Bi kịch Mê Đê trên sân khấu cải lương: Chạm tới trái tim khán giả

VHO- Hai đêm diễn ra mắt vở bi kịch Mê Đê của Nhà hát Cải lương Việt Nam đã thực sự chạm tới trái tim khán giả, khiến họ trải qua các cung bậc tình cảm vui, buồn, si, hận cùng nàng Mê Đê. Vượt qua khoảng thời gian cách đây 2600 năm, kiệt tác bi kịch Mê Đê đã được tái hiện với phiên bản cải lương mang đậm giá trị nhân văn và thẩm mỹ đẹp từ nội dung cho tới hình thức thể hiện.

Bi kịch Mê Đê trên sân khấu cải lương: Chạm tới trái tim khán giả - Anh 1

Mê Đê đã làm sang cho sân khấu cải lương bởi thiết kế đơn giản nhưng xử lý không gian sân khấu đầy ấn tượng

Mê Đê  có sự hợp tác của những tên tuổi sáng giá: Dịch giả Hoàng Hữu Đản theo nguyên tác của tác giả Ơ-ri-pít, kịch bản kịch thơ: Lê Chức, kịch bản chuyển thể cải lương: Triệu Trung Kiên, đạo diễn: NSƯT Lê Chức, âm nhạc: NSND Trọng Đài, thiết kế sân khấu: NSƯT Doãn Bằng, biên đạo múa Thành Trung, phục trang NSƯT Minh Hùng.  Đã có ý kiến băn khoăn khi nghe tin Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng bi kịch cổ điển Mê  Đê, bởi lẽ bản thân kịch cổ điển chuyển sang kịch nói đã khó, đằng này kịch bản nguyên gốc được chuyển sang kịch thơ, rồi chuyển tiếp sang kịch bản cải lương... Qua nhiều lần chuyển ngữ sẽ khó khăn để có thể làm dung hòa cho hay, cho đẹp. Vậy mà khi Mê Đê trình diễn, ê kíp sáng tạo  đã thực sự tạo bất ngờ khi mang tới một phiên bản cải lương không những đảm bảo trọn vẹn giá trị của tác phẩm bi kịch gốc mà còn khiến cho Đê trở nên mới mẻ, sang trọng và thấm đẫm giá trị nhân văn. Với Đê, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã thêm một lần minh chứng những nỗ lực đổi mới từ truyền thống bằng những cách tân và đổi mới đưa cải lương gần hơn tới đời sống xã hội và khán giả đương đại. 

Bi kịch Mê Đê trên sân khấu cải lương: Chạm tới trái tim khán giả - Anh 2

Hai nghệ sĩ tài năng của Nhà hát Cải lương Việt Nam Minh Hải và Như Quỳnh đã thể hiện xuất sắc vai Ja Dông và Mê Đê

Sau 20 năm ẩn mình với vai trò đạo diễn, NSƯT Lê Chức đã trở lại với vị trí này và lại về chính nơi mà ông đã làm Giám đốc. Khi dàn dựng, vở kịch đã được tôn trọng tối đa tính nguyên bản của kịch kinh điển từ cốt truyện cho tới diễn tiến của kịch. Mê Đê kể từ khi ra đời đã là một vở bi kịch kinh điển về sự phản bội, lòng tham, ghen tuông và cuộc trả thù trong sân - hận bi thảm. Vì tình yêu, Mê Đê bất chấp tất cả, nàng đã lấy được tấm da cừu vàng thần thánh đem về cho chồng là Jadong giúp trả thù vua Pélias. Mê Đê phải cùng chồng và hai con chạy đến vương quốc Côranh ẩn thân. Tại đây, Jadong vì muốn khôi phục địa vị đã phản bội, ruồng bỏ mẹ con nàng ở nơi đất khách quê người để lấy công chúa, con vua Creong trị vì Coranh. Biết Mê Đê là người đàn bà thông minh nhưng tâm địa độc ác, để bảo vệ bản thân và con gái, vua Creong quyết định đuổi mẹ con Mê Đê ra khỏi xứ sở của mình. Và chỉ 1 ngày, Mê Đê đã làm nên một tấn bi kịch mà ngàn đời sau nhân loại còn kinh sợ. Người phụ nữ vốn xinh đẹp kiêu sa như hóa dại, cuồng vọng với âm mưu trả thù những người đã làm cho nàng đau khổ. Kết quả, đức vua và công chúa trúng độc mà chết. Cô cũng tự tay đâm chết hai con, kết thúc những khổ đau. 

