Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Bản quyền truyền hình SEA Games 32: Đến giờ vẫn còn gây tranh cãi

Thứ Tư 29/03/2023 | 09:38 GMT+7

VHO- Thông thường tại các kỳ Đại hội thể thao lớn nhất thế giới như Olympic hay lớn nhất châu lục như Asian Games, vấn đề bản quyền truyền hình sẽ được thực hiện một cách nghiêm ngặt, các đài sẽ được tác nghiệp tại các vị trí, được phát sóng tuỳ theo các gói mua được với ban tổ chức Đại hội.

 Bản quyền truyền hình SEA Games 32 sẽ được “chốt” tại phiên họp của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á ngày 4.5 Ảnh: TRẦN HUẤN

 Tuy nhiên, tại Đại hội thể thao lớn nhất khu vực - SEA Games, vấn đề bản quyền truyền hình cho tới giờ vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

Nhìn từ Việt Nam...

Chỉ còn chưa đầy 40 ngày nữa, SEA Games 32 sẽ chính thức khai mạc nhưng cho tới giờ Đài truyền hình Việt Nam (VTV) vẫn chưa thông tin chính thức việc có sở hữu bản quyền truyền hình của SEA Games 32 hay không. Theo nguồn tin riêng của Văn Hóa, VTV vẫn đang chờ câu trả lời chính thức từ Ủy ban Olympic Việt Nam về việc bản quyền SEA Games 32 tại Việt Nam hiện do đơn vị nào nắm giữ để tiến hành các thủ tục tiếp theo. Tuy nhiên, theo Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam Trần Văn Mạnh, Ủy ban Olympic Việt Nam thực hiện nhiệm vụ là đầu mối liên lạc và phối hợp giữa các cơ quan truyền thông của Việt Nam với ban tổ chức nước chủ nhà, ở kỳ SEA Games này là Campuchia. Còn việc liên quan đến giá trị bản quyền truyền hình với tính chất là các hợp đồng kinh tế, đó là câu chuyện giữa các bên, Ủy ban Olympic Việt Nam không can thiệp được. Các đài sẽ lượng sức, tuỳ theo khả năng kinh phí của mình để lựa chọn các gói phù hợp.

Cũng theo nguồn tin riêng của Văn Hóa, bản quyền truyền hình trên lãnh thổ Việt Nam hiện đã được một đơn vị mua trọn gói việc phát sóng 16 môn thi đấu. Nếu đài truyền hình nào muốn phát sóng thì sẽ đàm phán thương lượng với đơn vị đã mua được và đang nắm giữ bản quyền truyền hình của kỳ Đại hội thể thao lớn nhất khu vực này.

Ông Trần Văn Mạnh cũng cho biết, theo Điều lệ và Hiến chương của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á, bản quyền truyền hình trên lãnh thổ quốc gia nào sẽ thuộc thẩm quyền của Ủy ban Olympic quốc gia đó. Trong nhiều năm qua, các nước đã làm theo quy định này. Trong lịch sử các kỳ SEA Games, nhiều nước đã sử dụng quyền này để bán bản quyền truyền hình hoặc lấy tỉ lệ phần trăm từ việc cấp giấy phép cho các đài truyền hình, các cơ quan truyền thông. Tuy nhiên, cho tới giờ Ủy ban Olympic Việt Nam chưa thực hiện việc này, do muốn tạo điều kiện tốt nhất cho các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền cho sự kiện thể thao lớn nhất khu vực.

Tại SEA Games 31 vừa qua trong vai trò nước chủ nhà, Việt Nam đã miễn, không thu phí bản quyền truyền hình và việc này đã được các nước trong khu vực đánh giá cao. “Việc Ủy ban Olympic Việt Nam chưa thu phí tại các kỳ SEA Games là do đang thực hiện theo chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước là tuyên truyền cho Đại hội thể thao lớn nhất khu vực, nhằm thúc đẩy phong trào chung và đặc biệt là phục vụ nhân dân”, ông Trần Văn Mạnh cho biết.

Phải tìm các giải pháp phù hợp

Trên thực tế SEA Games là Đại hội thể thao lớn nhất khu vực, nhưng lại là Đại hội thể thao nhỏ so với các Đại hội thể thao khác nên cần ưu tiên cho mục tiêu tuyên truyền, quảng bá, nhằm thúc đẩy phong trào chung hơn là đặt nặng vấn đề thương mại. Theo quy định, các đài sẽ được tiếp sóng, nếu đảm bảo yêu cầu giữ sóng sạch, không sử dụng vào các mục đích thương mại. Với các đài truyền hình quốc gia, phục vụ nhân dân, ông Mạnh cho rằng cần được ưu tiên về phí bản quyền, trong khi với các kênh truyền hình trả tiền thì cần phải thực hiện theo quy định. Tuy nhiên các đài truyền hình, các đơn vị truyền thông cũng cần làm quen với thông lệ quốc tế này. Bởi sớm muộn gì thì vấn đề bản quyền truyền hình tại các kỳ SEA Games cũng sẽ có các quy định cụ thể theo thông lệ quốc tế.

Cũng không phải đến tận bây giờ, Campuchia mới đưa ra vấn đề thu phí bản quyền truyền hình để bù cho chi phí tổ chức mà ngay từ khi Lào đăng cai SEA Games vào năm 2009 cũng đã đề cập đến vấn đề này. Ông Trần Văn Mạnh cũng cho biết, trong nhiều phiên họp của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á, vấn đề bản quyền truyền hình đã được đưa ra bàn thảo. Trong đó có bàn đến việc sau khi thu được phí từ bản quyền truyền hình sẽ xử lý như thế nào. Hầu hết các ý kiến đều thống nhất, các cơ quan truyền thông, các đơn vị truyền hình muốn có bản quyền truyền hình tại một kỳ SEA Games sẽ trả phí theo các mức: 5.000 USD/1 đơn vị với các đài đến từ 6 nước có điều kiện, có tiềm năng lớn là Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Singapore và Indonesia. Còn lại một số nước như Lào, Campuchia, Brunei sẽ đóng 3.000 USD và Timor Lestes là 1.000 USD. Các khoản thu này từ năm 2007 được quy định sẽ nộp cho văn phòng Liên đoàn thể thao Đông Nam Á. “Đến kỳ SEA Games 32 Campuchia đề xuất vấn đề này nhưng phải đến phiên họp ngày 4.5 mới chốt được cụ thể. Đây là phiên họp cuối cùng của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á để chốt lại nhiều vấn đề trong đó có công tác chuẩn bị của nước chủ nhà cho SEA Games 32”, ông Mạnh cho biết thêm.

Thực ra với một kỳ Đại hội mà mục tiêu chính là tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, thúc đẩy sự phát triển của thể thao khu vực thì yếu tố thương mại, không chỉ trong việc bán bản quyền truyền hình cần được cân nhắc thận trọng. Tuy nhiên, để việc tổ chức các Đại hội thể thao khu vực không trở thành gánh nặng với các quốc gia đăng cai thì việc nước chủ nhà tận dụng các nguồn thu, trong đó có việc thu phí bản quyền truyền hình cũng là điều dễ hiểu. Và đây cũng là thông lệ của các Đại hội thể thao lớn trên thế giới. Tuy nhiên trong bối cảnh cụ thể còn nhiều khó khăn của các nước Đông Nam Á, việc đề ra mức giá bán bản quyền truyền hình quá cao sẽ là không phù hợp. Từ đó đòi hỏi ban tổ chức nước chủ nhà phải tìm các giải pháp phù hợp, sao cho vẫn thực hiện được thông lệ quốc tế nhưng không “ép” các đài truyền hình khu vực phải đi đến “bước đường cùng” là không thể sở hữu được bản quyền phát sóng Đại hội do chi phí quá cao. 

 THU SÂM

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top