Hai khối đá hình con voi nổi tiếng ở Đắk Lắk

VHO- Ở Đắk Lắk có 2 tảng đá nguyên khối lớn nhất Việt Nam có hình thù giống những con voi khổng lồ. Hai tảng đá có tên là đá voi Cha và đá voi Mẹ. Đây cũng là địa điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, check-in mỗi khi đến thủ phủ vùng Tây Nguyên.

Hai khối đá hình con voi nổi tiếng ở Đắk Lắk - Anh 1

 Núi đá voi Mẹ nhìn từ trên cao như hình thù con voi khổng lồ

Đá voi Cha và đá voi Mẹ là hai danh thắng được nhiều người dân và du khách nhắc tìm đến mỗi khi đến Đắk Lắk. Đây được biết đến là 2 hòn đá nguyên khối lớn nhất Việt Nam. Cả hai hòn đá có hình thù như những con voi khổng lồ nên được gọi là cặp đá voi. Và, xung quanh cặp đá voi này là những câu chuyện ly kỳ về hòn đá biết đi và “rất thiêng” về chuyện tình duyên. Hòn đá voi Mẹ nằm vị trí giữa hồ Yang Reh và chân núi Chư Yang Sin ở xã Yang Reh, huyện Krông Pông. Núi có chiều dài khoảng 200m, cao trên 30m, trọng lượng ước tính hàng vạn tấn; Còn đá voi Cha nằm cách đá voi Mẹ chừng 5 km trên một cánh đồng lúa mênh mông tại xã Yang Tao, huyện Lắk. Đá voi Cha có chiều dài khoảng 70m.

Có một giai thoại được lưu truyền rằng, núi đá voi Mẹ lúc đầu nằm ở phía Bắc, hướng mặt ra phía hồ Lắk. Tuy nhiên, chỉ sau một đêm, người ta lại thấy tảng đá này nằm sừng sững giữa thung lũng, ngay cạnh dãy Chư Yang Sin. Theo lời kể của những cư dân bản địa nơi đây, đá voi Mẹ gắn bó với đời sống của đồng bào Ê đê trong khu vực từ xa xưa. Đây là địa điểm diễn ra các hoạt động tâm linh của đồng bào như lễ cúng bến nước, lễ cúng cầu mưa, lễ cúng cầu mùa. Không chỉ vậy, với nhiều người dân bản địa, đá voi Mẹ và đá voi Cha được ví như biểu tượng của thần tình yêu, là nơi linh thiêng, bảo vệ che chở cho tình yêu đôi lứa và cặp đá là bất khả xâm phạm.

Ông Y Gruông Du (SN 1953) ở xã Yang Tao, huyện Lắk kể rằng, hầu như không ai biết được 2 hòn đá voi khổng lồ chính xác có từ khi nào. Người dân trong vùng được các già làng, những người lớn tuổi kể về truyền thuyết của 2 hòn đá và cứ vậy truyền từ đời này sang đời khác. Theo lời kể của ông Y Gruông Du, hòn đá voi Cha gắn với truyền thuyết nuốt người con gái đẹp nhất nhì trong vùng. Tương truyền, hòn đá voi Cha ngày xưa chỉ mềm nhũn và trồi lên khỏi mặt đất với hình thù khác lạ. Hiếu kỳ, người dân trong vùng cứ vậy kéo nhau đến xem, trong đó có 2 cô con gái xinh đẹp của một gia đình giàu có trong làng. Trong lúc 2 chị em trèo lên trên hòn đá chơi đùa thì bất ngờ hòn đá dần dần co cứng lại không còn mềm nhũn như trước. Lúc này, cô em nhanh chóng nhảy xuống khỏi hòn đá, còn cô chị bị lún vào hố sâu, dù mọi người đến nỗ lực kéo ra khỏi hòn đá nhưng bất thành. Cứ vậy, người chị dần dần bị hòn đá nuốt chửng vào bên trong. Người dân làng vô cùng lo lắng nhưng sau đó nhiều người được báo mộng rằng cô gái đẹp đang được sống hạnh phúc với thần đá mãi mãi.

“Hòn đá từ đó trở nên rất linh thiêng, các cặp trai gái thường chọn hòn đá làm nơi hẹn hò và nguyện cầu Yàng (thần linh) ban cho tình yêu đôi lứa thật đẹp, bền chặt. Không chỉ vậy, khi mùa màng thất bát, đời sống gặp khó khăn gì, bà con đều cầu xin thần đá phù hộ cho ruộng đồng tươi tốt, dân làng ấm no. Cứ như vậy cho đến ngày nay, hòn đá voi gắn liền với đời sống tâm linh của người bản địa, không ai được phép xâm phạm đến hòn đá này vì rất sợ Yàng bắt vạ”, ông Y Gruông Du chia sẻ. Hai năm gần đây, địa danh đá voi Cha và đá voi Mẹ thu hút đông đảo người dân và du khách gần xa ghé thăm. Ông Lê Văn Quyền, du khách đến từ Kon Tum cho biết: “Để đến được địa điểm đá voi Cha và đá voi Mẹ mất khoảng gần 1 giờ đồng hồ di chuyển từ TP Buôn Ma Thuột theo hướng quốc lộ 27. Để leo lên đỉnh cao nhất của núi đá voi Mẹ, du khách mất khoảng 15 phút đi bộ, di chuyển qua những sườn dốc thoai thoải. Từ đây, có thể phóng tầm mắt ra xa, chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và quan sát được cả một số thắng cảnh trong vùng như hồ Yang Reh và dãy Chư Yang Sin - mái nhà của Tây Nguyên”.

Theo ông Y Thức Êban, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Bông, 2 hòn đá voi Cha và đá voi Mẹ có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào bản địa nơi đây. Hằng năm, đây là địa điểm thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu không chỉ vì sự độc lạ của hòn đá mà còn để nghe kể lại truyền thuyết hấp dẫn. “Đá voi là dấu ấn bản sắc văn hóa của người dân, gắn bó từ đời này sang đời khác. Hiện đã có đơn vị xin chủ trương để phát triển tiềm năng du lịch từ hòn đá quý này nhằm góp phần phát triển kinh tế văn hóa của địa phương”, ông Y Thức Êban thông tin. 

 VĨNH AN

Ý kiến bạn đọc