Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Giải "bài toán khó​​​​​​​" trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội: Địa phương cần tăng cường trách nhiệm

Thứ Tư 15/02/2023 | 10:27 GMT+7

VHO- Sớm dự báo tình hình, trước và trong thời điểm diễn ra những lễ hội lớn, Bộ VHTTDL đã ban hành nhiều công văn hướng dẫn, chỉ đạo và chủ động có mặt tại các “điểm nóng” để kiểm tra, giám sát. Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) Lương Đức Thắng cho biết, sự chủ động của các cơ quan quản lý nhà nước, sự tăng cường trách nhiệm của các địa phương và BQL di tích, BTC lễ hội đã cộng hưởng, đem đến một diện mạo văn minh cho bức tranh lễ hội sau 3 mùa gián đoạn.

 Đoàn công tác của Cục VHCS làm việc với BQL di tích Chùa Hương và Thượng tọa Thích Minh Hiền, Trụ trì Chùa Hương

 P.V: Được biết ngay từ rất sớm, Bộ VHTTDL đã chủ động, đồng hành cùng các địa phương trong việc chỉ đạo, hướng dẫn công tác chuẩn bị, quản lý và tổ chức lễ hội; đặc biệt là yêu cầu phải có phương án sẵn sàng đối với các lễ hội tiềm ẩn các nguy cơ, rủi ro. Xin ông cho biết rõ hơn về nội dung này?

- Phó Cục trưởng Lương Đức Thắng: Bộ VHTTDL ngay từ sớm đã chủ động triển khai những văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Đặc biệt, sau 3 năm dịch bệnh Covid-19 hoành hành, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu và đời sống văn hóa tinh thần của người dân, các lễ hội phải tạm dừng tổ chức phần hội…, năm nay, Bộ VHTTDL đã chủ động dự báo tình hình sau khi đại dịch được kiểm soát, đời sống văn hóa tinh thần của người dân được đưa về trạng thái bình thường mới. Qua dự báo, các cơ quan chức năng thuộc Bộ cũng chủ động, đồng hành cùng các địa phương xây dựng, đưa ra giải pháp ứng phó với các tình huống, bất cập có thể xảy ra.

Đúng như dự báo, hầu hết các lễ hội Xuân Quý Mão đều rất đông người. Các địa phương đã xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh thực phẩm, phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt, một số hiện tượng trước đây tạo dư luận chưa tốt, tạo cái nhìn tiêu cực về lễ hội thì năm nay cũng đã có giải pháp khắc phục. Trong các văn bản chỉ đạo hướng dẫn, Bộ VHTTDL đã đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết, có phương án cụ thể, đặc biệt về công tác phối hợp, diễn tập trong các tình huống có thể phát sinh để mùa lễ hội diễn ra an toàn, vui tươi, tiết kiệm.

Cùng với việc ban hành các văn bản chỉ đạo thì sự chủ động vào cuộc, giám sát của các cơ quan chức năng thuộc Bộ VHTTDL tại các lễ hội như thế nào, thưa ông?

- Bộ VHTTDL đã chủ động tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong các hoạt động quản lý, tổ chức lễ hội tại các địa phương. Trước Tết, thực hiện Chỉ thị 274 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Cục Văn hóa cơ sở đã thành lập các đoàn công tác để nắm bắt tình hình thực tế tại địa phương, được triển khai đồng loạt trước Tết để nắm bắt và có những điều chỉnh, hướng dẫn kịp thời về những nội dung đã nêu trong Chỉ thị. Theo đó, Bộ VHTTDL quán triệt các địa phương có phương án, kế hoạch bám sát văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ VHTTDL, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ để tạo sự đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Qua đó, kịp thời nắm bắt những bất cập, tồn tại, hạn chế để có phương án ứng phó kịp thời, đưa lễ hội trở về đúng với bản chất tốt đẹp truyền thống.

Trực tiếp tham gia công tác kiểm tra, ông có đánh giá như thế nào đối với sự chuyển biến trong bức tranh lễ hội năm nay, đặc biệt tại các lễ hội trọng điểm, thu hút đông người?

- Công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại các địa phương năm nay thực sự có chuyển biến tích cực. Những lễ hội trước đây còn có những bất cập, hạn chế đã kịp thời có giải pháp khắc phục, chấn chỉnh, trở về đúng bản chất tốt đẹp, lành mạnh. Các địa phương từ sớm đều đã xây dựng những kế hoạch, kịch bản chi tiết, có nhiều đổi mới trong công tác quản lý. Ví dụ như một số lễ hội trước đây thường xuyên diễn ra hiện tượng phản cảm thì nay đã không còn nữa. Lễ hội chọi trâu Hải Lựu trước đây bán vé, thu tiền thì năm nay đã thay đổi, công tác an ninh được kiểm soát chặt chẽ, tránh việc đưa những vật dụng sát thương, đồ uống có cồn vào khu vực xem thi đấu. Khu vực giết mổ trâu diễn ra trong nhà kiên cố, tránh phản cảm; khu vực bán thịt trâu chọi được bố trí đảm bảo văn minh, giá cả công khai, minh bạch.

