Giới trẻ quay lưng với xe hơi để bảo vệ môi trường

VHO- Bằng lái xe từng là một “nghi thức” không thể thiếu trước khi một thiếu niên bước vào tuổi trưởng thành. Nhưng hiện nay, dù vẫn là thiểu số, đang có ngày càng nhiều người trẻ không còn quan tâm, thậm chí phản đối xe hơi khi họ bước vào tuổi 20. Nguyên nhân bởi sự tiện lợi của công nghệ thay thế, chi phí đắt đỏ và ý thức bảo vệ môi trường của giới trẻ.

Giới trẻ quay lưng với xe hơi để bảo vệ môi trường - Anh 1

 Giới trẻ đang lái xe ngày càng ít hơn

 Adah Crandall, nữ sinh trung học tại thành phố Portland (Mỹ) thường xuyên bị làm phiền mỗi khi gia đình thúc giục sớm học lái xe. Tuy nhiên, Crandall từ lâu đã tham gia phong trào phản đối ô nhiễm do ô tô mang lại. Theo Economist, năm ngoái Crandall và các bạn của cô đã biểu tình tại Salem, thủ phủ của Oregon, yêu cầu chính quyền tiểu bang siết chặt luật kiểm soát các phương tiện đốt trong. Nữ sinh 16 tuổi thừa nhận cuộc sống của cô sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu có thể lái xe. Cô sẽ tiết kiệm được thời gian ngồi xe bus và có thể đi tới bất cứ nơi nào mình muốn. Tuy nhiên, Crandall cho biết cô ghét ý tưởng phải phụ thuộc vào ô tô. “Nếu tôi chấp nhận và thi bằng lái xe, chẳng khác nào tôi đã đầu hàng”, Crandall nói.

Bằng lái xe từng là một “nghi thức” không thể thiếu trước khi một thiếu niên bước vào tuổi trưởng thành. Nhưng hiện nay, dù vẫn là thiểu số, đang có ngày càng nhiều người trẻ không còn quan tâm, thậm chí phản đối xe hơi khi họ bước vào tuổi 20. Đang ngày một nhiều tiếng nói ủng hộ các chính sách chống xe hơi tại các thành phố lớn khắp thế giới. Từ New York (Mỹ) tới Oslo (Na Uy), đang có thêm các chính sách chống ô tô, giảm diện tích bãi đậu xe, cấm đường cho xe cơ giới, thay đổi quy hoạch thành phố ưu tiên người đi bộ.

Năm 1997, khoảng 43% số người 16 tuổi tại Mỹ có bằng lái xe. Nhưng tới 2020, năm gần nhất dữ liệu được thu thập, chỉ 25% người 16 tuổi tại Mỹ sở hữu bằng lái xe. Khoảng 20% người Mỹ tuổi từ 20-24 không có bằng lái xe, so với chỉ 12% vào năm 1983. Tỷ lệ người có bằng lái xe ở Mỹ trong mọi lứa tuổi đều đang giảm xuống. Những người có bằng lái xe cũng đang lái ngày một ít hơn. So với năm 1990, quãng đường lái xe của thiếu niên Mỹ vào năm 2017 đã giảm 35%. Con số này ở người độ tuổi 20-24 giảm 18%. Tuy vậy, quãng đường di chuyển bằng xe hơi của toàn bộ dân số tăng lên chủ yếu bởi những người trung niên khi về già vẫn tiếp tục lái xe.

Xu hướng tương tự cũng xuất hiện tại châu Âu. Ở Anh, tỷ lệ thiếu niên có bằng lái xe đã giảm từ 41% xuống còn 21% trong vòng 20 năm qua. Tại các nước Liên minh châu Âu (EU), số lượng xe hơi đang ở mức nhiều chưa từng có. Tuy nhiên, quãng đường mỗi người lái xe di chuyển đã giảm 10% so với thế hệ trước. Ngoại lệ duy nhất là Ba Lan, nước đang có nền kinh tế bùng nổ sau khi gia nhập EU. Ngay cả ở Đức, nước mà ngành sản xuất ô tô là động lực phát triển kinh tế, người dân cũng lái xe ngày một ít hơn.

Một trong các động lực khiến giới trẻ quay lưng với xe cá nhân là lo ngại biến đổi khí hậu. Theo giáo sư Donald Shoup của Đại học California, nhiều nhà hoạt động trẻ tuổi đang tiến hành các chiến dịch chống lại phát triển kinh tế xoay quanh xe hơi. Theo nghiên cứu của Đại học West of England, các nguyên nhân khác có thể bao gồm sự phát triển của ngành taxi công nghệ, tình hình kinh tế khó khăn hơn với người trẻ, thời gian học tập dài hơn. Cụ thể, chi phí sở hữu ô tô cũng đang trở nên đắt đỏ hơn. Tại Mỹ, chi phí sở hữu một xe hơi và di chuyển quãng đường 10.000 km trong năm 2022 đã tăng 11%.

Sự quay lưng của người trẻ với xe hơi đã trở thành động lực cho chính quyền các thành phố lớn tại châu Âu. Tại các thành phố London (Anh), Milan (Italia) và Stockholm (Thụy Điển), chính quyền thành phố đã thông qua các chính sách táo bạo như thu phí tắc đường ở khu vực trung tâm, nhằm giảm lưu lượng giao thông lâu dài. Tại Oslo, chính quyền thành phố đã hoàn tất loại bỏ gần như mọi không gian đỗ xe trên đường ở khu vực trung tâm. Ở Paris (Pháp), Thị trưởng Anne Hidalgo đã thu hẹp diện tích đường cho xe ô tô, xóa bỏ các bãi đỗ xe, trả lại không gian cho người đi bộ. Năm 2021, bà Hidalgo thông báo kế hoạch tái phát triển đại lộ Champs-Elysees nhằm tạo thêm không gian cho người đi bộ và trồng cây xanh.

Tuy vậy, sức ép chính trị vẫn là rào cản các chính sách chống ô tô. Tại các khu ngoại ô New York, phần lớn cử tri phụ thuộc lớn vào ô tô, vì thế các chính trị gia thường gặp khó với các quy định thu phí tắc đường. Ở Berlin (Đức), đảng Dân chủ Cơ đốc giáo đang tiến hành chiến dịch bảo vệ quyền tự do lái xe trong các cuộc bầu cử địa phương. Những người phản đối việc siết chặt quy định về xe hơi lo ngại việc người dân phải di chuyển ra các khu ngoại ô cuối cùng sẽ phụ thuộc hơn vào ô tô để đi làm, đi học hay mua sắm. 

 THÁI ANH

Ý kiến bạn đọc