Bình Định mở rộng cửa đón các nhà đầu tư du lịch

VHO- Ngày 15.4, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) Hà Nội 2023, Sở Du lịch Bình Định phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội tổ chức Hội nghị Quảng bá, xúc tiến du lịch giữa tỉnh Bình Định và thành phố Hà Nội nhằm đẩy mạnh quảng bá điểm đến, tăng cường trao đổi khách, hợp tác phát triển du lịch giữa 2 địa phương.

Bình Định mở rộng cửa đón các nhà đầu tư du lịch - Anh 1

Bình Định có nhiều lợi thế phát triển du lịch văn hóa

Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang và đại diện các cơ quan quản lý du lịch, trung tâm xúc tiến du lịch, hiệp hội du lịch địa phương; các doanh nghiệp du lịch...

Đây là sự kiện quan trọng trong chuỗi sự kiện, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch Bình Định năm 2023. Sự kiện được tổ chức với mục đích kết hợp với sức lan tỏa của Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hanoi 2023 nhằm đẩy mạnh truyền thông, quảng bá xúc tiến cho du lịch Quy Nhơn - Bình Định và mở rộng thị trường, thu hút nguồn khách du lịch tiềm năng của khu vực phía Bắc nói chung, thành phố Hà Nội nói riêng đến Bình Định và ngược lại. Đây cũng là cơ hội để 2 địa phương thắt chặt thêm mối quan hệ hợp tác, liên kết phát triển du lịch và đánh dấu sự phục hồi trở lại của ngành du lịch trải qua 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Bình Định là tỉnh ven biển duyên hải Nam Trung bộ, cách TP. Hà Nội 1.065 km, có một lợi thế vượt trội trong giao lưu khu vực và quốc tế là nằm ở trung tâm của trục Bắc - Nam trên cả 3 tuyến đường bộ, đường sắt và đường hàng không (hiện nay với hơn 10 chuyến bay mỗi ngày từ TP. Hà Nội đến Bình Định và ngược lại).

Bình Định mở rộng cửa đón các nhà đầu tư du lịch - Anh 2

UBND tỉnh Bình Định ký kết hợp tác với Tổng Công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) 

Thành phố Hà Nội và tỉnh Bình Định đã có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong phát triển kinh tế - xã hội thông qua hợp tác phát triển vùng giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ; ký kết Thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định). 4 nội dung chính được các địa phương tập trung hợp tác là công tác quản lý nhà nước về du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá, xúc tiến du lịch.

Qua 2 năm triển khai, các tỉnh, thành phố đã tích cực trao đổi thông tin, liên kết xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch tại địa phương; khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên, đa dạng và đặc trưng của vùng. Việc liên kết đã góp phần mở rộng và phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình phát triển của hai địa phương, nhằm phục hồi và phát triển du lịch giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Bình Định trong bối cảnh mới.

Hội nghị Quảng bá, xúc tiến du lịch hôm nay được tổ chức giữa tỉnh Bình Định – xứ “Đất võ – Trời văn”, có truyền thống văn hóa giàu bản sắc, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, đang vươn mình phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm đến mới, quyến rũ của du lịch duyên hải Nam Trung Bộ với thành phố Hà Nội – thành phố nghìn năm văn hiến, trung tâm du lịch trọng điểm, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của du lịch các địa phương khác, đóng vai trò tiếp nhận, phân phối khách quốc tế và nội địa đến và đi mọi miền Tổ quốc.

Bình Định mở rộng cửa đón các nhà đầu tư du lịch - Anh 3

Sở Du lịch Bình Định ký kết hợp tác với Hiệp hội Du lịch Hà Nội và CLB Lữ hành UNESCO

Trong năm 2022, du lịch thành phố Hà Nội và tỉnh Bình Định đã đạt được những kết quả tích cực. Số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt. Trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, 17,2 triệu lượt khách nội địa, tăng 4,3 lần so với năm 2021. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 60 nghìn tỉ đồng. Du lịch Bình Định cũng đã đón trên 4.1 triệu lượt khách, tăng 185% so với năm 2021. Trong đó, khách quốc tế đạt 79 nghìn lượt tăng 1,1%, khách nội địa đạt trên 4 triệu lượt, tăng 196% so với năm 2021. Tổng thu từ du lịch đạt 13,1 nghìn tỉ đồng, tăng 658% so với năm 2021.

