Du lịch nông nghiệp nông thôn: Thay đổi để phù hợp

VHO- Hiện nay, cả nước có khoảng gần 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động (trong đó khu vực Trung du miền núi phía Bắc có 215 mô hình, chiếm 43%). Nhưng có một thực tế là du lịch nông thôn còn khoảng cách xa với khu vực đô thị về chất lượng dịch vụ, khả năng tiếp cận.

Du lịch nông nghiệp nông thôn: Thay đổi để phù hợp - Anh 1

 Du lịch nông thôn phát triển mạnh mẽ ở Bắc Giang những năm gần đây Ảnh: ĐĂNG KHOA

Định hướng cho các địa phương

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, thời gian qua, du lịch nông nghiệp, nông thôn đã có sự phát triển mạnh mẽ, nhiều mô hình du lịch nông thôn đã hình thành ở nhiều địa phương phát huy hiệu quả, trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của du khách, dựa trên thế mạnh, đặc sắc của mỗi địa phương và sự đa dạng các sản phẩm du lịch. “Bộ NN&PTNT, Bộ VHTTDL sẽ xây dựng kế hoạch, giải pháp phù hợp nhằm nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp trong công tác chỉ đạo quản lý nhằm phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Từ đó, định hướng cho các địa phương những vấn đề quan trọng trong phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, liên quan đến rà soát công tác quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực, đồng thời nâng cao vai trò công tác quản lý ở địa phương, nâng cao năng lực các chủ thể làm du lịch canh nông và đề xuất các giải pháp cần triển khai trong thời gian tới”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết.

Về định hướng và đề xuất giải pháp triển khai các nhiệm vụ trong Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, du lịch là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thông qua đó chuyển đổi sinh kế, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, phục hồi, duy trì được các nghề truyền thống, sản vật địa phương để phục vụ du lịch, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Du lịch nông thôn không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội mà còn bảo tồn các giá trị cảnh quan, sinh thái, môi trường, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần thu hẹp khoảng cách về thu nhập và thụ hưởng giữa người dân nông thôn và đô thị.

Mặc dù đã có sự phát triển nhưng đa số các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn về hạ tầng giao thông, hạn chế về các điều kiện kinh tế xã hội khác và chủ yếu do cộng đồng địa phương, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ khai thác, nên còn rất hạn chế về tư duy nhận thức, nguồn lực đầu tư; kỹ năng, nghiệp vụ phục vụ khách và kết nối thị trường... Du lịch nông thôn còn khoảng cách xa với khu vực đô thị về chất lượng dịch vụ, khả năng tiếp cận. Do đó, du lịch nông nghiệp, nông thôn rất cần quan tâm hỗ trợ của Nhà nước bằng các cơ chế, chính sách như đầu tư đồng bộ về hạ tầng, ưu đãi tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi số… cũng như cần sự đầu tư đa dạng từ các nguồn lực xã hội khác.

Phát triển sản phẩm và kết nối thị trường

Trước đây, phát triển du lịch nông thôn chủ yếu do các địa phương triển khai hoặc lồng ghép trong một số hoạt động đơn lẻ của trung ương. Bộ NN&PTNT và Bộ VHTTDL đã nghiên cứu, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành được Chương trình phát triển du lịch nông thôn có tính tổng thể ở quy mô quốc gia và là một trong sáu chương trình chuyên đề trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, phát triển du lịch nông thôn được bố trí nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huy động được sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, được hỗ trợ đồng bộ về cơ chế, chính sách. Chương trình tập trung vào các nhiệm vụ: Nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền; phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng; tăng cường xúc tiến quảng bá cho du lịch nông thôn; xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững…

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cho rằng, trong bối cảnh mới, du lịch nông thôn cũng phải thay đổi để phù hợp với nhu cầu thị trường, đặc biệt là vấn đề phát triển sản phẩm và kết nối thị trường. Theo đó, du lịch nông thôn cần tập trung phát triển du lịch tại các địa bàn có điều kiện thuận lợi, khai thác thế mạnh nổi trội của khu vực nông thôn, tránh tình trạng phát triển theo phong trào; ưu tiên đầu tư phát triển các điểm du lịch nông thôn đồng bộ. Hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch kết nối được với các tuyến điểm du lịch trên địa bàn, trong vùng và với các trung tâm du lịch, các thị trường nguồn. Phát triển hệ thống sản phẩm du lịch nông thôn có chất lượng, sáng tạo, khác biệt về văn hóa, cảnh quan sinh thái dựa trên lợi thế của từng địa phương, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Ưu tiên phát triển các dòng sản phẩm nghỉ dưỡng nông thôn, chăm sóc sức khỏe, đa dạng tính trải nghiệm, các sản phẩm mới… Nâng cao kỹ năng phục vụ, quản trị để đáp ứng nhu cầu phát triển và hướng tới các nhu cầu riêng biệt của các nhóm khách mục tiêu. Chú trọng khai thác chuỗi giá trị du lịch trên cơ sở liên kết với các ngành nghề, dịch vụ liên quan của khu vực nông thôn nhằm cung cấp đa dạng trải nghiệm cho du khách.

Về định hướng đào tạo, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch nông thôn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho rằng, bên cạnh những giải pháp về quy hoạch, phát triển sản phẩm, xúc tiến, quảng bá thì giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nguồn nhân lực du lịch nông thôn được coi là giải pháp then chốt để phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. 

 THU HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc