“Phản ứng nhanh” dọn phim độc hại trên mạng

VHO- Phim chiếu mạng nội dung nhảm nhí, câu khách bằng những chiêu trò phản cảm, thậm chí lố lăng và độc hại… đang ngày càng lan tràn, tạo hệ lụy tiêu cực và ảnh hưởng xấu đến người xem, nhất là đối tượng thanh thiếu niên, trẻ nhỏ. Để “dọn dẹp” những nội dung khiến dư luận bức xúc này, Cục Điện ảnh sẽ trình lãnh đạo Bộ VHTTDL ký ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng.

“Phản ứng nhanh” dọn phim độc hại trên mạng - Anh 1

Những nội dung phim nhảm nhí, phản cảm đang tràn ngập không gian mạng

Rùng mình vì “phim bẩn”

Khi cả thế giới đều thu nhỏ trong một chiếc điện thoại thì chỉ cần một chút xao nhãng, rất nhiều nội dung trên mạng, trong đó có những thứ gọi là phim nhưng được sản xuất chỉ với mục đích duy nhất là câu khách sẽ dễ dàng đến với mọi đối tượng, lứa tuổi. Đáng lo ngại, quá đông trong số này là các bạn trẻ, non nớt và chưa kịp trưởng thành về kỹ năng, vốn sống.

Về bản chất, phim ngắn/chương trình chiếu mạng (web drama) không xấu. Đó là sản phẩm nội dung số cho phép người dùng xem những gì họ thích; diễn viên, quay phim, sản xuất, hậu cần, hậu kỳ được tập luyện, làm việc; các nhãn hàng quảng bá; xã hội có thêm các sản phẩm giải trí… Nhà sản xuất chỉ cần đăng lên các website như YouTube và đợi trong ít phút là đã có thể tiếp cận với lượng người xem đông đảo. Bên cạnh đó, web drama đem lại doanh thu “khủng” định kỳ hằng tháng với việc bán quảng cáo, hợp tác với các nhãn hàng tài trợ…

Thế nhưng, như trao đổi của chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành với Văn Hóa, việc xin view, mua view, kéo view được xem là thước đo nên cũng đồng thời trở thành sức ép lớn đối với web drama. Một số người, trong đó có nhiều “ê kíp” nghiệp dư cố gắng câu kéo lượng người xem, bất chấp việc đưa ra những nội dung vô cùng phản cảm và độc hại.

Thực sự rùng mình khi những đứa trẻ mỗi ngày bị lôi cuốn bởi những “bộ phim” mô tả cảnh đánh ghen, ngoại tình, sugar baby - sugar daddy, loạn luân, giang hồ đánh đấm, chửi bới, bạo lực học đường… Các chuyên gia cho rằng, nếu không trở thành “người tiêu dùng thông thái” thì mạng xã hội với những phim “rác”, bẩn, độc hại sẽ rất dễ trở thành con dao hai lưỡi, tạo hố đen nhận thức, hành vi trong giới trẻ. Theo PGS.TS Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội), những nội dung xấu độc có thể lái con người đến những hành vi lệch lạc. Nếu người xem coi những điều trong phim đang diễn ra ngoài đời sống thực, họ sẽ cho rằng xã hội chỉ toàn những điều xấu xa.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nhận định, trong bối cảnh mạng xã hội “thống lĩnh” đời sống tinh thần thì khó tránh khỏi chạy theo thị hiếu câu view tầm thường. Dung lượng ngắn, các “nhà làm phim” thường ngẫu hứng chọn đề tài nhạy cảm, nhiều trường hợp đi ngược giá trị văn hóa chuẩn mực, thuần phong mỹ tục, cổ suý lối sống thiếu lành mạnh… Trước thực trạng này, nhằm kiểm soát, hạn chế những tác động tiêu cực đến người xem, Cục Điện ảnh đề nghị lãnh đạo Bộ cho phép thành lập Tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng để xử lý phim chiếu mạng có nội dung độc hại, phản cảm.

Nhiều thách thức

Ông Vi Kiến Thành bật mí: “Cục dự kiến tổ công tác sẽ gồm 8 người, Phó Cục trưởng Đỗ Quốc Việt làm Tổ trưởng”, đồng thời thừa nhận, quản lý phim chiếu mạng đang đặt ra rất nhiều thách thức đối với các nhà quản lý. Tổ công tác sẽ phải gánh vác một trọng trách lớn, trong khi đội ngũ nhân lực lại mỏng, hệ thống máy móc thiết bị hỗ trợ hạn chế...

Ở giai đoạn “bùng nổ” phim chiếu mạng hiện nay, Tổ công tác được kỳ vọng sẽ có những “phản ứng nhanh” để kịp thời rà soát, nắm bắt, xử lý nội dung độc hại, phản cảm với nhiệm vụ cụ thể gồm: Tiếp nhận hồ sơ, trả lời bằng văn bản đối với đề nghị công nhận đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng; đăng tải công khai tên doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức đủ điều kiện phân loại phim; Cấp, thu hồi giấy phép phân loại phim đối với phim của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chưa đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng; Xây dựng và quản lý hệ thống dữ liệu về phân loại phim trên không gian mạng…

Tổ công tác cũng có nhiệm vụ kiểm tra nội dung phim, phân loại phim, hiển thị kết quả phân loại phim phổ biến trên không gian mạng; tiếp nhận thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại; tiếp nhận đầu mối, thông tin liên hệ của các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng. Đặc biệt, đối với các trường hợp vi phạm, yêu cầu chủ thể dừng, gỡ bỏ phim vi phạm; yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp có nền tảng truyền thông số ngăn chặn, gỡ bỏ phim vi phạm; yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp có mạng viễn thông triển khai các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn việc truy cập phim vi phạm…

Việc quản lý phim chiếu mạng được quy định tại Luật Điện ảnh năm 2022, Nghị định số 131/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh, Nghị định số 128/2022/NĐ-CP ngày 30.12.2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo... Theo ông Vi Kiến Thành, các chủ thể khi tham gia hoạt động phát hành, phổ biến phim trên không gian mạng đều cần phải thực hiện theo các quy định này, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, hoạt động của mình.

Luật Điện ảnh cũng quy định rõ, các cá nhân không được phép phổ biến phim trên không gian mạng: “Chủ thể được phép phổ biến phim trên không gian mạng là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan... Trước khi phổ biến phải đảm bảo thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại phim; trường hợp chưa bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim thì đề nghị Bộ VHTTDL hoặc cơ quan được Bộ VHTTDL ủy quyền thực hiện phân loại đối với phim chưa được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng theo trình tự, thủ tục quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 27 của Luật này”, Luật Điện ảnh quy định.

Liên quan đến những nội dung này, ông Lê Thanh Liêm, Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL cho biết, Thanh tra Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Điện ảnh trong quá trình kiểm tra, rà soát; chủ động tiếp nhận thông tin, xử phạt nghiêm theo quy định các hành vi vi phạm về hiển thị cảnh báo, phân loại phim… Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL cũng nhấn mạnh, để hạn chế sự lan tràn của web drama phản cảm, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ VHTTDL và Bộ TT&TT để nâng cao hiệu quả quản lý. Trường hợp nếu phát hiện những clip ngắn không phải là phim, Bộ VHTTDL sẽ có thông báo đến Bộ TT&TT để xử lý theo quy định pháp luật.

Ngoài các ứng dụng xem phim, nền tảng trực tuyến, hoặc các kênh YouTube… thì ngay cả TikTok cũng xuất hiện nhiều series video ngắn được phổ biến với số lượng lớn. Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành lưu ý, những video ngắn không phải là phim hay web drama sẽ do Bộ TT&TT quản lý. 

 Nếu không trở thành “người tiêu dùng thông thái” thì mạng xã hội với những phim “rác”, bẩn, độc hại sẽ rất dễ trở thành con dao hai lưỡi, tạo hố đen nhận thức, hành vi trong giới trẻ. Nội dung xấu độc có thể lái con người đến những hành vi lệch lạc, bởi khi người xem coi những điều trong phim đang diễn ra ngoài đời sống thực, họ sẽ cho rằng xã hội chỉ toàn những điều xấu xa.

(PGS.TS TRẦN THÀNH NAM - ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội)

PHƯƠNG ANH

Ý kiến bạn đọc