Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Chính phủ đề xuất cải thiện chính sách thị thực: Kỳ vọng sẽ thay đổi cơ bản hình ảnh điểm đến

Thứ Tư 29/03/2023 | 10:09 GMT+7

VHO- Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3.2023. Tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ đã thống nhất đề xuất Quốc hội nhiều chính sách liên quan đến thị thực (visa) mà nếu được thông qua sẽ làm thay đổi cơ bản hình ảnh điểm đến Việt Nam.

 Đề xuất nâng thời gian tạm trú cho người được miễn thị thực đơn phương từ 15 lên 45 ngày là tin vui với ngành Du lịch Ảnh: QUẢNG HÀ

Tham dự phiên họp có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Chính phủ đề xuất nhiều chính sách “tháo nút thắt” visa

Tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến về 5 nội dung, trong đó có nội dung về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Lãnh đạo Bộ Công an cho biết, trong thời gian tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, một số chính sách mới trong lĩnh vực này sẽ được đề xuất đưa vào Nghị quyết chung của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 tháng 5.2023 để thực hiện được ngay. Đây đều là những vấn đề cấp bách, cần giải quyết ngay để tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài là khách du lịch, nhà đầu tư, doanh nhân… trong nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú, làm ăn tại Việt Nam, góp phần phục hồi, phát triển ngành Du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.

Các thành viên Chính phủ đã nhất trí đề xuất Quốc hội cho phép nâng thời hạn thị thực điện tử (e-visa) từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đề xuất giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ được miễn thị thực đơn phương; nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.

Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được các thành viên Chính phủ đánh giá là rất cần thiết. Từ đó, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh cho công dân Việt Nam và người nước ngoài.

Tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh: “Việc xây dựng và hoàn thiện thể chế phải xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, không cầu toàn nhưng không nóng vội. Những gì đã chín, đã rõ, có tính ổn định thì luật hóa. Những gì chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn nghiên cứu thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần. Đối với những vấn đề đang còn ý kiến khác nhau thì cố gắng tạo đồng thuận. Làm đến đâu chắc đến đó để luật pháp đi thẳng vào cuộc sống. Không để tình trạng văn bản pháp luật vừa xây dựng xong đã lạc hậu”.

Thủ tướng đề nghị các quy định, thủ tục xuất nhập cảnh phải tạo thuận lợi cho người dân và du khách, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, hiện đại hóa, giảm phiền hà, phòng chống tiêu cực.

Doanh nghiệp du lịch “nín thở” chờ đợi

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Liên chi hội lữ hành Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vietnam TravelMart cho biết: “Những thông tin tại Phiên họp do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 27.3 với nhiều nội dung liên quan đến cải thiện chính sách visa là một tin rất vui với ngành Du lịch. Trong đó, việc các thành viên Chính phủ thống nhất đề xuất “cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới” rất quan trọng. Hiện nay, khách truyền thống (khách đoàn, qua các công ty bảo lãnh) đã giảm đi nhiều và khách có xu hướng tự apply e-visa để đi du lịch nước ngoài. Vì thế, khả năng vào Việt Nam của các nhóm lẻ rất cao, kể cả với các thị trường lớn, đó sẽ là một cuộc cách mạng”.

Với tư cách là một công ty lữ hành, ông Dũng cho rằng, nếu đề xuất này được thông qua, các công ty du lịch sẽ mất đi một số lợi thế, nguồn thu, công việc nhưng vì việc chung, chúng tôi rất ủng hộ. Sự thay đổi cơ bản này của điểm đến Việt Nam cũng có thể giúp chúng ta lấy lại đà tăng trưởng như trước khi xuất hiện dịch Covid-19, thậm chí ngay trong năm sau chúng ta có thể đạt 20 triệu lượt khách quốc tế.

“Qua thực tế tiếp xúc với khách hàng và đối tác, chúng tôi thấy rằng những vướng mắc về visa hiện nay của chúng ta cũng là điều mà khách muốn thay đổi nhất để tạo điều kiện đi lại thuận lợi”, ông Dũng nói. Ngoài ra, ông Dũng nêu ý kiến, Việt Nam cần tăng hình ảnh điểm đến bằng các hoạt động xúc tiến, truyền thông. Bên cạnh đó, làm mới các sản phẩm du lịch, đặc biệt ở các trọng điểm du lịch. Mỗi người dân hãy là đại sứ du lịch để quảng bá đất nước mình với bạn bè thế giới. Khách sẽ thấy chuyến đi giá trị hơn rất nhiều khi từ lúc nhập cảnh đến khi xuất cảnh họ được chào đón và tạm biệt bằng những nụ cười. Nếu cùng với chính sách visa, môi trường du lịch, sản phẩm du lịch được cải thiện thì chúng ta không phải ngại gì việc cạnh tranh trong khu vực.

Ông Nguyễn Công Hoan, Phó tổng giám đốc Flamingo Holding Group, CEO Flamingo Redtours cho rằng: “Những nội dung mà Chính phủ thống nhất đề xuất Quốc hội trong kỳ họp tới liên quan đến visa đều đã được các Bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội du lịch... đề xuất nhiều lần. Visa không phải là giải pháp duy nhất để thu hút khách đến Việt Nam và nâng cao khả năng cạnh tranh của điểm đến nhưng là giải pháp hàng đầu”.

Nếu mở rộng diện miễn visa đơn phương cho càng nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng thời hạn tạm trú cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày thì chúng ta càng nâng cao được khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, việc đơn giản hóa thủ tục visa, cụ thể là thực hiện visa điện tử với tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới sẽ tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam. “Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng, những gì khó khăn, bất cập đang được Chính phủ, Quốc hội vào cuộc tháo gỡ, thể hiện sự quan tâm thiết thực với ngành Du lịch và sự phát triển của đất nước. Các doanh nghiệp du lịch, nhà đầu tư cũng yên tâm hơn khi đầu tư, phát triển du lịch, mở rộng thị trường”, ông Hoan nói.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Hoan cũng cho rằng, hiện nay Việt Nam chưa có một kế hoạch truyền thông, quảng bá, xúc tiến mang tính tổng thể. Chúng ta đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa; tổng thu du lịch đạt 650.000 tỉ đồng. Nhưng chúng ta chưa “chốt” được tổng mức đầu tư cho xúc tiến, quảng bá là bao nhiêu, nguồn kinh phí từ đâu, đơn vị nào thực hiện, thực hiện như thế nào... Tóm lại, cần phải có những giải pháp tổng thể để thu hút khách đến Việt Nam chứ không phải chỉ mở cửa là xong. 

 NGUYỄN ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top