Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Hà Nội và chuyện nghịch lý thừa, thiếu công viên (Bài 2): Thừa cứ thừa, thiếu cứ thiếu

Thứ Hai 10/04/2023 | 10:32 GMT+7

VHO- Tuy có tới 63 công viên, vườn hoa trên địa bàn Hà Nội nhưng không khỏi khiến người dân cảm thấy chạnh lòng. Thống kê là vậy, còn thực tế rất ít trong số này có thể đáp ứng nhu cầu của cộng đồng, nói cách khác “có cũng như không”…

 Một hạng mục trong Công viên Thiên Văn học đang được bủa vây cây cỏ, xuống cấp

 Nhìn một cách cơ học, 63 công viên, vườn hoa phục vụ khoảng 8,5 triệu người, trung bình cứ 13 vạn người mới có chung một không gian. “Khát” những không gian sống trong lành, nhu cầu thiết yếu của người Hà Nội nhiều năm qua luôn phải đối diện với nghịch lý “thừa cứ thừa, thiếu cứ thiếu”…

Công viên hàng trăm tỉ, vì sao hoang phế?

Chúng tôi tìm đến Công viên Thiên Văn học nằm trên địa bàn phường Dương Nội (quận Hà Đông, Hà Nội) và chứng kiến cảnh tượng tứ bề của công trình được đầu tư hoành tráng, quy mô này đang bị chăng kín bởi những hàng rào sắt, gỗ và cả… dây thép gai để ngăn người dân không vào bên trong. Khi phóng viên tìm cách ghi hình, lập tức nhân viên bảo vệ có mặt. Họ nói, chủ đầu tư chưa đồng ý thì bất kể ai cũng đều không thể được vào.

Không khó để nhận thấy bằng mắt quang cảnh đang ngày càng hoang phế, cỏ lút ngút ngàn, che lấp nhiều hạng mục như ghế ngồi, tượng các nhà khoa học, sân chơi, sân tập thể thao… Người dân sinh sống tại các khu đô thị mới xung quanh công viên bức xúc, không hiểu vì lý do gì mà dù được hoàn thành vài năm nay Công viên Thiên Văn học vẫn chưa một lần mở cửa. “Khu đô thị xung quanh đây rất rộng, đông dân cư sinh sống, chúng tôi thắc mắc vì sao nhu cầu được sinh hoạt, vui chơi trong không gian công cộng như thế này lại không được đáp ứng? Trong khi mỗi ngày các thiết chế, hạng mục… được đầu tư hàng trăm tỉ đồng đang ngày càng hoang phế, gẫy gục, gỉ sét…”, anh Nguyễn Thành Trung (Chung cư Terra An Hưng, đường Tố Hữu, quận Hà Đông) bức xúc.

Có tổng diện tích lên đến 12 ha, công viên Thiên Văn học ngay từ khi khởi công năm 2017 đã được người dân khấp khởi trông chờ bởi các thiết kế theo chủ đề về thiên văn học tương đối mới mẻ. Một công trình hoành tráng, gồm nhiều hạng mục chưa từng có tại Việt Nam như Quảng trường Big Bang, Vườn hoa dải ngân hà, Sân tập thể thao, Hố đen, Quảng trường người ngoài hành tinh, Sân chơi UFO, trạm không gian quốc tế, Quảng trường hệ mặt trời, Vườn Mặt trăng, Vườn cỏ ba lá, Vườn Thiên hà, Quảng trường Cung hoàng đạo, Con đường ánh trăng, Vọng lâu, Vườn tượng các nhà khoa học… Hiện đại, quy mô nhưng sớm phải “đắp chiếu” khi chưa kịp khai trương, nhiều người dân tiếc nuối, nếu không sớm đưa vào sử dụng thì chắc chắn, cảnh tượng dần hoang phế tại dự án nhiều tỉ đồng này sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Ở thời điểm này, hầu hết các hạng mục trong công viên đều đang tồn tại chen lấn với cỏ cây, một số chất liệu chịu tác động của thời tiết dần hoen gỉ, rêu mốc. Gây ấn tượng thị giác nhức nhối là hệ thống hàng rào nhếch nhác, đối lập với sự hoành tráng của những hạng mục được đầu tư bên trong…

Tại phiên họp vào tháng 10.2022, liên quan đến quản lý các công viên trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn nêu: “Tại sao có một công viên đã hoàn thành xong lại không đưa vào khai thác, trẻ em phải tìm lỗ hổng chui vào? Vì công viên này đầu tư hoàn toàn sai quy hoạch chi tiết 1/500…”. Khẳng định của lãnh đạo TP cho biết, Công viên Thiên Văn học với hạ tầng kỹ thuật lớn nhưng vi phạm trật tự quy hoạch, trật tự đất đai nên phải xử lý công phu. Sau quá trình xử lý và củng cố vấn đề pháp lý thì mới đưa công viên vào vận hành. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ người dân, đối tượng luôn có nhu cầu thụ hưởng không gian xanh trong lòng thành phố thì việc bị ngăn cấm, không được vào bên trong một công viên rộng lớn, với hầu hết các hạng mục hiện đại đã thành hình lại luôn đặt ra câu hỏi về sự bất hợp lý, lãng phí một thiết chế văn hóa lớn.

