Hà Nội và chuyện nghịch lý thừa, thiếu công viên (Bài cuối): Cần tổng rà soát toàn bộ công viên ở Hà Nội

VHO- Nhiều năm đau đáu trước nghịch lý thừa - thiếu công viên ở Hà Nội, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm (ảnh), Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, khẳng định, “hồi sinh” các công viên, vườn hoa ở Hà Nội là việc phải ưu tiên hàng đầu hiện nay.

Hà Nội và chuyện nghịch lý thừa, thiếu công viên (Bài cuối): Cần tổng rà soát toàn bộ công viên ở Hà Nội - Anh 1

Đồng tình với những vấn đề mà Văn Hóa đặt ra trong loạt bài KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh, đây là việc phải làm từ “gốc”, tránh lãng phí tài nguyên, tạo “lá phổi xanh” cho thành phố và đáp ứng nhu cầu của người dân.

P.V: Từ góc nhìn của một chuyên gia nhiều năm chịu trách nhiệm Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội, ông nhận định thế nào về việc đầu tư, quản lý, khai thác công viên, vườn hoa trên địa bàn Hà Nội?

- TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Từ năm 1954 đến nay, Hà Nội đã có tới 7 lần lập quy hoạch chung và đều đề cập đến hệ thống công viên cây xanh, vườn hoa. Sau năm 2008, địa giới hành chính của Hà Nội mở rộng, đến năm 2014 đã lập hẳn một quy hoạch chuyên ngành về công viên cây xanh. Khi đó, các chuyên gia đã vào cuộc vì xác định đây là vấn đề rất quan trọng.

Một trong những mục tiêu của Hà Nội là phát triển xanh, văn minh, hiện đại. Không gian xanh là một chỉ tiêu quan trọng để xác định vị thế của Hà Nội, minh chứng quá trình phát triển và đặc điểm vị trí địa lý của thành phố. Nhưng thực tế thì chỉ tiêu về cây xanh của Hà Nội đến nay vẫn còn rất thấp. Nếu muốn trở thành một đô thị đặc biệt thì thành phố phải đạt trung bình khoảng 12 - 15m2 diện tích không gian xanh công cộng/ người. Hiện nay Hà Nội chỉ đạt được 5m² cây xanh/người.

Nhiều công viên, vườn hoa chưa tạo thuận lợi, hoặc ít sức thu hút người dân. Công viên Thống Nhất được khánh thành từ năm 1961, trải qua nhiều thập kỷ nhưng gần đây mới được hạ rào, bỏ bán vé để người dân có thể tự do vào trong không gian công cộng. Nhiều công viên khác dù lâu năm nhưng vẫn chưa phát huy được chức năng của mình. Công viên Hoà Bình gắn với thông điệp Hà Nội là thành phố hòa bình, nằm trên trục đường thuận tiện…, thế nhưng đến nay vẫn chưa phát huy được hết vai trò của một không gian công cộng. Công viên Thủ Lệ, Bách Thảo dù mang dấu ấn, hoài niệm của Hà Nội, là những địa chỉ quen thuộc của người dân nhưng càng ngày càng xuống cấp trầm trọng.

Hà Nội cũng có nhiều công viên chuyên đề, công viên sinh thái, công viên văn hóa… nhưng nhiều năm vẫn không được phát huy hiệu quả, không triển khai hoặc có triển khai nhưng không khai thác được, lãng phí tài nguyên, nhất là tài nguyên văn hóa.

 Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng bất cập kéo dài này, thưa ông?

- Công viên, vườn hoa là vấn đề được thành phố quan tâm, được khung pháp lý quy định, có quy hoạch bài bản. Thế nhưng từ các quy định, kế hoạch đến tổ chức thực hiện còn có những khoảng cách. Thiếu kiểm tra giám sát thường xuyên trong phát triển đô thị. Một vấn đề cần thẳng thắn nhìn nhận lúc này là thành phố có thật sự quyết tâm giải quyết triệt để, đồng bộ vấn đề quản lý, tôn trọng quy hoạch, phát huy hiệu quả hệ thống công viên, hay chỉ đơn thuần cần những không gian xanh để nâng chất lượng sống cho người dân trước mắt mà thôi.

Khả năng huy động nguồn lực xã hội hóa hạn chế cũng là một vấn đề nan giải. Nhiều năm qua Hà Nội chưa có cơ chế, chính sách thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng tham gia vào các dự án công viên. Những tồn tại hiện nay cũng cho thấy, công tác quản lý các công viên chưa có sự giám sát ổn định cho nên vẫn chưa có được sự vận hành, phát huy một cách phù hợp.

 Nhiều ý kiến cho rằng hệ thống công viên Hà Nội chưa được quan tâm, đầu tư xứng đáng bởi chúng ta chưa thực sự coi đó là một bộ phận cấu thành của văn hóa đô thị, thiếu tầm nhìn và tư duy văn hóa trong quản trị đô thị. Ông suy nghĩ như thế nào?

- Công viên, vườn hoa chính là biểu tượng của văn hóa, nhiều nơi gắn với các sự kiện lịch sử đặc biệt, là dấu ấn của Thủ đô. Nhưng đáng buồn là những câu chuyện diễn ra ở công viên Hà Nội không cho người dân cảm nhận về những điều đó. Thậm chí, các công trình kiến trúc nhỏ, khu vui chơi giải trí cho mọi lứa tuổi cũng không được khai thác đúng mức. Trong Công viên Thống Nhất, khu vực có ý nghĩa thiêng liêng là nơi Bác Hồ trồng cây không được phát huy hiệu quả, thậm chí rất ít người dân biết khu vực này. Hầu hết các tượng đài, vườn hoa ở các quận nội thành cũng không được khai thác yếu tố văn hóa.

