Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Sinh viên đi tìm chất liệu văn hóa cho du lịch

Thứ Sáu 31/03/2023 | 18:14 GMT+7

VHO - Sinh viên ngành Du lịch vừa có buổi giao lưu “Tản mạn văn hóa Nam bộ” cùng nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng. Sự kiện do NXB Tổng hợp TP.HCM phối hợp cùng Trường CĐ Du lịch Sài Gòn tổ chức. Chương trình thực sự mang lại nhiều kiến thức bổ ích, giúp các sinh viên ngành du lịch có thêm nhiều chất liệu văn hóa, hỗ trợ cho quá trình học tập cũng như làm hành trang cho công việc sau này. 

Toàn cảnh buổi giao lưu

Buổi trò chuyện “Tản mạn văn hóa Nam bộ” đã phác họa nên diện mạo văn hóa của vùng đất mới phương Nam, với những câu chuyện xoay quanh: Hạt giống văn hóa Thuận Quảng của cộng đồng lưu dân khai hoang; thổ ngơi phương Nam, tiền đề của đặc trưng “văn minh sông rạch”; giao lưu văn hóa Việt - Chăm, Việt - Khmer, Việt - Hoa; ảnh hưởng văn hóa phương Tây; Nam bộ - nơi hợp lưu của những dòng chảy văn hóa…

Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, như một tất yếu của lịch sử và của điều kiện địa lý, vùng đất Nam Bộ trở thành nơi hội tụ của nhiều dòng chảy văn hóa. Nếu buổi đầu, dòng chảy văn hóa chính là Thuận Quảng thì không muộn hơn là bao là sự giao lưu văn hóa Hoa, Khmer và sau đó là văn hóa Tây Âu. Đến đầu thế kỷ XX, văn hóa Nam Kỳ đã trở thành một phức thể đa nguyên, mang tính chất baroque rõ rệt. Cá tính văn hóa của vùng đất này, do đó có thể nói một cách khái quát là không có gì riêng của nó hiểu theo nghĩa có thâu hóa tất cả những gì từ mọi nơi khác hội tụ về đây. Và nơi đây là một giao điểm động, luôn tiếp xúc với cái mới nên hầu như không một dạng thức văn hóa, một hình thức nghệ thuật, một nhu cầu (và cả thị hiếu) văn hóa nào tồn tại nguyên dạng trong một thời gian nhất định. Chúng luôn luôn và nhanh chóng đổi mới để tạo nên một dạng thức mới đáp ứng nhu cầu (và thị hiếu) của từng thời đại. Ngoài hai yếu tố trên thì tính thời thượng và tính hiếu kỳ trong thị hiếu của văn hóa Nam Bộ.

Sinh viên hào hứng đặt nhiều câu hỏi giao lưu cùng diễn giả

Có thể nói, chất liệu văn hóa chính là yếu tố nổi bật riêng của từng địa phương, mỗi quốc gia để khơi gợi phát triển du lịch. Việt Nam là một quốc gia có nhiều lợi thế về cảnh quan khác biệt trải dài trên mảnh đất hình chữ S. Theo đó, lịch sử - văn hóa từng vùng miền cũng phong phú không kém. Trong đó, vùng đất Nam bộ tuy là vùng đất mới tích hợp vô vàn yếu tố mới - cũ sẽ mang đến cho chúng ta nhiều chất liệu giá trị và có những cái nhìn trực quan sinh động hơn trong góc nhìn của người làm nghề du lịch và giá trị mà du khách nhận được sau mỗi chuyến đi. Thêm hiểu và yêu đất nước và con người Việt Nam thông qua việc quảng bá văn hóa, du lịch và du khách quốc tế… Nội dung chương trình giao lưu được chọn lọc từ những tác phẩm do NXB Tổng hợp TP.HCM xuất bản như: Tổng tập Văn học dân gian Nam bộ (tập I - II - III); Câu chuyện văn hóa; Gia Định - Sài Gòn: Ký ức lịch sử - văn hóa; Gia Định - Sài Gòn: Hò, hát, lý, vè và diễn xướng lễ hội của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cùng các cộng sự.

Chia sẻ về lý do phối hợp tổ chức chương trình “Tản mạn văn hóa Nam bộ”, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Sài Gòn Phan Bửu Toàn bày tỏ, nhà trường rất vui khi phối hợp tổ chức được chuyên đề này, đây là ý tưởng xuyên suốt của trường từ ngày thành lập đến giờ. Đó là luôn luôn có những chuyên đề bổ sung kiến thức văn hóa cho sinh viên. “Trong chuỗi phát triển của nhà trường, chúng tôi nhận thấy văn hóa là một trong những trụ cột quan trọng để phát triển du lịch. Văn hóa và du lịch là mối quan hệ cộng sinh, nếu như du lịch phát triển sẽ đưa các giá trị văn hóa đến với bạn bè trong nước và quốc tế, có cơ hội phục hồi trở lại những di sản của cha ông chúng ta để lại. Ngược lại, văn hóa là một chất liệu quan trọng, nếu không có văn hóa thì chúng tôi không có nhiều loại hình du lịch trong khai thác. Qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy phần đông giới trẻ hiện nay đang có xu hướng quay trở lại, muốn gìn giữ những gì di sản để lại, để giúp các bạn định hướng tốt hơn vấn đề này, chúng tôi đã thành lập ngay một chi hội du lịch di sản văn hóa TP.HCM, trực thuộc Hội Di sản TP.HCM”, ông Toàn chia sẻ. 

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng tặng sách làm phần thưởng cho các sinh viên trả lời xuất sắc mini game về kiến thức ca dao, tục ngữ

Ông Phan Bửu Toàn tâm tư, “Chúng tôi loay hoay rất nhiều trong việc cung cấp thông tin, chất liệu văn hóa cho sinh viên, bởi vì thông tin trên internet quá nhiều trong khi các em chưa có kỹ năng sàng lọc, xử lý để tìm kiếm thông tin bổ ích cho mình. Chúng tôi đi gặp các nhà nghiên cứu văn hóa, tìm sách, mua sách, tổ chức tọa đàm văn hóa… để bổ sung kiến thức cho các em, và đó là một trong những lý do chúng tôi xây dựng các chuyên đề và sẵn sàng phối hợp các nơi, giúp cho thế hệ trẻ giữ gìn di sản và hiểu được văn hóa của mình. Các em phải hiểu được văn hóa mình thì mới ra văn hóa thế giới được. Nếu không chúng ta sẽ bị lọt thỏm, hoặc chúng ta bị đồng hóa rất nhanh về văn hóa”. 

Theo ông Toàn, sinh viên hiện nay luôn háo hức và đầy nhiệt huyết, ham muốn học hỏi nhưng bị lạc trong xa lộ thông tin, lúng túng và rối rắm, cần được định hướng để chọn lọc chính thống, và do đó các em đang cần một phương pháp đúng. 

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng ký tên tặng sách cho sinh viên

Với “Tản mạn văn hóa Nam bộ”, sinh viên được nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng - người am hiểu về lĩnh vực văn hóa, giúp sinh viên có thêm nhiều kiến thức bổ ích về văn hóa nói chung và văn hóa Nam bộ nói riêng. Từ đó, có thể áp dụng những kỹ năng – bí quyết học tập tự thân để phục vụ ngành nghề. Đồng thời qua buổi giao lưu, cũng là cách để sinh viên biết rằng việc tiếp nhận kiến thức ngoài việc đi thực tế để có kiến thức thì đọc sách cũng là cách để các bạn có kiến thức. Vì đối với sinh viên du lịch thì thì kiến thức đủ và đúng là điều rất quan trọng, để các bạn làm nghề tốt nhất, khẳng định được sự thành công của bản thân và góp phần phát triển thương hiệu du lịch, mang văn hóa Việt đi xa khắp bốn bể năm châu.

THÙY TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top