U22 Việt Nam tại SEA Games 32: Nhiều khó khăn

VHO- Chỉ còn hơn 20 ngày nữa, đội tuyển bóng đá U22 Việt Nam sẽ lên đường sang Campuchia trong hành trình bảo vệ “ngôi vương” tại SEA Games 32. Lá thăm may rủi đã đưa đội tuyển U22 Việt Nam rơi vào bảng đấu khó khăn cùng các đối thủ mạnh.

U22 Việt Nam tại SEA Games 32: Nhiều khó khăn - Anh 1

 HLV Troussier sẽ gặp nhiều khó khăn tại SEA Games 32 Ảnh: VFF

Đây cũng là giải đấu chính thức đầu tiên của HLV Philippe Troussier, kể từ khi ông thay thế người tiền nhiệm đã thành công mỹ mãn cùng bóng đá Việt Nam Park Hang-seo.

Tập trung giải quyết từng trận đấu

Theo kết quả bốc thăm, đội tuyển bóng đá U22 quốc gia nằm ở bảng B cùng các đội bóng mạnh trong khu vực là Thái Lan, Malaysia, Singapore và Lào. Trong khi đó bảng A khá “dễ thở” gồm các đội Campuchia, Indonesia, Myanmar, Philippines, Timor Leste. Với kết quả này đội tuyển Việt Nam sẽ nằm chung bảng với hai nền bóng đá giàu thành tích nhất môn bóng đá nam SEA Games là Thái Lan (14 HCV) và Malaysia (5 HCV). Tuy không trong diện tranh chấp huy chương vàng trong mấy kỳ SEA Games gần đây nhưng Singapore là đội bóng có trình độ chuyên môn khá. Bóng đá Lào cũng có nhiều tiến bộ trong các kỳ SEA Games gần đây và được xem là nhân tố mới nổi của bóng đá khu vực.

Đánh giá về kết quả bốc thăm môn bóng đá nam SEA Games 32, HLV trưởng Philippe Troussier cho biết, U22 Việt Nam dành sự tôn trọng cho cả 4 đội bóng cùng bảng và sẽ tập trung giải quyết từng trận đấu nhằm đạt được kết quả tốt nhất. “Cá nhân tôi không quá bất ngờ về kết quả bốc thăm, bởi ban huấn luyện đã có những dự đoán và chuẩn bị. Ngoài ra, các đối thủ tại SEA Games 32 đều là những đội bóng cùng khu vực mà Việt Nam thường xuyên chạm trán. Chúng tôi dành sự tôn trọng cho cả 4 đội bóng cùng bảng và sẽ tập trung giải quyết từng trận đấu nhằm đạt được kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, bất luận kết quả bốc thăm và danh tính đối thủ, chúng tôi vẫn sẽ bước vào giải đấu với tư cách của đội đương kim vô địch, với mục tiêu cao nhất là bảo vệ vị thế ấy”, ông Troussier nói.

Theo kế hoạch, ngày 17.4, đội tuyển U22 Việt Nam sẽ hội quân trở lại để bước vào giai đoạn chuẩn bị quan trọng cho SEA Games 32. Chiến lược gia người Pháp cho biết: “Trong thời gian tới khi đội tuyển tập trung trở lại, chúng tôi sẽ hướng tới việc hoàn thiện và gia cố những thiếu sót tại giải Doha Cup. Những trận đấu tại Qatar đã tạo điều kiện quý giá cho toàn đội thu về trải nghiệm cọ xát chất lượng với các đối thủ có trình độ cao hơn ở đẳng cấp châu lục, mà chắc chắn cầu thủ không thể có được nếu chỉ thi đấu trong nước”.

Bảng A môn bóng đá nam sẽ diễn ra từ ngày 29.4 tại SVĐ Morodok Techo, còn bảng B của U22 Việt Nam sẽ khởi tranh vào ngày 30.4 tại SVĐ Prince. Dự kiến, trước khi bước vào SEA Games 32, thầy trò HLV Philippe Troussier sẽ tập huấn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi có điều kiện cơ sở vật chất rất tốt, cũng như có khí hậu khá tương đồng với Campuchia.

