Đề cương văn hóa nă​​​​​​​m 1943: Giá trị lịch sử và ý nghĩa đối với tương lai là dân tộc

VHO-Đề cương văn hóa Việt Nam (1943) tuy chỉ là một bản “đề cương”, nhưng đã góp phần quyết định tạo ra những chuyển động mới, không chỉ về nhận thức, mà còn về hành động thực tiễn của một cuộc “cách mạng văn hóa” lần đầu tiên diễn ra ở nước ta với những thành tựu mang ý nghĩa lịch sử hết sức lớn lao.

Đề cương văn hóa nă​​​​​​​m 1943: Giá trị lịch sử và ý nghĩa đối với tương lai là dân tộc - Anh 1

 Lễ hội Đền Hùng Ảnh: Cổng thông tin Điện tử tỉnh Phú Thọ

 Và do vậy, bản thân nó đã đóng vai trò thực sự quan trọng đối với tiến trình phát triển của văn hóa Việt Nam, đặc biệt là ở vào thời kỳ lịch sử hiện đại, thời kỳ CNH-HĐH, mà một trong những nội dung cơ bản của nó là xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

“Đường đi” cho cả lịch sử văn hóa dân tộc

Xét về vị trí và ý nghĩa lịch sử, Đề cương văn hóa Việt Nam có tác dụng thực tế như là một bộ phận bổ sung cho Chính cương, Sách lược vắn tắt, những cương lĩnh quan trọng đầu tiên của Đảng. Hơn thế nữa, trong bản “cương lĩnh về văn hóa” ấy, Đảng ta thực sự xác định vững chắc vị trí, tư thế của mình trong lòng dân tộc, một dân tộc từng có “hàng ngàn năm văn hiến”.

Nhà văn Đặng Thai Mai đã từng khái quát: “Bản đề cương đã trình bày mấy điểm cơ bản trong vấn đề cách mạng văn hóa theo quan điểm của Đảng: Quan hệ mật thiết giữa cách mạng văn hóa và cách mạng chính trị; sự cần thiết phải có sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc xây dựng nền văn hóa mới; con đường tương lai là con đường xã hội chủ nghĩa; giải phóng dân tộc là điều kiện cần thiết cho công cuộc giải phóng văn hóa”; “đã bồi đắp một sự thiếu thốn lớn trong chương trình hành động của Đảng các giai đoạn trước. Tính dân tộc chưa được chú trọng đúng mức mấy năm trước, từ nay đã được nêu lên hàng đầu…”. Đó là cơ sở làm cho Đề cương Văn hóa Việt Nam không những được xem là “đường đi”, là “lối thoát” cho văn nghệ sĩ đương thời, mà còn có thể cho cả lịch sử văn hóa dân tộc kể từ khi ấy!

Trong diễn văn đọc tại Lễ kỷ niệm lần thứ 40 ngày Đề cương văn hóa ra đời (1943- 1983), đồng chí Trường Chinh đã nêu rõ: “Trí thức Việt Nam không chịu nhục mất nước. Họ khao khát tự do. Với Đề cương Văn hóa Việt Nam, Đảng chỉ cho họ đâu là lối thoát. Muốn giải phóng trí thức, giải phóng toàn thể dân tộc… Và giải phóng dân tộc là giải phóng văn hóa, mở đường cho văn hóa phát triển một cách tự chủ, theo hướng tiến bộ… Đề cương văn hóa Việt Nam đã vạch rõ con đường cách mạng để giải phóng trí tuệ và văn hóa trong sự nghiệp giải phóng chung của dân tộc”. Rõ ràng, Đề cương văn hóa đã trở thành một nguồn lực cách mạng mới, với nghĩa là nó không phải chỉ là lý trí, là đường lối chủ trương chung, mà còn là tình cảm, là hành động thực tiễn, là mối dây liên kết giữa Đảng với dân tộc (đặc biệt là giới văn hóa, văn nghệ), là nét gạch nối giữa hiện tại với quá khứ và với cả tương lai…!

Theo những nhận định khách quan, Đề cương văn hóa năm 1943 đã đưa ra những dự báo chính xác, rằng: (1) Nếu “nền văn hóa phát xít (văn hóa Trung cổ và nô dịch hoá) thắng thì văn hóa dân tộc Việt Nam nghèo nàn thấp kém”; (2) Nếu “văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ của thế giới”… Thực tế cho thấy, dự báo đã từng bước trở thành hiện thực như sự khẳng định trước đây của Đề cương văn hóa.

