Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Quy hoạch Khu Di tích lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu thành điểm tham quan về nguồn, địa chỉ văn hóa và du lịch hấp dẫn

Thứ Sáu 31/03/2023 | 17:30 GMT+7

VHO - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 330/QĐ-TTg ngày 31.3.2023 phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu.

Khu Di tích lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu

Theo phê duyệt, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch có tổng diện tích 35,2 ha, gồm: Toàn bộ khu vực di tích được xác định trong đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung cải tạo và mở rộng thị trấn Ba Tri đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre phê duyệt;  Khu vực nhà ở cũ của gia đình tại trung tâm thị trấn Ba Tri, nơi Nguyễn Đình Chiểu sinh sống, làm thuốc, sáng tác thơ văn, viết sách thuốc và dạy học; Các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh tại huyện Ba Tri, gồm chùa Long Phước, công viên thị trấn Ba Tri, chợ Ba Tri, chùa, nhà thờ Ba Tri, Thánh thất Cao Đài, thất thủ Võ Miếu...; trên tuyến du lịch văn hóa tâm linh; Quy mô lập quy hoạch có tổng diện tích khoảng 4,2 ha, bao gồm: Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu tại xã An Đức theo quy hoạch chung cải tạo và mở rộng thị trấn Ba Tri; Khu vực nhà ở cũ của gia đình Nguyễn Đình Chiểu tại thị trấn Ba Tri.

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm nhận diện đầy đủ giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu. Hoàn thiện hệ thống hồ sơ, dữ liệu làm cơ sở chuyển đổi số và tự động hóa trong quản lý; tạo lập khung pháp lý, chính sách thu hút nguồn lực để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Bảo vệ, gìn giữ lâu dài Di tích quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu và các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với di tích, nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa - lịch sử, gắn với phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Đồng thời, phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu trở thành điểm tham quan về nguồn, địa chỉ văn hóa và du lịch hấp dẫn của quốc gia; khai thác hợp lý nguồn tài nguyên sinh thái, cảnh quan thiên nhiên của khu vực gắn với phát triển du lịch văn hóa bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân địa phương; đẩy mạnh quảng bá điểm đến về nguồn gắn với hình tượng "danh nhân, nhà thơ, ông đồ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu" trong lòng nhân dân Nam Bộ.

Lập quy hoạch nhằm hoàn chỉnh ranh giới, phạm vi cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích. Xác định chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất cho khu di tích, khu dân cư lân cận, khu vực bảo vệ môi trường. Tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan, bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn, phát huy giá trị di tích; bảo đảm kết nối hài hòa, đồng bộ với cảnh quan, môi trường và hệ thống hạ tầng kỹ thuật xung quanh.

Định hướng kế hoạch, lộ trình và nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, bảo quản, tu bổ và phát huy giá trị di tích Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu và các khu vực phụ cận phù hợp với quy hoạch được duyệt; làm căn cứ pháp lý để quản lý và bảo vệ các điểm di tích; lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án thành phần bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích; xây dựng các quy định để quản lý, kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc, cảnh quan di tích và các khu vực liền kề di tích, phù hợp với quy hoạch được duyệt và quy hoạch khác có liên quan.

Nhiệm vụ lập quy hoạch gồm: Xác định yêu cầu nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích; xác định yêu cầu nghiên cứu, khảo sát khu vực lập quy hoạch; xác định đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di tích; xác định quan điểm, mục tiêu của quy hoạch di tích; xác định các chỉ tiêu và dự báo phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của địa phương. Đánh giá phát triển du lịch toàn khu vực, hiệu quả hoạt động du lịch và các hoạt động văn hóa, du lịch về nguồn khác tại di tích; xác định tiềm năng phát triển du lịch của địa phương và của di tích.

Đồng thời, đề xuất định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích; đề xuất định hướng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và xây dựng công trình mới; đề xuất định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch...

 

Hình ảnh và tư liệu về cụ Nguyễn Đình Chiểu

Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 1.7.1822, tại làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định) nay thuộc phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM. Ông thi đỗ tú tài năm 1843. Đến năm 1849 đang ở Huế chờ khoa thi Hội, được tin mẹ mất ông về chịu tang. Vì khóc thương mẹ nên 2 mắt bị mù. Sau đó ông mở trường dạy học, làm thuốc và sáng tác thơ văn.

Năm 1859 khi giặc Pháp chiếm thành Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu về quê vợ ở Cần Giuộc, tỉnh Long An. Tại đây Nguyễn Đình Chiểu viết bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc nổi tiếng, thống thiết ca ngợi tinh thần anh dũng hy sinh vì Tổ quốc của những người nông dân bình thường.

Năm 1862, ông dời về ở làng An Đức, tổng Bảo An, tỉnh Vĩnh Long (nay là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Tại đây, ông tiếp tục dạy học trò, bốc thuốc chữa bệnh cho dân, đồng thời vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với những sĩ phu yêu nước. Tại đây trước mọi thủ đoạn mua chuộc ông vẫn cương quyết không hợp tác với giặc, tiếp tục dùng thơ văn làm vũ khí góp phần động viên cổ vũ nhân dân chống giặc. Ngày 24 tháng 5 năm Mậu Tý (tức ngày 3.7.1888), Nguyễn Đình Chiểu qua đời, nhân dân Ba Tri cùng với bạn bè, học trò, con cháu đến tiễn đưa ông rất đông.

Các tác phẩm nổi tiếng của ông là truyện thơ Lục Vân Tiên, Dương Từ – Hà Mậu, Ngư tiều y thuật vấn đáp, Văn tế Trương Định, … Quả thực, những tác phẩm của ông không chỉ ảnh hưởng sâu sắc và có sức sống mãnh liệt trong lòng nhân dân ở thời kỳ ấy mà còn lưu dấu cho tới tận bây giờ. Chính sự tài năng và ý chí vươn lên, ông đã trở thành một biểu tượng sáng ngời cho tinh thần yêu nước và nghĩa khí của người dân Nam Bộ nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Bằng ngòi bút sắc bén, những áng thơ văn của ông tố cáo tội ác của giặc Pháp, phê phán bọn vua quan bán nước cầu vinh, ca ngợi các cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân, giữ vẹn tấm lòng yêu nước, thương dân.

Năm 1990, khu lăng mộ của ông đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận là Khu Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2017, Khu di tích này tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng công nhận Khu Di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia đặc biệt.

TÙNG QUANG 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top