Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Đột phá thể chế, chính sách cho văn hóa phát triển (Bài 2): Cần lắm những “cú hích” quyết định

Thứ Tư 26/04/2023 | 10:21 GMT+7

VHO- Từ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 cho đến Hội thảo Văn hóa 2022, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội về tháo gỡ “điểm nghẽn”, hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo động lực phát triển văn hóa tiếp tục được khẳng định rõ nét. “Cánh cửa” về thể chế, chính sách tạo đột phá cho phát triển văn hóa đã mở rộng; thúc đẩy sự quan tâm, đầu tư xứng tầm cho văn hóa.

 Hà Nội trong thời gian qua đã tập trung đầu tư cho phát triển văn hóa với mục tiêu bảo vệ, bảo tồn giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong ảnh, du khách tham quan di tích Điện Kính Thiên, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội)

 Một số địa phương đã sớm có “cú hích” quyết định, ban hành những chính sách, Nghị quyết tăng đầu tư cho văn hóa. Nhưng ngược lại, ở nhiều nơi, đáng buồn là văn hóa vẫn bị xếp ở phía sau, vẫn như “cờ, đèn, kèn, trống”…

“Mở đường” để văn hóa phát triển

Bản đồ điểm đến trên quê hương Kinh Bắc - Bắc Ninh mới có thêm Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ, một thiết chế văn hóa lớn với diện tích 19.282m2. Trung tâm được đầu tư xây dựng với kinh phí 91 tỉ đồng. Trước nguy cơ mai một dòng tranh dân gian đặc sắc này, từ sự tham mưu kịp thời của ngành văn hóa, HĐND, UBND tỉnh đã vào cuộc quyết liệt, xây dựng, ban hành các chính sách, dự án đầu tư để tăng cường quảng bá, hướng đến xây dựng một thương hiệu văn hóa của địa phương, công cụ đưa một đặc sản văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Nhận thức di sản chính là nguồn tài sản bất tận, trong những năm qua, Bắc Ninh cũng đã liên tiếp ban hành các chính sách đầu tư cho bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn. Dân ca quan họ được xem như viên ngọc quý. Chúng tôi đến với Làng Quan họ Viêm Xá (Diềm Xá) thuộc phường Hòa Long, TP Bắc Ninh và tận mắt chứng kiến hiệu quả của việc đưa thể chế, chính sách đi vào cuộc sống của chính quyền và người dân nơi đây. Viêm Xá là làng quan họ gốc, dân làng luôn tự hào về đất quê mình là cái nôi quan họ, với các thế hệ nghệ nhân luôn nỗ lực bảo tồn, phát triển di sản quý báu đã trở thành tài sản chung của dân tộc.

Đây là hai trong số nhiều mô hình điểm về phát triển trên nền tảng giá trị văn hóa truyền thống tại quê hương Kinh Bắc. Dĩ nhiên, để di sản văn hóa trở thành một phần của đời sống, tạo sức hút rộng rãi và thu nhập về kinh tế thì yếu tố then chốt chính là nhận thức, sự quan tâm và đầu tư cho văn hóa. Coi trọng, tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo động lực cho sự phát triển, trong nhiều năm qua, Bắc Ninh đã ban hành nhiều chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; chính sách bảo tồn và phát triển Dân ca Quan họ. Dấu ấn về bản sắc đặc trưng của văn hóa, con người Bắc Ninh được định hình, dần khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong cuộc sống đương đại.

Ngay sau Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021, Bắc Ninh là một trong những địa phương đầu tiên triển khai Hội nghị Văn hóa toàn tỉnh, nhằm cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng về văn hóa. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận, Hội nghị Văn hóa tỉnh Bắc Ninh là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, cho thấy quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Tăng cường đầu tư cho văn hóa, Bắc Ninh cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành một Nghị quyết riêng về phát triển nguồn lực văn hóa, con người. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn cho biết, để có được một Bắc Ninh - Kinh Bắc “ổn định về chính trị, giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa”, Đảng bộ, chính quyền chủ động xây dựng các chính sách, tạo nguồn lực cho phát triển văn hóa. “Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX đã ban hành Nghị quyết 71 ngày 29.8.2022 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”. Các chính sách về phát triển văn hóa do tỉnh Bắc Ninh ban hành thời gian qua đã tạo cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để các cấp, các ngành huy động và bố trí nguồn lực đầu tư cho văn hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển toàn diện…”, theo Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn.

Để ban hành Nghị quyết quan trọng này, Bắc Ninh có nhận thức xuyên suốt, đồng nhất trong các cấp lãnh đạo. Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Quốc Chung nhấn mạnh, việc xây dựng và ban hành

 Nghị quyết 71 của Bắc Ninh trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết. Nghị quyết nhấn mạnh quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc làm nền tảng tinh thần vững chắc, là mục tiêu, động lực, sức mạnh nội sinh góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội; phát triển đô thị hiện đại, bền vững; phát triển kinh tế- xã hội luôn song hành với sự phát triển văn hóa.

Như chúng tôi đã đề cập trong bài viết trước, trong bối cảnh hiện nay, đầu tư cho văn hóa ở nhiều địa phương vẫn ở mức khiêm tốn, thậm chí nhiều địa phương văn hóa bị xếp ở phía sau. Hệ quả là quan điểm đưa “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” ở nhiều nơi vẫn chưa thể thực hiện, thậm chí vẫn còn là mơ ước. Đối sánh thực tế này để thấy, quan điểm và sự đầu tư quyết liệt của Bắc Ninh nhằm đưa văn hóa có sức bật xứng với tiềm năng thực sự là bước phát triển đột phá về tư duy. Không chỉ dừng ở việc khẩn trương tổ chức một Hội nghị bàn những vấn đề căn cốt về văn hóa, Nghị quyết 71 của BCH Đảng bộ tỉnh khẳng định rõ quan điểm: Văn hóa phải tạo ra giá trị vật chất và của cải cho xã hội, được thể hiện qua mục tiêu chi ngân sách cho văn hóa là 4% nhưng chỉ tiêu đóng góp của văn hóa đạt từ 3-5%.

“Đường rộng” để văn hóa phát triển xứng tầm. Với những thể chế, chính sách quan trọng được ban hành, xuất phát từ thực tiễn còn nhiều “điểm nghẽn” trước đó, sự nghiệp phát triển văn hóa ở Kinh Bắc những năm qua cho thấy chính sách văn hóa của địa phương đã có nhiều thành tựu, đời sống văn hóa chuyển biến rõ rệt, bản sắc văn hóa sớm được định hình và lan tỏa. Những chuyển động này đúng với kỳ vọng mà lãnh đạo địa phương này đặt ra khi “mạnh tay” đầu tư: Để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh và động lực, đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Hội Gióng đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm (Hà Nội) thu hút hàng vạn người dân và du khách tham gia

Quyết sách tạo phát triển đột phá

Năm 2019, Hà Nội được vinh danh là thành viên “Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO” và là địa phương đầu tiên của Việt Nam tham gia mạng lưới này. Hàng loạt chính sách và nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo được Thủ đô tập trung định hướng, xây dựng. Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Hà Nội tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO vì mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.

Từ những quyết sách nhằm tạo bước ngoặt đột phá, sự hiện diện ngày càng nhiều không gian sáng tạo ở Hà Nội cho thấy truyền thống sáng tạo đã và đang được tiếp nối trên mảnh đất ngàn năm văn hiến. Thực tế này cho thấy những chính sách được chính quyền thành phố ban hành, đưa vào đời sống không chỉ giúp giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, làm giàu bản sắc đô thị, mà còn góp phần quan trọng vào việc củng cố hệ sinh thái sáng tạo ở “Thủ đô di sản”. Gần 200 không gian sáng tạo ở Hà Nội hiện nay đã và đang giúp nâng cao đời sống tinh thần, thay đổi nhận thức và lan truyền cảm hứng sáng tạo trong mọi tầng lớp nhân dân.

Để có một diện mạo mới như vậy, việc phát huy các giá trị, nguồn lực văn hóa luôn được lãnh đạo Thành phố chú trọng. Mới đây, nối tiếp Hội thảo Văn hóa năm 2022 do Quốc hội chủ trì, thành phố Hà Nội tiếp tục tổ chức Hội thảo khoa học Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, đây là một trong những bước cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5.5.2022 của Bộ chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, những tư tưởng chỉ đạo quan trọng của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, đặc biệt là của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc: “Văn hóa thực sự là nền tảng, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế và các lĩnh vực trọng yếu khác của đất nước”. Đồng thời, những nội dung quan trọng tại Hội thảo là sự tiếp nối triển khai các nội dung tại Hội thảo Văn hóa năm 2022 về “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” và Hội thảo khoa học về 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng nêu rõ, quán triệt và nhận thức một cách toàn diện, sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng về văn hóa, dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng, phát triển văn hóa, thành phố Hà Nội đã tập trung đầu tư cho phát triển văn hóa với mục tiêu bảo vệ, bảo tồn giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, văn hóa dân tộc; phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, các công trình văn hóa. Thành phố đã dành nguồn lực đầu tư 3 lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo và văn hóa giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp khoảng 49.200 tỷ đồng. Trong 2 năm 2021-2022, đã hoàn thành tu bổ, tôn tạo 181 di tích, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 114 di tích cấp quốc gia, 63 di tích cấp Thành phố.

