Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Một xã hội được coi là văn minh nhất định phải được xây dựng trên một nền tảng văn hóa có tinh thần xã hội tiến bộ, nhân văn, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển

Thứ Bảy 15/04/2023 | 10:00 GMT+7

VHO-Sáng ngày 15.4 tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Bộ VHTTDL đã t chức Diễn đàn Văn hoá các dân tộc Việt Nam: Nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc với sự tham dự của đại diện các Ban, Bộ, ngành Trung ương và đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số… Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng dự và có bài phát biểu quan trọng. Văn Hoá điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng. Đầu đề do Toà soạn rút.

Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn. Ảnh: Trần Huấn

Kính thưa các chuyên gia, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, nghệ nhân và đồng bào các dân tộc có mặt tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam!

Hôm nay, tôi rất vui mừng tham dự Diễn đàn Văn hoá với chủ đề “Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đây là một Diễn đàn có ý nghĩa quan trọng, nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”; góp phần thực hiện cụ thể hóa nhiệm vụ Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc ngày 24.11.2021 về xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển văn hóa dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Thay mặt Ban tổ chức Diễn đàn Văn hoá, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các quý vị đại biểu đã đến tham dự để cùng nhau trao đổi, thảo luận, trình bày những ý kiến của mình về các nội dung trong chương trình của Diễn đàn Văn hoá.

Kính thưa các quý vị!      

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, được xây dựng và phát triển bởi 54 dân tộc. Mỗi dân tộc có văn hoá truyền thống, ngôn ngữ riêng; có nguồn gốc lịch sử hình thành và phát triển rất lâu đời. Cùng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, cùng đồng lòng tạo nên lịch sử dụng nước và giữ nước hàng ngàn năm nên các dân tộc Việt Nam có sự gắn kết cộng sinh, cộng mệnh rất chặt chẽ. Chính điều này đã góp phần tạo nên nền văn hoá Việt Nam mang tính thống nhất trong đa dạng. Đó là đặc trưng, đồng thời là quy luật phát triển văn hóa nước nhà, là yếu tố làm nên sức mạnh nội sinh, tổng hợp sức mạnh quốc gia và sức hấp dẫn, thuyết của nền văn hóa Việt Nam, góp phần định vị bản sắc dân tộc trên trường quốc tế.Trải qua các giai đoạn lịch sử phát triển, các dân tộc Việt Nam đã sáng tạo nên một kho tàng di sản văn hoá hết sức đồ sộ, phong phú và độc đáo. Cho đến nay, một phần di sản văn hoá ấy đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi nhận, như 8 di sản văn hóa và thiên nhiên; 15 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loạivà di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (trong đó có 2 di sản thuộc Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp); 3 Di sản tư liệu thế giới; 6 Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương1.

Việc khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa của cộng đồng các dân tộc để phát triển và hội nhập quốc tế theo hướng bền vững là hết sức quan trọng. Ảnh: Trần Huấn

Theo thống kê của Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, hiện nay cả nước có hơn 40 nghìn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được kiểm kê. Trong đó, có 123 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt; 3.602 di tích quốc gia; hơn 10.000 di tích cấp tỉnh; 238 bảo vật quốc gia,… Trên địa bàn cả nước, có 194 bảo tàng đang lưu giữ hơn 4 triệu hiện vật, phản ánh toàn diện về lịch sử văn hóa đất nước và con người Việt Nam trong tiến trình lịch sử2

Các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và các bảo tàng là những sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật đồng thời là môi trường thực hành văn hóa, tham quan, học tập của nhân dân; là yếu tố có sức thu hút lớn đối với khách du lịch trong nước và quốc tế.

Bên cạnh tài nguyên di sản văn hóa vật thể, các dân tộc Việt Nam còn sở hữu hàng nghìn di sản văn hóa phi vật thể bao gồm các loại hình tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian. Theo thống kê của Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (tính đến tháng 3.2023), cả nước có 483 di sản văn hoá phi vật thể thuộc Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; gần 9.000 lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo, lễ hội lịch sử, cách mạng và lễ hội mới). Có hơn 5.400 làng nghề đang hoạt động, trong đó có gần 2.000 làng nghề truyền thống, 115 nghề truyền thống3

Cộng đồng các dân tộc Việt Nam sở hữu kho tàng tiếng nói chữ viết phong phú với 8 nhóm ngôn ngữ chính là Việt - Mường; Tày - Thái; Kadai; Hmông - Dao; Hán; Tạng - Miến; Môn – Khmer; Nam Đảo. Nhiều dân tộc còn bảo tồn được chữ viết riêng. 

