Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Từ vụ cháy quầy trang phục tại Di tích quốc gia đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn: Cảnh báo PCCC tại di tích

Thứ Hai 27/03/2023 | 11:30 GMT+7

VHO- Vụ việc cháy quầy để trang phục, phục vụ nhân dân và khách tham quan tại Di tích quốc gia đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn vào tối 25.3, dù đã được dập tắt kịp thời nhưng tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ hoả hoạn tại các di tích, vốn là tài sản văn hóa vô giá, có một không hai.

 Vụ cháy tại quầy phát trang phục thuộc khu vực đền Ngọc Sơn khiến dư luận hốt hoảng Ảnh: QUANG HÙNG

 Các nhà quản lý, chuyên gia văn hóa khẳng định, sẽ không thừa và không bao giờ cũ với những hồi chuông cảnh báo như thế, bởi chỉ cần một chút lơ là cũng rất có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Hậu quả không dám hình dung

BQL Di tích Danh thắng đã có báo cáo nhanh về vụ việc. Ông Nguyễn Doãn Văn, Giám đốc BQL Di tích danh thắng Hà Nội cho biết, khoảng 18h ngày 25.3, ngay sau khi phát hiện cháy tại nơi để trang phục, phục vụ khách tham quan tại Di tích quốc gia đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn, nhân viên trực bảo vệ cùng các viên chức của đơn vị đã kịp thời dùng các biện pháp chữa cháy để dập và khống chế ngọn lửa; liên hệ lực lượng cảnh sát PCCC & CNCH, Công an quận Hoàn Kiếm tổ chức chữa cháy. Đến khoảng 18h15 phút cùng ngày, đám cháy đã được khống chế và dập tắt.

Năm 2019, BQL Di tích danh thắng Hà Nội đã bố trí quầy bán vé tham quan phía ngoài Nghi môn gần đường Đinh Tiên Hoàng. Quầy bán vé cũ được tận dụng và sử dụng làm nơi để đồ phát trang phục, phục vụ khách tham quan. Quầy có vị trí phía sau bên trái Nghi môn, phía trước cầu Thê Húc, nằm tách biệt các hạng mục kiến trúc của Đền. “Qua kiểm tra hiện trạng, bên trong nơi để trang phục phục vụ khách tham quan đã bị cháy toàn bộ 200 bộ quần áo; ô che nắng mưa..., một số cấu kiện gỗ bị cháy xém. Rất may các hạng mục xung quanh không bị ảnh hưởng, không có thiệt hại về người”, ông Văn cho biết. Cũng theo BQL Di tích danh thắng Hà Nội, để sớm khắc phục hậu quả vụ cháy, BQL tập trung thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường ngay sau khi cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ vụ cháy; chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan làm rõ nguyên nhân gây cháy. Do nguyên nhân ban đầu được xác định là chập cháy điện, việc cần làm trước mắt là kiểm tra, rà soát hệ thống cấp điện, PCCC. BQL Di tích Danh thắng đề xuất việc tiếp tục tổ chức tập huấn kỹ năng PCCC cho viên chức, nhân viên bảo vệ và người lao động trong đơn vị; đề xuất phương án khôi phục quầy để trang phục, phục vụ khách đến tham quan di tích; lắp camera phục vụ công tác quản lý và bảo vệ di tích.

Ông Văn chia sẻ, lâu nay, việc quan trọng hàng đầu luôn được Hà Nội quán triệt là nâng cao nhận thức, ý thức trong công tác bảo vệ tại các di tích, đặc biệt về PCCC. “Trong các chương trình tập huấn, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền tới cán bộ, viên chức, người lao động phải nâng cao ý thức PCCC. Di sản văn hóa là tài sản quý báu cha ông để lại, nếu mất đi sẽ không bao giờ có thể làm lại. May là vụ cháy chỉ xảy ra tại quầy trang phục, nếu là một phần của di tích gốc thì bản thân tôi cũng không dám hình dung chuyện gì sẽ xảy ra…”, ông Văn nói.

“Nguy hiểm quá! Tôi đã giật mình khi đọc tít một bài báo, thật may đó là vụ cháy ở nơi cho mượn quần áo...”, nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trương Minh Tiến nói. Ông Tiến cho rằng, dù vụ cháy không ảnh hưởng đến di tích gốc nhưng qua đó tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự mất an toàn PCCC. “Các di tích ở Hà Nội nói riêng và trên cả nước nói chung đều hàm chứa các giá trị về văn hóa lịch sử, kiến trúc nghệ thuật truyền thống và có đặc thù là hầu hết đều được làm nên từ vật liệu gỗ. Bởi thế, tại nhiều di tích luôn tiềm ẩn nguy cơ hoả hoạn rất cao, chỉ một chút lơ là cũng có thể dẫn tới hậu quả vô cùng nghiêm trọng”, ông Tiến nhấn mạnh.

Hà Nội có gần 6 nghìn di tích, trong đó nhiều di tích có giá trị đặc biệt. Mặc dù công tác PCCC tại các di tích thường xuyên được tăng cường nhưng thực tế vẫn xảy ra không ít vụ cháy nghiêm trọng. Ông Trương Minh Tiến điểm lại một số vụ cháy ở Hà Nội trong nhiều năm qua, điển hình như vụ cháy năm 2011 ở chùa Diên Phúc (chùa Sẻ) thuộc thôn Hạ Hiệp, xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ. Năm 2016 là vụ cháy ở chùa Tĩnh Lâu (Trích Sài, Tây Hồ). Năm 2020 ở đền Lâm Du (phường Bồ Đề, quận Long Biên) và gần đây, năm 2022 là vụ cháy tại chùa Hòa Phúc (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai)… Theo ông Tiến, trong công tác quản lý các di tích, Sở VHTT Hà Nội đã liên tục tham mưu cho UBND TP nhắc nhở các địa phương đảm bảo công tác PCCC. Tuy nhiên, thực tế vẫn xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc.