Ba phương châm quan trọng

Đáng chú ý nhất là, xuất phát từ quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, trên cơ sở phân tích rõ tình trạng những “căn bệnh” trầm kha ở ngay trong bản thân nền văn hóa Việt Nam, khi đó Đề cương văn hóa năm 1943 đã đề ra “ba nguyên tắc vận động” với tư cách là ba phương châm quan trọng sau:

(1) Dân tộc hóa. Nội dung cơ bản là chống văn hóa nô dịch, lai căng, đua đòi, lố lăng hoặc “nhắm mắt” bắt chước, xây dựng tinh thần độc lập, tự chủ trên cơ sở nghiên cứu, giữ gìn, phát huy vốn tinh hoa văn hóa dân tộc; đồng thời phải chú ý chống chia rẽ, phân tán để tập hợp, đoàn kết, thống nhất văn hóa toàn dân tộc; ngoài ra còn phải xóa bất bình đẳng về trình độ, điều kiện hưởng thụ văn hóa giữa các tầng lớp, các vùng, miền trong cả nước; xây dựng tinh thần tự cường dân tộc, chống thứ văn hóa văn nghệ “bò sát đất”, “không đau mà rên”…

(2) Đại chúng hóa. Quần chúng nhân dân lao động, lần đầu tiên trong lịch sử văn hóa dân tộc, được xác định vừa là đối tượng vừa là chủ thể văn hóa. Bằng cái nhìn thực tế, đi thẳng vào sự thật tồn tại lâu đời trong văn hóa nước ta, không phải chỉ là theo “quan điểm lập trường giai cấp” hoặc “quan điểm quần chúng” chung chung, mà còn là do cái nhìn biện chứng, thấu đáo các quy luật phát triển của bản thân văn hóa. Tổng Bí thư Trường Chinh đã chỉ rõ: “Người ta viết, vẽ, đàn, hát, múa, xây, nặn… cốt để cho bọn quyền quý thưởng thức! Mà cũng chỉ bọn họ mới đủ tiền tài và trí tuệ thưởng thức những sản phẩm văn hóa “cao quý” trong chế độ này. Hơn nữa, người ta viết, vẽ, đàn, hát, múa, xây, nặn… để ru ngủ quần chúng, làm cho quần chúng tin theo bọn quyền quý, hoặc mê tín ở họa phúc, mong đợi ở Trời, Phật! Chính vì những lẽ ấy, nền văn hóa Việt Nam hiện nay hết sức xa đại chúng. Tính cách phản đại chúng trong văn hóa nước ta rất rõ… Văn hóa không bắt rễ thẳng ở đại chúng. Kết quả văn hóa cằn cỗi, héo hon…”.

 Đề cương văn hóa đã trở thành một nguồn lực cách mạng mới, với ý nghĩa không chỉ là lý trí, là đường lối chủ trương chung, mà còn là tình cảm, là hành động thực tiễn, là mối dây liên kết giữa Đảng với dân tộc (đặc biệt là giới văn hóa, văn nghệ), là nét gạch nối giữa hiện tại với quá khứ và với cả tương lai…!

(3) Khoa học hóa. Phải nhìn thẳng vào điểm yếu lớn nhất của văn hóa truyền thống Việt Nam đó là tính chất nông nghiệp cổ truyền ngàn đời. Đây là chỗ hạn chế cơ bản đối với yêu cầu tiếp thu nền văn hóa công nghiệp hiện đại, khai thác các thành tựu, kỹ thuật thế giới, những yêu cầu vốn đang là con đường sống còn để phát triển đất nước. Vấn đề còn đặt ra là, “khoa học” nhưng phải “thực chất” và phải mang tính “cách mạng” thực sự. Vì vậy, vấn đề đấu tranh “về học thuật, tư tưởng”, “về tông phái văn nghệ”… có ý nghĩa hết sức quan trọng…

Trong các quan điểm, đường lối chung của Đảng, đặc biệt là về văn hóa văn nghệ, “Ba nguyên tắc…” trên, qua thực tế lịch sử, ngày càng khẳng định tính khoa học sâu sắc và tầm chiến lược quan trọng của nó. Việc “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) về cơ bản là sự phát triển” “Ba nguyên tắc…” mà Đề cương văn hóa năm 1943 đã nêu. Ngoài ra, chúng ta còn phải đặc biệt chú ý rằng, Dân tộc hóa - Khoa học hóa - Đại chúng hóa đã được đề ra và thực hành theo tinh thần: “Ba nguyên tắc trên đây là ba cái khâu của sợi dây chuyền. Nó có tính cách liên hoàn. Không thể hoàn thành nhiệm vụ văn hóa vận động văn hóa mới Việt Nam nếu ta bỏ sót một nguyên tắc nào trong ba nguyên tắc ấy…”. Đây là điều cần khẳng định về những giá trị khoa học đáng trân trọng của Đề cương văn hóa năm 1943.

 Góp phần làm rõ tiến trình lịch sử văn hóa

Ai cũng phải thừa nhận rằng, qua hàng “ngàn năm văn hiến”, lịch sử văn hóa Việt Nam vẫn hằng tỏa sáng với biết bao kỳ tích vĩ đại, đặc biệt là về sự nghiệp giữ nước hết sức cam go gắn với tiến trình dựng nước đầy gian khổ.

Bản Đề cương văn hóa 1943 đã góp phần làm rõ tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam. Trên cơ sở xác định rằng, trước triều Nguyễn, “văn hóa Việt Nam có tính cách nửa phong kiến nửa nô lệ, phụ thuộc vào văn hóa Tàu” và sau đó là “văn hóa phong kiến có xu hướng tiền tư bản” hoặc nửa phong kiến, nửa tư bản và hoàn toàn có tính cách thuộc địa”, bản Đề cương đã đi đến khẳng định: “Ảnh hưởng của văn hóa phát xít làm cho tính chất phong kiến, nô dịch trong văn hóa Việt Nam mạnh lên, nhưng đồng thời chịu ảnh hưởng của văn hóa tân dân chủ, xu trào văn hóa mới của Việt Nam đang cố vượt hết mọi trở lực để nảy nở”. Đây không phải chỉ là một nhận định chủ quan, mà còn là một sự phản ánh khách quan hiện thực lịch sử.

Rõ ràng là, đỉnh cao của những “xu trào” như vậy chính là những nhân tố mới về tổ chức, như việc thành lập Hội văn hóa cứu quốc, về tư tưởng (thể hiện trong bài viết Mấy nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam… của Tổng Bí thư Trường Chinh… Điều cần nhấn mạnh là, tất cả bắt đầu gần như là đồng thời ngay sau khi Đề cương Văn hóa 1943 ra đời. Tiếp theo sau đó, “Ba nguyên tắc”: Dân tộc hóa - Khoa học hóa - Đại chúng hóa liên tục qua nhiều giai đoạn lịch sử được vận dụng trong thực tế và đã thực sự trở thành những phương châm cơ bản cho một cuộc “cách mạng văn hóa” ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về lượng lẫn về chất.

Về bề rộng, tất cả đã góp phần quan trọng đưa Cách mạng Tháng 8 đến thắng lợi, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (sau này là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam), nhà nước công nông đầu tiên của Đông Nam Á ra đời; cục diện mới của cách mạng giải phóng dân tộc (tiếp theo là cách mạng xã hội chủ nghĩa) lần đầu tiên đã mở ra và tạo ra trên đất nước ta những chuyển động toàn diện chưa từng có về chính trị, kinh tế, văn hóa. Về chiều sâu, Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng ngày càng được phát triển, hoàn chỉnh; trình độ khoa học về văn hóa (văn hóa học) cả về nghiên cứu cơ bản lẫn ứng dụng ngày càng được nâng cao; quá trình hội nhập, giao lưu và tiếp biến văn hóa của nước ta với thế giới ngày càng toàn diện và chủ động, trong một tư thế hoàn toàn mới mẻ, chưa từng có trong lịch sử… Có thể nói, lịch sử văn hóa Việt Nam chính thức mở ra những trang mới từ Đề cương Văn hóa năm 1943.

Nếu trong lịch sử, văn hóa Việt Nam từng trải qua nhiều thử thách, qua nhiều giai đoạn, với bao hoàn cảnh khó khăn để phát triển tiến lên theo những mức độ khác nhau thì những thành tựu mới đạt được của nền văn hóa ấy chỉ trong khoảng gần một thế kỷ tính đến thời điểm vào đầu thế kỷ XXI này, giai đoạn từ sau khi Đề cương văn hóa ra đời năm 1943, quả thật là sự phi thường và vô vàn ý nghĩa. Đặc biệt, trong bối cảnh lịch sử nhiều biến động và đầy phức tạp, từ những đỉnh cao thắng lợi của cách mạng Việt Nam hơn một thập kỷ qua gắn với “Chiến lược phát triển văn hóa đến 2020”, tiếp theo là “Chiến lược phát triển văn hóa đến 2030” tất cả đang và sẽ mở ra những tầm nhìn mới ngày càng sáng tỏ của văn hóa Việt Nam, hướng theo những mục tiêu chiến lược như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng đã xác định: “Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao” dựa trên nền tảng “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc…”.

Qua đó, người ta có thể khẳng định rằng, thời thế lịch sử đã tạo tiền đề cho sự ra đời của Đề cương Văn hóa, nhưng rõ ràng bản Đề cương ấy đã đáp ứng được yêu cầu của lịch sử. Giá trị lịch sử của Đề cương  văn hóa năm 1943 được tích hợp từ bối cảnh ấy và chắc chắn nó sẽ còn mãi tỏa sáng như một nguồn “nội lực” bền vững với tiến trình phát triển của tương lai văn hóa dân tộc trong thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh gắn với thời đại của Đề cương văn hóa 1943.

 

 Thời thế lịch sử đã tạo tiền đề cho sự ra đời của Đề cương văn hóa, nhưng rõ ràng bản Đề cương ấy đã đáp ứng được yêu cầu của lịch sử. Giá trị lịch sử của Đề cương văn hóa năm 1943 được tích hợp từ bối cảnh ấy và chắc chắn nó sẽ còn mãi tỏa sáng như một nguồn “nội lực” bền vững với tiến trình phát triển của tương lai văn hóa dân tộc trong thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh gắn với thời đại của Đề cương văn hóa 1943.

PGS.TS HUỲNH QUỐC THẮNG - (Trường ĐH KHXHNV, ĐH Quốc gia TP.HCM)

Ý kiến bạn đọc