Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) Hà Nội 2023 với chủ đề “Du lịch văn hóa: Lấy trải nghiệm của du khách làm trung tâm

VHO- Diễn ra tại Cung Hữu Nghị Hà Nội từ ngày 13- 16.4, Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) Hà Nội 2023 với chủ đề “Du lịch văn hóa” có sự tham gia của 51 tỉnh, thành; 15 quốc gia và vùng lãnh thổ; 450 gian hàng.

Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) Hà Nội 2023 với chủ đề “Du lịch văn hóa: Lấy trải nghiệm của du khách làm trung tâm - Anh 1

 Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu cắt băng khai mạc Hội chợ VITM 2023

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Để triển khai Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển” hiệu quả và bền vững, trong thời gian qua Bộ VHTTDL đã chủ trì, phối hợp với nhiều Bộ, ngành Trung ương, các địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ quan trọng phục hồi kinh tế nói chung và phục hồi lại du lịch Việt Nam sau đại dịch Covid-19 nói riêng”.

Phát triển xanh, bền vững

Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) Hà Nội 2023 với chủ đề “Du lịch văn hóa: Lấy trải nghiệm của du khách làm trung tâm - Anh 2

 Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Lễ khai mạc

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, bằng các việc làm cụ thể, toàn ngành mong muốn tập trung sức mạnh tổng hợp để chung tay xây dựng “Sản phẩm du lịch đặc sắc, chuyên nghiệp; Thủ tục thuận tiện, đơn giản; Giá cả cạnh tranh; Môi trường vệ sinh sạch đẹp; Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, để từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam gắn với “phát triển xanh, bền vững và lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”.

Đánh giá cao sự chủ động, sâu sắc của Hiệp hội Du lịch Việt Nam khi lựa chọn chủ đề chính thức của Hội chợ năm 2023 là “Du lịch Văn hóa”, Bộ trưởng cho hay, Bộ VHTTDL sẽ đưa ra các thông điệp, các khuyến nghị và giới thiệu bộ sản phẩm mới về vấn đề xây dựng mô hình văn hóa tại các khu du lịch, các điểm đến để các địa phương, các cộng đồng doanh nghiệp có thể tham khảo, nghiên cứu và ứng dụng trong tương lai gần. Với các hoạt động thiết thực tại Hội chợ, Bộ trưởng hy vọng UBND các tỉnh, thành phố sẽ kết nối được nhiều hơn với các doanh nghiệp lữ hành để chung tay phát triển sản phẩm theo hướng “mỗi địa phương phải có một sản phẩm du lịch đặc sắc”, xây dựng các tour, tuyến khai thác tối đa tiềm năng du lịch và phù hợp với thị hiếu của du khách.

“Bộ VHTTDL sẽ luôn đồng hành, tháo gỡ các “điểm nghẽn” về cơ chế chính sách, kiến nghị cấp có thẩm quyền cùng các đơn vị nhanh chóng phục hồi lại ngành Du lịch, để du lịch Việt Nam phải là một điểm đến an toàn, thân thiện, hiền hoà, mến khách, hội nhập và phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Xây dựng sản phẩm mới dựa trên giá trị văn hóa truyền thống

Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) Hà Nội 2023 với chủ đề “Du lịch văn hóa: Lấy trải nghiệm của du khách làm trung tâm - Anh 3

 Thứ trưởng Đoàn Văn Việt tham quan các gian hàng VITM 2023

Ban tổ chức ước tính, trong 4 ngày diễn ra Hội chợ sẽ thu hút hơn 60.000 khách tới tham quan, 600 đơn vị, doanh nghiệp tham gia với 450 gian hàng, 10.000 tour và sản phẩm du lịch khuyến mãi và đón trên 3.000 doanh nghiệp Du lịch Việt Nam và quốc tế đến làm việc.

Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: “Trong một thập kỷ qua, VITM ngày càng có vai trò quan trọng hơn, đóng góp tích cực cho hoạt động của các doanh nghiệp du lịch nói riêng và Du lịch Việt Nam nói chung. VITM đã phát triển mạnh mẽ, trở thành một sự kiện du lịch có tầm cỡ quốc gia, là sự kiện thu hút sự tham gia đông đảo nhất các doanh nghiệp Du lịch Việt Nam và quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Du lịch Việt Nam và dần đưa du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) Hà Nội 2023 với chủ đề “Du lịch văn hóa: Lấy trải nghiệm của du khách làm trung tâm - Anh 4

 Hội chợ VITM năm nay thu hút 600 đơn vị, doanh nghiệp tham gia gian hàng

Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2023 là dịp để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh sự phục hồi sau đại dịch từ những công việc cấp thiết như: Củng cố đội ngũ lao động, lựa chọn thị trường, xây dựng các sản phẩm, gói sản phẩm có tính cạnh tranh cao và phù hợp với nhu cầu mới của khách, ứng dụng chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động du lịch. Đại diện Vietnam Airlines, ông Nguyễn Thanh Dương cho biết: “Đến nay, Vietnam Airlines khôi phục hầu hết các đường bay trong nước và quốc tế, liên tục mở rộng và phát triển mạng đường bay với ưu thế sử dụng tàu bay thân rộng thế hệ mới trên đường bay trục và một số đường bay du lịch trọng điểm. Cụ thể, trong năm 2023, Vietnam Airlines đang khai thác tới 21 sân bay nội địa với lịch bay trải đều tất cả các khung giờ trên các đường bay trục (Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội/ TP.HCM - Đà Nẵng). Đối với đường bay quốc tế, năm 2023 Vietnam Airlines đã phục hồi đến 25 sân bay thuộc 17 quốc gia và vùng lãnh thổ, 46 đường bay phủ khắp châu Á, châu Âu, châu Úc và Bắc Mỹ.

Hưởng ứng các chương trình của Bộ VHTTDL, Hiệp hội du lịch, Vietnam Airlines đã và đang phối hợp với các công ty, tổ chức du lịch, lữ hành để triển khai liên tiếp các chương trình phát động bán, kích cầu du lịch nội địa trên toàn quốc. Tại VITM 2023, với mục đích kích cầu du lịch nội địa và khôi phục nguồn khách du lịch outbound và inbound quốc tế, Vietnam Airlines đã triển khai hơn 10.000 chỗ với mức giá thấp nhất đến các tuyến điểm trong và ngoài nước để các công ty lữ hành có thể xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn đến khách hàng.

Với chủ đề “Du lịch Văn hóa”, Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2023 nhằm hướng các doanh nghiệp du lịch đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa truyền thống và các di sản văn hóa của Việt Nam. Sự khác biệt của nền văn hóa, phong tục tập quán, hoạt động sản xuất và cuộc sống của 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam luôn hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của khách du lịch cả quốc tế và nội địa.

Điểm nhấn của các sự kiện chuyên ngành tại VITM Hà Nội 2023 là Diễn đàn “Phát triển Du lịch Văn hóa Việt Nam” thu hút sự quan tâm của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia du lịch, lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch, các cơ quan quản lý điểm đến và sinh viên các trường du lịch. Ngoài ra, Hội chợ còn có nhiều hoạt động xúc tiến du lịch, thông qua các hoạt động gặp gỡ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp; doanh nghiệp với người tiêu dùng (khách du lịch), hoạt động của các Cơ quan xúc tiến du lịch Việt Nam và quốc tế. Hội chợ còn có một số hội nghị giới thiệu điểm đến, tọa đàm, chương trình xúc tiến du lịch quốc tế và trong nước như: Tọa đàm “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực Du lịch”, Chương trình Giới thiệu Du lịch Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc); Hội nghị giới thiệu, quảng bá du lịch Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh: “Một hành trình - Bốn địa phương - Nhiều trải nghiệm”; Hội nghị “Quảng bá xúc tiến du lịch giữa tỉnh Bình Định và TP Hà Nội”… 

 Bộ VHTTDL sẽ luôn đồng hành, tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế chính sách, kiến nghị cấp có thẩm quyền cùng các đơn vị nhanh chóng phục hồi lại ngành Du lịch, để du lịch Việt Nam phải là một điểm đến an toàn, thân thiện, hiền hòa, mến khách, hội nhập và phát triển.

(Bộ trưởng NGUYỄN VĂN HÙNG)

 THUÝ HÀ; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc