Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” chưa hồi hương đã tràn lan… “phiên bản”

Thứ Sáu 31/03/2023 | 10:26 GMT+7

VHO-  Nhiều nhà quản lý, chuyên gia bày tỏ bức xúc khi hành trình “hồi hương” của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” vẫn còn không ít gian nan thì trên thị trường, mạng xã hội đã lan tràn không ít hình ảnh, lời rao bán những phiên bản “nhái” bảo vật vô giá này.

 Một phiên bản làm nhái ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” từng được rao bán trên MXH

Đa số ý kiến cho rằng, cần khẩn trương có giải pháp ngăn chặn, xử lý những hiện tượng trục lợi, bất chấp lợi ích của cộng đồng, quốc gia vì mục đích cá nhân.

Rao bán tràn lan ấn giả

Những ngày cuối năm 2022, các nhà quản lý, giới chuyên gia bỗng “giật mình” khi bắt gặp hình ảnh “phiên bản” ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” được đăng tải với nội dung giao dịch thành công trên một trang facebook cá nhân. Theo những nội dung này, đã có 13 phiên bản được quảng cáo là “phiên bản đặc biệt ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” được trao tay đến những người hữu duyên”.

Cùng với “lai lịch” của hiện vật, một số nội dung liên quan còn tung hô, gắn với yếu tố tâm linh, kiểu như: Ngày vía thần tài & Ấn “Hoàng đế chi bảo” (Phiên bản kỷ niệm) số 13. Mong rằng chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” số thứ tự 13 này sẽ mang đến nhiều tài lộc… Về việc này, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết, sau khi nhận được tin có hiện tượng một người là hội viên Hội Di sản văn hóa Việt Nam làm bản sao để kinh doanh mô hình ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, Chủ tịch Hội đã điện thoại và yêu cầu cá nhân này báo cáo về sự việc. “Lãnh đạo Hội Di sản văn hóa Việt Nam đã có buổi họp với cá nhân này tại trụ sở Hội để nghe trình bày và phân tích, đề nghị chấm dứt việc làm đó; đồng thời có báo cáo cụ thể về vấn đề này bằng văn bản cho Hội Di sản văn hóa Việt Nam”, ông Trụ cho biết.

 Không ít cá nhân “ăn theo” làm nhái, rao bán trên MXH

Cũng theo Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, cá nhân làm “phiên bản” ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” sau đó đã có bản tường trình gửi Hội, trong đó có đoạn: “Với tư cách hội viên Hội Di sản văn hóa Việt Nam, tôi đã thực hiện việc chế tác, kinh doanh mô hình ấn “Hoàng đế chi bảo” khi chưa thông báo với Hội, dẫn đến những hiểu lầm đáng tiếc. Tôi xin hoàn toàn nhận lỗi về mình và xin hứa sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc…”. Bức xúc trước hiện tượng này, TS Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, gay gắt: “Việc làm nhái các cổ vật và các tác phẩm mỹ thuật có giá trị đang là hiện tượng rất phổ biến trên phạm vi toàn thế giới, nhưng về mức độ công khai, trơ tráo thì Việt Nam thuộc dạng hàng đầu! Điển hình như hiện tượng chiếc ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” của triều Nguyễn bị làm nhái, làm giả và rao bán tràn lan trên mạng xã hội hiện nay, dù chiếc ấn này chưa về đến Việt Nam”.

Không chỉ dừng ở vụ việc cụ thể này, theo một phản ánh khác đến Văn Hóa, hiện có nhiều “phiên bản” làm giả, nhái ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” được rao bán với các chất liệu mạ vàng, đồng, composit,… “Sớt” trên mạng, chúng tôi cũng bắt gặp những video giới thiệu “sản phẩm” giả, nhái này. Một trang mạng có địa chỉ “Đúc đồng Đại Phong” quảng cáo: Ấn rồng Hoàng đế chi bảo phiên bản 1:1 chất liệu đồng. Quà tặng để bàn làm việc, quà biếu đẳng cấp nhất Viêt Nam. Sản phẩm có thể để mộc, làm màu giả cổ, mạ vàng 24k theo yêu cầu”, đi kèm là địa chỉ, số điện thoại liên hệ, cách thức đặt hàng… PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, cho rằng hiện tượng làm giả, làm nhái các cổ vật, hiện vật giá trị là vấn nạn “kinh niên” đã kéo dài nhiều năm nay, báo chí, truyền thông và giới chuyên gia di sản đã lên án rất nhiều lần nhưng… đâu vẫn hoàn đấy. “Bản thân tôi đã lên tiếng khá nhiều. Phải đi vào tận gốc vấn đề để thấy nguyên nhân do đâu, sau đó quy trách nhiệm và có chế tài xử lý chặt chẽ…”, ông Tống Trung Tín nói.

Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam phân tích, trường hợp ấn “Hoàng đế chi bảo” bị làm giả và rao bán tràn lan khi quá trình “hồi hương” của chiếc ấn vẫn chưa hoàn tất, có thể thấy rõ động cơ là trục lợi, mục đích kiếm lời. “Đây là việc khó có thể chấp nhận, lại diễn ra trong thời điểm nhạy cảm, khi tất cả chúng ta đang dõi theo và chờ đợi sự trở về của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”. Dường như lợi ích cá nhân quá lớn đã che khuất tất cả lợi ích cộng đồng, quốc gia, dân tộc”, ông Tín nhìn nhận.

Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu nhiên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc làm giả những báu vật của quốc gia, dân tộc trên thực tế đã diễn ra từ lâu, dần trở thành vấn nạn tràn lan. Chính từ mặt trái của kinh tế thị trường đã nảy sinh vấn nạn này. “Trường hợp cụ thể của việc làm “phiên bản” ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” là do một số người tiếp cận một cách nhanh nhạy quy luật kinh tế thị trường để trục lợi, làm giả. Vì mục tiêu kiếm lời để làm điều này là không thể chấp nhận. Chưa kể, làm giả những cổ vật, bảo vật quốc gia sẽ rất tai hại đối với việc làm đảo lộn giá trị, khiến trật tự trong nền kinh tế thị trường không còn lành mạnh. Thậm chí, ảnh hưởng đến danh dự của quốc gia, tổn hại truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc”, TS Nguyễn Viết Chức bức xúc.

 Làm nhái và được “quảng cáo” rầm rộ trên MXH Ảnh chụp màn hình

Cần những biện pháp mạnh

Nhiều chuyên gia đồng thời lên tiếng cần có chế tài cụ thể, mạnh mẽ để nâng cao tính răn đe đối với những hiện tượng làm giả, làm nhái những cổ vật, hiện vật giá trị vì mục tiêu lợi nhuận. Theo TS Phan Thanh Hải, có 2 vấn đề cần suy nghĩ và nghiên cứu giải pháp để khắc phục. “Thứ nhất là kẽ hở của luật pháp. Cần phải có ngay các quy định nghiêm khắc để chế tài các hoạt động làm giả, làm nhái cổ vật, các tác phẩm mỹ thuật và buôn bán trao đổi bất hợp pháp mặt hàng này. Thứ hai, tăng cường kiểm soát thông tin trên các website buôn bán cổ vật, tác phẩm mỹ thuật và các trang mạng xã hội; xử lý nghiêm những kẻ tiếp tay cho việc làm giả, làm nhái và buôn bán, trao đổi cổ vật, tác phẩm mỹ thuật thông qua việc quảng cáo, rao bán những mặt hàng này”, ông Hải nhấn mạnh.

PGS.TS Tống Trung Tín cho rằng, cần rà soát, thu hồi lại những “phiên bản” đã bán, cần thiết thì thực thi những biện pháp mạnh hơn. “Nếu không muốn nhìn nhận chuyện làm giả, làm nhái những hiện vật, cổ vật, di sản văn hóa… mãi là “chuyện muôn thủơ” thì giải pháp hạn chế, ngăn chặn chỉ có thể là thực hiện nghiêm quy định pháp luật. Phải xem xét còn có những khoảng trống nào để lấp đầy, từ đó xử lý nghiêm vi phạm. Tôi cho rằng việc sửa Luật Di sản văn hóa sắp tới có thể xem xét kỹ hơn nội dung này. Phải rà soát kỹ, ban hành và bổ sung thêm những điều luật chặt chẽ để kiểm soát và quan trọng hơn là việc triển khai, đưa vào thực tiễn”, ông Tống Trung Tín nhấn mạnh. Bày tỏ sự phản đối quyết liệt việc tạo những “phiên bản” ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” nói riêng và làm giả, nhái cổ vật nói chung, TS Nguyễn Viết Chức chia sẻ: “Trên thế giới, nhiều nước có hình phạt rất nặng đối với những việc làm này. Hoặc là nghiền nát, tiêu hủy đồ giả, hoặc phạt nặng về kinh tế để nâng tính răn đe. Tôi cho rằng, tất cả những hành vi làm giả, nhất là làm giả cổ vật, bảo vật quốc gia, cụ thể ở đây là ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” thì phải có những chế tài xử lý thật nghiêm”. Ông Chức cũng cho rằng những cổ vật, báu vật như những chiếc ấn vàng không chỉ có giá trị về vật chất mà đặc biệt có ý nghĩa về mặt tinh thần, là những tài sản văn hóa vô giá. Đặc biệt, khi ấn “Hoàng đế chi bảo” còn chưa về “đến nhà” thì việc làm những “phiên bản” để buôn bán không chỉ đáng lên án mà còn cần có các biện pháp xử lý mạnh tay.

“Trong việc sửa Luật Di sản văn hóa tới đây cần có chế tài mạnh hơn. Đặc biệt, đối với những quy định nghiêm cấm làm giả, buôn bán trái phép những cổ vật quý của đất nước, nếu cá nhân, tổ chức nào cố tình vi phạm thì phải xử phạt ở các mức độ như xử phạt hành chính, phạt tiền hoặc xử lý hình sự… Chỉ có chế tài, điều khoản cụ thể để điều chỉnh mới đảm bảo chặt chẽ, để những hiện vật, cổ vật vô giá của đất nước dù trong hoàn cảnh nào cũng được bảo vệ một cách tốt nhất”, TS Nguyễn Viết Chức nói. 

 Việc làm nhái các cổ vật và các tác phẩm mỹ thuật có giá trị đang là hiện tượng rất phổ biến trên phạm vi toàn thế giới, nhưng về mức độ công khai, trơ tráo thì Việt Nam thuộc dạng hàng đầu! Điển hình như hiện tượng chiếc ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” của triều Nguyễn bị làm nhái, làm giả và rao bán tràn lan trên mạng xã hội hiện nay, dù chiếc ấn này chưa về đến Việt Nam.

(TS PHAN THANH HẢI, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia)

 

 Nếu không muốn nhìn nhận chuyện làm giả, làm nhái những hiện vật, cổ vật, di sản văn hóa… mãi là “chuyện muôn thủơ” thì giải pháp hạn chế, ngăn chặn chỉ có thể là thực hiện nghiêm quy định pháp luật. Phải xem xét còn có những khoảng trống nào để lấp đầy, từ đó xử lý nghiêm vi phạm. Tôi cho rằng việc sửa Luật Di sản văn hóa sắp tới có thể xem xét kỹ hơn nội dung này…

(PGS.TS TỐNG TRUNG TÍN, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam)

PHƯƠNG ANh

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top