Hệ thống ngữ văn dân gian có thần thoại, sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, tục ngữ, câu đố, ca dao, vè, truyện thơ… Kho tàng tri thức dân gian của các dân tộc rất phong phú, đa dạng phản ánh các truyền thống lâu đời, kinh nghiệm, thực tiễn sống của cộng đồng liên quan đến môi trường tự nhiên, xã hội, tư duy như tri thức về thời tiết, sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh, bảo quản và chế biến thức ăn, ứng xử trong quan hệ xã hội…

Việt Nam cũng là một quốc gia có nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo như chèo, tuồng, đàn ca tài tử, ca trù, hát xẩm, hát xoan, quan họ, hát bài chòi, hát then, xòe Thái, Dù kê, Rơ băm, cồng chiêng Tây Nguyên… Nhiều tập quán xã hội và tín ngưỡng truyền thống như các quy định luật tục, sinh hoạt trong gia đình, dòng họ, thôn bản; tập quán sản xuất truyền thống; các nghi lễ chu kỳ đời người,… vẫn còn được bảo lưu ở nhiều cộng đồng, dân tộc.

Những di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc Việt Nam gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, liên tục được tái tạo và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng phương thức truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác. Những năm qua, Việt Nam có 131 Nghệ nhân nhân dân và 1.619 Nghệ nhân ưu tú được Nhà nước xét phong tặng danh hiệu, ghi nhận sự đóng góp to lớn của các nghệ nhân vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã hết sức quan tâm đầu tư cho văn hóa; Đến nay đã xây dựng đồng bộ mạng lưới cơ sở văn hóa, nghệ thuật từ trung ương đến địa phương, từ cấp tỉnh, thành phố đến cấp xã, thôn bản với hàng chục nghìn thiết chế văn hóa phân bố ở các vùng, miền trong cả nước. Mạng lưới cơ sở văn hóa như các cơ sở nghiên cứu, đào tạo nhân lực, nhà sáng tác, bảo tàng, thư viện, nhà trưng bày triển lãm văn học nghệ thuật, rạp hát nghệ thuật biểu diễn, trung tâm chiếu phim, trung tâm hoạt động văn hóa thanh thiếu nhi, các tượng đài, khu vui chơi giải trí… phân bố khắp các tỉnh thành trong cả nước đang trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước.

Các văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa nghệ thuật đã sáng tạo hàng triệu công trình, tác phẩm văn học nghệ thuật, trở thành phương tiện chuyển tải phổ biến những tư tưởng, giá trị mới, phát huy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, lòng nhân ái, nghĩa tình, đức tính đoàn kết, cần cù, sáng tạo, dũng cảm của người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các dân tộc Việt Nam vốn có tinh thần khoan dung, sáng tạo để thúc đẩy hòa bình và chia sẻ tình đoàn kết, nhân ái vì cuộc sống tốt đẹp của cộng đồng, nhân loại. Ngoài ra, con người Việt Nam còn có khả năng thích ứng linh hoạt, có bản lĩnh vững vàng khi phải đối mặt với những thách thức lớn. Những phẩm chất đáng quý ấy là nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng để chúng ta xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm chủ quyền quốc gia, dân tộc, giải quyết những thách thức của thời đại.

Kính thưa các quý vị đại biểu!   

Văn hoá được coi là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển. Văn hóa các dân tộc Việt Nam đóng góp to lớn cho sự phát triển bền vững đất nước; là 1 trong 4 trụ cột quan trọng của phát triển (cùng trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường). 

Các đại biểu và đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số tham dự Diễn đàn. Ảnh: Trần Huấn

Thực tiễn cho thấy, văn hoá là yếu tố quyết định đến sự phát triển con người toàn diện, làm nên tinh thần xã hội tiến bộ, lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc, chống lại sự đồng hoá văn hoá. Tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc ngày 24.11.2021, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu nhấn mạnh về vai trò của văn hóa đối với vận mệnh dân tộc: Văn hoá còn thì dân tộc còn, để mất văn hoá thì dân tộc sẽ mất.

Văn hoá giúp xây dựng và bảo vệ chủ quyền quốc gia, mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Một quốc gia không chỉ cần quân đội mạnh mà cần mạnh cả về văn hóa. Chính văn hóa tạo ra môi trường chodân chủ phát triển, thúc đẩy công bằng củng cố mối quan hệ đoàn kết dân tộc. Một xã hội được coi là văn minh nhất định phải được xây dựng trên một nền tảng văn hóa có tinh thần xã hội tiến bộ, nhân văn, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển.

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta có chủ trương đẩy mạnh phát triển văn hoá trong chính trị và phát triển văn hoá trong kinh tế nhằm hướng đến xây dựng nền chính trị lành mạnh, chống lại sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, phát triển kinh tế dựa trên nền tảng văn hoá, đạo đức, hướng đến vì con người, cộng đồng, dân tộc. Đồng thời, trên bình diện đối ngoại quốc tế, chúng ta đang tăng cường quảng bá, giới thiệu sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa các dân tộc Việt Nam ra thế giới; từng bước thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp văn hóa thể hiện sức sáng tạo khả năng chuyển hóa các nguồn lực văn hóa dồi dào trong cộng đồng các dân tộcnhằm phát huy sức mạnh mềm văn hóa và nâng cao vị thế hình ảnh đất nước Việt Nam trên trường quốc tế. Do đó, việc khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa của cộng đồng các dân tộc để phát triển và hội nhập quốc tế theo hướng bền vững là hết sức quan trọng.

