Cần có triết lý mới, nhận thức mới về đầu tư cho giáo dục

VHO - Ngày 18.4, tại tỉnh Bình Dương, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7.10.2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cần có triết lý mới, nhận thức mới về đầu tư cho giáo dục - Anh 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và chỉ đạo Hội nghị. Cùng dự Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, đại diện các cơ quan của Quốc hội và lãnh đạo các tỉnh, thành trong khu vực.
Sức ép về tình trạng thiếu trường lớp

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, vùng Đông Nam Bộ là vùng có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Thời gian qua, giáo dục và đào tạo của vùng đã đạt được những kết quả quan trọng, đáng ghi nhận, tuy nhiên, giáo dục của vùng vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức như: tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp; tình trạng quá tải tại các trường học, cơ sở đào tạo; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em, học sinh tại địa bàn tập trung các khu công nghiệp, khu chế xuất còn nhiều hạn chế…

Tại Báo cáo tình hình phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2011 – 2022 do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc trình bày cho thấy, tính đến nay, toàn vùng có 7.871 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên (tăng 1.007 cơ sở so với năm học 2010 - 2011).  Tuy nhiên, do tốc độ tăng dân số cơ học của vùng, đặc biệt là tại các thành phố lớn, các khu công nghiệp, đã gây áp lực không nhỏ lên hệ thống giáo dục,  khiến tỷ lệ học sinh/trường và sĩ số học sinh/lớp của vùng cao nhất cả nước, đặc biệt tỷ lệ học/trường cấp THCS cao gấp 2 lần so với trung bình cả nước

Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ toàn vùng đứng thứ ba trong sáu vùng kinh tế - xã hội. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đứng thứ năm trong sáu vùng kinh tế - xã hội.

Sở dĩ tốc độ phát triển của hệ thống giáo dục không theo kịp sự gia tăng dân số, là do vùng Đông Nam Bộ có diện tích chưa bằng 1/10 cả nước nhưng dân số chiếm hơn 19%, có tỉ lệ tăng dân số, người nhập cư cao nhất cả nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh  cho biết, tỉnh này mỗi năm tăng thêm hơn 100.000 dân, trong đó có hơn 20.000 học sinh nên nhu cầu xây mới hàng chục trường học. Hiện tỉnh đang thiếu tới hơn 2.100 giáo viên phổ thông.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng biết,  nhờ có sự phát triển của hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập mà tình trạng thiếu trường lớp đã được khắc phục phần lớn. Tuy nhiên, để khắc phục triệt để tình trạng thiếu trường lớp ở các cấp, trung ương cần có hướng dẫn rõ ràng về các cơ chế khuyến khích tư nhân đầu tư vào giáo dục, trong đó có việc sử dụng đất, gắn quy hoạch giáo dục với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh cũng cho biết: Vấn đề của giáo dục Bình Phước hiện nay là thiếu cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị; thiếu giáo viên, còn nhiều giáo viên chưa đạt chuẩn, chưa cân đối về cơ cấu; chưa nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư để phát triển giáo dục ngoài công lập; chưa có trường đại học đóng trên địa bàn; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng gặp khó khăn.

Cần có triết lý mới, nhận thức mới về đầu tư cho giáo dục - Anh 2

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị

Bà Tuyết Minh cũng kiến nghị Chính phủ xem xét việc tinh giản biên chế giáo dục; chế độ chính sách đãi ngộ cho giáo viên, nhất là giáo viên mầm mon đang công tác ở vùng sâu vùng xa; chế độ ưu tiên cho học sinh khó khăn về tiếp cận sách giáo khoa mới; Bộ GD&ĐT quan tâm hỗ trợ Bình Phước quy hoạch phát triển giáo dục đại học…. 