Vở diễn huy động hai kíp diễn với những diễn viên tài năng của Nhà hát: Ninh Thị Như Quỳnh, Nguyễn Thị Hà (Vai Mê Đê), Nguyễn Minh Hải, Trần Ngọc Tuấn (vai Ja Dông – Chồng Mê Đê), Quách Xuân Thông, Lê Xuân Hùng (vai Creong, Vua xứ Coranh), Cù Đức Hảo, Nguyễn Văn Đáng (vai Ê Giê, vua xứ Aten)… Để diễn tả thành công một vai diễn trong bi kịch kinh điển đã là một thử thách đối với một người diễn viên, đằng này khi vở kịch chuyển thể sang cải lương đòi hỏi người diễn viên vừa phải diễn và ca, cái khó sẽ lại càng khó hơn nhưng có thể thấy sự tự tin, chắc nghề của dàn nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam, sự đóng góp của các nghệ sĩ vào vở diễn không hề nhỏ. Đáng kể tới vai Mê Đê, nhân vật trung tâm của vở do nghệ sĩ Như Quỳnh thể hiện ở những suất diễn đầu tiên đã thật sự khiến khán giả và bạn nghề khâm phục. Nàng Mê Đê của Như Quỳnh trông mảnh mai, thậm chí rất mong manh nhưng lại vô cùng cứng rắn, mãnh liệt. Như Quỳnh đã thực sự bùng cháy và thổi sinh khí để có một Mê Đê thành công trên sân khấu cải lương. Khán giả dõi theo từng trạng thái biến đổi tâm lý của Mê Đê từ yêu thương cho tới thù hận, hiểu được sâu thẳm nội tâm của Mê Đê qua từng ánh mắt, cử chỉ. Hiểu được nỗi đau của người phụ nữ bị chồng phụ bạc, để rồi giằng xé nội tâm để quyết định đi đến tội ác khủng khiếp nhất của người mẹ đó là giết con. Mê Đê không chấp nhận chỉ là trò chơi để người chồng cợt nhả, ruồng rẫy... 

Bi kịch Mê Đê trên sân khấu cải lương: Chạm tới trái tim khán giả - Anh 3

Điều thành công nhân của vở Mê Đê đó là tác phẩm đã thành công khi khắc họa bi kịch thẳm sâu trong tâm lý của người phụ nữ, người vợ và người mẹ. Dù nói về xã hội Hy Lạp cổ đại nhưng vở diễn mang hơi thở thời đại - Mê Đê đã đấu tranh cho bình đẳng giới, đấu tranh cho quyền sống chính đáng của con người. Tham vọng quyền lực, tham vàng phụ ngãi dẫn tới phản bội tình yêu và gia đình, bi kịch của nàng Mê Đê phải gánh chịu có vẻ như không mấy xa lạ gì với xã hội hiện đại hôm nay. Điều đáng nói hơn đó là khi tấn bi kịch ấy được đưa lên ngôn ngữ sân khấu cải lương đã biểu đạt khốc liệt hơn rất nhiều. Đạo diễn cùng ê kíp sáng tạo đã xoáy sâu vào lý giải những hành động của nhân vật Mê Đê để hiểu vì sao nàng lại có thể có sự trả thù đầy khủng khiếp đến vậy từ việt giết vua, giết nhân tình của chồng và cuối cùng là giết luôn cả hai con ruột của chính mình. Nỗi đau và sự trả thù của Mê Đê được hiểu như một sự trả giá quá đắt cho sự mất lòng tin ở con người. Người xem thấy được tấn bi kịch của người phụ nữ nói chung và của những người phụ nữ trong xã hội Hy Lạp cổ đại nói riêng. 

Bi kịch Mê Đê trên sân khấu cải lương: Chạm tới trái tim khán giả - Anh 4

 Mê Đê đã tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả

Trong cách dàn dựng, đạo diễn NSƯT Lê Chức không phô trương, không hình thức chủ nghĩa mà khai thác sâu về nội tâm của các nhân vật theo đúng hình tượng nhân vật của vở, ông và ê kíp sáng tạo đã khai thác tận cùng ý nghĩa của vở diễn. Một vở kịch mang màu sắc của văn hoá Hy Lạp, trang trí sân khấu được tối giản chủ đạo là các dải lụa nhiều màu sắc nhưng lại biến hoá khôn lường. Các diễn viên mặc phục trang trắng giản đơn, có thêm khăn choàng làm điểm nhấn giúp hóa thân vào các nhân vật của thế giới Hy Lạp cổ đại. Dàn đồng ca trong vở được đạo diễn xử lý giống như một dàn đế trong sân khấu chèo truyền thống, 10 cô gái trong dàn đồng ca như 10 phiên bản của Mê Đê, trực tiếp tham gia vào các tình huống trong vở. 

Bước ra khỏi khán phòng Nhà hát Lớn dường như nhiều khán giả đã thật sự khóc cùng với nàng Mê Đê... Sân khấu Việt Nam dựng Mê Đê ở thời điểm này không thừa bởi lẽ đằng sau bi kịch của Mê Đê, mỗi người đều có thể rút ra cho mình một bài học lớn đó là hạnh phúc của con người khi đã xây lên thì đừng đánh mất, đừng phá bỏ... 

 Hướng cải lương tới khán giả trẻ

Sân khấu cải lương cũng như các loại hình sân khấu khác đang rất thiếu những kịch bản hay nên lựa chọn dựng Mê Đê là cách làm phong phú cho kịch mục của Nhà hát Cải lương Việt Nam. Cải lương dựng kịch kinh điển không có gì là khó khăn bởi vốn dĩ đặc trưng của loại hình này đó là luôn đổi mới và tiếp nhận những yếu tố mới, kể cả là kịch phương Tây. Việc thể hiện các nhân vật trong kịch kinh điển giúp cho các nghệ sĩ của Nhà hát trưởng thành hơn, vững vàng hơn rất nhiều. Nhà hát đã có một suất diễn ủng hộ đoàn thể thao khuyết tật tham gia Đại hội thể thao dành cho người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 12 tại Campuchia vào tối 12.4. Hiện nay, Nhà hát cũng đang có kế hoạch kết hợp với một số doanh nghiệp đưa Mê Đê diễn phục vụ miễn phí cho sinh viên, đưa cải lương tiếp cận gần hơn với người trẻ

(Giám đốc, NSND Triệu Trung Kiên)

THUÝ HIỀN, Ảnh: TẤN QUANG

Ý kiến bạn đọc