Thực trạng kiến trúc Phật giáo Việt Nam: Tốc độ xây dựng mới, cơi nới, sửa chữa... rất lớn

VHO- Thực trạng kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay là tốc độ xây dựng mới, trùng tu, phục hồi, cơi nới, sửa chữa… rất lớn. Bên cạnh dấu ấn thời đại, nhiều công trình vẫn lưu giữ, bảo tồn được những giá trị, truyền thống kiến trúc, nhưng cũng bộc lộ không ít hạn chế, bất cập.

Thực trạng kiến trúc Phật giáo Việt Nam: Tốc độ xây dựng mới, cơi nới, sửa chữa... rất lớn - Anh 1

 Nhiều ngôi chùa vẫn giữ được kiến trúc cổ truyền thống . Trong ảnh: Cổng chùa Huyền Không Sơn Thượng, phường Hương Hồ, TP Huế (Thừa Thiên Huế)

 Hội thảo khoa học Kiến trúc Phật giáo Việt Nam - thống nhất trong đa dạng do Viện Nghiên cứu tôn giáo (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), Ban Văn hóa Trung ương (GHPGVN), Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Viện Bảo tồn di tích (Bộ VHTTDL) phối hợp tổ chức mới đây đã đặt ra nhiều vấn đề trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc Phật giáo Việt.

Kiến trúc Phật giáo truyền thống đang mai một

Theo Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự GHPGVN, Phật giáo truyền vào nước ta cách nay gần 2.000 năm. Thông qua ngôn ngữ biểu đạt, y phục, nghi lễ, cách thức thờ tự, bài trí tượng pháp, hệ thống kiến trúc, biểu tượng trang trí… đã tạo nên được sắc thái riêng độc đáo. Tuy nhiên, sự tàn phá của thời gian cũng như chiến tranh, nhất là bối cảnh đô thị hóa và để đáp ứng nhu cầu của số lượng lớn Phật tử, công chúng, nhiều ngôi chùa với những nét đẹp kiến trúc cổ đang dần bị tác động, mai một bởi cải tạo, cơi nới không phù hợp. Có những công trình xây mới, mặc dù đã cơ bản đáp ứng nhu cầu tu tập, sinh hoạt tâm linh của xã hội, nhưng đôi chỗ chưa đảm bảo kế thừa những giá trị, đặc trưng văn hóa truyền thống cũng như tư tưởng, tinh thần Phật giáo.

Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hóa Trung ương (GHPGVN) nhấn mạnh, kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay đang tồn tại nhiều vấn đề bất cập. “Nhiều ngôi chùa xây mới chưa tuân thủ những nguyên tắc xây dựng, chưa có tư vấn thiết kế đầy đủ… đã vô tình làm giảm tư tưởng, triết lý Phật giáo trong kiến trúc. Mặt khác, một số ngôi chùa được xây theo kiểu chắp vá, hoặc ôm đồm nhiều trường phái trong một ngôi chùa Việt. Đây là một thực tế cần nhận thức đầy đủ để có những định hướng và giải pháp phù hợp”, Hòa thượng Thích Thọ Lạc nhấn mạnh.

Thực trạng kiến trúc Phật giáo Việt Nam: Tốc độ xây dựng mới, cơi nới, sửa chữa... rất lớn - Anh 2

 Chính điện chùa Kléang (Kleng), phường 6, TP Sóc Trăng (Sóc Trăng )

TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia đồng thuận, trong bối cảnh xã hội hiện nay, với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhiều ngôi chùa, tháp đã và đang chịu những tác động do quá trình tu bổ, tôn tạo và xây mới, ảnh hưởng đến hình ảnh kiến trúc Phật giáo; chưa đáp ứng tốt yêu cầu, đôi khi còn đi ngược với truyền thống kiến trúc Phật giáo Việt Nam.

PGS.TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nhận định, các công trình, tự viện ngày càng được xây dựng nhiều hơn, quy mô lớn hơn, công năng sử dụng nhiều hơn, loại hình phong phú hơn, phong cách nghệ thuật cũng đa dạng hơn. Theo số liệu từ GHPGVN, hiện nay cả nước có khoảng 18 ngàn ngôi chùa của các hệ phái. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển, kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện cũng tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, cần đánh giá toàn diện để đề xuất giải pháp khắc phục. PGS.TS Chu Văn Tuấn nhấn mạnh việc cần đề xuất những định hướng nhằm hướng tới xây dựng Bộ tiêu chí, tài liệu hướng dẫn đối với việc xây dựng mới, trùng tu, phục dựng các công trình kiến trúc Phật giáo.