Các lễ hội lớn như Đền Trần, Yên Tử, Chùa Hương… đều triển khai công tác quản lý rất tốt. Như lễ hội Chùa Hương đã khắc phục được hiện tượng phổ biến trước đây là treo, bày bán các loại thịt thú rừng phía trước nơi thờ tự, đảm bảo vệ sinh môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin, vé điện tử, tạo diện mạo văn minh và kiểm soát khoa học số lượng du khách… Từ đầu mùa, lễ hội Chùa Hương đã thu hút hơn 40 vạn khách hành hương, tuy nhiên không xảy ra những bất cập. Công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh lễ hội trên hệ thống loa phát thanh được đẩy mạnh, đặc biệt phía trước các điểm đông người như Thiên Trù, động Hương Tích.

Hệ thống bảng biển với quy định rất cụ thể ở Phủ Tây Hồ cũng là một thay đổi tích cực, trên đó hướng dẫn người đi lễ không dâng, đốt vàng mã, đồ mã lớn; nâng cao ý thức cảnh giác, phòng chống trộm cắp; không chen lấn xô đẩy, hành lễ đúng nghi thức truyền thống...

Tại di tích Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), bất cập trước đây như dâng, đốt quá nhiều đồ vàng mã; cúng thuê, khấn thuê cũng đã giảm hẳn. Đặc biệt, tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội), nhà chùa có bảng thông báo việc không tổ chức khoá lễ cầu an như mọi năm. Có thể nói, đây là thay đổi rất lớn nhằm thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

 Phó Cục trưởng Lương Đức Thắng kiểm tra công tác quản lý tiền công đức tại đền Quan Lớn Tuần Tranh

Ông vừa đề cập đến việc tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo, chính quyền các địa phương đã tạo nên nhiều chuyển biến tích cực trong bức tranh tổng thể của mùa lễ hội? Khía cạnh này được thể hiện cụ thể như thế nào?

- Nghị định 110 về quản lý và tổ chức lễ hội đã phân cấp rất rõ ràng. Cấp ủy và chính quyền các cấp nhận thức rất rõ về mục đích, vai trò, ý nghĩa và trách nhiệm của địa phương trong vấn đề quản lý trực tiếp các lễ hội. Thực tế cho thấy, qua nhiều mùa, đặc biệt ở mùa lễ hội năm nay, trách nhiệm của địa phương được tăng cường rõ nét. Một số nơi tự đánh giá công tác đảm bảo an ninh, an toàn của lễ hội chưa được đảm bảo đã chủ động tạm dừng tổ chức để có các phương án tốt hơn, điển hình như hội Phết Hiền Quan. Ngoài phần hội tạm dừng, những yếu tố liên quan đời sống tâm linh luôn được tôn trọng, tạo điều kiện để người dân thực hành tín ngưỡng, các nghi lễ tâm linh tốt nhất. Một số hiện tượng đông đúc, xô đẩy do quá đông người cũng không thể tránh khỏi, tuy nhiên đó không phải là bản chất, cũng như không phải là bức tranh toàn cảnh của mùa lễ hội năm nay.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, ông nhìn nhận như thế nào về những bất cập mà các địa phương cần tiếp tục khắc phục?

- Công tác tuyên truyền cần đẩy mạnh, đặc biệt là tăng cường truyền thông chính sách. Chẳng hạn như tuyên truyền về công tác quản lý nguồn tiền công đức, tài trợ cho các lễ hội theo Thông tư vừa được Bộ Tài chính ban hành. Truyền thông chính sách cần đi trước để tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của người đi lễ.

Hoạt động truyền thông cũng cần có cái nhìn khách quan, toàn diện, bởi không phải lễ hội nào cũng có vấn đề nảy sinh, lộn xộn, phản cảm khiến dư luận bức xúc. Vì thế, truyền thông cần chú trọng nâng cao nhận thức, trong đó cần phân loại đối tượng để có cách thức tuyên truyền phù hợp độ tuổi, giới tính, sở thích… Chỉ khi nhận thức của người dân đầy đủ về mục đích, ý nghĩa cũng như truyền thống tốt đẹp của các lễ hội thì hoạt động này mới thực sự trở nên tích cực, văn minh.

Về phía Bộ VHTTDL, công tác quản lý đã được triển khai quyết liệt, chủ động và sát thực tiễn; có trọng tâm, trọng điểm. Bộ VHTTDL, Cục Văn hóa cơ sở thường xuyên có những văn bản chỉ đạo sát sao đối với các lễ hội còn bất cập để tập trung khắc phục, cùng với địa phương làm tốt công tác quản lý; tạo tâm lý thoải mái, thảnh thơi cho người đi lễ.

Trân trọng cảm ơn ông! 

 

 Bộ VHTTDL đã chủ động tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong các hoạt động quản lý, tổ chức lễ hội tại các địa phương. Trước Tết, thực hiện Chỉ thị 274 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Cục Văn hóa cơ sở đã thành lập các đoàn công tác để nắm bắt tình hình thực tế tại địa phương, được triển khai đồng loạt trước Tết để nắm bắt và có những điều chỉnh, hướng dẫn kịp thời về những nội dung đã nêu trong Chỉ thị. Bộ đã quán triệt các địa phương có phương án, kế hoạch bám sát văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ VHTTDL, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ để tạo sự đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Qua đó, kịp thời nắm bắt những bất cập, tồn tại, hạn chế để có phương án ứng phó kịp thời, đưa lễ hội trở về đúng với bản chất tốt đẹp truyền thống.

 

NGÂN AN (thực hiện)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top