Tỉ lệ người dân chọn tên gọi Thành phố Huế rất cao

VHO- Tính đến ngày 21.2, đã có hơn 87% trong tổng số người dân tham gia bình chọn tên gọi của tỉnh Thừa Thiên Huế khi lên Thành phố trực thuộc Trung ương chọn phương án tên gọi là Thành phố Huế.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đang tổ chức lấy ý kiến người dân về phương án mô hình thành lập Thành phố trực thuộc Trung ương (tại địa chỉ website của Cổng thông tin điện tử tỉnh). Tính từ khi bắt đầu lấy ý kiến vào ngày 10.1 đến nay, đã thu hút hơn 32.000 lượt bình chọn cho các phương án.

Tỉ lệ người dân chọn tên gọi Thành phố Huế rất cao - Anh 1

Phương án tên gọi "Thành phố Huế" có tỉ lệ người dân bình chọn cao.T rong ảnh là trung tâm TP.Huế ở bờ Nam sông Hương

Những phương án mà tỉnh Thừa Thiên Huế lấy ý kiến người dân, gồm: Tên gọi khi cả tỉnh trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương; phương án thành lập các đơn vị hành chính; tên gọi các đơn vị hành chính cấp huyện (tên gọi quận phía Bắc, quận phía Nam sông Hương).

Ở nội dung tên gọi khi lên Thành phố trực thuộc Trung ương, đến nay đã có hơn 87% (trong tổng số lượt tham gia bình chọn) đã chọn tên gọi là Thành phố Huế. Theo nhiều chuyên gia và các nhà nghiên cứu, tên gọi “Huế” đã xuất hiện từ rất sớm và đã từng là thành phố trực thuộc Trung ương thời vua Nguyễn với vai trò kinh đô, cùng với Sài Gòn và Hà Nội trở thành 3 trung tâm của đất nước. Trong khi theo lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế, tên gọi “Thừa Thiên Huế” chỉ chính thức xuất hiện từ năm 1989, sau khi Quốc hội khóa VIII ban hành nghị quyết chia tách tỉnh Bình - Trị - Thiên thành 3 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình và Quảng Trị. Danh từ “Huế” sẽ thuận lợi rất nhiều trong giao dịch quốc tế, vì bản thân từ “Huế” vừa ngắn gọn, dễ nghe, dễ đọc, dễ nhớ và mang âm sắc đặc trưng của một vùng đất nổi tiếng. Tên gọi “Huế” đã đại diện đầy đủ cho vùng đất Thừa Thiên Huế.

Tỉ lệ người dân chọn tên gọi Thành phố Huế rất cao - Anh 2

Di tích Kinh thành Huế nhìn từ trên cao. Ảnh: Ngọc Thạnh

Ngoài ra, phương án thành lập các đơn vị hành chính với phương án 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện được người dân bình chọn với tỷ lệ cao 64,5%. Cụ thể, TP.Huế hiện tại sẽ được tách thành 2 quận (quận phía Bắc và quận phía Nam sông Hương) cùng với quận Hương Thủy được thành lập trên cơ sở thị xã Hương Thủy hiện nay; 2 thị xã là thị xã Hương Trà và Phong Điền; cùng 4 huyện gồm: Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới, và một huyện mới trên cơ sở sáp nhập huyện Nam Đông và Phú Lộc hiện nay.

Việc lấy ý kiến cộng đồng sẽ tiếp tục được triển khai đến hết ngày 31.3. Đây là một trong những nội dung quan trọng, là cơ sở để tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn chỉnh đề án về mô hình Thành phố trực thuộc Trung ương trình các cấp có thẩm quyền.

Trước đó, ngày 10.12.2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW về Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồnphát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

S.THÙY 

Ý kiến bạn đọc