Liên quan đề xuất ý tưởng xây cầu gỗ bắc qua Hộ Thành Hào (Kinh thành Huế): Nhiều câu hỏi cần được trả lời thỏa đáng

VHO- Liên quan đến ý tưởng xây dựng cầu gỗ bắc qua Hộ Thành Hào, nối với di tích Thượng Thành (Kinh thành Huế), nhiều chuyên gia cho rằng cần phải cẩn trọng, kỹ càng và lựa chọn phương án phù hợp để không ảnh hưởng đến di sản.

Liên quan đề xuất ý tưởng xây cầu gỗ bắc qua Hộ Thành Hào (Kinh thành Huế): Nhiều câu hỏi cần được trả lời thỏa đáng - Anh 1

 Khu vực đề xuất cầu gỗ từ đường Trần Huy Liệu bắc qua Hộ Thành Hào và nối với di tích Thượng Thành

Hiện nay, người dân có thể ra vào Kinh thành Huế qua 10 cửa thành đường bộ và 2 cửa đường thủy. Ở mặt Nam của Kinh thành Huế, có các cửa đi vào là qua cầu Cửa Ngăn vào cửa Thể Nhơn, Quảng Đức và đi ra từ các cửa Thượng Tứ (đường Đinh Tiên Hoàng), cửa Nhà Đồ (đường Nguyễn Trãi). Việc ách tắc giao thông ở cầu Cửa Ngăn đã diễn ra nhiều năm nay, bởi đây là tuyến đường chính để du khách đi bộ từ bến xe Nguyễn Hoàng vào Đại Nội Huế. Tuy nhiên, ý tưởng xây dựng cầu gỗ vượt Hộ Thành Hào, nối với di tích Thượng Thành để giảm ách tắc ở khu vực này liệu đã là giải pháp tối ưu?

Đã là giải pháp tối ưu?

TS Trần Đình Hằng, Trưởng Phân viện VHNT Quốc gia Việt Nam tại Huế đặt vấn đề: Cần tham chiếu hệ giá trị pháp lý và luân lý (công năng vốn có của di tích và dư luận xã hội), đặc biệt là từ các góc độ gia pháp, hương lệ, phép nước và công ước quốc tế để định vị một công việc, một chính sách, ở một không gian đặc hữu của Kinh thành Huế trong quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO vinh danh. Cho nên, trước khi tập trung “cứu chữa” Cửa Ngăn bằng cách kiến tạo một “thượng đạo” bên cạnh, thiết nghĩ cần thận trọng khảo sát, chuẩn bị kỹ lưỡng, để phân luồng, “chia lửa” giảm tải nhờ các cửa thành khác, tạo thành một hệ thống được điều hòa thông suốt. Không gian Hộ Thành Hào phải được xanh trong trở lại với sen, với cá, với cảnh quan sạch đẹp xung quanh, định hình những lối đi dạo ấn tượng, dọc theo bờ thành, tương tự như ở Thượng thành, mà hoàn toàn không cần tới những con đường cắt ngang, băng qua một cách thô thiển, tối kỵ trên nhiều phương diện: Địa sinh thái, lịch sử - văn hóa, kiến trúc cảnh quan phong thủy và cả pháp lý nếu tham chiếu luật di sản văn hóa và các công ước quốc tế có liên quan...

Nhiều người dân địa phương cũng cho rằng có thể thực hiện phân luồng giao thông lại ở các cửa thành. Có thể để Cửa Ngăn chỉ dành cho người đi bộ vào bên trong Kinh thành, các cửa Thượng Tứ đi vào, cửa Nhà Đồ đi ra (hoặc ngược lại). Ông Trần Minh Tích (63 tuổi), một người dân sinh sống tại TP Huế bày tỏ cách đây mấy năm, đã phát hiện nhiều sai sót trong công tác trùng tu bờ kè di tích Hộ Thành Hào. Thế nên, khi tỉnh có ý tưởng xây dựng cầu gỗ này, người dân cũng cảm thấy lo ngại vì sợ “đụng chạm” đến di sản, nhất là khi cầu sẽ nối lên di tích Thượng Thành. Vì thế chính quyền địa phương cần cân nhắc kỹ hơn, xem xét đây có phải là giải pháp tối ưu hay chưa? Theo TS Trần Đình Hằng, hệ thống cổng thành trên bộ và cả dưới nước (Đông, Tây Thành thủy quan) là một tuyệt tác và công năng sử dụng vẫn ổn suốt mấy trăm năm qua. Cần khảo sát cụ thể với diện tích đó, số lượng và mật độ dân cư lẫn du khách lúc cao điểm (nếu phân bổ đều cho hệ thống các cổng thành, sẽ ùn tắc thế nào, trong bao lâu, do đâu...?) để làm cơ sở tham chiếu đề xuất giải pháp.

“Cần tiến hành một cách thận trọng các bước từ định hình ý tưởng, khảo sát nhu cầu và khẳng định tính cấp thiết, tỉnh khả thi với những luận chứng, luận cứ xác thực như: Tần suất, lưu lượng, mật độ người và các phương tiện giao thông, đánh giá tác động về kết cấu, môi trường, di sản văn hóa và cả dư luận xã hội...”, TS Hằng nhấn mạnh.

Liên quan đề xuất ý tưởng xây cầu gỗ bắc qua Hộ Thành Hào (Kinh thành Huế): Nhiều câu hỏi cần được trả lời thỏa đáng - Anh 2

 Đoạn cầu Cửa Ngăn vào bên trong Kinh thành Huế, du khách đi bộ giữa đường lưu thông của các phương tiện giao thông

Cẩn trọng từng bước

Nhiều chuyên gia cho rằng, nhiều công trình, quần thể di sản trên thế giới đã triển khai một số hạng mục xây dựng mới để đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực, địa phương. Tuy nhiên, việc triển khai phải luôn thận trọng, không đụng chạm kết cấu di tích vốn có và không phá vỡ cảnh quan, không gian di sản. Ý tưởng xây dựng cầu gỗ bắc qua Hộ Thành Hào để nối với Thượng Thành cũng vậy.

Trao đổi với phóng viên Văn Hóa, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, ý tưởng làm cầu gỗ bắc qua Hộ Thành Hào là một ý tưởng khá “tế nhị”. Xét về vật thể, có thể công trình sẽ không “đụng chạm” gì đến Hoàng thành nhưng nếu xét về cảnh quan thì có thể dễ “đụng chạm” đến không gian văn hóa của di sản. Do đó, cần cẩn trọng khi triển khai ý tưởng này. “Nếu làm tốt thì cầu gỗ bắc qua Hộ Thành Hào sẽ là điểm nhấn độc đáo, dẫn dắt du khách và người dân địa phương lên Thượng Thành, nhìn ngắm toàn cảnh của khu di sản Đại Nội. Vấn đề này, nhiều khu di sản trên thế giới đã làm rồi. Nhưng nếu làm xấu thì đó là “ung nhọt” trước mặt Hoàng thành Huế. Vấn đề này, theo tôi, tỉnh phải cân nhắc và thận trọng, kỹ càng”, ông Hoa nói.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, trong đề án Huế lên Thành phố trực thuộc Trung ương, có quận bờ Bắc nên cần phải có không gian, điểm nhấn thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của toàn khu vực. Trong đó, quan trọng nhất là phải có phương án thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong Hoàng thành. Cầu gỗ chỉ là một điểm nhấn, tại sao không thử nghĩ đến việc tạo dựng không gian các đường đi bộ ven Hộ Thành Hào để du khách và người dân có thể tiếp cận được di sản, vừa ngắm cảnh sông Hương và nhân dân địa phương khai thác được các dịch vụ. Trong khi đó KTS Huỳnh Quang, nguyên viện Trưởng Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế nói rằng, ý tưởng xây dựng cầu gỗ khá thú vị, nhưng do chưa chọn được phương án cụ thể nên bản thân ông chưa thể “bàn sâu”. Theo ông Quang, các cơ quan liên quan cần có nhiều phương án thiết kế để đối sánh, đánh giá, lấy ý kiến để chọn ra phương án thiết kế tối ưu. Đồng thời, cũng cần mời các chuyên gia văn hóa di sản, kiến trúc, xây dựng… góp ý để có những bước đi thận trọng trước khi triển khai.

Ông Quang cũng nhắc đến Bảo tàng Louvre (Pháp) cũng là một di tích lịch sử nổi tiếng tại Paris. Tại đây, một công trình kim tự tháp bằng kính hiện đại đã được dựng lên nhưng không phá vỡ di tích, và trở thành một điểm đến thú vị của du khách, khai thác các dịch vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực. Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng khẳng định rằng, đây chỉ mới là ý tưởng, sẽ còn mất nhiều thời gian, thủ tục mới triển khai được. Trung tâm cũng sẽ lấy ý kiến, và triển khai cẩn trọng các bước. 

 Cần tiến hành một cách thận trọng các bước từ định hình ý tưởng, khảo sát nhu cầu và khẳng định tính cấp thiết, tính khả thi với những luận chứng, luận cứ xác thực như: Tần suất, lưu lượng, mật độ người và các phương tiện giao thông, đánh giá tác động về kết cấu, môi trường, di sản văn hóa và cả dư luận xã hội...

(TS Trần Đình Hằng, Trưởng Phân viện VHNT Quốc gia Việt Nam tại Huế)

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc