“Người câu gió” của Hoàng Vũ Thuật “xuất ngoại”

VHO- Người câu gió của tác giả Hoàng Vũ Thuật xuất bản ở nước ngoài là thêm một tin vui cho văn học Việt Nam trên hành trình quảng bá văn học nước nhà ra thế giới.

“Người câu gió” của  Hoàng Vũ Thuật “xuất ngoại” - Anh 1

Tập thơ Người câu gió của tác giả Hoàng Vũ Thuật

“Hoàng Vũ Thuật không đi theo con đường tiền nhân. Ông lạ hóa bản thể, tự khai khoáng và chạm trổ sinh lộ cho riêng mình, đem sinh mệnh cho những vần thơ tươi ròng sự sống. Ông không  tìm cách thay đổi quá khứ, bởi lịch sử dù mê lầm hay minh triết thì đều mang một giá trị căn cốt, đó là cách đóng dấu khuôn mặt xã hội của từng thời kì. Loài người đi từ hỗn mang, trong hoang vu, giữa đớn đau để trút bỏ lớp thú, đến với văn minh. Vì thế ông đã thay đổi tương lai. Thi sĩ cũng không kêu than về những điều tồi tệ hay đau đớn mà ông phải gặp trên đường. Hoàng Vũ Thuật nhìn thật sâu vào những đau đớn ấy, để xác quyết: đau đớn không phải là một cản đường mà là một món quà. Người câu gió vì thế là một món quà từ đau đớn, dĩ nhiên cả hạnh phúc trần ai, nhàu nhò, bầm dập và trên tất cả, nó tỏa ra thứ ánh sáng triết học từ một vầng trán hiền nhân”, nhà phê bình Nguyên Tô nhận xét về tập thơ Người câu gió của tác giả Hoàng Vũ Thuật.

Hẳn rằng, bởi những giá trị đó, nên tập thơ Người câu gió không chỉ được xuất bản ở Việt Nam, mà đã bay khắp thế giới với phiên bản song ngữ Việt – Anh (bản tiếng Anh do dịch giả Khánh Phương chuyển ngữ), Ukiyoto Canada xuất bản cuối tháng 3.2023 vừa qua. Bạn đọc khắp nơi trên thế giới có thể mua tập thơ này để ngẫm ngợi, thưởng thức mà an nhiên nhẹ sống giữa cuộc đời hỗn mang. Người câu gió của tác giả Hoàng Vũ Thuật xuất bản ở nước ngoài là thêm một tin vui cho văn học Việt Nam trên hành trình quảng bá văn học nước nhà ra thế giới.

“Người câu gió” của  Hoàng Vũ Thuật “xuất ngoại” - Anh 2

Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật sinh ngày 10.1.1945 tại làng Thạch Xá Hạ, xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ 1982). Tác giả của 16 tập thơ và một tập lý luận phê bình văn học. Từng tham gia nhiều cuộc giao lưu quốc tế tại Hà Nội, tại Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam ở Liên bang Nga; được mời thăm Nga, Trung Quốc, đi du lịch ở Mỹ, các nước châu Âu, Nhật, một số nước châu Á. Sáu lần ông nhận giải thưởng VHNT Lưu Trọng Lư của tỉnh Quảng Bình. Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ Tháp nghiêng,  giải thưởng báo Văn nghệ, Văn nghệ Quân độivà các giải thưởng khác.

P.V.H

Ý kiến bạn đọc