Bài toán khó

Mục tiêu của đội tuyển U22 Việt Nam là bảo vệ thành công ngôi vô địch tại kỳ SEA Games này. Tuy nhiên, đây lại là lúc chúng ta chuyển giao về lối chơi. Nếu như HLV Park Hang-seo được xem là bậc thầy trong việc phá lối chơi của đối thủ, thì có vẻ như HLV Philippe Troussier lại ưa dùng lối chơi chủ động, hiện đại. Lối chơi của ông Park Hang-seo tuy mang tính bị động nhưng được đánh giá là phù hợp với năng lực của các cầu thủ Việt Nam, khi gặp nhiều đối thủ mạnh, vẫn có thể hoá giải được. Tuy nhiên lối chơi này cũng đã tới giới hạn và người hâm mộ mong muốn đội tuyển cần có bước tiến hơn nữa trong hành trình tìm vé đến World Cup. Điều đó đòi hỏi phải có sự thay đổi từ sớm và lứa U22 hiện nay chính là lứa mà ông Troussier tập trung sửa đổi nhằm thay đổi lối chơi từ bị động sang chủ động.

Theo định hướng này, đội tuyển U22 Việt Nam sẽ chơi bóng theo cách kiểm soát bằng lối chơi hiện đại, kỹ thuật. Thực tế cho thấy trong thời kỳ làm việc trong vai trò Giám đốc kỹ thuật ở PVF, ông Troussier đã tạo ra những lứa cầu thủ có khả năng chơi ban bật, kỹ thuật. Tuy nhiên các cầu thủ này chỉ chiếm số ít trong dàn cầu thủ ở Việt Nam. Vì thế khi đưa lối chơi này vào đội tuyển U22, nhiều cầu thủ chưa đáp ứng được yêu cầu khiến ông Troussier nhiều lần phải dừng các buổi tập để chỉnh sửa.

Ở U23 Doha Cup, nhiều cầu thủ chơi tốt trong thời gian đầu khi đang có thể lực và sự tập trung tốt nhưng về cuối trận đấu, đã không đáp ứng được đòi hỏi của HLV và dẫn đến “đổ vỡ” dây chuyền. Thực tế việc thay đổi cách chơi như vậy đòi hỏi phải có sự đào tạo chuyên sâu từ lứa trẻ trong khi các cầu thủ Việt Nam xuất phát từ nhiều “lò”, với chất lượng đào tạo khác nhau nên có độ vênh nhất định, dẫn đến sự không liền mạch trong lối chơi.

Điều này cho thấy vị HLV người Pháp cần thêm nhiều thời gian hơn là chỉ 3 tuần như hiện nay. Và nhiều khả năng SEA Games 32 sẽ chưa phải là nơi mà các cầu thủ U22 Việt Nam thể hiện được năng lực tốt nhất. Trong khi đó các đối thủ như U22 Thái Lan, U22 Indonesia, U22 Malaysia đều đang sở hữu lứa cầu thủ khá chất lượng. So sánh về tương quan đối thủ cho thấy điều đầu tiên ở lứa U22 hiện nay là ông Troussier không có trong tay các chân sút đáng tin cậy. Khác với các kỳ SEA Games trước, các tiền đạo ở đội tuyển U22 hiện nay hầu như không được đá chính ở V.League. Các phương án tấn công khả dĩ nhất của U22 đều là các cầu thủ được đôn lên từ đội U20 vừa dự giải châu Á như Quốc Việt, Văn Trường... Tuy nhiên các phương án này cũng chưa cho thấy sự tin tưởng, đòi hỏi ông Troussier sẽ phải có những toan tính. Thêm một khó khăn nữa mà ông Troussier sẽ phải tính đến là chiến thuật sao cho kết hợp được cả 3 lứa cầu thủ trẻ, một là những cầu thủ từ SEA Games 31, hai là lứa U23 hiện nay và thứ 3 là từ đội U20 vừa được đôn lên.

Dù khó khăn chất chồng nhưng bóng đá luôn hàm chứa bất ngờ, mong rằng ông Troussier lại sẽ mang một đội U22 với diện mạo mới ở SEA Games 32? 

VÂN GIANG

Ý kiến bạn đọc