Quảng Nam: Hơn 950 tỉ đồng bố trí sự nghiệp phát triển văn hóa giai đoạn 2012-2021

VHO- UBND tỉnh Quảng Nam vừa có báo cáo s gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về di sản văn hóa (DSVH) trên địa bàn tỉnh này.

Quảng Nam: Hơn 950 tỉ đồng bố trí sự nghiệp phát triển văn hóa giai đoạn 2012-2021 - Anh 1

Toàn cảnh khu tháp A Mỹ Sơn được Chính phủ Ấn Độ hỗ trợ thực hiện tu bổ

Báo cáo nêu rõ các nội dung về: Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ và phát huy giá trị DSVH như việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về DSVH; công tác lập, phê duyệt, thực hiện quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Việc phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, đội ngũ quản lý DSVH,…
Trong đó, về việc thực hiện huy động, quản lý, sử dụng kinh phí để bảo vệ và phát huy giá trị DSVH, báo cáo nêu rõ, trong  giai đoạn từ 2012-2021, tổng nguồn vốn bố trí cho sự nghiệp phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Nam khoảng 954 tỉ đồng, đầu tư lồng ghép từ nhiều nguồn vốn. Trong đó nguồn ngân sách tỉnh đóng vai trò chủ đạo (610,7 tỉ đồng); ngoài ra từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa (73,5 tỉ đồng); nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu (269,7 tỉ đồng).
Riêng đối với nguồn vốn cho công tác tu bổ di tích, trong giai đoạn 2010 - 2021, tổng mức hỗ trợ từ Trung ương, Chính phủ các nước, ngân sách tỉnh, vốn đối ứng của các địa phương và nguồn xã hội hóa là 274,27 tỉ đồng. Trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 40,2 tỉ đồng; Chính phủ Ấn Độ và Italia hỗ trợ 52 tỉ đồng, ngân sách tỉnh bố trí 113,87 tỉ đồng, TP Đà Nẵng hỗ trợ 8 tỉ đồng, kinh phí đối ứng của các địa phương là 52,2 tỉ đồng và nguồn xã hội hóa 8 tỉ đồng. 
Để tiếp tục hỗ trợ tu bổ các di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh đã bị xuống cấp, năm 2022, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 13 (ngày 21.4. 2022) về Quy định cơ chế hỗ trợ đầu tư, tu bổ các di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025, với mức hỗ trợ đầu từ ngân sách tỉnh là 90,9 tỉ đồng.

Tỉnh Quảng Nam cũng rất quan tâm và đẩy mạnh lĩnh vực hợp tác quốc tế về bảo vệ, phát huy giá trị DSVH. Theo đó, trong giai đoạn 2017 - 2022, Chính phủ Ấn Độ tài trợ 50 tỉ đồng để thực hiện Dự án tu bổ các tháp A, H, K của Khu đền tháp Mỹ Sơn, đến nay đã hoàn thành mục tiêu đề ra; Chính phủ Italia tài trợ 2 tỉ đồng để thực hiện Dự án “Trung tâm đào tạo, bảo tồn di tích văn hóa tỉnh Quảng Nam” và trùng tu tháp G4, khai quật khảo cổ nhóm tháp L tại Khu đền tháp Mỹ Sơn.
Phối hợp với Trung tâm khảo cổ học dưới nước Đại học Oxford (Anh), xí nghiệp liên hợp trục vớt cứu hộ Việt Nam (Visal), công ty Saga (Malaysia) thực hiện khai quật khảo cổ hiện vật gốm Chu Đậu trên tàu đắm ở Cù Lao Chàm. Phối hợp với Bảo tàng Đại học Tokyo (Nhật Bản), Viện Khảo cổ Cộng hòa Liên bang Đức tại Born thực hiện khai quật khảo cổ tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Phối hợp với Chính phủ Italia tổ chức 02 khóa học theo dự án “Trùng tu di tích và bảo tồn di tích văn hóa tại Quảng Nam”, kết thúc dự án, tỉnh đã nhận chuyển giao một phòng thí nghiệm đặt tại Bảo tàng tỉnh Quảng Nam với đầy đủ trang thiết bị, máy mọc chuyên dụng, tạo điều kiện cho công tác bảo quản trị liệu hiện vật.