Là “điểm nóng” về thiếu trường lớp do áp lực dân số gia tăng, ông Bùi Xuân Cường - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết mỗi năm TP.HCM phải chi khoảng 2.000 tỉ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, trường học cho giáo dục để hạn chế tình trạng thiếu trường lớp. Ngân sách dành cho giáo dục của TP luôn tăng theo từng năm, hiện chiếm 28% ngân sách chi thường xuyên và 20% ngân sách chi xây dựng cơ bản.

Cần có triết lý mới, nhận thức mới về đầu tư cho giáo dục

Chia sẻ triết lý phát triển dựa vào con người, "hiền tài là nguyên khí quốc gia", Phó Thủ tướng cho biết, nếu chỉ phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên như hiện nay, nhân loại cần tới 3 trái đất, "do vậy phải thay đổi tư duy, phương thức phát triển để tận dụng tài nguyên tri thức, lấy nguồn lực con người hay thế cho nguồn lực tự nhiên".

Phó Thủ tướng cho rằng cần có triết lý mới, nhận thức mới về đầu tư cho giáo dục, chính sách đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, phương thức dạy và học… trên cơ sở khoa học, dân chủ, tiếp thu kinh nghiệm của thế giới, phù hợp với thực tiễn của đất nước. Từ đó xác định vị trí của giáo dục phổ thông, đại học, sau đại học khi đưa ra quyết định, chủ trương đầu tư trong lĩnh vực giáo dục.

Cần có triết lý mới, nhận thức mới về đầu tư cho giáo dục - Anh 3

Quang cảnh Hội nghị

Phó Thủ tướng phân tích, hiện nay các thầy cô giáo, nhà trường được "gửi gắm" gần như hoàn toàn việc giáo dục cho con trẻ, trong khi yêu cầu đặt ra là phát triển năng lực toàn diện của học sinh, từ kiến thức đến tinh thần nhân văn, hiểu biết lịch sử, văn hoá dân tộc, yêu cái đẹp, biết rèn luyện thể chất, trân trọng tri thức… Vì vậy, ngành giáo dục phải thay đổi cách giảng dạy, truyền thụ trong nhà trường; đề cao vai trò môi trường học tập suốt đời ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng để mỗi cá nhân biết cách tự học, học đi đôi với hành, hoàn thiện bản thân; tạo không gian, môi trường đổi mới sáng tạo.

Phó Thủ tướng khẳng định: Ngành Giáo dục phải quy hoạch mạng lưới hệ thống giáo dục các cấp trên cơ sở quy hoạch quốc gia, vùng, địa phương, có đủ không gian giảng dạy dạy kiến thức văn hoá, thể dục thể thao, đào tạo nghề… nhằm phát triển toàn diện năng lực, kỹ năng của học sinh; định hướng nghề nghiệp phù hợp; góp phần phát hiện và đào tạo nhân tài.

Về phát triển đội ngũ giáo viên, Phó Thủ tướng cho rằng cần "đi trước một bước "trong đổi mới nội dung, mục tiêu, phương pháp đào tạo, cập nhật kiến thức, để đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Về vấn đề chính sách xã hội hoá giáo dục, Phó Thủ tướng nêu quan điểm: Nhà nước chỉ đầu tư, quản lý những gì cần quản lý, đồng thời mở ra không gian sáng tạo, đổi mới chính sách để thu hút, huy động các nguồn lực xã hội vào lĩnh vực giáo dục. Chính sách cho giáo dục không phân biệt công lập và tư nhân.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu liên thông trong hệ thống giáo dục, dạy nghề (trung cấp nghề nghiệp, cao đẳng lên đến đại học, sau đại học) để khuyến khích học tập suốt đời, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong thế giới kết nối, chia sẻ, ngành giáo dục phải phát huy nội lực, chú trọng thu hút các nhà khoa học, nhân tài là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài. Đồng thời, nâng cao hơn nữa chất lượng dạy ngoại ngữ - đây là "giấy thông hành", "hành trang" để lao động Việt Nam hội nhập ra thế giới.

HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc