Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Nguy cơ xóa sổ voi rừng ở Nghệ An

Thứ Hai 27/03/2023 | 11:36 GMT+7

VHO- Nghệ An hiện có 5 đàn voi với khoảng 16 con, lớn thứ 3 cả nước sau Đắk Lắk và Đồng Nai. Không có voi đực, 3 đàn voi đơn lẻ ở Nghệ An đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ theo thời gian vì cơ quan chức năng hiện đang “bế tắc” về phương án bảo tồn.

 Biển cảnh báo người dân khu vực đàn voi hay xuất hiện để tránh xung đột

Thời gian gần đây, hai con voi liên tiếp về bản quậy phá ở xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu (Nghệ An). Phải mất nhiều ngày, bà con cùng với lực lượng Kiểm lâm tìm mọi cách xua đuổi, hai con voi này mới chịu rời đi.

Ông Lê Xuân Đình, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu cho biết: “Hai mẹ con voi dẫm đạp hoa màu khiến cây trồng của dân bị hư hại. Đây là những con voi còn sót lại trên địa bàn huyện Quỳ Châu. Trước đây, đàn voi này cũng khá đông đúc, 30 năm trước, nhiều con voi đực đã bị săn bắn để lấy ngà, nay chỉ còn hai con voi. Trong đó con voi mẹ khoảng 70 tuổi và con voi con khoảng 30 tuổi. Tuy nhiên, cả hai con voi này đều là voi cái nên không còn khả năng sinh sản. Mỗi con voi thường có tuổi thọ khoảng 100 năm. Do không có voi đực, chỉ còn hai con voi cái nên đàn voi trên địa bàn huyện này sẽ bị xóa sổ trong thời gian tới là điều tất yếu”.

Nghệ An hiện có 5 đàn voi, với khoảng 16 con, lớn thứ 3 cả nước, sau Đắk Lắk và Đồng Nai. Trong đó có 3 đàn voi đơn lẻ, không có khả năng phát triển. Ngoài 2 mẹ con voi rừng ở huyện Quỳ Châu, còn có một con voi cái sinh sống ở những cánh rừng tại xã Nam Sơn và Bắc Sơn (Quỳ Hợp) và một con voi cái ở các xã Châu Khê (huyện Con Cuông). Những con voi cái này sống cô độc đã hơn 20 năm qua nên vào mùa động đực, người dân địa phương nhiều lần phát hiện con voi cái này về bản để kết bạn với trâu đực. Còn một đàn voi khoảng 4 con sinh sống trong Vườn Quốc gia Pù Mát, gần biên giới Việt - Lào thì những năm gần đây không còn được ghi nhận, rất nhiều khả năng nó đã “di cư” sang Lào. Đàn lớn nhất với 8 con voi hiện vẫn đang sinh sống ở vùng đệm vườn Quốc gia Pù Mát. Đàn này thường xuyên xuất hiện và quậy phá ở khu vực bản Cao Vều, xã Phúc Sơn (huyện Anh Sơn).

Khu vực Cao Vều của huyện Anh Sơn trước đây là những cánh rừng tre nứa và chuối tự nhiên, nguồn thức ăn chính của voi rừng. Mấy năm trở lại đây, 4.000 ha rừng ở đây được đưa vào quy hoạch trồng cây cao su. Sinh cảnh và môi trường sống bị thu hẹp, nguồn thức ăn ngày một khan hiếm đang dần thay đổi tập tính của voi rừng. Hoạt động của đàn voi không theo quy luật và ngày càng trở nên hung dữ, tấn công con người. Để ngăn voi đến nhà dân quấy phá, cơ quan chức năng đã phải cho xây hào ngăn voi tốn nhiều tỉ đồng. Tuy nhiên, hào này chỉ ngăn được một phần mà đàn voi thường xuất hiện để di chuyển xuống khu dân cư.

Hai mẹ con voi huyện Quỳ Châu, Nghệ An phá vườn keo người dân

Năm 2013, tỉnh Nghệ An đã phê duyệt dự án khẩn cấp bảo tồn voi và một trong những nhiệm vụ khẩn cấp là di chuyển, nhập đàn đối với những con voi đơn lẻ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa tìm ra giải pháp hiệu quả để di chuyển voi nhập đàn. Phương án khả thi nhất là di chuyển những con voi đơn lẻ này về nhập đàn với đàn voi ở Vườn quốc gia Pù Mát. Đây là khu vực rừng rộng lớn, có chức năng bảo tồn động, thực vật hoang dã. Trao đổi vấn đề này, bà Võ Thị Nhung, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết: Việc di chuyển voi rừng rất phức tạp, thường phải sử dụng phương án bắn thuốc mê để chuyển voi. Voi bị gây mê sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe voi. Đặc biệt ở địa hình núi dốc, voi dễ bị rơi xuống vực hoặc lăn xuống dốc mà chết. Gây mê voi xong, việc di chuyển voi cũng rất khó vì địa hình hiểm trở, phương tiện máy móc khó tiếp cận. Một tình huống khác, di chuyển được thì cũng có thể voi đơn lẻ cũng khó hợp với sinh cảnh nơi mới để tồn tại.

Trong đó điển hình là việc di chuyển đàn voi Tánh Linh ở tỉnh Bình Thuận lên tỉnh Đắk Lắk vào năm 2001. Dù việc di chuyển được tính toán rất kỹ lưỡng, nhưng sau đó những con voi này đã bị chết vì nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do mất sức và môi trường sống không phù hợp. Ý thức về lãnh thổ của voi rừng là rất lớn, nên việc sáp nhập đàn dường như là điều không thể. Hiện chưa có giải pháp để bảo tồn đàn voi. Sở NN&PTNT Nghệ An đang đề xuất các viện, trung tâm nghiên cứu bảo tồn động vật hoang dã khảo sát, điều tra đầy đủ về các yếu tố cần và đủ để di chuyển voi.

“Chúng tôi khuyến cáo người dân sống gần bìa rừng phải chấp nhận sống chung với voi rừng, dùng kẻng, loa và các dụng cụ khác tạo âm thanh để xua voi vào rừng khi voi xuất hiện gần khu dân cư và tuyệt đối không được dùng bất cứ biện pháp nào xua đuổi gây tổn thương đến voi rừng”, bà Võ Thị Nhung cho biết. 

PHẠM NGÂN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top