Lịch sử sẽ trở thành môn thi bắt buộc trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT

VHO- Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nhằm lấy ý kiến rộng rãi người dân. Nội dung thi nằm trong chương trình GDPT 2018, chủ yếu là chương trình giáo dục cấp THPT và Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc, bên cạnh các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.

Lịch sử sẽ trở thành môn thi bắt buộc trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT - Anh 1

 Học sinh dự thi tốt nghiệp THPT

Theo dự thảo, phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được xây dựng trên các nguyên tắc kế thừa, phát huy kết quả tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia giai đoạn 2015- 2019 và Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, 2021, 2022; chủ động tiếp nhận và ứng dụng những thành tựu và kinh nghiệm tốt của quốc tế trong đổi mới công tác thi tốt nghiệp THPT. Mục tiêu tổ chức kỳ thi nhằm đánh giá đúng kết quả học tập, rèn luyện theo mục tiêu cần đạt của chương trình GDPT. Lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, là một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông cũng như công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Về môn thi, từ năm 2025, thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ thi các môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử (đối với giáo dục phổ thông); Ngữ văn, Toán, Lịch sử (đối với giáo dục thường xuyên). Các môn lựa chọn gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Thí sinh học chương trình GDPT sẽ thi 4 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn (trong số 4 môn chọn học), thí sinh học chương trình GDTX thi 3 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn trong số 4 môn đã chọn học.

Như vậy, từ năm 2025, Lịch sử sẽ trở thành môn thi bắt buộc. Việc đưa môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc đã được lấy ý kiến rộng rãi và được dư luận đồng tình, đánh giá cao. Đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội từng cho hay, Lịch sử là môn học đặc biệt quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng đối với thế hệ trẻ. Môn học này còn giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử; bồi dưỡng năng lực tư duy, hành động, thái độ ứng xử đúng đắn trong đời sống xã hội. Từ đó hình thành những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu trong xu thế phát triển của thời đại.

Việc tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp sẽ diễn ra gọn nhẹ, thiết thực, hiệu quả, đảm bảo đánh giá được năng lực của học sinh theo chuẩn đầu ra của chương trình.

Phương thức tổ chức thi chung đề, chung đợt đối với các môn học bắt buộc, môn học lựa chọn trong số các môn thí sinh đã chọn học ở bậc THPT đáp ứng được yêu cầu của chương trình GDPT 2018, phù hợp với cách thức chọn môn học lựa chọn, bảo đảm đánh giá được các năng lực cốt lõi cơ bản, thiết yếu và năng lực sở trường phù hợp với định hướng nghề nghiệp ở bậc học THPT.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 vẫn là kỳ thi “hai trong một” nên người đã có bằng tốt nghiệp THPT vẫn có thể đăng ký dự thi để lấy điểm xét tuyển vào đại học. 

 HOÀNG HƯƠNG

=

Ý kiến bạn đọc