Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Sau một tháng Hà Nội ra quân giành lại vỉa hè: Những cuộc “đuổi bắt” chưa hồi kết

Thứ Hai 03/04/2023 | 09:40 GMT+7

VHO- Việc “đòi” lại vỉa hè cho người đi bộ không phải là chuyện mới ở Hà Nội, liên tục hàng loạt các đợt ra quân rầm rộ đã được triển khai để hiện thực hóa mục tiêu trên, tuy nhiên kết quả đều không như mong muốn.

Rác án ngữ vỉa hè

 Không khó để thấy hình ảnh xe của lực lượng chức năng hằng ngày đảo qua đảo lại trên các tuyến phố, tiếng loa oang oang nhắc nhở người dân không để xe, bày bán hàng trên vỉa hè… Lãnh đạo Hà Nội đã yêu cầu các cấp, các ngành theo dõi kết quả thực hiện, tập hợp tồn tại hạn chế để phối hợp với Sở Nội vụ đề xuất hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm. Tuy nhiên, ở một số nơi, dân vẫn kiên cường “bám” vỉa hè, và “trò chơi cút bắt” giữa lực lượng chức năng với người vi phạm chưa biết đến khi nào mới có hồi kết.

Như một thói quen đã ăn sâu bén rễ, nhiều người mặc nhiên coi vỉa hè là nơi kinh doanh, họp chợ, gặp gỡ, giao lưu “trà dư tửu hậu”, dừng xe giữa đường là có thể mua mớ rau hay món hàng cần dùng mà chẳng cần vào chợ. Du khách đến Hà Nội cũng thích thú ngồi quán trà đá vỉa hè, uống ly nước vài nghìn rồi mặc sức ngắm người qua lại. Việc ra quân của các cơ quan chức năng thời gian qua cũng ít nhiều khiến thói quen sinh hoạt của người dân thay đổi. Giờ đây, những cửa hàng thưa vắng khách dần, nhiều chủ quán thuê địa điểm giá cao nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa. Người dân cũng bớt ra đường bởi không có chỗ đỗ xe, uống ly cà phê vài chục ngàn không cẩn thận bị phạt tiền triệu như chơi.

Trước kia, khẩu hiệu “vỉa hè dành cho người đi bộ” không thể thực hiện được bởi nhiều lý do. Nguyên nhân chính của sự thất bại đó là việc duy trì trật tự và các chính sách an sinh xã hội dành cho người dân thông qua “kinh tế vỉa hè” dường như chưa có sự hài hòa. Các chính sách của cơ quan chức năng đưa ra mới chỉ mang tính một chiều, nặng về mệnh lệnh hành chính. Thiếu quy hoạch và cách làm bài bản, thiếu giải pháp gốc rễ giải quyết vấn đề, đặc biệt là những nghiên cứu, khảo sát về an sinh xã hội, “văn hóa vỉa hè” thông qua sinh hoạt và thói quen của người dân chưa được chú trọng khiến việc đòi lại vỉa hè luôn gặp phản ứng của người dân, bởi họ đã quen sống nhờ vỉa hè, sinh hoạt ở vỉa hè, kinh doanh nhờ vỉa hè, nếu bị dừng hoạt động thì họ sẽ ra sao?

Vỉa hè dù có vạch kẻ quy định chỗ đỗ xe nhưng người dân vẫn ngang nhiên vi phạm

Việc ra một mệnh lệnh hành chính để lập lại trật tự thì đơn giản lắm. Tuy nhiên, để có hiệu quả lâu bền lại là câu chuyện cực kỳ khó khăn, nếu không tính toán đường dài. Nhãn tiền chính là việc những khu chợ nổi tiếng sầm uất ở Hà Nội như chợ Mơ, chợ Hàng Da, chợ 19/12… từ khi được đổ cả đống tiền chuyển đổi thành các trung tâm thương mại thì trở nên đìu hiu, vắng khách, chẳng mấy ai mất công gửi xe rồi đi bộ vào để mua mớ rau, lạng thịt. Sự “tiện lợi” của các chợ cóc đã thắng các trung tâm thương mại. Thế là, TP Hà Nội dừng triển khai mô hình kiểu này.

Sau khoảng một tháng đồng loạt ra quân, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng tại Hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND Hà Nội với lãnh đạo quận, huyện, thị xã ngày 31.3 đã thừa nhận, lòng đường, vỉa hè thực tế là gắn với sinh kế của người dân, phần nào đó là kinh tế đô thị. Vì vậy, nguyên nhân sâu xa và lớn nhất của những khó khăn, bất cập hiện nay là thiếu quy hoạch. Theo ông Đinh Tiến Dũng, thiếu quy hoạch dẫn đến thiếu công khai, minh bạch rồi người dân cứ tràn ra, tràn vào sau mỗi lần ra quân. Do đó, cần phải suy nghĩ các giải pháp căn cơ, bài bản, không làm theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”. Giải pháp cần thực hiện ngay là lập quy hoạch thiết kế đô thị quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường từng tuyến phố, tuyến đường, có tính tới các yếu tố thực tiễn trước mắt và lâu dài, phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, từng địa bàn cụ thể như khu phố cổ, phố cũ và mới. Đồng thời, thành phố có thể nghiên cứu áp dụng mô hình quản lý của các nước phát triển như cho phép kinh doanh vỉa hè, bố trí chỗ đỗ xe ở lòng đường ở những nơi phù hợp... Trên cơ sở đó, đơn vị chức năng công bố công khai quy hoạch để lấy ý kiến người dân. Sau khi có quy hoạch, có sự đồng thuận của người dân thì tiến hành số hóa để tổ chức thực hiện. Trước mắt, có thể thí điểm làm trước một số khu vực ngay trong năm nay.

Sinh hoạt vỉa hè Hà Nội đã thành thói quen, thành “văn hóa” và là một nét đặc trưng của Hà Nội, vì thế cần phải có cách ứng xử mềm dẻo bên cạnh các biện pháp hành chính. Kết hợp giữa các cơ chế, chính sách hợp lý và hài hòa lợi ích của người dân kinh doanh vỉa hè sẽ tạo sự chuyển biến và họ sẽ tự giác thực hiện. Từ đó, thói quen của người dân sống trên địa bàn thành phố cũng như du khách khi đến Hà Nội sẽ dần thay đổi theo. Áp đặt đột ngột một chủ trương, chính sách nào đó mà không tính toán đến nhu cầu thực tế của người dân, dù chính sách tốt đến đâu cũng khó thực thi triệt để. Sự thất bại của chuyển đổi chợ truyền thống sang các trung tâm thương mại, tuyến xe buýt BRT hay việc thu phí vào nội đô, cấm xe máy trong nội đô mới đưa ra bàn thảo đã bị người dân phản ứng dữ dội là minh chứng rõ nét nhất. 

HOÀNG ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top