Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Phát triển Du lịch Văn hóa Việt Nam​​​​​​​: Còn rất nhiều tiềm năng là lợi thế

Thứ Hai 17/04/2023 | 10:22 GMT+7

VHO- Việc kết hợp chặt chẽ văn hóa với du lịch là một hướng đi rất quan trọng để xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu mới sau dịch Covid-19 và giúp du lịch Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai.

 Kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc vẫn là cực nam châm hút du khách nếu biết khai thác một cách hợp lý và khoa học

Hiệp hội Du lịch Việt Nam vừa tổ chức Diễn đàn du lịch toàn quốc 2023 với chủ đề “Phát triển Du lịch Văn hóa Việt Nam”. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông tham dự Diễn đàn.

Thiếu cân bằng trong khai thác văn hóa

Du lịch văn hóa, theo UNESCO, là loại hình du lịch trong đó mục đích cơ bản của du khách là tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm và tiêu dùng các sản phẩm văn hóa vật thể, phi vật thể tại điểm đến du lịch.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết: “Văn hóa có vai trò rất lớn, là một tiềm năng, trụ cột để phát triển du lịch bền vững. Còn nhiều lợi thế và tiềm năng văn hóa để phát triển du lịch. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang khai thác một cách triệt để văn hóa truyền thống trong các hoạt động du lịch. Từ trước đến nay du lịch mới khai thác văn hóa trên khía cạnh các di sản vật thể, các điểm di tích. Trong khi đó, chúng ta có nền văn hóa nghìn năm, rất giàu bản sắc, truyền thống và đa dạng. Tôi cho rằng cần đi sâu vào vấn đề khai thác các giá trị văn hóa phi vật thể”.

Theo Thứ trưởng, văn hóa phi vật thể sẽ góp phần nâng tầm giá trị của các di sản, di tích. Nhu cầu xây dựng những chương trình nghệ thuật quảng bá cho văn hóa, lịch sử, truyền thống và bản sắc dân tộc tại các điểm du lịch là vô cùng thiết thực, ý nghĩa. Đóng vai trò kích hoạt và hỗ trợ sự phát triển cho ngành Du lịch trong thời đại hội nhập quốc tế, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Vì thế, cần phải kết hợp được các văn hóa truyền thống với các sản phẩm du lịch. Trong đó khai thác được những giá trị cốt lõi, tốt đẹp của nền văn hóa để Việt Nam, phát triển du lịch bền vững. Thị trường du lịch đang thiếu vắng những sản phẩm nghe, nhìn hấp dẫn. Vì thế, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng việc gắn bó các thương hiệu du lịch Việt Nam với điện ảnh là cực kỳ quan trọng. Ngày 25-27.5, tại Khánh Hòa, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức Diễn đàn du lịch và điện ảnh, Hội nghị Xúc tiến đầu tư và phát triển thương hiệu du lịch qua điện ảnh.

Ngành Du lịch đã đưa sản phẩm du lịch văn hóa trở thành 1 trong 4 dòng sản phẩm chủ đạo, quan trọng hàng đầu được thúc đẩy phát triển trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng như Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Du lịch văn hóa cũng là một trong 13 ngành công nghiệp văn hóa được xác định trong Chiến lược các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Với những chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, chính sách về phát triển du lịch văn hóa thuận lợi, loại hình du lịch văn hóa đã có điều kiện được quan tâm, đầu tư và có nhiều kết quả khả quan. Du lịch Việt Nam đã có nhiều sản phẩm du lịch kết hợp với phát huy giá trị văn hóa như tour kết nối di sản thế giới các nước ASEAN, Hành trình di sản miền trung, các lễ hội của Việt Nam như Festival nghệ thuật Huế, Festival biển Nha Trang, Carnavan biển Hạ Long, Festival cồng chiêng Tây Nguyên, Festival hoa Đà Lạt, Lễ hội ẩm thực đất phương Nam, Lễ hội trái cây Nam Bộ, Liên hoan ẩm thực ba miền... Bên cạnh đó, các giá trị nghệ thuật gần đây cũng được doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc sắc như chương trình thực cảnh “Ký ức Hội An’’, “Áo dài’’, “Tinh hoa Bắc Bộ’’, “Múa rối nước’’, “À Ố Show’’…

Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, nếu so với tiềm năng, lợi thế, các giá trị văn hóa to lớn của đất nước thì việc phát triển du lịch văn hóa vẫn còn hạn chế. Đặc biệt là các sản phẩm về công nghiệp văn hóa chưa phát triển nhiều để phục vụ cho nhu cầu du lịch. Trong nhiều năm, du lịch Việt Nam được cho là rất thiếu các sản phẩm du lịch trình diễn, tương tác và trình diễn văn hóa, thiếu các công trình văn hóa nghệ thuật, các trung tâm văn hóa đặc sắc hấp dẫn du khách. TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, phát triển du lịch văn hóa của Việt Nam vẫn còn những hạn chế như: Sản phẩm du lịch văn hóa Việt Nam còn ít sáng tạo, trùng lặp, chất lượng hạn chế, thiếu các sản phẩm khác biệt giữa nhiều địa phương, vùng miền trong cả nước; chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch có chất lượng bền vững.

Cần có chính sách cụ thể

Trong khi đó, các quốc gia trên thế giới không ngừng tạo ra các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, ấn tượng và mang lại giá trị cao. Có thể kể tới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico,… đã có một chiến lược phát triển du lịch văn hóa bài bản. Từ đó, nâng cao thương hiệu và giá trị quốc gia thông qua việc thúc đẩy hoạt động văn hóa và du lịch. Theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), thời điểm trước dịch Covid-19, du lịch văn hóa đóng góp 37% du lịch toàn cầu và dự báo có thể tăng 15% mỗi năm.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, có rất nhiều vấn đề đặt ra trong phát triển du lịch văn hóa. Trong đó, Nhà nước cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ phát triển du lịch văn hóa trong các lĩnh vực: Cải thiện cơ sở hạ tầng, bảo tồn di sản; phát triển bản sắc văn hóa vùng miền; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và cơ sở vật chất du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển du lịch văn hóa.

Việc xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa dựa trên cơ sở phân khúc các loại hình du lịch văn hóa và tài nguyên văn hóa của địa phương, các cơ quan quản lý điểm đến xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa phù hợp. Các doanh nghiệp du lịch liên kết tài nguyên du lịch văn hóa của mỗi địa phương với các dịch vụ du lịch để xây dựng các sản phẩm mang bản sắc của địa phương, vùng, miền với tính cạnh tranh cao. Xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch văn hóa để cung cấp cho khách du lịch thông tin về truyền thông văn hóa, lịch sử, lễ hội,... của khu vực. Nâng cao nghiệp vụ cho lao động du lịch và dịch vụ của địa phương để giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương và tạo sự hấp dẫn của sản phẩm du lịch văn hóa.

Đẩy mạnh truyền thông và xúc tiến du lịch văn hóa qua việc khai thác, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng chuyển đổi số để giới thiệu các tài nguyên du lịch văn hóa, các sản phẩm du lịch độc đáo đến du khách trong và ngoài nước. Tham gia các sự kiện xúc tiến quốc gia và quốc tế để giới thiệu sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương. Tổ chức các đoàn famtrip cho các hãng lữ hành, các cơ quan truyền thông thăm quan, trải nghiệm các sản phẩm du lịch văn hóa của địa phương. 

 NGUYỄN ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top