Viết tiếp bài Ngôi đình cổ nhất xứ Thanh có nguy cơ đổ sập: Vì sao vẫn chưa tu bổ, tôn tạo di tích?

VHO- Cách đây hơn một năm, sau khi Văn Hóa có bài Ngôi đình cổ nhất xứ Thanh có nguy cơ đổ sập (số ra ngày 6.6.2022) phản ánh đình Đông Môn, xã Vĩnh Long (huyện Vĩnh Lộc) - một trong những ngôi đình cổ nhất ở xứ Thanh đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 1995 vẫn đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, chưa có phương án tu bổ. Chưa đầy một tuần sau, Sở VHTTDL đã có văn bản báo cáo và hơn 20 ngày sau, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo. Thế nhưng, sự việc cũng chỉ mới dừng ở đó.

Viết tiếp bài Ngôi đình cổ nhất xứ Thanh có nguy cơ đổ sập: Vì sao vẫn chưa tu bổ, tôn tạo di tích? - Anh 1

 Đến bao giờ đình cổ Đông Môn có tuổi đời gần 400 năm mới được trùng tu?

 Cụ thể, ngày 13.6.2022, Sở VHTTDL Thanh Hóa có văn bản số 2566/SVHTTDL-DSVH về việc kiểm tra, đề xuất phương án xử lý theo thông tin của Văn Hóa phản ánh. Đồng thời, đề nghị Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc chỉ đạo các phòng ban, đơn vị liên quan và UBND xã Vĩnh Long khẩn trương kiểm tra thực tế, thực hiện các biện pháp chống đỡ, tránh sập đổ công trình, bảo quản di vật, hiện vật thuộc di tích, đảm bảo an ninh, an toàn cho người và nội thất đồ thờ của di tích. Đề xuất phương án bảo quản, tu bổ di tích, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Trong ngày 13.6.2022, UBND huyện Vĩnh Lộc ban hành Quyết định số 1361/QĐ-UBND về thành lập Tổ kiểm tra hiện trạng xuống cấp di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh đình làng Đông Môn. Kết quả kiểm tra cho biết: Hiện tại hạng mục ngói bị hư hỏng nặng (một số vị trí ngói đã bị tụt thành hàng, khi trời mưa nước dột xuống ngấm vào kết cấu gỗ bên trong của ngôi đình Đông Môn), chính quyền địa phương đang tiến hành khắc phục bằng cách dùng bạt xanh che phủ toàn bộ phần mái để chống dột cho ngôi đình. Sau khi kiểm tra thực tế, huyện Vĩnh Lộc đã chỉ đạo UBND xã Vĩnh Long tổ chức bảo vệ, bảo quản di vật, hiện vật thuộc di tích, đảm bảo an ninh, an toàn cho người và nội thất đồ thờ của di tích. Lập biển, bảng cảnh báo nhân dân và du khách không vào bên trong di tích đề phòng tai nạn xảy ra. Tiến hành lập tờ trình xin chủ trương đầu tư tu bổ di tích đình Đông Môn làm cơ sở để trình UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương và hỗ trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật đình làng Đông Môn.

Ngày 16.6.2022, UBND huyện Vĩnh Lộc có văn bản 723/BC-UBND gửi UBND tỉnh Thanh Hóa đề xuất chủ trương đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật Đình làng Đông Môn, với nội dung: Tu bổ, tôn tạo lại phần mái ngói; thay mới toàn bộ rui, mè bằng gỗ xoan ngâm; thay mới diềm mái; đắp, gắn lại phần trang trí trên mái; tu sửa tường rào di tích… Dự kiến tổng mức đầu tư là 1.200.000.000 đồng. Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ, nguồn xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác, thời gian thực hiện trong quý IV năm 2022. Ngày 28.6.2022, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở VHTTDL và các ngành, đơn vị liên quan, nghiên cứu, tổng hợp đề xuất của UBND huyện Vĩnh Lộc. Đến ngày 10.10.2022, UBND huyện Vĩnh Lộc tiếp tục có văn bản đề nghị Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở VHTTDL quan tâm tạo điều kiện hướng dẫn, tham mưu UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý chủ trương đầu tư và hỗ trợ kinh phí cho di tích kiến trúc nghệ thuật Đình làng Đông Môn. Tuy nhiên, đến nay, Sở VHTTDL Thanh Hóa vẫn chưa nhận văn bản đề nghị tham gia ý kiến của Sở Tài chính đối với nội dung đề xuất của UBND huyện Vĩnh Lộc.