Ông Hà Văn Siêu cho rằng, để mục tiêu phục hồi và phát triển du lịch được thực hiện thành công, đòi hỏi toàn ngành Du lịch có sự phối hợp chặt chẽ, có kế hoạch hành động cụ thể từ Trung ương tới địa phương, từ các cơ quan quản lý nhà nước đến các hiệp hội, doanh nghiệp, công đồng dân cư. Ông Siêu đề nghị du lịch TP.Hà Nội và tỉnh Bình Định quan tâm hơn nữa, phối hợp để liên kết du lịch Hà Nội – Bình Định đi vào thực chất, hiệu quả; mở rộng nội dung liên kết từ cơ quan quản lý tới các đơn vị truyền thông, doanh nghiệp du lịch trong xúc tiến, quảng bá thúc đẩy trao đổi khách giữa hai địa phương và kết nối với các vùng, miền trong cả nước để đa dạng hóa nguồn khách.

Nghiên cứu, đánh giá và cơ cấu lại thị trường, đối tượng khách du lịch để dựa trên thế mạnh từng địa phương xây dựng chuỗi sản phẩm phù hợp; đồng thời quan tâm, phát triển các sản phẩm du lịch gắn với yếu tố “xanh”, bền vững.

Bình Định mở rộng cửa đón các nhà đầu tư du lịch - Anh 4

Công ty lữ hành Hanoitourist, Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Dolphin, Khách sạn Hải Âu và Công ty Trung hội Tourist

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng nền tảng số kết nối, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh. Có các giải pháp thiết thực và hiệu quả hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch thu hút lại nguồn nhân lực; cùng với đó, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao. Nâng cao năng lực cạnh tranh, sức hấp dẫn của điểm đến thông qua xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch an toàn, chất lượng, đa dạng, hấp dẫn.

“Bình Định đang tập trung vào du lịch biển đảo nhưng biển đảo chỉ có mùa. Bình Định đang nằm trong “tam giác vàng” khu vực Nam Trung Bộ, nên có thể trở thành trung tâm trung chuyển khách đi Tây Nguyên, Nam Trung Trung Bộ. Qua kinh nghiệm xúc tiến, kết nối doanh nghiệp, chúng tôi mong các tỉnh tăng cường hợp tác để nâng cao chất lượng sản phẩm tại điểm đến, giảm áp lực điều hành tour cho các công ty Hà Nội, tạo công văn việc làm cho lao động địa phương. Theo chúng tôi cần phải tổ chức các đoàn famtrip đưa doanh nghiệp tới xây dựng sản phẩm, kết nối. Không chỉ với đầu Hà Nội mà với cả TP.HCM”, ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội cho biết.

Bình Định mở rộng cửa đón các nhà đầu tư du lịch - Anh 5

Gian hàng du lịch Quy Nhơn, Bình Định tại Hội chợ VITM 2023

Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái cho rằng: “Vài năm trở lại đây, Bình Định là điểm đến quen thuộc với du khách trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, chưa toát ra được sản phẩm cho khách inbound. Nếu đã chọn du lịch văn hóa là sản phẩm chủ đạo thì phải chọn được những nội dung để xây dựng những sản phẩm đặc trưng. Đầu tư vào các bộ phim, bản nhạc để tạo trend để tăng cơ hội quảng bá".

Bình Định mở rộng cửa đón các nhà đầu tư du lịch - Anh 6

Gian hàng du lịch Quy Nhơn, Bình Định tại Hội chợ VITM 2023

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: “Bình Định có nhiều tiềm năng để phát triển văn hóa, thậm chí hoàn toàn là tour du lịch văn hóa. Phải tính toán lại xem sản phẩm du lịch là gì, bán nhanh nhất sản phẩm đó. Biểu diễn võ thuật, biểu diễn nghệ thuật không thể thiếu được trong các tour du lịch. Cần bổ sung yếu tố văn hóa vào. Du lịch thể thao đã rất phát triển sau Covid-19, đặc biệt là marathon. Qua đó để khẳng định Covid-19 không làm cho người ta cô độc và chúng ta hoàn toàn có thể cùng nhau chiến thắng dịch bệnh. Du lịch golf rất nhiều chứ không đơn thuần là bộ môn thể thao. Không phải là ngành ăn chơi xa xỉ mà là loại hình du lịch đem lại nguồn thu cao. Ẩm thực cũng là ví dụ nhưng phải cân nhắc sự kiện. Ẩm thực là sản phẩm rất đang quan tâm ở Bình Định".

