Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Ngành Du lịch cần được quan tâm, đầu tư xứng tầm

Thứ Tư 12/04/2023 | 10:19 GMT+7

VHO- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội vừa có buổi làm việc với Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) về việc thực hiện chính sách, pháp luật về du lịch (giai đoạn 2021 - 2023). Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng và Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cùng chủ trì buổi làm việc.

 Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng phát biểu tại buổi làm việc Ảnh: THẾ PHI

Tham dự buổi làm việc còn có các Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương và lãnh đạo Tổng cục Du lịch.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ nhiệm Phan Viết Lượng đề nghị Tổng cục Du lịch tập trung báo cáo 4 nhóm vấn đề chính: Tổ chức bộ máy, kết quả mở cửa du lịch từ ngày 15.3.2022, việc thực hiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực du lịch, hoàn thiện chính sách pháp luật và đề xuất giải pháp giải quyết những bất cập trong quá trình thực hiện các chính sách đó. “Những kiến nghị, đề xuất của Tổng cục Du lịch sẽ giúp Ủy ban Văn hóa, Giáo dục có căn cứ để báo cáo trước diễn đàn Quốc hội kỳ họp tới liên quan đến việc phát triển du lịch”, Phó chủ nhiệm Phan Viết Lượng nhấn mạnh.

Báo cáo với đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đã nêu những kết quả đạt được trong giai đoạn trước khi xảy ra dịch bệnh, đặc biệt từ sau khi mở cửa du lịch hoàn toàn đến nay. Nhấn mạnh vào 5 tồn tại, hạn chế và 8 đề xuất, kiến nghị để du lịch phát triển mạnh mẽ thời gian tới, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, ngành Du lịch vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế. Đến nay, du lịch chưa thuộc danh mục ngành nghề khuyến khích đầu tư, không có trong danh mục lĩnh vực được thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo Luật Đầu tư năm 2020. Việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế ban đêm gắn với thu hút khách du lịch còn vướng các quy định của pháp luật về an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, lao động... Nguồn nhân lực thất thoát nghiêm trọng sau 2 năm “đóng băng” do dịch bệnh, khiến ngành Du lịch đang đối mặt với khủng hoảng thiếu nhân lực...

Tổng cục Du lịch cho rằng, chính sách visa có nhiều đổi mới, tiến bộ song trong triển khai chưa thực sự sát thực tế, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến và kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu ở Việt Nam, chưa đáp ứng yêu cầu cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

Những giải pháp để gỡ khó

Tại buổi làm việc, Tổng cục Du lịch đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo thẩm quyền chỉ đạo xây dựng khung khổ pháp lý, tạo điều kiện cho du lịch phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 16.1.2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, kiến nghị điều chỉnh Luật Du lịch 2017, sửa đổi tên gọi từ “Tổng cục Du lịch” thành “Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam” để phù hợp với các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ VHTTDL theo Nghị định số 01/2023/NĐ-CP của Chính phủ nhằm không làm gián đoạn thủ tục cấp phép cho doanh nghiệp du lịch thuộc thẩm quyền của Tổng cục Du lịch và các hoạt động quản lý nhà nước về du lịch tại Luật Du lịch 2017. Đề nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo hướng đưa du lịch thành ngành nghề ưu đãi, khuyến khích đầu tư, là lĩnh vực được triển khai phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP). Xem xét, sửa đổi Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (2017) và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tạo điều kiện thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại nước ngoài.

Tổng cục Du lịch cũng đề xuất xem xét, sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan để triển khai được Đề án phát triển kinh tế ban đêm. Kiến nghị sớm ban hành Nghị quyết về chính sách thị thực trong đó, nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ; nâng cấp thời hạn chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 lên 45 ngày. Xem xét, ban hành Nghị quyết về điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất theo tinh thần Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị, giúp các đơn vị giảm chi phí đầu vào trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn hiện nay.

Đồng thời, xem xét, ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch và nhân lực chất lượng cao phù hợp với các thoả thuận thừa nhận lẫn nhau của Việt Nam và các nước về nhân lực ngành Du lịch. Đề nghị tăng cường hơn nữa công tác giám sát thực hiện các quy định của Luật Du lịch 2017.

 Việt Nam đang nỗ lực kết nối các thị trường du lịch mới sau dịch Covid-19 Ảnh: NGUYỄN HUYỀN

Quan tâm, đầu tư xứng đáng cho du lịch

Các thành viên đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã đề nghị Tổng cục Du lịch làm rõ hơn một số vấn đề liên quan việc thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, Luật Du lịch 2017 và những chính sách pháp luật khác liên quan đến du lịch.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn đánh giá cao nỗ lực của Tổng cục Du lịch trong việc mở cửa, phục hồi và phát triển sau dịch Covid-19. Ông Bùi Hoài Sơn đề nghị cần làm tốt hơn công tác thống kê du lịch. Nếu có con số rõ ràng, đáng tin cậy thì sẽ có căn cứ để hoạch định chính sách phát triển. Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch cần tập trung vào nâng cao chất lượng khách, chi tiêu của khách chứ không phải chỉ số lượng khách. Chính sách visa cũng cần cởi mở hơn, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho khách du lịch và phải thể hiện được mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới.

Các nội dung về chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; làm rõ việc Việt Nam mở cửa trước nhưng lại chưa đạt được kết quả như mong muốn, thua kém so với các nước trong khu vực; vướng mắc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về du lịch… là những vấn đề được các thành viên đoàn công tác quan tâm. “Du lịch đã được quan tâm để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn chưa? Những rào cản nào khiến du lịch “đi trước- về sau” khi mở cửa? Doanh nghiệp và người lao động ngành Du lịch cần có những đầu tư, ưu đãi gì để du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn?”, ông Phan Viết Lượng nhấn mạnh và đề nghị Tổng cục Du lịch bổ sung trong văn bản báo cáo.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết: “Trong công tác quản lý nhà nước về du lịch, lãnh đạo Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch đều xác định không chạy theo số lượng mà tập trung nâng cao chất lượng khách, chi tiêu của khách du lịch. Đồng thời xác định phát triển “bằng cả 2 chân”, đồng đều giữa du lịch nội địa và quốc tế”.

Ông Phan Viết Lượng cho rằng, đang có rất nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về du lịch nhưng có những nội dung, chính sách chưa thực hiện được. Trong Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị ghi rõ: “Đối với những vấn đề cấp bách cần triển khai ngay để tạo đột phá cho du lịch phát triển, nếu chưa có văn bản pháp luật quy định hoặc có quy định khác thì cho thực hiện thí điểm”. Đây là một hướng mở để có thể giải quyết những vướng mắc khiến du lịch khó phát triển, thậm chí có những điều đã ghi trong Luật. Ông Phan Viết Lượng nhấn mạnh, có nhiều nội dung tại Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị; Quyết định số 1685/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Cơ cấu lại ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”; Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030... nếu được thực hiện sẽ giúp đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

 NGUYỄN ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top