Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Tràn lan clip “tư vấn” hướng nghiệp lệch lạc trên TikTok

Thứ Hai 27/03/2023 | 11:16 GMT+7

VHO- Chỉ cần gõ từ khóa “chọn ngành học” hay “hướng nghiệp” trên thanh công cụ tìm kiếm của TikTok, người sử dụng có thể tìm thấy hàng loạt video có nội dung liên quan. Đứng đầu danh sách tìm kiếm là các clip có tiêu đề “Những bằng đại học vô dụng nhất Việt Nam”.

 Các video tư vấn hướng nghiệp với thông tin sai lệch tràn lan trên TikTok (Ảnh chụp màn hình )

 Theo các chuyên gia về văn hóa - giáo dục, đây đều là những nội dung xấu, gây tâm lý hoang mang cho học sinh, sinh viên. Nhất là các em lớp 12 đang chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đại học, chọn ngành, chọn nghề…

“Thánh phán” trên mạng xã hội

Cụ thể, TikToker có tài khoản với hơn 336.000 lượt theo dõi, thường xuyên đăng tải các video tư vấn ngành học. Song thay vì có những định hướng chính xác, mang tính chất tích cực, người này lại có những tư tưởng sai lệch, “reo rắc” vào đầu học sinh, sinh viên rằng: Bằng đại học một số ngành nghề là hoàn toàn vô dụng.

Tương tự, một tài khoản TikTok khác cũng thu hút tới hơn 2,9 triệu lượt xem video có tiêu đề “3 ngành học vô dụng”, gây ra nhiều tranh cãi trái chiều. Theo đó, nhân vật này “liệt” Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Quản lý nhân sự... vào danh sách “đen”. Chẳng hạn, với ngành Ngôn ngữ Anh, người này có nhận định phiến diện khi cho rằng, hiện nay không ai là không biết tiếng Anh, xu hướng chung là nên đi học ngành khác rồi học thêm IELTS. Với ngành Quản lý nhân sự, người này còn nêu không cần phải học đại học ngành này, vì đây là lĩnh vực sử dụng kỹ năng mềm là chủ yếu.

Dưới phần bình luận, nhiều cư dân mạng phản đối và khẳng định không có chuyện bằng đại học là vô dụng. Người dùng có tên Hoàng Dũng bày tỏ quan điểm: “Đã quyết tâm học đại học thì không nên giữ tâm lý sợ thất nghiệp. Quan trọng là quá trình học bạn học ra sao để đạt được hiệu quả cao, khi đi xin việc chứng minh được với nhà tuyển dụng bạn yêu thích và quyết tâm làm công việc đó như thế nào?”; hay tài khoản có tên Giang Anh chia sẻ: “Tấm bằng đại học nào cũng giá trị”…

Tuy nhiên, vẫn có không ít học sinh hoang mang khi xem phải những video “tư vấn” hướng nghiệp sai lệch như vậy. Em Nguyễn Phúc Bảo (Ba Đình, Hà Nội), một thí sinh tự do đang có dự định đăng ký theo học ngành Ngôn ngữ Anh tại Đại học Hà Nội cho biết, sau khi xem các video hướng nghiệp trên TikTok, em khá hoang mang vì “chín người, mười ý”. Phải đến khi có sự định hướng, tư vấn từ giáo viên và chính những sinh viên đang theo học ngành này, em mới quyết định không tham khảo ý kiến trên mạng nữa.

Phải xử lý nghiêm

Trao đổi với Văn Hóa, PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thể hiện sự bức xúc trước việc một số TikToker tự cho mình là những “chuyên gia” tư vấn hướng nghiệp, bóp méo thông tin khiến dư luận hoang mang. “Không có chuyện bằng đại học là vô dụng. Mọi chương trình đào tạo ở bậc đại học đều được thẩm định kỹ lưỡng và cập nhật kịp thời để đảm bảo sinh viên theo học được trang bị đầy đủ kỹ năng sau khi ra trường, đáp ứng được nhu cầu công việc”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu rõ.

Cũng theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, TikTok có ưu điểm là tốc độ truyền đạt thông tin rất nhanh, phù hợp với giới trẻ. Tuy nhiên, thời lượng mỗi video trên TikTok thường ngắn, khó truyền tải đầy đủ hết nội dung tư vấn. Chưa kể, nếu TikToker không cập nhật thông tin thời sự, cố tình chuyển tải sai so với những thông tin công bố của đơn vị tuyển sinh sẽ gây hiểu nhầm nghiêm trọng. Do vậy, học sinh, sinh viên phải tỉnh táo, xem, nghe có chọn lọc những video tư vấn chọn ngành, chọn nghề trên mạng xã hội. Với những video sai, có tính chất giật tít câu view, gây sốc, tuyệt đối không nghe theo và có tiếng nói tẩy chay những nội dung này.

“TikTok đang quá dễ dãi khi cho phép đăng tải các clip không qua xác thực, nhất là khi liên quan đến học sinh, sinh viên, công việc, thông tin sai lệch sẽ gây ra hậu quả khôn lường. Cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý nghiêm những nội dung không chính xác, gây nhiễu loạn”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn đề xuất.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Thành Nam, giảng viên Đại học Giáo dục (ĐH QGHN) nhận định, những người làm video tư vấn hướng nghiệp sai lệch như vậy chỉ đơn giản là để “nuôi” kênh, hoàn toàn không có giá trị. Nếu giới trẻ không có kỹ năng về tiếp cận thông tin, tư duy phản biện thì rất dễ bị thao túng tâm lý, mất động lực học tập và bị định hướng bởi những TikToker mà bản thân họ chưa chắc có trình độ chuyên môn giỏi.

Về phía chuyên gia tuyển dụng, chị Nguyễn Thái Hà, người đồng sáng lập Recruiter Talent Hub và thường xuyên có những video về tuyển dụng trên kênh TikTok với 3,8 triệu lượt thích cho hay: “Không có ngành học nào là vô dụng. Bản thân tôi cũng là người làm trái ngành, theo học tài chính ngân hàng nhưng lại công tác trong lĩnh vực nhân sự. Chẳng hạn, học kế toán doanh nghiệp, tôi hiểu về quyền lợi trong đóng bảo hiểm của người lao động, phục vụ trực tiếp cho lĩnh vực tôi đang làm. Tôi khẳng định mọi kiến thức học ở đại học đều sẽ ít nhiều phục vụ cho nghề nghiệp sau này. Ngoài ra, tôi mong các bạn trẻ phải xem khái niệm đại học rộng ra, không chỉ là quá trình học kiến thức, học nghề mà còn là cơ hội để các bạn trẻ có thêm kiến thức về vốn sống”. 

 ĐÌNH TOÁN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top