Chuẩn bị kế hoạch xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá

VHO- Ngày 22.2 tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với Bộ VHTTDLvà một số Bộ, ngành liên quan cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa thuộc Chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023 - 2030. Dự buổi làm việc có Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng.

Chuẩn bị kế hoạch xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá - Anh 1

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021 đã tổng kết, đánh giá về lý luận, thực tiễn cũng như con đường phát triển của văn hoá cùng với sự nghiệp cách mạng Việt Nam; đặt ra nhiều vấn đề mới như: Văn hoá trong xã hội số, văn hoá môi trường, văn hoá trong Đảng, trong hệ thống chính trị, trong nhân dân, văn hoá là lực lượng xung kích trong phòng, chống tiêu cực, lãng phí, suy thoái đạo đức, tư tưởng…

Vì vậy, việc xây dựng Chương trình tổng thể là cấp bách, cần bám sát thực tiễn, nhằm cụ thể hoá các nội dung của Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 6.9.2014 về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, Kết luận 76/KL/TW ngày 4.6.2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc về 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp cụ thể nhằm thực hiện thành công mục tiêu "Xây dựng, gìn giữ, chấn hương và phát triển nền văn hoá của dân tộc, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ mới".

Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, mục tiêu tổng quát của Chương trình tổng thể là chấn hưng, thúc đẩy văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển văn hóa ở Trung ương và địa phương tương xứng với vai trò, vị trí của ngành văn hóa trong điều kiện chung của đất nước, hướng tới mục tiêu đầu tư cho văn hoá chính là đầu tư lâu dài cho tương lai.

Chương trình tổng thể đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp lớn. Đó là nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam.

Chuẩn bị kế hoạch xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá - Anh 2

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng báo cáo tại buổi làm việc

Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở mạnh, nâng cao đời sống tinh thần, năng lực thẩm mỹ của nhân dân, giáo dục đạo đức, lối sống. Bảo tồn, tôn tạo, phát huy bền vững di sản văn hóa vật thể và vật thể truyền thống, tiêu biểu, đặc sắc của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc.

 

Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hoá, không gian văn hoá sáng tạo. Ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế; xây dựng, quảng bá các chương trình văn hóa, nghệ thuật phong phú về thể loại, đặc sắc về nội dung, đa dạng về hình thức, có giá trị cao về nghệ thuật và tư tưởng.

Phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức và nguồn nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học chất lượng cao trong lĩnh vực văn hoá. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, phát triển văn hóa số trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng các thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tại buổi làm việc, ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia văn hoá… đánh giá cao Chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023 – 2030, đồng thời gợi mở nhiều ý kiến quý báu. Các chuyên gia cũng đề nghị Chương trình tổng thể cần có thêm các giải pháp nhằm gìn giữ, phát huy giá trị thiết chế, môi trường văn hoá truyền thống hiện nay; xây dựng hành trang văn hoá để hội nhập cho người dân, nhất là thế hệ trẻ; phát triển không gian sáng tạo cho công nghiệp văn hoá; tăng cường hoạt động đào tạo cho các ngành nghệ thuật, đầu tư nghiên cứu cơ bản về văn hoá; xây dựng các nhịp cầu quảng bá văn hoá Việt Nam và tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại…

Chuẩn bị kế hoạch xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá - Anh 3

Toàn cảnh buổi làm việc

Ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Bộ VHTTDL, các bộ, ngành liên quan đã chuẩn bị nội dung Chương trình tổng thể trong suốt một năm qua; đồng thời xem xét, hệ thống quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hoá, Chiến lược phát triển văn hoá Việt Nam đến năm 2030, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTTDL chuẩn bị kế hoạch xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá, theo đúng quy trình, thủ tục, báo cáo cấp có thẩm quyền; bảo đảm văn hoá phát triển cân đối, hài hoà với chính trị, kinh tế, xã hội.

Nêu rõ sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đến vấn đề phát triển văn hóa, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTTDL  khẩn trương rà soát những dự án, kế hoạch, chiến lược đang thực hiện; các vấn đề cấp bách, nội dung mới trong Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc để đưa vào Chương trình, bảo đảm không không trùng lặp, chồng chéo, có mục tiêu, dự án cụ thể đến năm 2025.

“Quan trọng nhất là phải thể chế hóa các nghị quyết, chủ trương của Đảng, tập trung tháo gỡ điểm nghẽn để phát triển văn hóa, nghệ thuật, xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ đáp ứng yêu cầu định hướng tư tưởng, chính trị trong tình hình mới”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng cho rằng, phát triển văn hóa phải gắn với con người, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa vật thể, phi vật thể, giữ gìn bản sắc văn hóa trong từng cộng đồng, làng xã; thúc đẩy yếu tố văn hóa trong mọi lĩnh vực, hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, đào tạo… Đồng thời, định hướng phát triển công nghiệp văn hóa cần thay đổi căn bản tư duy, cách tiếp cận với tinh thần “văn hóa hóa kinh tế, kinh tế hóa văn hóa”.

Nhấn mạnh xây dựng văn hóa trong xã hội số là lĩnh vực rất mới, Phó Thủ tướng gợi mở hướng tiếp cận không đơn thuần số hóa các di tích, di sản văn hóa, lịch sử mà cần nghiên cứu cơ bản, thiết lập hệ quy phạm, quy chuẩn đạo đức, ứng xử trên không gian số.

Nhắc lại câu nói “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Bác Hồ, Phó Thủ tướng nêu, nghiên cứu cơ bản về văn hóa phải đi trước, làm cơ sở nâng cao nhận thức về văn hóa trong mọi lĩnh vực, mọi giai tầng của xã hội; trả lời câu hỏi về vai trò của văn hóa để đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh năng lượng…

TÙNG QUANG; ảnh: MINH KHÔI

Ý kiến bạn đọc