Xác định đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho yếu tố quan trọng hàng đầu để xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa là cách hiệu quả nhất để phát triển văn hóa Thủ đô. Quan điểm này, nhận thức này cũng chính là xuất phát điểm để thành phố ban hành các Nghị quyết, chương trình phát triển văn hóa, con người, khai thác những tài sản văn hóa vô giá nhằm phát huy nguồn lực văn hóa. Từ quan điểm của Đảng tại kỳ Đại hội thứ XIII: “Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa”, Hà Nội đã nghiên cứu, thể chế hóa và ban hành các chính sách, quyết sách cụ thể, tạo phát triển đột phá.

Nhiều hoạt động giao lưu, quảng bá văn hóa được tổ chức tại Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh)

Không phải là đầu tư cho “cờ, đèn, kèn, trống”

Thông qua những câu chuyện về tầm nhìn, đầu tư cho văn hóa tại các địa phương Hà Nội, Bắc Ninh, Ninh Bình… mà chúng tôi đã đề cập cho thấy, chúng ta đang ở trong một thời điểm hết sức quan trọng trong phát triển văn hóa. Chưa bao giờ văn hóa nhận được nhiều sự quan tâm như hiện nay, đặc biệt từ Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Cũng chưa bao giờ cụm từ về “chấn hưng văn hóa” lại được nhắc đến nhiều như bây giờ.

Nhưng ở chiều ngược lại, chúng ta cũng thấy rằng văn hóa đang đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức, đặt ra yêu cầu phải có những giải pháp tổng thể, hệ thống, trong đó không thể không nhấn mạnh vai trò quan trọng của thể chế, chính sách nhằm tạo nguồn lực phát triển văn hóa. Quyết liệt đầu tư, chi “mạnh tay” để văn hóa phát triển và có đóng góp cho kinh tế địa phương như ở Bắc Ninh, từ văn hóa tạo sức hút du lịch như tại Ninh Bình, hay phát huy tiềm năng văn hóa đóng góp vào mục tiêu xây dựng một thành phố sáng tạo đúng nghĩa như Hà Nội… với nhiều địa phương vẫn còn là giấc mơ xa xỉ.

Nói như một đại biểu Quốc hội, trừ một số thành phố lớn và địa phương có truyền thống quan tâm đến văn hóa, đa phần nhận thức và hành động của các địa phương đối với phát triển văn hóa chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Nhiều địa phương vẫn coi văn hóa là “cờ, đèn, kèn, trống”, có cũng được mà thiếu cũng không sao! Vì thế, đầu tư cho văn hóa cả về mặt con người, tài chính và cơ sở vật chất đều không như kỳ vọng. “Tôi cảm thấy rất áy náy khi về các địa phương, thấy các cán bộ văn hóa cơ sở có mức lương vô cùng thấp, làm việc tối ngày. Bố trí cán bộ trong lĩnh vực văn hóa cũng rất tùy tiện. Đúng như nhấn mạnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: “sớm khắc phục tình trạng chắp vá, tùy tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hóa, ở cả Trung ương và địa phương...”, đại biểu này nói.

Bối cảnh này cho thấy, từng địa phương cần có những “cú hích” quyết định từ thể chế, chính sách; về tổng thể cần nỗ lực đẩy nhanh quá trình thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa. Thực tế tại nhiều quốc gia trên thế giới và ngay tại các địa phương ở ta, nơi có sự quan tâm, đầu tư mạnh mẽ thì văn hóa luôn là thành tố quan trọng góp phần hình thành những đô thị đáng sống. Nhìn nhận từ góc nhìn tổng thể đó, chúng ta sẽ thấy đầu tư cho văn hóa không phải là sự đầu tư cho “cờ, đèn, kèn, trống”. Khi có được sự đầu tư xứng đáng, văn hóa sẽ phát triển, và mục tiêu tạo đột phá cho phát triển văn hóa sẽ không còn xa vời.

Phát biểu tại Hội thảo Văn hóa năm 2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, đây cũng là dịp để các nhà lập pháp, hoạch định chính sách cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực văn hóa và các lĩnh vực khác cùng thảo luận, tìm kiếm giải pháp xây dựng, hoàn thiện các thể chế, chính sách nhằm huy động, khơi thông và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển văn hóa. Từ đó, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. 

 NGUYỄN ANH - PHƯƠNG ANH; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top