Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Đồng hành để du lịch “cất cánh”

Thứ Ba 25/04/2023 | 21:13 GMT+7

VHO- Hàng không – du lịch được ví như đôi cánh, cần phải song hành, tương hỗ đề cùng phát triển nhịp nhàng, hướng tới thu hút du khách. Báo Văn Hóa sẵn sàng tiếp tục đồng hành hỗ trợ, phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương, các doanh nghiệp để đề xuất các giải pháp cũng như đẩy mạnh quảng bá, truyền thông để ngành Du lịch phát triển xứng tầm với tiềm năng sẵn có.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo Hợp tác Hàng không- du lịch: Giải pháp thu hút khách quốc tế do Báo Văn Hóa phối hợp với Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Khánh Hòa và các đơn vị liên quan tổ chức tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) vào sáng 25.4. 

Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hoà Lê Hữu Hoàng cùng hơn 250 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương; đại diện các Sở quản lý du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch địa phương; các chuyên gia du lịch, kinh tế, doanh nghiệp du lịch, hàng không; đại diện các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương...

Còn đối mặt khó khăn, thách thức

Đây là Hội thảo quan trọng triển khai Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về du lịch vừa diễn ra ngày 15.3.2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi  - Tăng tốc phát triển”, qua đó góp phần thu hút khách quốc tế đến Việt Nam và phát triển du lịch bền vững trong tương lai.

Năm 2022, du lịch nội địa đã hồi phục hoàn toàn nhưng du lịch quốc tế lại chưa khôi phục như mong muốn. Sau Hội nghị thúc đẩy, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tổ chức cuối năm 2022 và Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023, ngày 25.3, lãnh đạo Chính phủ đã có những chủ trương mới về việc miễn thị thực đơn phương của Việt Nam cho công dân các nước và một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, sẽ trình Quốc hội xem xét đưa vào nội dung của Kỳ họp Quốc hội lần thứ 5 sắp tới. Cụ thể, sẽ xem xét việc nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần. Chưa kể, cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ và nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu. 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hoà Lê Hữu Hoàng

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết: Cuối tháng 3 vừa rồi, Bộ VHTTDL đã xây dựng và lấy ý kiến các bộ, ngành có liên quan đối với dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu “Đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững” nhằm góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023, đó là “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt nhận định: “Với các dự báo trong năm 2023 và những năm tới, ngành Du lịch sẽ phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy thoái, các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực gia tăng. Tuy nhiên nền kinh tế của Việt Nam sẽ có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn”. 

Gợi mở các nội dung thảo luận, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu, diễn giả, doanh nghiệp tập trung thảo luận xây dựng kế hoạch, định hướng của ngành Hàng không trong việc kết nối đường bay quốc tế, mở cửa bầu trời kịp thời đón bắt nhịp phục hồi của thị trường du lịch quốc tế; giải pháp liên kết, phối hợp giữa ngành Hàng không và Du lịch trong việc tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam. Đồng thời, tìm giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý, chính sách tạo thuận lợi thu hút khách du lịch đến Việt Nam; cải cách hành chính cắt giảm quy trình thủ tục phức tạp nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp du lịch kinh doanh phát triển.

Tại Hội thảo “Hợp tác hàng không- du lịch: Giải pháp thu hút khách quốc tế”, các đại biểu, các nhà quản lý, các chuyên gia, các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết nhằm tháo gỡ các “điểm nghẽn’’, đưa ra các giải pháp lâu dài, căn cơ để phát triển ngành Du lịch ổn định, bền vững trong tương lai. 

Tìm giải pháp hút khách du lịch quốc tế

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hoà Lê Hữu Hoàng cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, Khánh Hòa xác định tập trung xây dựng chiến lược phát triển du lịch vừa theo chiều rộng, với mục tiêu là đa dạng thị trường khách du lịch, chú trọng thu hút khách nội địa và dần phục hồi các thị trường khách quốc tế có lượng khách lớn đến Khánh Hòa trong những năm trở lại đây như: Nga, các nước khu vực Đông Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan... Hơn hết, hướng đến mở rộng thu hút khách từ một số thị trường nhiều tiềm năng như: Ấn Độ, Nhật Bản, Australia... đồng thời từng bước chuyển dịch theo chiều sâu, với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn khách, phát triển sản phẩm du lịch mang tính bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng và chuyên nghiệp. 