Để khai thác nguồn lực văn hóa, phát triển con người, đất nước, chúng ta cần quán triệt quan điểm xây dựng và phát triển văn hoá là sự nghiệp của toàn dân, do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng. Chúng ta cần huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan có vai trò đóng góp, thúc đẩy nguồn lực văn hoá các dân tộc cho sự phát triển đất nước. 

Về phía Nhà nước, các Bộ, Ban, ngành, chính quyền địa phương cần nỗ lực xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tăng cường đầu tư cho văn hoá, bảo vệ và phát huy di sản văn hoá, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa các dân tộc cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch, tuyên truyền, quảng bá văn hoá, đào tạo nhân lực văn hoá. Các bộ, ban, ngành và địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ VHTTDL đánh giá tổng thể tiềm năng, trữ lượng nguồn tài nguyên văn hóa, đặc biệt là những giá trị văn hóa tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc số hóa những di sản có nguy cơ mai một, thất truyền. Triển khai thực hiện các chiến lược, đề án quy hoạch, chương trình phát triển loại hình du lịch - văn hoá, dịch vụ văn hoá ở các cộng đồng dân tộc, biến những giá trị văn hóa trở thành tài sản văn hoá, nguồn lực nội sinh quan trọng trong phát triển bền vững.

Về phía các doanh nghiệp, việc xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng để nuôi dưỡng và tạo ra nguồn lực phát triển doanh nghiệp bền vững. Các doanh nghiệp cần quan tâm tăng cường đầu tư cho văn hoá; khai thác yếu tố văn hoá để nâng cao tính sáng tạo, lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng, phục vụ nhân dân. Các doanh nghiệp cũng cần khẳng định vai trò, trách nhiệm hơn nữa trong việc tham gia đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của đất nước, tạo ra các sản phẩm ngày càng có chất lượng cao, mang bản sắc văn hoá Việt Nam phục vụ công chúng, người tiêu dùng và xuất khẩu... Mỗi doanh nghiệp cần trở thành những đại sứ quảng bá giá trị văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới.

Đối với các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ, sứ mệnh của mình mà nâng cao vai trò, trách nhiệm trong hoạt động bảo vệ và phát huy di sản văn hoá các dân tộc, tổ chức các hoạt động sáng tạo và hợp tác phát triển văn hoá; phát huy vai trò làm cầu nối giữa Chính phủ với doanh nghiệp và với các tầng lớp trong xã hội, cộng đồng nhân dân trong việc tuyên truyền, quảng bá văn hoá, phản biện xã hội.

Về phía cộng đồng các dân tộc, với tư cách là chủ thể sáng tạo, tham gia và hưởng thụ văn hóa, cần nâng cao trách nhiệm bảo vệ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo, truyền dạy và thực hành văn hóa; kế thừa và phát huy những phẩm chất truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam; tiếp thu và bổ sung những giá trị mới nhằm xây dựng con người có những giá trị phù hợp với thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. 

Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý!

Diễn đàn hôm nay chính là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp và đồng bào các dân tộc đến từ các địa phương trên lãnh thổ Việt Nam gặp nhau, trao đổi, trình bày các quan điểm, sáng kiến nhằm làm rõ vấn đề xây dựng, huy động và phát huy nguồn lực văn hóa các dân tộc Việt Nam nhằm phát triển đất nước hướng tới mục tiêu phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.

Các quý vị đại biểu sẽ nghe các báo cáo nghiên cứu, đánh giá tình hình thực tiễn triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa dân tộc; việc huy động, sử dụng các nguồn lực cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, phiên  thảo luận bàn tròn sẽ là dịp để chúng ta cùng nhau trao đổi các vấn đề thực tiễn hướng tới các giải pháp hoặc mô hình cụ thể nhằm phát huy nguồn lực văn hóa các dân tộc Việt Nam đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường... Để đảm bảo hiệu quả và chất lượng chuyên môn của diễn đàn, các phần trình bày tham luận không quá 10 phút, các vấn đề thảo luận trực tiếp đề cập tới các vấn đề liên quan đến chủ đề diễn đàn với tinh thần cởi mở và xây dựng. 

Trên cơ sở nội dung thảo luận tại Diễn đàn, Ban tổ chức mong muốn các đại biểu tham dự sẽ có những ý kiến gợi mở, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền những sáng kiến, giải pháp, kiến nghị thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng và sử dụng nguồn lực văn hóa các dân tộc Việt Nam trong phát triển đất nước.

Với tất cả những ý nghĩa và tầm quan trọng đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Diễn đàn Văn hóa với chủ đề “Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Một lần nữa tôi xin chào mừng và kính chúc các quý vị đại biểu tham dự Diễn đàn Văn hoá nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công. 

Chúc Diễn đàn đạt yêu cầu đề ra!

NGUYỄN VĂN HÙNG

 Ủy viên Trung ương Đảng, 

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch


[1] . Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Báo cáo công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

[2] . Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Báo cáo công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

[3] . Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Báo cáo công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top