Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Bổ sung các di tích của Biệt động Sài Gòn vào danh mục kiểm kê

Thứ Hai 10/04/2023 | 10:40 GMT+7

VHO- Sở VHTT TP.HCM vừa tổ chức khảo sát các công trình, địa điểm theo đề xuất của UBND quận 1 về bổ sung kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025 đối với 3 công trình, địa điểm của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Đoàn khảo sát do bà Nguyễn Thị Thúy Hường, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích TP.HCM chủ trì, cùng đại diện các đơn vị liên quan.

 Sinh viên Campuchia và Lào đang học tập tại TP.HCM tham quan, tìm hiểu các di tích của Biệt động Sài Gòn ngày 2.4.2023 vừa qua

Trước đó, đề xuất của UBND quận 1 nêu rõ, qua quá trình rà soát hằng năm, UBND quận 1 nhận thấy trên địa bàn có ba địa chỉ đỏ, là nơi chứa vũ khí, che giấu cán bộ và cất tài liệu mật của đơn vị Biệt động 159 thuộc Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Những địa chỉ này gắn liền với các di tích của lực lượng Biệt động Sài Gòn, nhưng chưa được đưa vào danh mục kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021- 2025. Cụ thể, tại địa chỉ nhà số 113A Đặng Dung là nơi ông bà Đỗ Miễn (tự Vượng) làm tiệm cơm tấm Đại Hàn, là nơi chứa hộp thư bí mật, để làm nơi giao liên, hội họp, giao nhiệm vụ, tài liệu của lãnh đạo nằm vùng chuyển thư từ, tài liệu ra miền Bắc và vào Chiến khu lúc bấy giờ.

Nhà số 368 Hai Bà Trưng là bình phong mang tên Hiệu vàng Phú Xuân - Vĩnh Xuân, có hầm ngầm và cả hầm đứng, dùng để chứa tài liệu, tiền vàng, và che giấu cán bộ, phục vụ trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, từ thời kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ cứu nước, của gia đình liệt sĩ Phạm Thị Chinh (hay Phạm Thị Phan Chính) vợ AHLLVT Trần Văn Lai. Và nhà số 145 Trần Quang Khải, là cơ sở Nghiệp đoàn Ngọc Quế có hầm nổi tại phòng khách phía sau tầng thượng, là nơi bảo dưỡng, sửa chữa, thiết kế thùng xe để chở vũ khí, tài liệu, chất nổ từ chiến khu ra vào nội thành Sài Gòn. Hiện cơ sở này là Bảo tàng Tình báo - Biệt động Sài Gòn - Gia Định.

Trong thời gian qua, hai địa chỉ 113A Đặng Dung và 145 Trần Quang Khải đã được con cháu gia đình AHLLVT Trần Văn Lai phục dựng đưa vào sử dụng. Địa chỉ 368 Hai Bà Trưng đang được gấp rút hoàn thành. Những di tích nói trên đã trở thành điểm đến mới và quen thuộc đối với các đoàn cán bộ cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân, các hội, đoàn, sinh viên, học sinh, giới trẻ... đến tham quan, học tập kiến thức lịch sử, văn hóa, và ôn lại truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước của thế hệ cha anh. Các di tích lịch sử này cũng là điểm đến yêu thích của nhiều du khách nước ngoài, những người quan tâm đến lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam.

Về Bảo tàng Tình báo - Biệt động Sài Gòn - Gia Định, theo đại diện chủ sở hữu, Bảo tàng nằm trong căn nhà xây dựng năm 1963 trên đường Trần Quang Khải, quận 1. Đây từng là nơi hoạt động bí mật của lực lượng Biệt động 159 Quân khu Sài Gòn - Chợ lớn - Gia Định gắn liền với hoạt động và chiến tích của lực lượng Biệt động Sài Gòn (Bảo tàng nằm ở tầng hai). Ngôi nhà ban đầu là cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn dưới sự quản lý của ông Trần Văn Lai. Cửa thang máy làm bằng sắt với những hoa văn tinh xảo, thùng thang bằng gỗ, khắc nhiều họa tiết bên trong. Chiếc thang máy cổ có từ khi căn nhà được xây dựng. Bảo tàng là nơi trưng bày hơn 1.000 hiện vật, hàng trăm cổ vật quý hiếm, tranh ảnh, huy chương, giấy khen của lực lượng Biệt động Sài Gòn trong những năm tháng chiến đấu giữa lòng địch. Ngoài ra, Bảo tàng thông minh với các ứng dụng công nghệ tương tác hình ảnh, xem phim về lực lượng Tình báo - Biệt động Sài Gòn. Bên cạnh đó, xét về giá trị kinh tế, Bảo tàng Tình báo - Biệt động Sài Gòn - Gia Định gắn kết phát triển du lịch góp phần tạo sự phát triển chung của TP.HCM…

“Vì vậy, chúng tôi làm đơn này trân trọng đề nghị Sở VHTT TP.HCM xem xét đưa địa chỉ nêu trên vào danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2025; đồng thời xem xét lập hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích theo quy định pháp luật”, bà Đoàn Dương Thái Anh bày tỏ. Qua quá trình khảo sát và lấy ý kiến đại diện các đơn vị đối với 3 công trình, địa chỉ nói trên, đoàn thống nhất về chủ trương bổ sung kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2025 đối với hai công trình, địa điểm là nhà số 113A Đặng Dung và nhà số 368 Hai Bà Trưng. Trong thời gian tới, đề nghị địa phương và gia đình tiếp tục cung cấp, bổ sung tài liệu về Sở VHTT để tổng hợp báo cáo trình UBND TP xem xét, quyết định. Riêng Bảo tàng Tình báo - Biệt động Sài Gòn - Gia Định tại địa chỉ 145 Trần Quang Khải, do còn liên quan đến chủ quyền với hộ dân khác ngụ cùng địa chỉ, nên cần có thêm thời gian trao đổi, hoàn thiện hồ sơ, vì thế dự kiến bổ sung công trình này vào danh mục kiểm kê di tích giai đoạn 2026-2030.

Đối với công trình Bảo tàng Tình báo - Biệt động Sài Gòn - Gia Định, các đại biểu đều bày tỏ phấn khởi khi thấy công trình đã phát huy giá trị rất tốt, là địa điểm tham quan quen thuộc của rất nhiều ban ngành, đoàn thể và du khách, góp phần mang lại giá trị giáo dục truyền thống lịch sử cho người dân. 

 ANH HUY

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top