Tổng Biên tập Báo Văn Hoá Nguyễn Anh Vũ

Năm 2023, bên cạnh sự trở lại “ngoạn mục” sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, ngành Du lịch vẫn gặp một số khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy thoái, các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực gia tăng. Ở trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Sức ép lạm phát, tỉ giá, lãi suất gia tăng cùng với dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề hơn. Du lịch thế giới tiếp tục có sự phục hồi nhưng chưa trở về được mức như năm 2019; du lịch nội địa tiếp tục có sự tăng trưởng nhưng tốc độ sẽ chậm lại. Các thị trường gửi khách chủ yếu của Việt Nam chưa mở cửa hoàn toàn. Giá vé máy bay tăng cao, nhất là vào dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng giá tour của doanh nghiệp lữ hành.

Để đạt mục tiêu ngành Du lịch đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỉ đồng trong năm 2023, vai trò của hàng không là rất lớn.

Hội thảo thu hút hơn 250 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương; đại diện các Sở quản lý du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch địa phương; các chuyên gia du lịch, kinh tế, doanh nghiệp du lịch, hàng không; đại diện các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương...

Nhằm thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế, tăng cường hợp tác hàng không với du lịch trong thời gian tới, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đề xuất cần triển khai giải pháp thúc đẩy khai thác mở rộng đường bay quốc tế đến Việt Nam, phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng, nguồn nhân lực và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển hàng không - du lịch. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và hàng không, tăng cường phối hợp tuyên truyền quảng bá giữa ngành Hàng không và Du lịch.

Các đại biểu, diễn giả, nhà quản lý đều đánh giá cao sáng kiến của Báo Văn Hóa khi tổ chức Hội thảo này với chủ đề rất “nóng” hiện nay là hợp tác hàng không và du lịch để 2 ngành cùng phục hồi và đưa du lịch Việt Nam “cất cánh”. Tại Hội thảo, các đại biểu, các nhà quản lý, các chuyên gia, các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết nhằm tháo gỡ các “điểm nghẽn’’, đưa ra các giải pháp lâu dài, căn cơ để phát triển ngành Du lịch ổn định, bền vững trong tương lai. 

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Tổng Biên tập Báo Văn Hóa Nguyễn Anh Vũ nhìn nhận, Hội thảo “Hợp tác hàng không- Du lịch: Giải pháp thu hút khách quốc tế”, là cơ sở để Bộ VHTTDL phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ điều chỉnh hoặc xây dựng các chính sách mới nhằm đón đầu xu hướng du lịch thế giới, tạo điều kiện thuận lợi để ngành Du lịch Việt Nam sớm phục hồi và tăng tốc phát triển như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 vừa diễn ra ngày 15.3.2023. Đặc biệt, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 08. “Với tư cách là cơ quan ngôn luận của Bộ VHTTDL, Báo Văn Hóa sẵn sàng đồng hành hỗ trợ, phối hợp với Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch, Sở VHTTDL các địa phương, các doanh nghiệp để đề xuất các giải pháp cũng như đẩy mạnh quảng bá, truyền thông để ngành Du lịch Việt Nam phát triển xứng tầm với tiềm năng sẵn có”, Tổng Biên tập Báo Văn Hóa khẳng định.

Cục Hàng không Việt Nam sẽ tăng cường phối hợp với Tổng cục Du lịch

Trong giai đoạn hè 2023, thị trường hàng không quốc tế sẽ tiếp tục hồi phục và với việc Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia mở tour du lịch từ 15.3.2023, dự báo tốc độ hồi phục của thị trường sẽ nhanh hơn so quý I.2023. Hiện có 52 hãng hàng không thường lệ nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam đang khai thác 143 đường bay kết nối 29 quốc gia vùng lãnh thổ.

Cục hàng không Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho hoạt động khai thác quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài để kết nối nhiều đường bay từ các điểm quốc tế đến Việt Nam, khuyến khích các hãng hàng không khai thác các đường bay quốc tế đến các cảng hàng không quốc tế khác ngoài Nội Bài và Tân Sơn Nhất như: Đà Nẵng, Cam Ranh, Huế, Phú Quốc, Vân Đồn, Cát Bi và cả các cảng hàng không nội địa có thể khai thác quốc tế tại như Liên Khương (Đà Lạt), Phù Cát (Bình Định). Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam cũng sẽ tăng cường công tác phối hợp với Tổng cục Du lịch trong việc phát động các thị trường khách nguồn, hợp tác hàng không - du lịch và đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn… sau đại dịch để kích cầu du lịch quốc tế.

 (Ông BÙI MINH ĐĂNG, Phó Trưởng Phòng Vận tải hàng không, Cục hàng không Việt Nam)

Cần lượng hóa đóng góp của ngành Du lịch đối với nền kinh tế đất nước

Để phục hồi Du lịch Việt Nam, đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam, chúng ta cần sớm điều chỉnh Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 (Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22.1.2020). Trong đó, lưu ý cập nhật, bổ sung các định hướng, chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị toàn quốc về du lịch vừa qua. Hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế số, du lịch số, bao gồm cả mô hình hỗn hợp (trực tiếp và trực tuyến), du lịch “không chạm”, du lịch MICE…; ban hành Chiến lược chuyển đổi số ngành du lịch đến 2030. Bên cạnh đó, kiện toàn tổ chức, bộ máy quản lý Nhà nước về du lịch ở Trung ương và địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Có chính sách hỗ trợ đào tạo, phát triển nhân lực du lịch (gồm cả lịch sử, văn hóa, ngoại ngữ, kỹ năng xử lý tình huống, ngoại ngữ…). Có cơ chế, chính sách cụ thể để tăng cường liên kết vùng, ngành (du lịch – hàng không…) để giải quyết, phát triển các vấn đề chung, lan tỏa, theo chuỗi giá trị. Có phương án tổng hợp, đánh giá, lượng hóa đóng góp của ngành Du lịch (giá trị gia tăng, hệ số lan tỏa …) đối với nền kinh tế đất nước dựa trên cơ sở dữ liệu lớn của ngành.

(Ông CẤN VĂN LỰC, chuyên gia kinh tế) 

Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch tạo sức hút cho điểm đến

Để xây dựng tỉnh Khánh Hòa, các tỉnh, thành trên cả nước trở thành điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế, nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là chú trọng phát triển sản phẩm du lịch tạo sức hút cho điểm đến. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến trên toàn cầu, đòi hỏi Khánh Hòa nói riêng và địa phương nói chung cần liên kết hợp tác và có những chiến lược, sản phẩm độc đáo riêng phù hợp với xu hướng du lịch mới.

Chú trọng công tác chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh và ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch. Đẩy mạnh công tác e-marketing đang là xu thế tất yếu của thời đại 4.0 hiện nay nhằm nâng cao năng lực tiếp cận, khai thác công nghệ thông tin phục vụ kết nối phát triển thị trường đối với các thị trường quốc tế. Cục Hàng không Việt Nam cần có cơ chế thông thoáng tạo điều kiện cho việc phát triển các đường bay mới. Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành trong cả nước và các hãng hàng không để phối hợp quảng bá, xúc tiến. Nghiên cứu để có chính sách giá vé máy bay cho các công ty du lịch và khách du lịch một cách hợp lý. 

(Bà NGUYỄN THỊ LỆ THANH, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hoà)

Hỗ trợ cạnh tranh điểm đến trên bình diện quốc gia

 Hàng không và Du lịch đã gắn bó trong suốt thời gian dài vừa qua để cùng tham gia các Hội chợ du lịch quốc tế lớn ở trong nước và nước ngoài (VITM, WTM, ITB, …). Tuy nhiên, chúng ta cần phải phối hợp và hợp tác với nhau tốt hơn nữa trong việc bàn bạc và cùng nhau thực hiện các chủ đề, sản phẩm, các hoạt động đúng với nhu cầu thị trường cho mỗi lần tham gia hội chợ, tạo hiệu ứng và kết quả tốt cho điểm đến Việt Nam mà trong đó mỗi đơn vị đều cũng đạt được lợi ích của mình. Việc thiết lập và duy trì quan hệ hợp tác gắn bó thường xuyên giữa các bộ phận thị trường chuyên trách của các hãng hàng không với các hãng lữ hành chuyên về thị trường đó hoặc các hãng muốn đầu tư tham gia vào thị trường đó là rất cần thiết cho các giải pháp thu hút khách khả thi: từ việc xây dựng sản phẩm, hoạch định chính sách giá đến quảng bá – tiếp thị - bán. 

Trong thực tế, đã có những liên kết – hỗ trợ nhau từ nhiều năm nay, nhưng chỉ mới ở quy mô nhỏ lẻ và quen biết, chưa tạo được sức mạnh hỗ trợ cạnh tranh điểm đến trên bình diện quốc gia cũng như điều kiện phát triển lớn hơn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đề nghị các đơn vị quản lý nhà nước và kinh doanh tại các cảng hàng không quốc tế Việt Nam sớm có giải pháp hoàn thiện hơn nữa dịch vụ, hạ tầng phục vụ khách ở sân bay, thủ tục xuất nhập cảnh, … văn minh, sạch theo chuẩn quốc tế nhằm tạo ấn tượng tốt cho du khách xuyên suốt hành trình. Nói rõ hơn, từ hứng khởi mua tours - hài lòng với dịch vụ chuyến bay – háo hức khi đặt chân tới Việt Nam – tận hưởng chuyến du lịch như mong đợi – thỏa mãn hoặc không có bất cứ khó chịu nào tại thời điểm xuất cảnh.

(Ông NGUYỄN VĂN TẤN, Hiệp hội Du lịch Việt Nam)

Xây dựng bộ dữ liệu online về quảng bá du lịch Việt Nam

Tổng cục Du lịch cần đầu tư xây dựng một bộ dữ liệu online về quảng bá chuyên nghiệp du lịch Việt Nam qua hình ảnh, clip có chất lượng cao và có tính viral cao trên toàn cầu. Các doanh nghiệp sẽ cùng phối hợp để lan tỏa bộ dữ liệu này kèm thông tin sản phẩm của từng doanh nghiệp, qua đó, góp phần tạo nên hiệu ứng lan tỏa và sự nhất quán về hình ảnh du lịch Việt Nam. 

Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường quảng bá trực tuyến trên các kênh truyền thông online, kênh mạng xã hội. Trong xu hướng phát triển chung của ngành Du lịch 4.0 toàn cầu không biên giới, đây vẫn là một trong những công cụ hiệu quả nhất để giới thiệu điểm đến và giới thiệu nhanh nhất sản phẩm, dịch vụ tới du khách quốc tế. Cùng với đó, cần chú trọng đến các giải pháp liên kết, kết nối với các kênh online đặc thù riêng tại các thị trường khai thác nguồn khách thông qua các chương trình kích cầu trực tiếp vào thị trường khách liên quan. Ngoài ra, để khai thác tối đa hiệu quả của công tác quảng bá điểm đến và tính đa dạng, hấp dẫn của sản phẩm du lịch Việt Nam, cần phải có sự liên kết nhằm gia tăng sức mạnh chung giữa các cơ quan ban, ngành, các công ty lữ hành, các đối tác vận chuyển, lưu trú, hàng không, qua đó gia tăng sức cạnh tranh bền vững của du lịch Việt Nam và điểm đến Việt Nam so với các nước trong khu vực.

(Ông NGUYỄN HỮU Y YÊN, Chủ tịch HĐTV, Công ty lữ hành Saigontourist)

Cơ chế đặc thù, linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và hàng không phục hồi

Cần đưa ra quy hoạch tổng thể về du lịch tầm nhìn 2025 - 2030 với các chỉ tiêu lớn và cụ thể. Đặc biệt cần đưa mục tiêu tăng xếp hạng của điểm đến trên các bảng xếp hạng du lịch trong khu vực để phục vụ công tác xúc tiến quảng bá hình ảnh hiệu quả và đồng bộ sản phẩm, trong đó quy hoạch nguồn nhân lực, tài chính và các công tác quảng bá sản phẩm theo sau. Các khu ẩm thực, chợ đêm cần được đầu tư và quy hoạch bài bản, đảm bảo 3 yếu tố: vệ sinh thực phẩm, an toàn thân thiện và đặc biệt phải mang văn hóa của địa phương. Hầu hết vẫn mang tính đặc trưng của các quốc gia khác như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, mà thiếu đi nét đặc trưng vùng miền của Việt Nam. 

Sau đại dịch Covid-19, tiếp nối với thời gian khủng hoảng kinh tế, du khách đang có xu hướng “nhạy cảm” về giá nên việc cạnh tranh về chi tiêu là yếu tố quan trọng trong việc thu hút du khách. Các công ty du lịch Việt Nam gần như đang đóng vai trò trung gian, tổng hợp dịch vụ từ các ngành và tiểu ngành dịch vụ khác, chưa có cơ chế và sự tham gia của cơ quan quản lý để liên kết các sản phẩm dịch vụ, tạo thành một chuỗi sản phẩm với mức giá cạnh tranh nhằm kích cầu thị trường quốc tế. Hiện đối với vấn đề này, Vietravel đang từng bước giải quyết với sự tham gia của Vietravel – Vietravel Airlines – VinaCapital (Dịch vụ - Vận chuyển – Lưu trú) để tạo thành chuỗi dịch vụ du lịch, tuy nhiên, mô hình này cần có cơ chế và sự tham gia của cơ quan quản lý, đặc biệt là tại địa phương để thực sự tạo nên chiến dịch kích cầu nhằm thu hút khách quốc tế.

(Bà HUỲNH PHAN PHƯƠNG HOÀNG, Phó Tổng giám đốc Vietravel Holdings)

XUÂN HƯỚNG – PHAN HIẾU – NGỌC HOÀ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top