Về thực trạng bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa: Đối với DSVH vật thể,  hiện tại, tỉnh Quảng Nam có trên 300 di tích được đưa vào Danh mục di tích đăng ký bảo vệ giai đoạn 2019-2024, 451 di tích xếp hạng. 
Trong giai đoạn 2010 - 2020, đã triển khai tu bổ, tôn tạo 31 di tích quốc gia; 199 di tích cấp tỉnh. Giai đoạn 2022-2025, dự kiến ngân sách tỉnh đầu tư 90,940 tỉ đồng, hỗ trợ tu bổ khoảng 80 di tích (trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt; 11 di tích quốc gia). 
Đối với DSVH phi vật thể, tỉnh Quảng Nam luôn quan tâm đầu tư hoạt động truyền dạy, phổ biến, xuất bản, trình diễn, phục dựng, khai thác và phát huy các loại hình DSVH phi vật thể. Đến nay đã có 16 nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trên lĩnh vực này. 
Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Nam đang chỉ đạo các Sở, ngành tham mưu xây dựng và triển khai một số Đề án, Kế hoạch, Dự án nhằm bảo vệ và phát huy giá trị các di sản trên địa bàn tỉnh: Đề án bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi - Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, giai đoạn 2022-2030; Kế hoạch Sân khấu học đường, đưa nghệ thuật truyền thống Quảng Nam vào giảng dạy trong các trường Tiểu học, Trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030; Dự án đầu tư, tu bổ một số di tích quốc gia/quốc gia đặc biệt: Dinh trấn Thanh Chiêm, Địa điểm Chiến thắng Núi Thành, Địa đạo Kỳ Anh, Khu căn cứ Phước Trà, Khu căn cứ Nước Oa, Phật viện Đồng Dương….

Quảng Nam: Hơn 950 tỉ đồng bố trí sự nghiệp phát triển văn hóa giai đoạn 2012-2021 - Anh 2

Di tích Chùa Cầu - Hội An đang triển khai thi công tu bổ

UBND tỉnh Quảng Nam cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị. Cụ thể,  đề nghị Quốc hội quan tâm, bổ sung nội dung "Công trình khẩn cấp bao gồm công trình chống đỡ cấp thiết di tích" trong quy định của Luật Xây dựng; bổ sung nội dung "Trường hợp chỉ định thầu là gói thầu tu bổ cấp thiết di tích (gói thầu cần thực hiện ngay để tránh gây nguy hại ảnh hưởng trực tiếp đến di tích) trong quy định của Luật Đấu thầu.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, thống nhất ban hành cơ chế đặc thù về bảo tồn, phát huy Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An; bao gồm phân cấp quản lý, tu bổ di tích….Thống nhất chủ trương thành lập Quỹ bảo tồn Di sản Quảng Nam nhằm tạo cơ chế, cơ sở pháp lý cho tỉnh trong việc huy động, quản lý và sử dụng kinh phí để bảo tồn, tu bổ hệ thống di tích, đặc biệt đối với 02 DSVHTG Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn. 
Bên cạnh đó, đề nghị Bộ VHTTDL xem xét, đối với những trường hợp, cá nhân hoàn toàn truyền nghề trong cộng đồng, sau đó được xét biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì thời gian hoạt động trong nghề tính từ khi cá nhân đó bắt đầu truyền nghề đến thời điểm nộp hồ sơ tại Hội đồng cấp cơ sở” để mở rộng việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú nhằm tạo điều kiện, khuyến khích phát huy vai trò của các nghệ nhân trong công tác thực hành và truyền dạy di sản.
Ban hành hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản phi vật thể trong Danh mục di sản phi vật thể quốc gia; quy định về mức chi hỗ trợ, bồi dưỡng cho những học viên là những người không hưởng lương nhà nước và mức chi hỗ trợ, bồi dưỡng việc đi lại cho học viên ở vùng miền núi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH ở địa phương.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có 2 DSVHTG (Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn), 1 Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An;  451 di tích được xếp hạng (4 di tích quốc gia đặc biệt; 64 di tích quốc gia và 383 di tích cấp tỉnh); có 16 di sản được đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia; 1 di sản (Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam) được UNESCO vinh danh DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại.

THU HOÀI

Ý kiến bạn đọc