Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Hội Nông dân TP.HCM: Nhiều sân chơi văn học - nghệ thuật được duy trì và phát triển

Thứ Sáu 10/03/2023 | 10:41 GMT+7

VHO - Hội Nông dân TP.HCM vừa tổ chức hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Đây là đơn vị đầu tiên tại TP.HCM tổ chức tổng kết Nghị quyết này.

Phát huy vai trò của giai cấp nông dân trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Thông tin về các hoạt động nổi bật thời gian qua, bà Hồ Thị Đan Thanh, Trưởng ban Tuyên giáo Hội Nông dân TP cho biết, thực hiện vai trò làm nòng cốt trong phong trào văn hóa - văn nghệ tại địa phương, tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, giai cấp nông dân gắn với thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phong trào “Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”, hằng năm, các cấp Hội phát động hộ gia đình hội viên, nông dân tích cực hưởng ứng đăng ký gia đình nông dân văn hóa, thực hiện các cuộc vận động; các văn bản chỉ đạo từ Trung ương đến Thành phố, địa phương… gắn với nhiều hoạt động hội thi, hội diễn ở từng địa bàn khu vực nông thôn. 

Đặc biệt, để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, các cơ sở Hội đã củng cố và thành lập các CLB Đờn ca tài tử, đã trực tiếp và tham gia thành lập 36 CLB với 575 thành viên. Điển hình như CLB Đờn ca tài tử tại ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ duy trì hơn 19 năm qua đã tạo thành sân chơi văn hóa tinh thần lành mạnh, giúp tình láng giềng càng gần nhau hơn. CLB Đờn ca tài tử Hội Nông dân xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè thành lập từ năm 2008 với 17 thành viên, đến nay đã phát triển được 28 thành viên tổ chức biểu diễn, giao lưu, giới thiệu các thể loại Đờn ca tài tử, phục vụ đời sống tinh thần cho người dân trên địa bàn xã. Hội Nông dân Quận 12 đã 4 năm duy trì tổ chức Liên hoan “CLB Đờn ca tài tử” nhằm phát huy tinh thần của nông dân trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nông dân hăng hái làm việc, lao động… Hội Nông dân TP Thủ Đức đã xây dựng được 4 CLB Đờn ca tài tử với 50 thành viên, 1 CLB “Văn nghệ Nông dân Bình Chiểu” tham gia sinh hoạt, biểu diễn và phục vụ cho các chương trình Đại Hội đại biểu Hội Nông dân các phường trên địa bàn, hội nghị và các hội thi, hoạt động phong trào… 

Hội thi biểu diễn tiểu phẩm - một trong những sân chơi văn nghệ được duy trì hiệu quả của Hội Nông dân TP

Hội viên, nông dân đã đầu tư sáng tác nhiều ca khúc, kịch bản, tác phẩm, bài viết, tham gia các chương trình liên hoan, hội diễn văn hóa, văn nghệ tại địa phương, thi chuông vàng vọng cổ, liên hoan Đờn ca tài tử... Nhiều sân chơi trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật được Hội Nông dân TP và các cơ sở Hội duy trì tổ chức như: hội thi “Tiếng hát trên Vành Đai Xanh” được tổ chức định kỳ 2 năm/lần, hội thi “Thôn nữ giỏi duyên dáng”, Liên hoan CLB Đờn ca tài tử, nét đẹp công sở, liên hoan văn nghệ ấp, khu phố đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ, hội viên. Bên cạnh đó, Hội thi sáng tác biểu diễn tiểu phẩm hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam vừa góp phần tuyên truyền, giới thiệu những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương, giúp đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, thương hiệu và tăng cường sản xuất hàng hóa chất lượng cao, sản phẩm OCOP đồng thời còn quảng bá những nét văn hóa, đặc trưng của từng địa phương. Hội thi biểu diễn tiểu phẩm nông dân với pháp luật giúp chuyển thể các văn bản pháp luật, những chính sách, quy định sang thể loại văn học, nghệ thuật, giúp cán bộ, hội viên nông dân, người dân dễ tiếp nhận, nâng cao nhận thức, chấp hành pháp luật…

Theo Hội Nông dân TP, bên cạnh những kết quả, Hội nhận thấy việc đầu tư cho các CLB, đội nhóm văn hóa, văn nghệ theo năng khiếu vẫn còn khó khăn về kinh phí, điều kiện cơ sở vật chất, địa điểm sinh hoạt, biểu diễn. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong hội viên nông dân có phát triển nhưng chỉ tập trung vào các dịp Lễ, Hội chưa trở thành nét văn hóa đặc trưng duy trì thường xuyên tại địa phương và phục vụ cho du lịch. Hội viên tham gia đa số cao tuổi, thiếu nhân tố trẻ cần được kế thừa và phát huy. “Quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết 23 tại các cơ sở Hội còn gặp khó khăn về thiết chế văn hóa, trang thiết bị hỗ trợ. Chưa có nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật gắn với phong trào nông dân trên địa bàn thành phố”, Trưởng ban Tuyên giáo Hội Nông dân TP chia sẻ.

