Hội nghị giao ban lần thứ nhất khối các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VHTTDL: Nhìn thẳng vào những “điểm nghẽn” để tháo gỡ

VHO- “Trước những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, gây khó khăn cho các trường nghệ thuật, cần kịp thời có giải pháp tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn mà thực tiễn đang đặt ra. Vai trò này phụ thuộc rất lớn vào lãnh đạo, người đứng đầu các cơ sở đào tạo”, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã nhấn mạnh tại Hội nghị giao ban lần thứ nhất khối các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VHTTDL vừa diễn ra tại Hà Nội.

Hội nghị giao ban lần thứ nhất khối các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VHTTDL: Nhìn thẳng vào những “điểm nghẽn” để tháo gỡ - Anh 1

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chủ trì Hội nghị

Tại Hội nghị, các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ đã chia sẻ về khó khăn đang gặp phải, cũng như những tồn tại chưa thể giải quyết. Đó là cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý đối với đào tạo còn nhiều bất cập, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động đào tạo của ngành VHTTDL. Cụ thể: Các quy định của pháp luật hiện hành về GD&ĐT các trình độ của giáo dục nghề nghiệp, đào tạo đại học có những nội dung chưa rõ về tính đặc thù, nhiều quy định chưa phù hợp với lĩnh vực nghệ thuật; công tác quản lý nhà nước còn chưa theo kịp với thực tiễn, chưa sâu sát trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đào tạo, chưa phát hiện những bất cập, hạn chế để có những chỉ đạo, khắc phục kịp thời…

Theo đánh giá của Vụ Đào tạo, một trong những khó khăn lớn nằm ở nội tại các cơ sở đào tạo, bởi còn tâm lý trông chờ, chưa thật sự chủ động, tích cực trong thích ứng với các điều kiện mới, quy định mới, trong tư duy và hành động phát triển nhà trường. Công tác quản lý cũng chưa thực sự phù hợp, có hiện tượng né tránh các quy định, quy chế liên quan đến đào tạo. Mặt khác, đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý đến nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Thiếu biên chế, thiếu nhân lực là một trong những vấn đề nan giải của nhiều cơ sở đào tạo. Nhiều cơ sở còn thiếu cán bộ trong việc bổ nhiệm, kiện toàn đội ngũ lãnh đạo quản lý; đội ngũ thỉnh giảng và kiêm nhiệm chiếm tỷ lệ khá lớn. Đặc biệt, công tác tuyển sinh đầu vào còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ học sinh theo học năng khiếu nghệ thuật, thể thao ngày càng giảm…

Một bất cập khác là các đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chậm triển khai, đồng thời trong quá trình triển khai lại phát sinh khá nhiều vấn đề, đặc biệt là cơ chế thanh toán với các nước. Nguyên nhân là do các quy định hiện hành chưa giải quyết được thấu đáo, chính sách hoặc quy định đang trong quá trình xây dựng chưa được ban hành...

Ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực của các cơ sở đào tạo và các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhận định, trong năm học vừa qua, Bộ VHTTDL đã chủ động triển khai tốt công tác đào tạo, nỗ lực phấn đấu đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý và xây dựng các văn bản, đề án... Các cơ sở đã chủ động khắc phục những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học theo kế hoạch.

Thứ trưởng cũng nêu ra vấn đề cụ thể nhằm giải quyết những bất cập còn tồn tại trong công tác đào tạo của ngành hiện nay. Theo đó, các trường cần rà soát, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chất lượng chuyên môn đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên đảm bảo tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định đối với từng vị trí, đủ về số lượng và rà soát kiện toàn cơ cấu tổ chức, có kế hoạch bổ sung kịp thời đội ngũ đảm bảo duy trì ngành, mã ngành đào tạo. Triển khai đúng các quy định liên quan đến các đề án đào tạo nhân lực văn hoá nghệ thuật, xây dựng kế hoạch chuẩn bị đội ngũ có đủ điều kiện về ngoại ngữ để đi học nước ngoài theo Đề án 1437.

Vấn đề thiếu biên chế, giảng viên, theo Thứ trưởng, các cơ sở đào tạo của Bộ VHTTDL phải phụ thuộc vào định biên tiêu chuẩn của các trường trong Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ,TB&XH. Do đó, cần sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tới công tác đào tạo của Bộ VHTTDL để tháo gỡ những vấn đề ngoài phạm vi của nhà trường. Đặc biệt, cần đẩy mạnh hoạt động tự kiểm tra và kiểm tra, thanh tra nội bộ, kịp thời phát hiện những thiếu sót, không đúng quy định liên quan đến công tác tuyển sinh, đào tạo để có kế hoạch điều chỉnh, bổ sung kịp thời; phát hiện những vấn đề nổi cộm, mất đoàn kết, xử lý kịp thời tránh tình trạng đơn thư, khiếu nại vượt cấp. Cần nêu cao vai trò, vị trí người đứng đầu các cơ sở đào tạo để làm sao lãnh đạo phải đi sâu, đi sát tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, giảng viên, người lao động. Cần trao đổi thẳng thắn với cấp dưới để tạo nên sự dân chủ, đoàn kết trong nội bộ nhà trường. 

HIỀN LƯƠNG

Ý kiến bạn đọc