Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Đoàn giám sát Quốc hội làm việc với UBND TP.HCM: Kiến nghị nhiều chính sách cho giáo dục

Thứ Tư 29/03/2023 | 09:54 GMT+7

VHO- Đoàn giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với UBND TP.HCM về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông.

Học sinh TP.HCM trong một giờ học về âm nhạc

TP.HCM đã kiến nghị nhiều nội dung quan trọng như chế độ cho giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất trường học, có cơ chế linh hoạt trong tuyển dụng, mua sắm trang thiết bị dạy học; ủng hộ đề xuất cho TP thực hiện cơ chế thí điểm, chủ động quyết định một số chính sách của TP…

Thực hiện chính sách an sinh gặp nhiều khó khăn

Báo cáo về kết quả triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức thông tin, sau 3 năm thực hiện, chương trình được triển khai đúng lộ trình, bám sát chủ trương đổi mới giáo dục và các văn bản chỉ đạo của các cấp. “Để triển khai CT GDPT mới, TP đã quan tâm đầu tư xây dựng trường lớp, đáp ứng nhu cầu học tập của con em, kể cả cư dân không có hộ khẩu. Đến nay, việc tổ chức hoạt động dạy học 2 buổi/ngày đáp ứng yêu cầu cơ bản theo chương trình mới, đạt trên 74% với tiểu học, trên 63% với THCS và trên 95% với THPT. Tuy vậy, vẫn còn tồn tại hạn chế như đội ngũ giáo viên ở một số trường chưa đáp ứng về số lượng và cơ cấu; nhiều giáo viên và học sinh còn lúng túng khi triển khai dạy và học theo chương trình mới. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học một số trường chưa đáp ứng yêu cầu thực tế khi triển khai chương trình”, ông Dương Đức Anh cho biết.

Một bất cập khác, theo ông Dương Anh Đức, hiện nay tất cả chỉ tiêu, nguồn lực mà Trung ương tính toán để đảm bảo hoạt động vận hành đều căn cứ vào số liệu hộ khẩu thường trú. Trong khi thực tế TP.HCM luôn có lực lượng dân nhập cư, vãng lai rất đông đảo. Khi tiến hành điều tra dân số, TP.HCM là 9 triệu người, nhưng có những chính sách an sinh TP triển khai thì có 11-13 triệu người xin hỗ trợ. Do đó, ước lượng số người sinh sống tại TP có thể lên đến 13,5-15 triệu người. Đối với ngành Giáo dục, rất nhiều học sinh ở tỉnh lên TP.HCM học, chưa kể dân tạm trú. Cho nên, việc đưa ra chỉ tiêu, quy hoạch cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng cho giáo dục, phải tính toán trên thực tế chứ nếu căn cứ theo hộ khẩu sẽ rất khó khăn.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, đến thời điểm hiện nay, TP.HCM với quy mô dân số hơn 10 triệu người, chưa tính bộ phận dân cư vãng lai nên việc thực hiện các nhiệm vụ giáo dục và y tế gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, xét theo tiêu chuẩn của ngành Giáo dục, TP còn thiếu 5.000 phòng học. Song, xét theo mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học thì TP.HCM còn thiếu 8.000 phòng học. “Từ nay đến năm 2025, mục tiêu bổ sung thêm 8.000 phòng học nên cần cơ chế linh hoạt cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xã hội hóa để tạo thêm nguồn lực cho giáo dục”, Chủ tịch UBND TP nhận định.

Cần sớm xây dựng cơ chế chính sách cho giáo viên dạy 2 buổi/ngày

Theo lãnh đạo TP.HCM, có một thực tế là hiện nay giáo viên dạy buổi 2 theo chương trình cũ thì được nhu nhập tăng thêm, nhưng dạy theo chương trình mới thì không được, từ đó ảnh hưởng đến đời sống cũng như tâm lý của giáo viên. Bên cạnh đó, số học sinh ngày càng tăng, nhưng quy mô viên chức giáo dục ngày càng giảm theo yêu cầu, cho nên TP luôn trong tình trạng thiếu định biên cho ngành Giáo dục.

Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ, TP không có kinh phí dành riêng cho mua sắm trang thiết bị triển khai CT GDPT 2018; thay vào đó là thực hiện rà soát thiết bị dạy học hiện có, từ đó thực hiện mua sắm bổ sung từ nguồn chi thường xuyên của đơn vị kết hợp bổ sung từ ngân sách. Đối với việc phân bổ giáo viên, TP.HCM được giao hơn 11.000 biên chế viên chức giáo dục, nhưng hiện nay chưa tuyển dụng đủ. Nếu căn cứ theo định biên giáo viên/lớp thì TP cần bố trí 15.000 giáo viên. Tuy nhiên, do chưa tuyển dụng hết biên chế được giao nên gặp khó khăn trong hợp đồng. Tới đây, toàn ngành tiếp tục tăng cường tuyển dụng giáo viên các bộ môn Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật song song với việc tham mưu UBND TP.HCM trình HĐND TP chính sách thu hút giáo viên các môn đặc thù.

Tại buổi giám sát, ông Dương Anh Đức kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sớm xây dựng cơ chế chính sách cho giáo viên dạy 2 buổi/ngày; cho phép nhà trường được hợp đồng với các vị trí việc làm không tuyển dụng được và ngân sách cấp bù để chi trả lương cho đối tượng này khi thực hiện quy định không thu tiền học phí buổi thứ 2 đối với học sinh học CT GDPT 2018.

Đối với Bộ, ngành Trung ương, ông Dương Anh Đức đề nghị Bộ GD&ĐT cần quy định cụ thể định biên cho ngành Giáo dục khi thực hiện CT GDPT 2018, xây dựng bổ sung vị trí việc làm, đảm bảo đủ định biên theo định mức số tiết quy định, thành phần giáo viên bộ môn đủ và cân đối hợp lý giữa các môn theo quy định của chương trình. Bên cạnh đó, có SGK Tiếng Trung và Tiếng Pháp để đáp ứng yêu cầu học tập ngoại ngữ 1 của học sinh về hai môn này. TP.HCM cũng kiến nghị Trung ương cần có quy định cho phép linh hoạt trong việc mua sắm thiết bị dạy học trong CT GDPT 2018 theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; ban hành hướng dẫn thống nhất về việc quy định học sinh thay đổi môn học lựa chọn, chuyên đề học tập tự chọn sau mỗi năm học, trong đó xác định rõ thời gian, thời điểm và chế độ chính sách cho giáo viên phụ trách việc dạy kiến thức, kiểm tra đánh giá việc học môn lựa chọn thay thế đối với học sinh; kiến nghị Bộ Nội vụ có cơ chế linh hoạt trong tuyển dụng giáo viên; nhà trường tổ chức tuyển dụng và thời gian tuyển dụng linh hoạt ngay khi có nhu cầu.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận, TP.HCM luôn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trước hết là về dân số. Qua 10 năm, TP tăng 1,8 triệu dân, bình quân một năm tăng 200.000 dân, trong đó có trên 40.000 học sinh. Do đó, TP phải tính đến kế hoạch dài hạn để có đội ngũ giáo viên cũng như đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu, đảm bảo mục tiêu tạo cơ hội học tập bình đẳng cho mọi trẻ em. TP.HCM kiến nghị Quốc hội và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ủng hộ đề xuất cho TP thực hiện cơ chế thí điểm, chủ động quyết định một số chính sách của TP. 

THÙY TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top