Nguyên nhân phần nhiều do mạng lưới điện nội bộ tại di tích không đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, việc thắp hương, nến, hóa vàng… cũng là nguồn sinh lửa. Với đặc thù của các di tích, buộc phải có những phương án quản lý tốt, chặt chẽ thì mới hạn chế được những sự việc đáng tiếc này.

 Vụ cháy không gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng là sự cảnh báo về PCCC tại di tích Ảnh: CTV

Cảnh báo và cảnh báo!

Cho biết cán bộ của Cục Di sản văn hóa đã có mặt tại hiện trường vụ cháy ở đền Ngọc Sơn ngay khi xảy ra vụ việc, Phó Cục trưởng Trần Đình Thành nhấn mạnh, đây tiếp tục là một cảnh báo về nguy cơ hỏa hoạn tại các di tích. Hằng năm, Cục Di sản văn hóa đều tham mưu Bộ VHTTDL ban hành văn bản nhắc nhở các địa phương trong công tác PCCC.

Đến nay, các địa phương cũng đều đã ban hành quy chế bảo vệ di tích, trong đó có quy định về trách nhiệm của bộ máy quản lý, phân công việc trông coi di tích, bảo vệ hiện vật, chống trộm cắp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc đảm bảo an toàn PCCC. Các văn bản pháp quy do Bộ VHTTDL ban hành liên quan đến di tích trong những năm gần đây đều có các nội dung liên quan đến công tác PCCC. Ngoài ra, trong thẩm tra các dự án thiết kế cũng đều chú trọng nội dung này. “Với nhiều giải pháp tăng cường, một số năm gần đây, những vụ cháy tại di tích đã giảm đi nhiều, hầu hết là cháy các hạng mục công trình trong khuôn viên di tích, không phải là hạng mục công trình di tích. Tuy nhiên, vụ cháy ở quầy phát đồ tại đền Ngọc Sơn vẫn tiếp tục nhắc nhở các địa phương phải tăng cường, thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh bất cập, không thể lơ là và chủ quan...”, ông Thành nhấn mạnh.

“Bộ VHTTDL, Cục Di sản văn hóa luôn rà soát những nội dung về PCCC ở các dự án tu bổ di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, các hồ sơ tu bổ di tích cấp tỉnh cũng cần lưu ý về nội dung này. Sở VHTT các địa phương cần rà soát chặt chẽ việc PCCC trong các dự án tu bổ di tích”, ông Trần Đình Thành lưu ý. Cảnh báo và cảnh báo! Nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trương Minh Tiến cho rằng, đây là giải pháp cần thiết và ngày càng phải tăng cấp độ cao hơn. Hà Nội dù đã phân cấp quản lý các di tích nhưng không thể “mạnh ai nấy làm”, cần tăng cường giải pháp, có cảnh báo chung trên địa bàn vốn được mệnh danh là “Thành phố di sản”. Ông Tiến nhấn mạnh, cần nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở, tăng cường trách nhiệm của BQL di tích, đặc biệt là trách nhiệm của những người trực tiếp trông coi di tích. “Hệ thống điện trong đình, đền, chùa nếu không đảm bảo an toàn thì người trông coi có thể kiến nghị để thay thế. Đèn thờ nhiều nơi thắp suốt ngày đêm nên rất rủi ro. Việc thắp hương, nến cũng đầy nguy cơ… Tất cả những yếu tố này đều không thể xem nhẹ. Các di tích cần thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh. Thậm chí, rất cần có một chiến dịch tổng thể để tổng kiểm tra, rà soát, khuyến cáo và tính toán lại các phương án PCCC cho từng di tích, nếu không muốn xảy ra những vụ việc đáng tiếc…”, ông Tiến đề nghị.

Đồng tình quan điểm phải nâng cao hơn nữa nhận thức của các đối tượng liên quan đến công tác bảo vệ di tích, Giám đốc BQL Di tích danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn nêu, nhiều di tích, nhất là tại khu vực ngoại thành, đồ dùng cá nhân của người bảo vệ, trông nom di tích chưa được sắp xếp gọn gàng. “Các đồ dùng dễ gây cháy nổ như chăn chiếu, trang phục, hương, nến… đều phải để đúng vị trí, tránh xa nơi có lửa. Nhiều khi người dân nhận thức rất đơn giản, thắp hương nến trong di tích cả đêm rồi đóng cửa đi về, rất dễ xảy ra sự cố…”, ông Văn nói. 

 Với nhiều giải pháp tăng cường, một số năm gần đây, những vụ cháy tại di tích đã giảm đi nhiều, hầu hết là cháy các hạng mục công trình trong khuôn viên di tích, không phải là hạng mục công trình di tích. Tuy nhiên, vụ cháy ở quầy phát đồ tại đền Ngọc Sơn vẫn tiếp tục nhắc nhở các địa phương phải tăng cường, thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh bất cập, không thể lơ là và chủ quan...

(Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa TRẦN ĐÌNH THÀNH)

 PHƯƠNG ANH

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top