phong, Trần Phú…, thấy có rất nhiều biệt thự nhưng cảm giác là sự gần gũi, không hề lạ lẫm. Đó là tinh thần của kiến trúc Pháp tại Hà Nội, với sự giao thoa hai luồng văn hóa Đông - Tây mà không nơi nào có được. Những nhà quản lý Hà Nội phải hiểu được điều đó, dẫn dắt tinh thần đó trong quản trị đô thị và cụ thể là trong việc hồi sinh 1.216 biệt thự có giá trị này.

“Sự hồi sinh mạnh mẽ sẽ giúp các biệt thự kiến trúc Pháp cũ tham gia hiệu quả vào phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội. Đó cũng là cách thiết thực để triển khai, lan toả tinh thần phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021…”, KTS Phạm Thanh Tùng khẳng định. 

 QUỲNH HOA - THU TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top