Thái độ ứng xử phù hợp

Cũng theo PGS.TS Chu Văn Tuấn, một điểm đáng lưu ý về thực trạng kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay là tốc độ xây dựng mới, trùng tu, phục hồi, cơi nới, sửa chữa… rất lớn. Khái quát một số bất cập, hạn chế có thể thấy, thực trạng thiếu quy hoạch tổng thể; sự tích hợp của yếu tố cũ - mới chưa phù hợp; phong cách kiến trúc không đồng nhất; chưa hài hòa về trang trí, ánh sáng; nhiều công trình, tự viện chưa làm tốt việc bảo tồn, giữ gìn di sản kiến trúc Phật giáo; việc trùng tu công trình kiến trúc cổ không đúng quy định của Luật Di sản văn hóa…

Nhiều ngôi chùa sau quá trình trùng tu, hoặc xây thêm các công trình, hạng mục mới tạo nên sự mâu thuẫn giữa các yếu tố/hạng mục cũ - mới. Ông Tuấn nêu, chẳng hạn, có trường hợp xây thêm các hạng mục mới như lầu chuông, lầu trống nhưng không hài hòa với các hạng mục công trình cũ, khiến cho cái cũ bị lấn át, trong khi cái cũ mới là yếu tố chính. Lại có trường hợp, một công trình mới (chính điện) được xây dựng ngay cạnh tháp cổ có lịch sử lâu đời, dẫn đến phá vỡ tổng thể công trình.

Thực trạng kiến trúc Phật giáo Việt Nam: Tốc độ xây dựng mới, cơi nới, sửa chữa... rất lớn - Anh 3

 Bệ đá kê chân cột thời Lý, trang trí rồng, sen và dàn vũ công tại chùa Phật Tích (Bắc Ninh)

Trước những vấn đề đặt ra này, nhiều ý kiến cho rằng cần một thái độ ứng xử phù hợp, đúng đắn hơn với kiến trúc Phật giáo Việt Nam trong thời gian tới. PGS.TS Chu Văn Tuấn nêu, kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện rất cần có những định hướng, nguyên tắc chung để đảm bảo rằng các ngôi chùa vẫn giữ gìn được những nét kiến trúc, văn hóa Phật giáo truyền thống của dân tộc và có sự tích hợp những yếu tố mới của thời đại.

Hòa thượng Thích Thọ Lạc nhìn nhận, để giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, nhu cầu và thực tiễn thì rất cần các giải pháp khoa học, khả thi thì mới mang lại hiệu quả cao. Theo Hòa thượng, trong giai đoạn hiện nay, văn hóa trở thành nhân tố hàng đầu trong sự hiện diện của dân tộc khi các mối giao lưu quốc tế không ngừng gia tăng. Giá trị kiến trúc Phật giáo Việt Nam là một trong những loại hình di sản quan trọng và là tài sản vô giá gắn kết cộng đồng. Bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc Phật giáo Việt Nam phải trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các giá trị có ý nghĩa định hướng cho phát triển bền vững, và chỉ bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp, phù hợp, loại bỏ những yếu tố phản văn hóa, lệch chuẩn, không tạo nên giá trị văn hóa, thậm chí là làm giảm giá trị vốn có của kiến trúc Phật giáo Việt Nam.

GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông trên cơ sở nhận định về tính thống nhất và đa dạng trong kiến trúc Phật giáo Việt cho rằng, cần tiếp tục các nghiên cứu chuyên sâu về kiến trúc; xây dựng các nguyên tắc dưới dạng sổ tay để định hướng thiết kế và thi công. Các nguyên tắc này đảm bảo nhu cầu hoạt động Phật giáo đương đại ở từng hệ phái, phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặc điểm văn hóa địa phương, vùng miền, đồng thời khuyến khích sáng tạo để tạo nên sự đa dạng của kiến trúc các hệ phái theo hướng hiện đại và đậm đà bản sắc… 

 Điểm đáng lưu ý về thực trạng kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay là tốc độ xây dựng mới, trùng tu, phục hồi, cơi nới, sửa chữa… rất lớn. Khái quát một số bất cập, hạn chế có thể thấy, thực trạng thiếu quy hoạch tổng thể; sự tích hợp của yếu tố cũ - mới chưa phù hợp; phong cách kiến trúc không đồng nhất; chưa hài hòa về trang trí, ánh sáng; nhiều công trình, tự viện chưa làm tốt việc bảo tồn, giữ gìn di sản kiến trúc Phật giáo; việc trùng tu công trình kiến trúc cổ không đúng quy định của Luật Di sản văn hóa…

Nhiều ngôi chùa sau quá trình trùng tu, hoặc xây thêm các công trình, hạng mục mới tạo nên sự mâu thuẫn giữa các yếu tố/hạng mục cũ - mới. Có trường hợp xây thêm các hạng mục mới như lầu chuông, lầu trống nhưng không hài hòa với các hạng mục công trình cũ, khiến cho cái cũ bị lấn át, trong khi cái cũ mới là yếu tố chính. Lại có trường hợp, một công trình mới (chính điện) được xây dựng ngay cạnh tháp cổ có lịch sử lâu đời, dẫn đến phá vỡ tổng thể công trình.

(PGS.TS CHU VĂN TUẤN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)

 BẢO PHƯƠNG; ảnh: BTLSQG cung cấp

Ý kiến bạn đọc