Sản phẩm văn học - nghệ thuật cần mang hơi thở cuộc sống, gắn thực tiễn đời sống nông dân

Phát biểu định hướng tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thọ Truyền đánh giá cao tính nghiêm túc của Hội Nông dân TP trong thực hiện Nghị quyết 23, trong đó có việc gắn kết chặt chẽ với Sở VHTT TP và các đơn vị, qua đó phát huy vai trò nồng cốt của hội viên, phát động phong trào từ cấp Thành phố đến cơ sở. Đặc biệt, các cấp Hội đã duy trì và phát triển Đờn ca tài tử, có sáng tạo trong việc xây dựng CLB thông tin viên để tuyên truyền nhiều lĩnh vực liên quan đến công tác nông thôn, nông dân…

Nghi thức phát động sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật 

“Đây là Nghị quyết chuyên đề, với vai trò và nhiệm vụ của Hội Nông dân, chúng ta không sáng tác, biểu diễn văn học - nghệ thuật chuyên nghiệp mà hoạt động phong trào là chính. Tuy nhiên nói như thế cũng không phải nông dân không thể là văn nghệ sĩ, vẫn có thể là văn nghệ sĩ, cũng có những bài ca, tiếng hát, lời thơ… riêng của hội nông dân. Do đó mà trong thời gian tới cần tiếp tục quan tâm thực hiện tốt những phong trào này, góp phần làm cho đời sống tinh thần nông dân đa dạng, phong phú”, ông Truyền bày tỏ. 

Ông Nguyễn Thọ Truyền nhấn mạnh, chúng ta biết rằng, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, tuy không hiện diện rõ như kinh tế - xã hội nhưng len lõi vào tiềm thức mỗi người, vì thế mà văn hóa chính là động lực phát triển đất nước. Đảng đã xác định phát triển văn hóa phải ngang tầm với phát triển kinh tế, xã hội. Riêng lĩnh vực văn học - nghệ thuật là bộ phận quan trọng. Phát triển văn học - nghệ thuật phải lấy hội viên hội nông dân làm trung tâm, là chủ thể để phát triển, và đây là mục tiêu, góp phần hoàn thiện giá trị nhân cách người nông dân, hướng đến giá trị cốt lõi của dân tộc, giá trị chân-thiện-mỹ. 

“Nhiệm vụ tới đặt ra cho Hội, tôi gợi ý mấy vấn đề: Cấp ủy tiếp tục quan tâm việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 23, tuy nhiên cần suy nghĩ những phương thức mới, đa dạng hoạt động, làm cho phong phú hơn. Phát động làm sao có những sản phẩm văn học - nghệ thuật mang hơi thở cuộc sống, gắn thực tiễn đời sống nông dân, có giá trị tư tưởng, chất lượng nghệ thuật, thu hút nhiều người tham gia, nhất là hội viên hội nông dân. Chúng ta không đòi hỏi tác phẩm đỉnh cao, nhưng phải gần gũi với đời sống, chia sẻ cuộc sống, tâm tư người nông dân. Mình không thể cạnh tranh với văn nghệ sĩ nhưng mình có cách của mình, sản phẩm văn học - nghệ thuật cần gắn với cái hay, cái đẹp, cái tiến bộ. Bên cạnh đó lên án cái xấu, cái ác, những tư tưởng, lối sống thực dụng, xa rời giá trị đạo đức. Tác phẩm văn học - nghệ thuật phải làm cho mọi người hiểu thêm giá trị cuộc sống, có tinh thần vì cộng đồng để chia sẻ, có khát vọng vươn lên để lao động sản xuất, vượt nghèo, khơi dậy tinh thần yêu nước và ý chí tự cường”, ông Truyền nhấn mạnh.

Khen thưởng các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác văn học - nghệ thuật

Các đại biểu cũng đồng tình cần có sự gắn kết để huy động mọi nguồn lực, góp phần phát huy phong trào, phát động cuộc thi sáng tác, chương trình nghệ thuật Đờn ca tài tử. Bên cạnh đó cần quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác chính sách, có chế độ đãi ngộ tài năng, bồi dưỡng nghiệp vụ, chế độ nhuận bút… làm sao bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, để làm sao có các tác phẩm văn học - nghệ thuật hiệu quả, phục vụ cho hội viên. Hiện nay tình trạng sử dụng mạng xã hội rất lớn, thông tin nhanh nhưng mạng chính thống không nhiều, do đó Ban Tuyên giáo Hội Nông dân TP cần chỉ đạo công tác kiểm tra, định hướng hoạt động văn học - nghệ thuật, quan tâm theo dõi để tránh xảy ra những ảnh hưởng tiêu cực đến nông dân.

Dịp này, Hội Nông dân TP phát động sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật chào mừng Đại hội đại biểu Hội Nông dân TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028.

THÙY TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top