Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Nâng tầm thương hiệu rượu cần của đồng bào Hrê

Chủ Nhật 05/02/2023 | 20:32 GMT+7

VHO- Anh Phạm Xuân Sang (37 tuổi) ở thị trấn Ba Tơ, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng rượu cần Hrê mang thương hiệu Green Food, với khát vọng đưa hương vị rượu cần truyền thống vươn xa.

Anh Phạm Xuân Sang (bìa trái) tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm rượu cần Hrê tại các sự kiện 

Anh Sang là người am hiểu tường tận những câu chuyện về văn hóa rượu cần của người Hrê. Nó dường như thấm sâu vào máu thịt, anh cho hay, đồng bào Hrê ở Ba Tơ có truyền thống nấu rượu cần từ lâu đời. Ngày Tết, cúng giỗ hay sinh hoạt cộng đồng, họ đều chế biến, quây quần bên ché rượu. “May mắn của tôi là có nhiều năm gắn bó, làm việc ở xã Ba Nam, huyện Ba Tơ. Tại vùng đất này, các giá trị văn hóa truyền thống của người Hrê, trong đó có công thức làm nên rượu cần vẫn còn giữ vẹn nguyên”, anh Sang chia sẻ.

Đồng bào Hrê đang chế biến men rượu cần

Với mong muốn người dân và du khách đến với Ba Tơ sẽ có một sản phẩm đặc trưng của địa phương mang về làm quà biếu cho người thân và bạn bè, anh Sang thành lập Hộ kinh doanh Green Food, cùng 4 người bạn khác là giáo viên, công chức, người làm tự do cùng nhau hợp sức, khởi nghiệp đưa rượu cần ra thị trường, phục vụ du lịch. Trước đó, cả nhóm cũng rất thành công với dịch vụ Green Camp, chuyên cho thuê đồ cắm trại, tổ chức các chuyến dã ngoại tại thảo nguyên Bùi Hui. “Năm 2019, chúng tôi làm chỉ có 50 ché thử nghiệm. Những mẻ rượu đầu tiên còn nhiều thiếu sót, không được thơm ngon nhưng cả nhóm không nản chí. Dần dà, cả nhóm cũng rút ra kinh nghiệm để nấu rượu ngon hơn. Sau này, khi mang rượu về Ba Nam mời già làng thưởng thức, ai cũng tấm tắc khen ngợi, đúng vị, chúng tôi biết rằng mình đã thành công. Cứ thế, những cái Tết sau đó, số lượng bán ra đều cao gấp nhiều lần”, anh Sang phấn khởi chia sẻ.

Hỗn hợp men để nấu rượu cần của đồng bào Hrê

Theo anh Sang, rượu cần do người dân ở đây làm ra thơm ngon và hảo hạng nhất. Điều làm nên sự khác biệt xuất phát từ một loại men tự nhiên được làm từ hỗn hợp vỏ của một rể cây (người địa phương thường gọi là cây Vlo), cùng lá trầu, củ riềng, gừng, lúa nếp rẫy trộn lẫn với nhau. Hỗn hợp này được vo thành từng bánh, đem phơi nắng trong vài ngày, cất lên giàn bếp, hong khô, tạo nên một hương vị đặc trưng riêng. Ở Ba Nam, làng nào cũng biết chế biến loại men này để nấu rượu như một nghề truyền thống. Tiêu biểu nhất là Làng Dút, đến nay vẫn còn 20 hộ dân gắn bó với công việc này thường xuyên. Tôi đã học được nghề nấu rượu cần từ chính người dân địa phương. “Rượu cần của đồng bào Hrê có hương vị nồng nàn khác biệt bởi được tạo nên từ vị đắng, vị ngọt, vị cay của cây rừng, nhờ vậy khi “hút” một cần rượu Hrê, ta nghe đâu đây hương vị núi rừng tràn về ngây ngất bờ môi, đặc biệt trong những ngày Xuân thì hương vị đó càng cô đọng hơn trong từng ché rượu khi mọi người quây quần bên nhau”, anh Sang bộc bạch.

Ống hút rượu cần được làm từ cây triêng (tiếng Hrê)

Chia sẻ bí quyết nấu rượu cần ngon, anh Sang cho hay, cơm rượu không được nấu quá chín nhưng không được quá sống. Cơm nấu xong để nguội ở một nhiệt độ nhất định, không được quá nóng nhưng cũng không quá nguội. Sau đó, lấy cơm mang ra trộn với men tự nhiên theo một tỷ lệ phù hợp, bỏ vô ché, đậy nắp kín, để lên men trong khoảng 15 - 20 ngày là sử dụng được. Khuyến cáo sử dụng ngon và đảm bảo nhất trong vòng 6 tháng. Rượu cần Hrê mang thương hiệu Green Food không chỉ để lại ấn tượng ở chất lượng thơm ngon mà từng ché rượu trao tay khách hàng là một sản phẩm chỉn chu, tinh tế. Từ ché rượu, bao bì, nhãn mác, cho đến cần vít rượu đều gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường, mang đậm nét văn hóa vùng cao. Mỗi ché có dung tích từ 4 - 8 lít, có giá từ 200 - 300 nghìn đồng. Sản phẩm hiện đã được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Rượu cần Ba Tơ”; các chứng nhận kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm…
“Ba Tơ là vùng đất có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn. Chúng tôi là những người trẻ tiên phong trong kết nối, đưa du khách về với Ba Tơ. Điều chúng tôi khát khao nhất, không chỉ xây dựng thương hiệu để khởi nghiệp làm giàu, mà mỗi ché rượu cần làm ra đều trở thành “sứ giả” truyền tải những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Hrê. Từ đó mới giúp người dân có thêm khoản thu nhập để trang trải cuộc sống”, anh Sang bày tỏ.

Các bạn trẻ, du khách thích thú khi thưởng thức rượu cần Hrê mang thương hiệu Green Food

Trong năm qua, cùng với việc phát triển sản phẩm, sự hỗ trợ của những cộng sự, anh Sang tích cực quảng bá, đưa sản phẩm ra thị trường, giới thiệu tại các hội chợ, triển lãm, các sự kiện lớn, nhỏ trong và ngoài tỉnh. Ông Thành Minh Thuận - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ba Tơ cho biết, hiện nay, đây là sản phẩm đầu tiên, duy nhất ở huyện Ba Tơ được quan tâm đầu tư, hướng dẫn hoàn thiện hơn để trở thành sản phẩm OCOP, góp phần giữ gìn những giá trị truyền thống đặc trưng của người Hrê, phát triển du lịch địa phương trong thời gian tới.

NHƯ ĐỒNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top