Khai mạc trưng bày “Lưu dấu lịch sử - khám phá Tàng Thơ Lâu”

VHO- Ngày 18.4, tại di tích Tàng Thơ Lâu, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã khai mạc trưng bày “Lưu dấu lịch sử - khám phá Tàng Thơ Lâu”. Cùng với đó là chuỗi các hoạt động ý nghĩa nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023.

Khai mạc trưng bày “Lưu dấu lịch sử - khám phá Tàng Thơ Lâu” - Anh 1

Tham quan không gian trưng bày sách và tư liệu quý tại Tàng Thơ Lâu

Tại không gian di tích Tàng Thơ Lâu- một thư viện cổ dưới triều Nguyễn, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã giới thiệu đến công chúng những ấn phẩm và các tài liệu quý hiếm. Về sách Hán Nôm, có các ấn phẩm: Đại Nam Quang chế, Đại Nam Anh nhã tiền biên, Hoàng triều Ngọc điệp, Ngự chế văn minh cổ khí đồ, Hoàng Việt tân luật, Thượng dụ Huấn điều, Nam quốc Giai sự.

Trưng bày bộ tranh Grande Tenue de la Cour D’Annam của tác giả Nguyễn Văn Nhân vẽ tại Huế vào tháng 12.1902 và các tài liệu về trang phục triều Nguyễn. Ngoài ra, du khách còn có thể tham quan và tìm hiểu về bộ sưu tập văn bằng triều Nguyễn…

Dịp này, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã hiến tặng nhiều sách và tài liệu quý, bổ sung ngày càng phong phú cho nguồn tư liệu về triều Nguyễn và di sản văn hóa Huế đang được lưu giữ tại Tàng Thơ Lâu. Những hình ảnh, sách, tư liệu này cũng được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế dành một không gian trưng bày với tên gọi “Dấu ấn Tàng Thơ Lâu của chúng ta”, nhằm tôn vinh, tri ân các độc giả đã có nghĩa cử cao quý, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị Tàng Thơ Lâu nói riêng, nâng cao vị thế của Văn hóa đọc Việt Nam nói chung.

Khai mạc trưng bày “Lưu dấu lịch sử - khám phá Tàng Thơ Lâu” - Anh 2

Những tư liệu do nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng tặng 

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế bày tỏ hy vọng đây sẽ là hoạt động bổ ích mang lại những trải nghiệm thú vị cho cộng đồng và du khách, nhằm kết nối tri thức, khám phá tinh hoa di sản văn hóa Huế. Đồng thời, góp phần chung tay cũng trung tâm tìm kiếm, lưu trữ các tư liệu và những đầu sách có giá trị lịch sử để bổ sung nguồn tư liệu quý; qua đó, nhằm đưa Tàng Thơ Lâu thành nơi lưu trữ tài liệu về triều Nguyễn lớn nhất Việt Nam.

Cũng nhân dịp Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2, trong hai ngày 18 và 19.4, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng tổ chức các hoạt như: trưng bày sách cổ hiến tặng và giới thiệu tác phẩm Ngự chế minh văn cổ khí đồ tại Điện Long An- Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế; tổ chức Hội thi “Chia sẻ cuốn sách hay” giữa học sinh các trường THPT trên địa bàn TP.Huế; buổi nói chuyện của nhà sưu tầm sách báo Nguyễn Phi Dũng (Nam Định) với chủ đề “Lan tỏa niềm đam mê sách báo” tại Trường THPT Quốc Học Huế...

Khai mạc trưng bày “Lưu dấu lịch sử - khám phá Tàng Thơ Lâu” - Anh 3

Không gian di tích Tàng Thơ Lâu, một thư viện dưới triều Nguyễn.

Thông qua các hoạt động Di sản với học đường nói trên, nhằm lan tỏa trong học sinh thêm niềm tin yêu sách, tôn vinh văn hóa đọc, bồi đắp kiến thức đồng thời giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước. Đồng thời cũng góp phần đa dạng hóa các hoạt động giáo dục, sinh hoạt ngoại khóa, xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Tin, ảnh: S.THÙY

Ý kiến bạn đọc