Ngày 1.3.2023, Văn Hóa tiếp tục có bài Mòn mỏi chờ trùng tu ngôi đình cổ ở xứ Thanh, sau đó Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng có văn bản giao Sở VHTTDL kiểm tra, xử lý theo phản ánh của báo chí. Ngày 15.4.2023, Sở VHTTDL Thanh Hóa có văn bản nêu rõ: Căn cứ Luật Di sản văn hóa, tình hình thực tế của di tích; để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân và tham quan học tập của du khách trong và ngoài nước, việc UBND huyện Vĩnh Lộc đề nghị tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật Đình làng Đông Môn, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, hạng mục: Mái của Đại đình, hậu cung, cột nanh cổng, khuôn viên sân, tường rào… là phù hợp. Do đó, Sở VHTTDL đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thống nhất sự cần thiết đầu tư dự án bảo quản, tu bổ di tích Kiến trúc nghệ thuật Đình làng Đông Môn, như đề nghị của UBND huyện Vĩnh Lộc. Theo Sở VHTTDL, đến nay, Sở đang chờ ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa để tham mưu triển khai các bước tiếp theo theo quy định.

Theo tài liệu cổ, đình Đông Môn ban đầu được xây dựng bằng tranh tre dưới thời chúa Trịnh Tùng (1570 - 1623), là trang ấp của họ Trịnh nhưng lại giao cho quan đại thần họ Vũ là ông Vũ Khắc Minh cai quản. Ông Vũ Khắc Minh là người có công lao lớn đối với họ Lê và chúa Trịnh. Ông vốn người gốc vùng Hà Nam Ninh di cư vào Thanh Hóa và cùng con cháu họ Vũ khai ấp họ Trịnh, khôi phục lại làng Đông Môn. Sau khi ông mất năm 1680, nhân dân trong vùng suy tôn ông là Thành hoàng làng và được thờ ở nghè Hạ. Đến năm Cảnh Hưng thứ 15 triều Vua Lê Hiển Tông (năm 1753), đình làng Đông Môn được xây cất lại bằng gỗ. Đây là ngôi đình có kiến trúc 5 gian, 2 chái, cấu trúc 4 mái, kết cấu kiến trúc hình chữ Đinh gồm tiền đường và hậu cung với nhiều chạm trổ, điêu khắc tinh xảo trên các kèo, cột, mang đậm bản sắc văn hóa của đình làng Việt cổ. Và, có thể khẳng định: Đây là một trong những ngôi đình cổ đẹp nhất tại xứ Thanh còn sót lại sau nhiều biến thiên, thăng trầm của lịch sử.

Năm 2009, đình làng đã được đầu tư tôn tạo, là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân làng Đông Môn và là một điểm đến thu hút khách tham quan trên tuyến hành trình tham quan di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ. Tuy nhiên, hiện nay ngôi đình đang bị xuống cấp, hư hại nghiêm trọng, khiến cho người dân lo lắng và xót xa.

UBND huyện Vĩnh Lộc cũng như cơ quan chức năng, cụ thể ở đây là Sở VHTTDL đã thống nhất rất cao về sự cần thiết đầu tư dự án bảo quản, tu bổ di tích Kiến trúc nghệ thuật Đình làng Đông Môn - một di tích có một không hai của xứ Thanh. Thế nhưng, sau hơn một năm Văn Hóa có bài phản ánh và cũng chừng ấy thời gian có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, việc tu bổ, tôn tạo di tích cũng chỉ đang ở trên… giấy tờ? 

NGUYỄN LINH

Ý kiến bạn đọc