Cuộc sống bức bối, người dân không được đáp ứng những nhu cầu tối thiểu về khu vui chơi giải trí, tập luyện thể thao, các công viên thì ghế đá xập xệ, hàng quán, tư nhân chiếm dụng. Một số công viên mang yếu tố đặc trưng chưa được quan tâm, đầu tư. Những công viên mang tính hữu nghị như Indira Gandhi (tên nữ Thủ tướng Ấn Độ) cũng chưa làm được. Công viên Bách Thảo cây cối chết nhiều, Công viên Thủ Lệ đã tạo ra một thú vườn thú riêng để bảo tồn nhưng lại chưa triển khai, hệ thống hạ tầng thì xuống cấp ngày càng trầm trọng… Có thể nói, sự quan tâm của Hà Nội để phát triển hệ thống công viên còn rất thiếu tính đồng bộ, thiếu nguồn lực nên thực tế nhiều năm qua vẫn luôn là vấn đề nhức nhối.

Hà Nội và chuyện nghịch lý thừa, thiếu công viên (Bài cuối): Cần tổng rà soát toàn bộ công viên ở Hà Nội - Anh 2

 Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, ở Hà Nội có nhiều công viên mang tên… “nỗi đau” Ảnh: TR.HUẤN

Việc đầu tư làm “sống dậy” các công viên, vườn hoa như quyết tâm của Hà Nội là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, để thực hiện được cũng cần có những việc làm, hành động cụ thể chứ không chỉ là những hô hào trên văn bản?

- Rất đúng, không phải chỉ để xứng tầm Thủ đô mà nhằm đạt được các chỉ tiêu để Hà Nội trở thành đô thị đặc biệt. Chúng ta phải quyết liệt trong việc đạt được những chỉ tiêu này. Theo tôi, cần phải có một cuộc tổng kiểm tra rà soát lại hệ thống công viên. Kể cả Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định 1495/ QĐ-UBND năm 2014 của UBND thành phố) cũng phải rà soát lại để đánh giá hiện trạng thế nào, thực hiện quy hoạch đến đâu và giải pháp gì để cải thiện tình hình. Việc quản lý, vận hành các công viên cũng cần thay đổi, không thể mãi kéo dài tình trạng các công viên trong nội thành đua nhau xuống cấp; công viên mới xây dựng hoặc bị “treo”, hoặc không mở cửa.

Đặc biệt, trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô, cần đề xuất chính sách đặc thù riêng về công viên nhằm khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội, phát triển các không gian xanh.

Việc thành phố ban hành Kế hoạch cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 để “hồi sinh” các công viên, vườn hoa đang được người dân rất quan tâm. Tuy nhiên, làm thế nào, nguồn lực ở đâu lại là chuyện không đơn giản. Hàng chục năm qua, nhiều lần thành phố đã có mong muốn, quan tâm cải thiện tình hình, nhưng nhiều vướng mắc nên đến nay vẫn chưa giải quyết được, gây bức xúc trong cộng đồng. Cử tri, người dân cũng đã nhiều lần kiến nghị HĐND thành phố, thậm chí đến cả diễn đàn Quốc hội nên câu chuyện này mới lại được quan tâm như hiện nay. Thế nhưng, vì sao vẫn có những công viên được xem là “nỗi đau” của Hà Nội, như công viên Tuổi trẻ Thủ đô? Vì sao khi không gian sống quá chật chội thì đất “vị trí vàng” lại bị bỏ quên? Vì sao công viên làm xong mà người dân lại không có chỗ chơi? Lợi ích nếu có chỉ vào túi một số người?...

Vì thế, tôi cho rằng rất cần phải rà soát lại toàn bộ hệ thống công viên của thành phố để đưa ra định hướng, giải pháp phù hợp. Ở nhiều nước, công viên là “tài sản chung”, được giao cho cộng đồng quản lý. Moskva (Nga), Ba Lan hay nhiều quốc gia khác, nhà nước muốn xây dựng tượng đài ở công viên cũng phải hỏi ý kiến người dân. Chúng ta cũng cần học hỏi điều này. Muốn “hồi sinh” công viên thì phải có nguồn lực, có người thực hiện, chịu trách nhiệm chứ không phải chỉ có khung pháp lý hoặc dự án trên giấy.

Xin cảm ơn ông! 

 Hàng chục năm qua, nhiều lần thành phố đã có mong muốn, quan tâm cải thiện tình hình, nhưng nhiều vướng mắc nên đến nay vẫn chưa giải quyết được, gây bức xúc trong cộng đồng. Cử tri, người dân cũng đã nhiều lần kiến nghị HĐND thành phố, thậm chí đến cả diễn đàn Quốc hội nên câu chuyện này mới lại được quan tâm như hiện nay.

Thế nhưng, vì sao vẫn có những công viên được xem là “nỗi đau” của Hà Nội, như công viên Tuổi trẻ Thủ đô? Vì sao khi không gian sống quá chật chội thì đất “vị trí vàng” lại bị bỏ quên?...

(TS.KTS ĐÀO NGỌC NGHIÊM)

THÚY HÀ - THU TRANG

Ý kiến bạn đọc