Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Phát biểu gây tranh cãi của một đạo diễn sân khấu khi so sánh Cải lương và Hát bội

Thứ Năm 06/04/2023 | 17:36 GMT+7

VHO - Giới văn nghệ sĩ và nhiều khán giả bày tỏ bức xúc khi mới đây, clip ngắn trích phát biểu của đạo diễn sân khấu Nguyễn Hồng Dung trong một chương trình khi tôn vinh nghệ thuật Cải lương nhưng lại có phần xem thường Hát bội khi cho rằng loại hình nghệ thuật này khó hiểu, không làm cho khán giả cảm nhận được nhân vật…

Đạo diễn Hồng Dung chia sẻ tại chương trình. Ảnh chụp từ clip

Phát biểu của vị đạo diễn sân khấu ngay lập tức đã gây nên làn sóng tranh cãi, trong đó phần đông giới làm nghề và khán giả cho rằng đạo diễn Nguyễn Hồng Dung nhận định như vậy là không có cơ sở, không có chuyên môn và không công bằng khi đưa ra sự so sánh khập khiễng, thiếu công bằng khiến người nghe cảm nhận Hát bội đang “lép vế” trong khi bản thân bà là một đạo diễn sân khấu. 

Hát bội nghe không hiểu (!?)

Theo đó, trong một podcast “Trăm năm Sân khấu”, do Vietcetera thực hiện với chủ đề Chân lý “Thật và Đẹp” từ Cải lương tới đời thường phát sóng cách đây chưa lâu, trong câu chuyện chia sẻ về nghệ thuật Cải lương, đạo diễn Nguyễn Hồng Nhung bày tỏ, “Qua buổi nói chuyện ngày hôm nay, tôi mong muốn cho quý khán giả trẻ yêu thích sân khấu Cải lương, có thêm một chút hiểu biết và có thêm những hình ảnh về loại hình nghệ thuật gần gũi, đồng thời được yêu mến nhất này…”.

Khẳng định Cải lương là loại hình nghệ thuật rất khó, nhưng cũng rất sang trọng, rất gần với nghệ thuật hàn lâm của thế giới và không hề “sến”, đạo diễn Nguyễn Hồng Dung nói, Cải lương được sinh ra hầu hết từ những người trí thức, nếu họ không phải là những bậc trưởng giả thì họ cũng là những người Nho học. “Cải lương được sinh ra từ những cái đầu óc của những người đó, và đồng thời cộng thêm hơi thở thời đại, mà nhất là, đó là sự du nhập của nền văn hóa phương Tây. Chính cái đó là cái mà các bậc tiền phong ban đầu họ đã bị ảnh hưởng và họ đã cho ra đời một cái nghệ thuật không phải như Hát bội. Nếu Cải lương hát làm sao cho người ta nghe được, thì Hát bội vốn (thứ nhất) là dùng chữ Nho, đã không hiểu, mà cách hát cũng không làm cho người ta nghe được lời, thì người ta không thể cảm nhận được nhân vật đó. Trừ khi các vở Hát bội đó nói về những pho truyện mà người ta đã biết rồi, quá quen thuộc với khán giả, khi đó người nghệ sĩ Hát bội bước lên sân khấu thì khán giả mới hình dung đó là tuồng tích gì, và nghệ sĩ đang hát cái gì… (!?). 

Còn Cải lương, nó giúp cho người ta nghe được để hiểu được cốt truyện, hiểu được nhân vật, và thông qua âm nhạc của Cải lương, người ta cảm thấy nó dễ chịu hơn, gần gũi hơn, nó chân thật hơn… Cải lương có thể hòa nhập rất nhiều đối tượng, tầng lớp người trong xã hội, có thể thu hút các tầng lớp trí thức cấp cao, nhưng đồng thời nó cũng thu hút được những người sống trong tầng lớp xã hội bình thường”, vị đạo diễn nói.

Hình ảnh minh họa nghệ thuật Hát bội trong podcast “Trăm năm Sân khấu”

“Tôi thấy phũ phàng quá!”

