Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

30 Tháng Ba 2024

Nâng cao văn hóa ứng xử của nghệ sĩ (Bài 3): Đã đến lúc phải “cấm sóng” đối với nghệ sĩ…

Thứ Sáu 14/04/2023 | 11:46 GMT+7

VHO- Nghệ sĩ cũng là công dân nên bình đẳng trước pháp luật, do đó nếu nghệ sĩ có các hành vi sai trái thì tùy mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định hiện hành. Ý thức thượng tôn pháp luật là điều cần thiết đối với tất cả mọi người, không riêng gì nghệ sĩ.

 Bộ VHTTDL đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, hội nghị phổ biến các kiến thức và văn bản pháp luật cho các đối tượng, trong đó có nghệ sĩ Ảnh: THÙY TRANG

 Ngoài việc phải chịu những chế tài của pháp luật, nghệ sĩ còn phải đối diện với “búa rìu” dư luận khi có những hành vi thiếu chuẩn mực, tiến tới là “cấm sóng”.

Cấm sóng đối với nghệ sĩ thì tiêu cực sẽ giảm

Có thể thấy, chưa bao giờ làn sóng dư luận xã hội lại mạnh mẽ và quyết liệt đấu tranh đối với các hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức của một bộ phận nghệ sĩ như hiện nay. Khuyến khích, phát huy, lan tỏa các giá trị tốt đẹp theo tinh thần “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực là mục đích hướng đến Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật do Bộ VHTTDL ban hành. Từ các nội dung trong Quy tắc, công chúng và đặc biệt là người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cần nhìn vào để xác định một cách toàn diện hơn về chuẩn mực trong hành vi ứng xử.

Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, NSND Vương Duy Biên nhận định: “Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đã được Bộ VHTTDL ban hành rất kịp thời. Tuy nhiên, Quy tắc chỉ mang tính khuyến cáo vì không có chế tài xử phạt. Tôi cho rằng, vẫn cần có sự kết hợp và vào cuộc của các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ VHTTDL, Bộ TT&TT, các Đài Truyền hình… tức là những nơi quản lý sự xuất hiện của văn nghệ sĩ”. NSND Vương Duy Biên dẫn ra thực tế, cấm chỗ này thì nghệ sĩ lại xuất hiện chỗ khác, đài này không mời thì đài khác mời, báo chính thống không đăng thì truyền thông “lá cải” vẫn cho lên!? Thậm chí, một số nhân vật còn cố tình tạo ra scandal, gây chú ý bằng mọi giá mà hiện chúng ta vẫn chưa thể quản được. “Khi án phạt được công bố thì đương nhiên nghệ sĩ đó sẽ không được quyền xuất hiện trên bất cứ phương tiện truyền thông, hay phim ảnh, sân khấu… trong một thời hạn nhất định nào đó. Nếu làm được điều này thì rõ ràng tiêu cực sẽ giảm đi rất nhiều. Tôi nghĩ, một mình Bộ VHTTDL sẽ không làm nổi, người ta sẽ tìm mọi kẽ hở để luồn lách. Do vậy, Chính phủ cần chỉ đạo thành lập một tổ chức liên ngành có tính pháp quy hơn”, ông Vương Duy Biên nhận định, đồng thời cho rằng, với người nghệ sĩ, án phạt cao nhất chính là cấm lên sóng, cấm biểu diễn. Bị từ chối, không được hoạt động nghề nghiệp, đương nhiên bản thân họ sẽ phải tự ý thức đặt ra “barie” cho mình.

Giám đốc Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú, Luật sư Trương Anh Tú cũng khẳng định: Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật rất kịp thời và phù hợp với xu hướng phát triển của văn hóa hiện đại, nơi các nghệ sĩ được xem là một phần quan trọng, có trách nhiệm tác động và ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng. Việc áp dụng Quy tắc sẽ giúp cho nghệ sĩ trở nên chuyên nghiệp hơn, tôn trọng văn hóa, đạo đức, pháp luật, đồng thời giúp cho hoạt động nghệ thuật phát triển bền vững hơn. “Nghệ sĩ cần phải nắm rõ các quy định trong Quy tắc ứng xử này và cam kết tuân thủ. Họ cần trang bị cho mình kiến thức pháp luật, nắm rõ các quy định liên quan đến hoạt động nghề nghiệp. Các nhà quản lý, nhà tổ chức biểu diễn cũng cần phải đảm bảo rằng các nghệ sĩ của họ tuân thủ nghiêm quy tắc ứng xử và các quy định pháp luật liên quan…”, luật sư phân tích.

Tuy nhiên, do Bộ Quy tắc ứng xử mang tính khuyến khích, nên có một số nghệ sĩ đã cố tình “đứng trên” các quy tắc nghề nghiệp. Và hành vi của họ cần phải được xử lý bằng các quy định pháp luật, nếu có sai phạm. “Hành vi vi phạm của nghệ sĩ nếu gây thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần cho cá nhân, tổ chức thì còn bị ràng buộc về trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành”, Luật sư Trương Anh Tú nhận định và cho biết thêm, nghệ sĩ và người hoạt động nghệ thuật do tính chất đặc thù của công việc nên sẽ có thêm những quy định xử lý riêng. Đơn cử như hiện nay, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo được điều chỉnh bởi Nghị định 38/2021/NĐ-CP ban hành ngày 29.3.2021.

Trưởng Văn phòng luật sư HHM Việt Nam Hoàng Minh Hiển cho biết: Nghệ sĩ và những người hoạt động nghệ thuật biểu diễn vi phạm pháp luật sẽ được chiếu vào các quy định tại Nghị định 144/2020/ NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn và Nghị định 38/2021/NĐ-CP. Ví dụ, Điều 3 về “Quy định cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn” của Nghị định 144/2020/NĐ-CP nêu rõ điều cấm như sau: “Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội”.

“Quyền lực” của công chúng

Thực tế cho thấy, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng, dư luận và sự quay lưng đồng thời lên án mạnh mẽ của công chúng chính là “quyền lực mềm” nhằm điều chỉnh hành vi của nghệ sĩ. Đã có không ít người vừa phải chịu những hình thức xử lý nghiêm minh của pháp luật lại vừa bị chính những người từng là “fan hâm mộ” tẩy chay...

Nhà báo Quang Hưng cho rằng, nghệ sĩ càng nổi tiếng, càng được nhiều người mến mộ, tin tưởng thì ngoài trách nhiệm sáng tạo, trình diễn nghệ thuật thật tốt, họ càng phải gương mẫu và có trách nhiệm cao đối với xã hội. Nếu nghệ sĩ sống buông thả, bừa bãi, vi phạm pháp luật hay thuần phong mỹ tục thì báo chí, truyền thông có quyền phản ánh, phản đối, lên án; cơ quan chức năng sẽ xử lý theo thẩm quyền, không ngoại lệ, không vùng cấm. “Và tôi tin rằng, khán giả sẽ biết nói không, sẽ từ chối cả con người lẫn nghệ thuật của nghệ sĩ đó”, nhà báo Quang Hưng nói.

Là người làm nghệ thuật, diễn viên Nhan Phúc Vinh nêu rõ quan điểm: “Bất kỳ ai có lối sống thiếu chuẩn mực thì cũng sẽ bị lên án, thậm chí tẩy chay chứ không riêng gì những người làm nghệ thuật. Nếu chúng ta không khắt khe với những điều tiêu cực đó thì chẳng khác gì đang dung túng bao che cho hành vi sai trái của họ”. Đồng ý với việc khán giả có quyền sử dụng “quyền lực” tẩy chay, Giám đốc Truyền thông của Voyage Group - Minh Hằng cho rằng: “Việc nghệ sĩ bị tẩy chay hoặc bị hủy show do những ồn ào bởi đời tư đã trở thành vấn đề “nóng” trong thời gian qua. Điều này gây tác động xấu đến sự nghiệp của cá nhân nghệ sĩ, ảnh hưởng đến hình ảnh và giá trị của nghệ sĩ đối với công chúng. Tuy nhiên, việc sử dụng quyền lực của khán giả để thể hiện thái độ đối với những nghệ sĩ có lối sống chưa chuẩn mực cũng cần xem xét kỹ lưỡng. Chúng ta phải cân nhắc xem hành vi của họ có nghiêm trọng và đáng bị tẩy chay hay không, xử lý vấn đề sao cho hợp lý và công bằng để đảm bảo quyền lợi cho cả nghệ sĩ lẫn công chúng”.

Vào thời điểm này, nhiều cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ VHTTDL, Bộ TT&TT, Bộ Công an... đang vào cuộc để xây dựng và đưa ra những giải pháp hiệu quả hơn nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện lệch chuẩn, hành vi phản cảm của một bộ phận nghệ sĩ, hướng tới mục đích lớn nhất là lành mạnh hoá môi trường nghệ thuật. Nghệ sĩ vi phạm không chỉ bị xử lý bằng các chế tài, mà danh tiếng, sự nghiệp của họ cũng sẽ bị “tiêu tan” nếu bị công chúng quay lưng.

 Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đã được Bộ VHTTDL ban hành rất kịp thời. Tuy nhiên, Quy tắc chỉ mang tính khuyến cáo vì không có chế tài xử phạt. Tôi cho rằng, vẫn cần có sự kết hợp và vào cuộc của các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ VHTTDL, Bộ TT&TT, các Đài Truyền hình…, tức là những nơi quản lý sự xuất hiện của văn nghệ sĩ.

Khi án phạt được công bố thì đương nhiên nghệ sĩ đó sẽ không được quyền xuất hiện trên bất cứ phương tiện truyền thông, hay phim ảnh, sân khấu… Đối với nghệ sĩ, án phạt cao nhất chính là cấm lên sóng, cấm biểu diễn. Bị từ chối, không được hoạt động nghề nghiệp, đương nhiên bản thân họ sẽ phải tự ý thức đặt ra “barie” cho mình.

(NSND VƯƠNG DUY BIÊN, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam)

 Bài 4: Kiến tạo môi trường nghệ thuật lành mạnh

 THÚY HIỀN - HOÀNG HƯƠNG - NGỌC NHIÊN - THÙY TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top