Ông Nguyễn Văn Thủy (cán bộ hưu trí sinh sống tại Khu đô thị mới An Hưng, Hà Đông) cho biết, gần 3 năm nay kể từ khi Công viên Thiên Văn học thành hình, mỗi ngày ông đều đi bộ từ nhà ra gần công viên, nhưng chỉ được tập thể dục ở bên ngoài. “Sân thể thao có mà không ai được sử dụng. Khu vui chơi thì lạnh vắng. Nhìn mấy đứa trẻ đứng ngoài rào sắt nhìn đu quay, cầu trượt mà thèm thuồng, thấy thương. Thiếu cứ thiếu, thừa cứ thừa…”, ông Thủy thở dài.

 Còn đây là một góc… Công viên Phùng Khoang

Bao giờ “hồi sinh”?

Cách vị trí Công viên Thiên Văn học không xa, chúng tôi tìm đến khu đất quây tôn ngổn ngang, là nơi dự án Công viên hồ điều hòa Phùng Khoang vẫn đang ngắc ngoải chờ thi công trở lại. Công viên được động thổ xây dựng từ năm 2016, có tổng diện tích hơn 11,8 ha, các khu chức năng chính gồm quảng trường, đảo golf, vườn hoa, mặt nước, bãi đỗ xe...

Cũng từng được kỳ vọng sẽ tạo điểm nhấn không gian hiện đại, gần gũi với môi trường, cảnh quan, tạo cảm hứng sáng tạo và tận hưởng cuộc sống cho người dân giữa lòng Thủ đô, thế nhưng sau khi khởi công vào năm 2016 thì đến nay, công viên hồ điều hòa Phùng Khoang vẫn hỗn độn, ngổn ngang. Khu vực xung quanh công viên được quây tôn, trở thành nơi viết quảng cáo, rao vặt, vẽ bậy, thậm chí vứt rác thải...

Khác với tình trạng “đắp chiếu” của Công viên hồ Phùng Khoang hay cảnh “cửa đóng, then cài” như Công viên Thiên Văn học, Công viên Thủ Lệ (quận Ba Đình) may mắn hơn khi vẫn là một điểm đến quen thuộc của người dân Hà Nội trong nhiều thập kỷ qua. Đây là một trong số 5 công viên do TP Hà Nội quản lý và là một trong 4 công viên nằm trong kế hoạch cải tạo, nâng cấp mà thành phố đưa ra. Trong ký ức của các thế hệ người dân Thủ đô, cái tên “Vườn thú Hà Nội” không chỉ thân thuộc mà gần như còn là điểm hẹn cuối tuần của người dân, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ.

May mắn hơn số phận của nhiều công trình công viên khác là thế, nhưng đến nay công viên Thủ Lệ cũng trong tình trạng xuống cấp ngày càng trầm trọng. Trước mắt chúng tôi là hình ảnh những cô bé, cậu bé trèo lên mấy hàng rào lan can ngăn khu vực nuôi thú với ánh mắt thích thú, mặc kệ xung quanh là cảnh tượng cũ nát đến hoang tàn, già cỗi đến gẫy gục của nhiều hạng mục mà đáng ra cần phải được chăm chút, đầu tư kỹ lưỡng. “Biết làm sao được, có con ở lứa tuổi này chúng tôi chỉ biết đến vườn thú để tham quan, vui chơi giải trí vào dịp cuối tuần. Không hiểu vì sao có lượng khách đông như vậy mà công viên dường như vẫn bị bỏ mặc, không được đầu tư. Nhìn quanh chỗ nào cũng cũ nát, không có cảm giác rằng đây là địa điểm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí…”, anh Nguyễn Mạnh Tuân (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ. 48 năm đồng hành cùng Hà Nội, thế nhưng đối nghịch với sự phát triển, hiện đại mỗi ngày ngoài kia, vòng quây không gian đáng ra phải biến Thủ Lệ trở thành “lá phổi xanh” sạch đẹp, được đầu tư hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu của hàng triệu người dân thì ngược lại, hạ tầng, hạng mục bên trong công viên này đa phần đều liệt vào thời… “ơ kìa”. Những hàng gạch, cột bê tông vỡ nát, nhiều địa điểm trong khu vui chơi không hoạt động, thiết bị đắp đống, phủ bạt nhếch nhác, hàng rào sắt xập xệ, hoen gỉ…

Người Hà Nội vốn tự hào với những biểu tượng của một thành phố xanh mà những cái tên Thủ Lệ, Thống Nhất, Bách Thảo từng là số 1. Thế nhưng, thời gian và quan trọng hơn là việc chưa quan tâm đầu tư kịp thời, đúng mức đã khiến cho niềm tự hào đó dần mai một. Nhiều thập kỷ qua, “cơn khát” về những không gian xanh, sạch của người dân dường như chưa khi nào được đáp ứng một cách xứng đáng, toàn diện. Quyết định của UBND TP Hà Nội về việc thành lập Ban Chỉ đạo đầu tư xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp các công viên, vườn hoa trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025 mang đến kỳ vọng sẽ “hồi sinh” những “lá phổi xanh”, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và vận hành những dự án công viên “treo”…

Thế nhưng, câu hỏi “bao giờ?” vẫn đang được người dân đặt ra, chờ đợi được trả lời. Để thực sự có lời giải cho bài toán “thiếu cứ thiếu, thừa cứ thừa” như bài viết đã phản ánh, cần lắm sự quyết liệt, mạnh mẽ của chính quyền thành phố và các Sở, ngành chức năng trong đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây mới hệ thống công viên, vườn hoa trên địa bàn. Để người Hà Nội không còn những tiếng thở dài, không còn “ngại” đến công viên vì những lý do thật tình… khó nói.

Bài 3: Trông người, lại ngẫm đến ta

THÚY HÀ - THU TRANG ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top