Chia sẻ về đoạn nhận định này, NSƯT Ngọc Khanh tâm sự với Văn Hóa: “Tôi thật sự thấy rất buồn khi nghe chị Hồng Dung có suy nghĩ như vậy về Hát bội. Điều đáng buồn khi chị là một thành viên của BCH Hội Sân khấu TP, mà chị lại phát biểu như vậy là chị không hiểu về Hát bội. Chị không hiểu về bản sắc văn hóa cổ truyền của dân tộc mình hay sao mà lại nói thế, chị so sánh như vậy thì tội nghiệp cho Hát bội quá”. 

NSƯT Ngọc Khanh nói rằng, “Tôi cảm thấy rất thương cho công sức của các thế hệ đã giữ gìn bộ môn Hát bội, rồi nay tới mình, để duy trì nghề được như ngày hôm nay, dù có lúc phải bán hết tài sản cũng không tiếc, vậy mà người ta nhìn thấy Hát bội tệ hại như vậy, thấy rất phũ phàng quá khi nghe chị Dung nói “Hát bội mà hát không ai hiểu gì hết trơn, vậy chúng tôi hát nữa để làm gì?””, nữ nghệ sĩ buồn bã. 

Tuy nhiên, bà cũng cho biết khi mới xem clip đạo diễn Hồng Dung nói thì quả thật rất sốc, nhưng đến giờ thì đã bình tâm lại, cho đây là lời phát ngôn của một cá nhân không am hiểu nghệ thuật thôi chứ không vì vậy mà để con sâu làm rầu nồi canh, dù ai nói gì thì mình cũng cố gắng làm tốt hơn nữa, để chứng minh rằng các nghệ sĩ Hát bộ đã làm đúng và loại hình nghệ thuật này rất có giá trị trong đời sống hôm nay. 

NSƯT Ngọc Khanh là Trưởng đoàn Nghệ thuật Hát bội Ngọc Khanh, đơn vị xã hội hóa được tác giả Lê Duy Hạnh – nguyên Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM chỉ đạo thực hiện từ năm 1990, khi đó còn mang tên CLB Sân khấu Hát bội truyền thống.

Tuy nhiên, cũng có nghệ sĩ cho rằng có thể mọi người đang hiểu nhầm trong câu chuyện chia sẻ của đạo diễn Hồng Dung. Nam nghệ sĩ Nguyễn Điền Trung, diễn viên Nhà hát Sân khấu Cải lương Trần Hưng Đạo trong phần bình luận cùng các nghệ sĩ khác khi nói về vấn đề này, nhận định rằng, “Trong câu chuyện cô Dung đang nói là nói về Cải lương, chuyên sâu câu chuyện cô nhắc đến Hát bội, đây không phải là một so sánh, phân cấp hay phê phán mà là cô chỉ làm một ví dụ và ý cô là Hát bội thường sử dụng “Nho học” và những trình thức vũ đạo mang tính ước lệ cao, khi “Cải lương ra đời nó mang tính tả thực hơn” nên người xem dễ hiểu hơn… Ý là vậy, nhưng cách cô nói chưa đầy đủ ý nên phần dẫn ví dụ đưa clip Hát bội vô, thành ra giống như đang so sánh chứ thực ra không phải vậy…”. Mặc dù rất nỗ lực để “bào chữa” cho tiền bối, nhưng các văn nghệ sĩ khác cho rằng lẽ ra đạo diễn Hồng Dung không nên nói nói như vậy, bởi Hát bội và Cải lương đều là hai loại hình của bộ môn Kịch hát dân tộc, mỗi loại hình có một nét độc đáo và giá trị riêng, không thể mang ra để so sánh theo kiểu vì tôn vinh nghệ thuật này mà phê phán nghệ thuật kia. 

Không thể phủ nhận “Trăm năm Sân khấu” là một chương trình có ý nghĩa, như lời giới thiệu của ê kíp: “Đây là dự án nhằm hun đúc tình yêu của khán giả dành cho các loại hình nghệ thuật sân khấu thông qua những góc nhìn, những câu chuyện đầy hoài niệm và những trăn trở từ sau cánh gà sân khấu của những người nghệ sĩ trong cuộc”… Tuy nhiên, dường như ê kíp cũng chưa thật sự làm đúng tinh thần này nên đã phát sóng cả những phát biểu của khách mời - mà chắc chắn rằng những người am hiểu nghệ thuật biết rằng sẽ gây nên làn sóng tranh cãi không đáng có. Nhiều bình luận cho rằng đây có thể là “chiêu trò” của chương trình để gây chú ý. Thế nhưng, những phát biểu ấy vô hình trung đã đưa đến những quan niệm chưa đúng, về việc tôn vinh loại hình nghệ thuật này mà “phân biệt”, đưa ra góc nhìn phiến diện về loại hình nghệ thuật khác.

Cultura Fish bày tỏ quan điểm không chấp nhận ê kíp “Trăm năm Sân khấu” đã sử dụng footage từ dự án “Hát bội 101” nhằm minh họa cho phần nêu ra hạn chế của của Hát bội

“Trăm năm Sân khấu” bị tố vì sử dụng footage không đúng mục đích và làm phương hại

Trong một diễn biến có liên quan, mới đây, nhóm Hiếu Văn Ngư - Cultura Fish đã lên tiếng về việc không chấp nhận cho ê kíp “Trăm năm Sân khấu” đã sử dụng footage (tạm dịch là những đoạn video thô, chưa được hoàn chỉnh) từ dự án “Hát bội 101” của Hiếu Văn Ngư nhằm minh họa cho phần nêu ra hạn chế của của Hát bội (ở lập trường phê phán). “Chúng tôi tôn trọng góc nhìn đa chiều cũng như quan điểm cá nhân của khách mời; tuy nhiên, việc sử dụng footage đã nêu trên là không đúng mục đích và làm phương hại đến tôn chỉ hoạt động của Hiếu Văn Ngư”, trang web này nhấn mạnh.

Cultura Fish cũng phân tích thêm: Thứ nhất, Hiếu Văn Ngư, cụ thể là dự án “Hát bội 101”, luôn nỗ lực để phát dương Hát bội thông qua các hoạt động truyền thông và giáo dục nhằm đào tạo lớp khán giả mới cho Hát bội. Do đó, chúng tôi chưa bao giờ và không bao giờ có quan điểm Hát bội khó nghe, khó hiểu như cách mà đoạn nội dung chúng tôi đã chú thể hiện. Việc sử dụng footage từ “Hát bội 101” - dự án lưu trữ, khuyến khích Hát bội để minh họa trong podcast nói trên là đi ngược lại với những gì mà Hiếu Văn Ngư đã và đang xây dựng. Bên cạnh đó, theo Cultura Fish, footage Hát bội mà ê kíp “Trăm năm Sân khấu” sử dụng vốn đến từ nội dung “Mô hình nhân vật trong nghệ thuật Hát bội Việt Nam do Cultura Fish và UNESCO-ICHCAP hợp tác thực hiện và đồng sở hữu nội dung. Đây là hoạt động lưu trữ phần hình thức vẽ mặt/phục trang và một số điệu bộ cơ bản của nhân vật; do đó footage không thể hiện 100% “biểu diễn Hát bội” hiểu theo nghĩa là hát ở các không gian sân khấu, đình làng. Việc sử dụng footage kể trên không thể hiện đúng tính chất biểu diễn của Hát bội; lại thêm khách mời đang có ý so sánh Cải lương - Hát bội càng khiến cho Hát bội có phần bị “lép vế” và đây là điều chúng tôi không mong muốn. 

Hiếu Văn Ngư đăng thông báo miễn trừ trách nhiệm đối với podcast Chân lý “Thật và Đẹp” từ Cải lương tới đời thường

Hiếu Văn Ngư cũng cho biết đã gửi email đến Vietcetera (đơn vị chủ quản cho series podcast “Trăm năm Sân khấu”) và đề nghị gỡ bỏ phần footage của Hiếu Văn Ngư ra khỏi nội dung tập podcast, đồng thời xin lỗi qua email. “Tuy nhiên, đến lúc đăng bài này chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào của Vietcetera cũng như ê kíp “Trăm năm Sân khấu” ngoài một email tự động thông báo sẽ trả lời trong vòng 24h. Để tránh các hiểu lầm đáng tiếc ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của Hiếu Văn Ngư, chúng tôi xin phép miễn trừ trách nhiệm đối với podcast Chân lý “Thật và Đẹp” từ Cải lương tới đời thường - Đạo Diễn Sân Khấu HD | Trăm Năm Sân Khấu 2”, thông báo của Hiếu Văn Ngư.

THÙY TRANG - HỒNG HẠNH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top