Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Đồng bào Khmer Cần Thơ đón Tết Chôl Chnăm Thmây vui tươi, phấn khởi

Thứ Ba 18/04/2023 | 19:19 GMT+7

VHO - Cũng như các dân tộc anh em, chào đón năm mới, đồng bào Khmer ở TP Cần Thơ trang hoàng nhà cửa và thực hiện những nghi thức truyền thống, hy vọng một năm mới với nhiều may mắn, sung túc hơn. Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2023 của đồng bào Khmer diễn ra từ ngày 24-26 tháng 2 âm lịch (nhằm ngày 14-16.4.2023 ) với nhiều hoạt động văn hoá, thể thao, văn nghệ đặc sắc, làm cho không khí Chôl Chnăm Thmây thêm phần vui tươi, phấn khởi.

Thượng tọa Lý Hùng, Phó Trưởng ban Pháp chế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây thực hiện nghi thức tắm Phật

Tết Chôl Chnăm Thmây vừa là ngày mở đầu năm mới, mở đầu thời vụ, cũng là ngày hạnh phúc, tươi vui nhất trong năm của đồng bào Khmer. Tại TP Cần Thơ, đồng bào Khmer trang hoàng nhà cửa và thực hiện những nghi thức truyền thống, hy vọng một năm mới với nhiều may mắn, sung túc hơn. 

Tết Chôl Chnăm Thmây diễn ra trong 3 ngày. Ngày thứ nhất, gọi là Săng Cran hay Maha Săng Cran có nghĩa là “ngày bước sang, tức là năm cũ bước sang năm mới; ngày đón mừng Chư Thiên (Kế Mi Ra Dê Vi) Thần vệ nữ, theo tục lệ dân gian thường gọi là ngày “đón Chư Thiên năm mới”. Tất cả những việc làm để cúng dường trong 3 ngày Tết như: Đặt bàn vọng Thiên gồm nhang đèn, hoa quả, nước, bánh tét, bánh ít các loại (trước sân chùa hoặc sân nhà những nơi thích hợp).

Bà con phật tử dâng cơm cho sư

Ngày thứ hai, gọi là ngày Varavanapata, là ngày giao thời, ngày quá độ hay ngày bàn giao công việc giữa Chư Thiên đã mãn nhiệm và vị Thần vệ nữ. Ngày này, bà con làm lễ dâng cơm và đắp núi cát. Mỗi gia đình làm cơm dâng cho các vị sư sãi ở chùa vào buổi sớm và trưa. Trước khi ăn, các nhà sư tụng kinh làm lễ tạ ơn những người làm ra vật thực, những người mang vật thực đến cho nhà chùa. Buổi chiều, tổ chức lễ đắp núi cát để tìm phúc duyên. Mọi người đắp cát thành nhiều ngọn núi nhỏ theo tám hướng và một núi ở trung tâm, tượng trưng cho vũ trụ. Tục này có dẫn chứng theo tích lâu đời biểu lộ ước vọng cầu mưa, cầu phúc của con người. 

Để chuẩn bị cho việc xây núi cát cần phải chuẩn bị sẵn và đầy đủ những vật liệu như tre, cát (chọn lấy loại cát tốt và ẩm), giấy màu để cắt làm lá phướng, hoa sen, hoa huệ... Sau khi đã chọn được nơi trống thoáng, rộng rãi, mọi người hợp lực nhau cùng làm theo sự điều khiển của ông Achar hoặc một người thạo và phải hoàn tất trước ngày hoặc trước giờ giao thừa.

Khi đã chọn xong chỗ thích hợp trong sân chùa, chư Phật tử (có thể dùng thau nhỏ) hốt cát đem đổ thành đống cao, có một hoặc hai người thọo việc dùng que hoặc dùng thay nén, vuốt đống cát cho thành hình “quả núi ”. Ở trên đỉnh, sườn và xung quanh chân núi có cấm hoa, phướng và nhang đèn. Xung quanh bên ngoài núi cát có làm hàng rào bằng tre hình vuông bốn góc bằng nhau và trang trí bằng tàu dừa hoặc lá cây (ở thành thị dùng tàu dừa, ở nông thôn thường dùng lá cây “cần thẳng”) và có chừa 4 ngõ Đông. Tây, Nam, Bắc để cho Phật tử ra vào thấp nhang đèn cúng dường trong 3 ngày Chôl Chnăm Thmây.

Xong phần lễ, mọi người cùng nhau tham gia trò chơi té nước cầu mong may mắn trong năm mới

Sau khi đã hoàn tất núi cát trước giờ giao thừa, chư Phật tử tề tựu tại phía trước cửa Đông của núi cát, ông Achar lấy 1,5m hoặc 2m vải trắng choàng chéo quả núi cát và ghim hai đầu lại cho dính nhau, tiếp theo đọc bài Kinh gọi là “Bà lây poát sây ma” có nghĩa là “khoanh vùng lãnh giới núi cát” để ngăn ngừa lũ phi nhơn, ngạ quỷ, yêu ma xâm nhập vào quậy phá.

Biểu diễn nghệ thuật mừng năm mới

Ngày thứ ba, gọi là ngày Vara Lơng Sắc, là ngày Thiên Can, tức thời điểm chính thức của năm cũ đã hết và chuyển sang năm mới. Về Thiên Can thì người Khmer và Việt Nam có Thập Thiên Can và Thập Nhị địa Chi như nhau. Ngày này sẽ làm lễ tắm tượng Phật, tắm sư. Vào buổi sáng dâng cơm sáng cho các sư, họ tiếp tục nghe thuyết pháp. Chiều, đốt đèn nhang, dâng lễ vật, đưa nước có ướp hương thơm đến tắm tượng Phật. Biết ơn thương nhớ Đức Phật đồng thời gột rửa mọi điều không may của năm cũ, bước sang năm mới, mọi sự như ý.

Sau đó đến nghi thức tắm cho các vị sư sãi cao niên. Sau lễ tại chùa, mọi người rước các nhà sư tới nghĩa trang, để thực hiện lễ cầu siêu cho linh hồn những người quá cố. Lễ xong ai về nhà nấy, làm lễ tắm tượng Phật tại nhà mình, dâng cỗ chúc phúc ông bà cha mẹ, xin tha thứ những thiếu sót, lỗi lầm năm cũ. Trong các ngày này mọi người đi thăm hỏi lẫn nhau, chúc nhau tài lộc, sức khoẻ, phát đạt và cùng nhau tham gia các trò vui. Thời gian có khi kéo dài hơn tuần mới trở lại cuộc sống thường nhật.

T.TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top