Đức kêu gọi siết chặt các quy định về AI do những lo ngại về bản quyền

VHO- Các nghiệp đoàn và hiệp hội của Đức cho biết các quy định về AI nên được siết chặt để điều chỉnh AI tổng quát trong toàn bộ chu kỳ sản phẩm, đặc biệt là đối với các nhà cung cấp mô hình nền tảng.

Đức kêu gọi siết chặt các quy định về AI do những lo ngại về bản quyền - Anh 1

Biểu tượng OpenAI và ChatGPT. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 19.4, 42 hiệp hội và nghiệp đoàn của Đức, đại diện cho hơn 140.000 tác giả và nghệ sỹ biểu diễn đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) tăng cường dự thảo các quy định về trí tuệ nhân tạo (AI) trong bối cảnh ngày càng nhiều mối đe dọa đối với bản quyền của họ từ ChatGPT, mô hình sử dụng công nghệ AI để xử lý ngôn ngữ.

Nghiệp đoàn các ngành dịch vụ và giải trí Verdi và nghiệp đoàn lao động Đức DGB cùng hiệp hội các nhiếp ảnh gia, các nhà thiết kế, nhà báo và họa sĩ minh họa đã gửi thư tới Ủy ban châu Âu (EC), Hội đồng châu Âu và các nhà lập pháp EU bày tỏ mối quan ngại về AI như ChatGPT có thể bắt chước con người và tạo văn bản cũng như hình ảnh dựa trên lời nói.

Bức thư nêu rõ: “Việc sử dụng không có bản quyền các tài liệu được bảo vệ, quá trình xử lý không minh bạch và việc thay thế các nguồn bằng đầu ra của AI đặt ra những vấn đề cơ bản về trách nhiệm pháp lý và tiền thù lao, cần được giải quyết trước khi xảy ra tác hại không thể khắc phục được.”

Theo kế hoạch, EC, cơ quan đã đề xuất các quy định về AI hồi năm ngoái, sẽ cùng với các nhà lập pháp EU và các quốc gia thành viên thảo luận để đưa ra các chi tiết  cuối cùng trước khi thông qua thành luật AI trong vài tháng tới.

Các nghiệp đoàn và hiệp hội cho biết các quy định về AI nên được siết chặt để điều chỉnh AI tổng quát trong toàn bộ chu kỳ sản phẩm, đặc biệt là đối với các nhà cung cấp mô hình nền tảng.

Các nghiệp đoàn và hiệp hội cũng kêu gọi các nhà cung cấp công nghệ phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với tất cả nội dung do AI tạo ra và phổ biến, đặc biệt là đối với hành vi vi phạm quyền cá nhân và bản quyền, thông tin sai lệch hoặc phân biệt đối xử. Bức thư cho biết các nhà cung cấp mô hình nền tảng như Microsoft, Google của Alphabet, Amazon và Meta Platforms không được phép vận hành các dịch vụ nền tảng trung tâm để phân phối nội dung kỹ thuật số.

Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết các nhà lãnh đạo Nhóm bảy nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) cũng sẽ thảo luận về AI - ChatGPT tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Hiroshima vào tháng tới.

Hãng tin Kyodo dẫn lời ông Kishida phát biểu trong cuộc họp với chủ bút của các báo trong khu vực, khẳng định: “Cần phải tạo ra các quy tắc quốc tế”. Bình luận của nhà lãnh đạo Nhật Bản đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều lời kêu gọi tăng cường điều chỉnh các hệ thống AI khi việc sử dụng ChatGPT cũng như nhiều chương trình AI khác trở nên phổ biến.

TTXVN

Ý kiến bạn đọc