Bình Định mở rộng cửa đón các nhà đầu tư du lịch - Anh 7

Hội thảo có sự tham dự của 150 doanh nghiệp du lịch, lữ hành Hà Nội, Bình Định và các tỉnh, thành phố đang tham dự VITM 

Liên kết 4 tỉnh Phú Yên- Bình Định- Đắk Lắk- Gia Lai là mô hình hợp lý. Cả 4 tỉnh đều có sân bay, lên rừng, xuống biển. Giữ vững vai trò đầu tàu, kết nối lại liên kết. Gần đây có thêm Kon Tum, rất hợp lý. 3 tỉnh rừng, 2 tỉnh miền biển. Liên kết với Hà Nội, TP.HCM cung cấp khách, thêm Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng Bắc Bộ. Tập trung hơn nữa cho khách du lịch khách quốc tế để phục hồi nhanh và bền vững sau Covid-19.

“Hiệp hội Du lịch Việt Nam đánh giá Bình Định là điểm sáng của du lịch Việt Nam. Tôi nghĩ rằng hiện nay các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn vẫn đang rất khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta không sợ thừa khách sạn, dịch vụ mà nên tiếp tục đầu tư, nâng cấp khách sạn, cải thiện dịch vụ để đón những luồng khách mới. Có lẽ chỉ 1-2 năm nữa, Việt Nam lại đông nghịt khách quốc tế như khi chưa có dịch Covid-19”, ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh. 

Bình Định có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh để xây dựng các chương trình du lịch văn hóa. Hiện nay, tỉnh có 143 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 3 di tích quốc gia. Đây là cố đô Vương quốc Champa cổ. Nơi chứng kiến cuộc tình bí mật của vua Chế Mân và Huyền Trân Công chúa. Vùng đất 2 vua được mệnh danh là “Miền đất võ, xứ văn chương”; vừa có biển, vừa có núi, phong cảnh hữu tình; với 134 km bờ biển với nhiều bãi biển thơ mộng được du khách trong và ngoài nước yêu thích, lựa chọn.

Bình Định mở rộng cửa đón các nhà đầu tư du lịch - Anh 8

Di tích quốc gia đặc biệt, tháp Dương Long (huyện Tây Sơn, Bình Định)

Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thẳng thắn cho rằng, công tác quảng bá xúc tiến của Bình Định còn chung chung, thiếu sản phẩm du lịch cụ thể, không tạo điểm nhấn, không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, du khách. “Tôi rất bất ngờ doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội không biết các khách sạn ở Bình Định thế nào, giá cả ra sao. Nếu chỉ suốt ngày chỉ nói đến tiềm năng thì chưa đủ. Quảng bá thì làm cho lớn, cứ như “cô dâu mới về nhà chồng” thì chưa được. Bình Định xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, với 5 trụ cột phát triển. Tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thể hiện cam kết của tỉnh để phát triển du lịch. Chúng tôi đã kết nối để tạo ra những thế vững chắc trong phát triển du lịch”, ông Lâm Hải Giang nói.

Hiện nay, tỉnh đã mở rộng thêm 1 đường băng để đón các chuyến bay charter (thuê bao chuyến) quốc tế và nâng cấp thêm nhà ga và sân đỗ; phối hợp với các hãng hàng không để mở các đường bay mới, tăng tần suất chuyến bay. Trước đây, thời điểm cao điểm nhất 1 ngày sân bay Phù Cát đón 40 chuyến bay.

“Chúng tôi cam kết luôn rộng cửa đón các nhà đầu tư, không phân biệt nhà đầu tư lớn hay nhỏ. Sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức các đoàn famtrip, presstrip để mời các doanh nghiệp lữ hành, nhà báo tới tìm hiểu xây dựng sản phẩm và quảng bá cho du lịch Bình Định”, ông Lâm Hải Giang nói. Ông đề nghị các cơ sở lưu trú, lữ hành, dịch vụ có chính sách giá cụ thể, ưu đãi cho doanh nghiệp lữ hành ngay trong dịp lễ 30.4 và mùa du lịch hè sắp tới.

NGUYỄN ANH

Ý kiến bạn đọc